Sunday 27 May 2012

UYÊN THAO : THÙ HẬN LÀ THÊM NHÀ TÙ TỰ NHỐT MÌNH (Hà Giang / Người Việt)




Hà Giang/Người Việt
Thursday, May 24, 2012 7:10:02 PM

Ra mắt sách ‘Nhân Văn Giai Phẩm’ của Thụy Khuê

LTS: Nhân dịp đến Nam Cali để giới thiệu tác phẩm ra mắt cuốn sách Nhân Văn Giai Phẩm của tác giả Thụy Khuê, lúc 2 giờ chiều, Chủ Nhật ngày 27 Tháng Năm, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, nhà văn Uyên Thao, sáng lập viên nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, đã dành cho phóng viên Hà Giang cuộc phỏng vấn dưới đây.

Hà Giang (NV): Trong việc thành lập nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, ông và nhóm chủ trương có ba mục đích, là làm sao cho tiếng Việt tồn tại, ghi lại những vấn đề của đất nước mình, và mong gợi một ý thức đóng góp vào công việc chung. Theo đánh giá của ông thì mục đích nào đã đạt được kết quả khả quan, và mục đích nào khiến ông chưa hài lòng?
NV Uyên Thao: Phải thành thực mà nói là công việc của mình cũng chỉ là hạt cát thôi, chưa là cái gì cả. Có thể những cuốn sách đã xuất hiện nó nhắc nhở người ta đọc tiếng Việt, hay là giữ gìn tiếng Việt, sự thật thì tôi nghĩ dường như mình vẫn không thể giới thiệu được tầm cần thiết về sự hiện diện của tiếng Việt đối với tất cả mọi người, bất quá đây là những người người ta biết sẵn tiếng Việt rồi thì người ta đọc thế thôi .
Còn tất cả những vấn đề khác thì tôi nghĩ thực tế của đất nước mình nó như một cái khu rừng, mình chỉ ở trong một cái xó nhỏ thôi, không phản ảnh được bao nhiêu. Cái điều mà tôi nghĩ quan trọng nhất với tủ sách Tiếng Quê Hương là làm sao thúc đẩy được sự ưu tư của mọi người đến cái đau đớn của đất nước mình, thì điều đó chưa làm được.

Nhà văn Uyên Thao, hình chụp tại tòa soạn nhật báo Người Việt. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

NV: Nhắc đến việc thúc đẩy sự ưu tư của mọi người đến đất nước thì không thể không nghĩ đến quan tâm của giới trẻ, nhất là những người sinh ra ở đây. Mục đích chính của Tủ Sách Tiếng Quê Hương, là để nuôi dưỡng một ý thức nào đó cho đất nước, cho quê hương, như ông vừa nói, như vậy, nếu mình muốn đạt được thì có phải cứ phải là tiếng quê hương mới được không, hay là một thứ ngôn ngữ khác, dễ cho giới trẻ đọc và lãnh hội hơn?
NV Uyên Thao: Nếu tủ sách Tiếng Quê Hương có thể ấn hành sách bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, hay là bất cứ thứ tiếng nào thì tôi nghĩ là mình không từ chối. Vấn đề là mình không có khả năng làm tới đó. Nếu có khả năng thì điều đó chính là điều cần thiết phải làm. Chính vì vậy mà trong ý hướng của tôi, vào khoảng 2 năm nay, tôi đã tính toán là mình sẽ mở thêm một bộ phận in sách bằng tiếng Anh. Ðấy là những cái tôi đang tiến hành, nhưng mà tại vì mình có nhiều trở ngại quá, chưa vượt qua được.

NV: Sau biến cố Tháng Tư năm 1975, ông đã quyết định ở lại Việt Nam. Ông có thể nói về quyết định này cũng như những suy nghĩ của ông bây giờ, khi nhìn lại quyết định cách đây hơn 30 năm?
NV Uyên Thao: Phải nói ngay một điều là lúc đó mình dù rằng cũng ngoài 40 tuổi rồi nhưng mà mình vẫn hơi còn có vẻ bốc đồng, hay nói theo kiểu ông Ðỗ Quý Toàn vẫn nói tôi hồi đó là “Anh cứ bay ở trên mây hoài, tại sao anh cứ làm những việc đó?”
Tôi nghĩ là vào lúc mà tôi quyết định ở lại có lẽ tôi cũng đang bay ở trên mây, nhưng mà thực tế thì tôi thấy như thế này: Bạn bè của mình đi hết rồi, mà tôi thì tôi tin tưởng một điều rất chắc chắn, là người của chế độ miền Bắc, sở dĩ họ hành động quyết liệt, làm đủ hết thứ này nọ theo lệnh của đảng cộng sản, chỉ vì họ ngu họ không nhìn thấy thực tế thôi, nhưng mà khi họ bước chân vào Nam Việt Nam, thì mắt họ sẽ sáng ra, lúc đó tôi dùng từ với mọi người là họ sẽ trúng độc, và họ sẽ bắt đầu lột khỏi những cái gì của họ. Tôi nghĩ đây là lúc mà mình phải có mặt để khai thác tình trạng đó. Thì lý do ở lại của tôi nó đơn giản thôi. Tôi nghĩ là mình chưa thua, cuộc chiến chưa chấm dứt, có thế thôi, và khi nào mình đầu hàng, thì cuộc chiến sẽ chấm dứt. Còn khi nào mình chưa đầu hàng, thì cuộc chiến chưa chấm dứt, và chưa biết ai là người thắng cuối cùng đâu, và tôi không muốn ở cái thế mà mình không góp mặt trong cuộc chiến đấu đó. Thực tế thì tôi nghĩ rằng tôi đã lầm, mặc dù sự bừng tỉnh của nhiều người (miền Bắc) tôi nghĩ là có khi họ vào đến miền Nam, họ đã nhìn ra thực tế, nhưng phía miền Nam của mình không ở cái thế để tận dụng được tình thế đó. Tôi không dè là họ vào đến nơi thì họ dí súng vào lưng mình ngay, thành ra mình ở lại với dự định là sẽ làm gì, nhưng trên thực tế là mình vào tù ngay tức khắc.

NV: Sau năm 1975, ông đã phải ngồi tù một thời gian rất dài. Một điều mà nhiều người thắc mắc là không hiểu sao nhà văn Uyên Thao, sau biết bao trầm luân, vẫn giữ được sự ung dung tự tại, trung thành với chọn lựa của mình, vẫn tận tụy với chữ nghĩa. Ông có thể chia sẻ bí quyết làm sao để có thể có được thái độ như vậy?
NV Uyên Thao: Tôi vẫn nghĩ là có lẽ mỗi người sinh ra đó, thì cũng có bản chất tự nhiên của mình, cái tính bẩm sinh đó. Thì cái tính bẩm sinh của tôi có lẽ là tôi thấy mình có mặt trên đời, cái gì đến cũng được thôi, tất cả mọi chuyện nó đều ngoài ý muốn của mình, ngoài cái sắp xếp của mình, thành ra mình sẵn sàng mình chờ đợi tất cả. Những cái chuyện ở tù thì tôi quan niệm đây là một cuộc du ngoạn, tôi thường nói với mấy người bạn tù, là mấy cái thằng tỉ phú khắp nơi nó cũng không mua được cái vé du ngoạn như mình, mình sẽ đến những chỗ không ai đến được. Tôi hay nói với những người bạn bè tù chung quanh tôi thí dụ mình bị gọi ra thế rồi mình về mình hậm hực, mình thù hận, thì tôi thấy mình rất dại, mình đã ở trong một cái nhà tù rồi, mình lại tạo thêm một cái nhà tù nữa, nhà tù đó là cái sự thù hận. Cho nên tôi nói với tất cả mọi người là hãy tội nghiệp những kẻ nó đánh mình, bởi vì nó ngu nó mới xử ác như vậy. Và cảm ơn nó nữa, vì nó dậy mình nên tránh điều ác, đừng đem đau đớn đến cho người khác. Và dễ hơn mình cứ xem nó như là một trò vui thôi, thí dụ hôm nay 3 đứa nó đánh mình, 7 đứa nó đánh mình, thì mình về mình hỏi nhau rằng, hôm nay anh khiêu vũ với mấy em.

NV: Nhiều người tả về nhà văn Uyên Thao như một nhà báo dấn thân. Theo ông nhà báo dấn thân và nhà báo không dấn thân khác nhau như thế nào, hay phải nói nhà văn Uyên Thao là một người dấn thân, một người đấu tranh, chọn giấy bút làm khí cụ thì mới đúng hơn?
NV Uyên Thao: (Cười) Tôi thì tôi không biết chữ dấn thân mọi người dùng với nghĩa nào, nhưng mà tôi nghĩ có lẽ cái bước khởi đầu của tôi, nó gợi nhắc cho mọi người một cái ý nghĩ là tôi không chọn nghề báo hay nghề văn theo cái nghĩa là tạo một sự nghiệp văn chương hay sự nghiệp báo chí cho bản thân của mình, mà mình bước vào cái ngành đó, ngành văn chương báo chí vì một cái lý tưởng nào đó, mình cần đến những cái này để hỗ trợ cho cái lý tưởng đó. Lý tưởng của tôi nói ra thì nó rất kỳ cục. Tôi nghĩ là bất cứ người nào có mặt trên cuộc đời này thì cũng đều phải đóng góp với cuộc đời, vì mình đã nhận lãnh một món nợ nào đó thì mình phải trả nợ thôi thì khi tôi chọn cái bút hay tôi chọn cây súng thì cũng giống như một người khác chọn cái cầy thôi. Cầm cái cầy để có một cái thửa ruộng nó tốt đẹp, chứ không phải cầm cái cầy để là mình là thằng thợ cầy giỏi, thế thì cây súng hay cây bút với tôi là cái mình cần để có một thửa ruộng đẹp.

NV: Trở lại với chuyện chữ nghĩa, ông có nhận định gì về sinh hoạt báo chí và sách vở Việt ngữ ở hải ngoại, và có lời khuyên gì cho những người cầm bút trẻ?
NV Uyên Thao: Nhiều khi tôi có cảm tưởng tôi chưa bao giờ đặt chân đến đất Mỹ. Tôi không biết nhiều gì về sinh hoạt báo chí Việt ngữ ở đây, tất cả những ưu tư những tập trung của tôi nó vẫn dồn vào những chuyện ở trong nước, vì đấy là điều mà tôi suy nghĩ nhiều nhất, cho nên tôi khó có thể đánh giá chính xác sinh hoạt Việt ngữ ở hải ngoại. Còn nếu muốn nhắn gửi những người trẻ đang sinh hoạt ở lãnh vực chữ nghĩa thì tôi mong rằng mọi người sẽ ý thức được bổn phận của mình với đất nước của mình, và làm sao mình hoàn tất phần nào trách nhiệm của mình.

NV: Cảm ơn nhà văn Uyên Thao đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn.
___

Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com


1 comment:

View My Stats