Monday, 28 May 2012

VỀ CÁC Ý KIẾN CỦA ÔNG PHẠM QUANG TUẤN (Trương Nhân Tuấn)




Trương Nhân Tuấn
Thứ Hai, 28/05/2012

Trên mạng Bô-Xít và Dân Luận có đăng bài của ông Phạm Quang Tuấn, chỉ trích các “điểm sai” trong các bài viết của tôi đã viết “Về bản lên tiếng ủng hộ Phi Luật Tân trong vấn đề tranh chấp bãi cạn Scarborough”. Tiếc là ông này chỉ gắn những thứ mà tôi không viết, hoặc suy diễn và xuyên tạc ý nghĩa một số điểm trong bài viết của tôi.

Sau đây là 7 điểm “sai” của ông Phạm Quang Tuấn:

1/ Tôi không hề nói bãi cạn Scarborough “đủ lớn để được vùng đặc quyền kinh tế”.
Về các đảo, ở đây ghi lại cho rõ những gì tôi đã viết trong bài Tranh chấp Trung-Phi tại bãi cạn Scarborough:

4.1 Đảo Clipperton: có diện tích khoảng 6 Km², không có người ở, tọa lạc ở phía đông Thái Bình Dương, cách bờ Mễ Tây Cơ 1.120 Km, mang tên Clipperton là tên của một tên cướp biển nổi tiếng, lẩn trốn trên đảo. Năm 1858 Pháp tuyên bố chủ quyền ở đảo này. Năm 1897 Mễ chiếm đảo và tuyên bố chủ quyền. Năm 1931, Pháp đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế, được xử thắng kiện. Năm 1979 Pháp tuyên bố vùng kinh tế độc quyền ZEE và thềm lục địa cho các đảo thuộc Pháp, trong đó có Clipperton. Năm 2009, Pháp đệ trình hồ sơ thềm lục địa mở rộng cho cả đảo này và không gặp phản đối của nước nào. Đảo này chỉ là một đảo san hô, không có người ở, hoạt động kinh tế duy nhất là đánh cá.

4.2 Các đá St-Pierre và St-Paul: Đây là một tập hợp 12 đá nhỏ do núi lửa cũ cấu thành, ở phía đông Brésil. Đá cao nhất 22,5 mét. Đá lớn nhất có kích thuớc 350 mét X 200 mét, diện tích khoảng 10.000 m². Một ngọn hải đăng được dựng nơi đây. Đá này còn nhỏ hơn bất kỳ đá nào ở Trường Sa, nhưng nó được đầy đủ vùng ZEE và thềm lục địa. Năm 2004, Brésil đệ trình hồ sơ thềm lục địa mở rộng, xác định vùng biển và thềm lục địa tại hai đá này. Hồ sơ không bị bác, với 15 phiếu thuận và 2 phiếu chống.

4.3: Các đảo McDonald và Herald của Úc: Các đảo này không có người sinh sống cũng như không có hoạt động kinh tế nào. Tuy vậy đệ trình của Úc về thềm lục địa mở rộng vẫn tính hiệu lực hai đảo này.

4.4: Đảo Okinotorishima của Nhật: Đảo này thực ra là một đảo đang chìm, chỉ còn nổi lên mặt ba hòn đá nhỏ. Nhật ra sức củng cố đảo để không cho nó chìm xuống. Năm 2008, Nhật đã đệ trình hồ sơ thềm lục địa mở rộng, trong đó đảo này được tính đầy đủ hiệu lực.

Điều muốn nói các đảo trong các thí dụ trên đây đều là các đảo san hô, không có người ở, không có nền kinh tế tự túc. Nếu áp dụng đúng đắn điều 121 của luật Biển 1982 thì các đảo này không thể có vùng kinh tế độc quyền ZEE. Vậy mà nó vẫn có. (Không ai nói các đảo này lớn hay nhỏ).

Riêng đảo Okinotorishima của Nhật, hồ sơ thềm lục địa khu vực này bị Trung Quốc phản đối. Điều tôi muốn nói ở đây là đảo này vẫn được Nhật cho nó có hiệu lực như là một “đảo” thực sự.

Các đá St-Pierre và St-Paul là hai hòn đá nhỏ hơn bất kỳ các đảo tại Hoàng Sa và Trường Sa, chúng vẫn có vùng ZEE, thềm lục địa 200 hải lý. Ở đây không nói đến các đá này nó nằm ở đâu. Điều muốn nói là nó có hiệu lực “đảo” như định nghĩa của luật Biển.

Nếu các đá, đảo không người ở, không có nền kinh tế tự túc này có hiệu lực của “đảo”, tại sao các đảo ở Trường Sa, Hoàng Sa là các đảo có người ở, lại không được tính hiệu lực của đảo?

Tôi viết trong bài như thế này:
“Các thí dụ ở trên cho thấy một đảo, đá, có thể không có người sinh sống và nền kinh tế tự túc, đôi khi vẫn có hiệu lực đầy đủ về ZEE và thềm lục địa. Nếu so sánh các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thậm chí bãi cạn Scarborough với các đảo trên, đồng thời xét qua các án lệ về chủ quyền và tình trạng pháp lý của các đảo, thì các đảo Hoàng Sa, Trường Sa hay bãi cạn Scarborough có thể được xem là “lãnh thổ”. Từ đó một nước có thể chiếm hữu, có thể đòi hiệu lực về ZEE và thềm lục địa”.

Tôi không hề nói bãi cạn Scarborough “đủ lớn để được vùng đặc quyền kinh tế”. So sánh của tôi có “khập khễnh”, có “thuyết phục” hay không là tùy cách tiếp cận hay tình cảm của người đọc.

2/ Đưa sự kiện sai lạc về diện tích các đảo Trường Sa
Về câu so sánh “Đá này còn nhỏ hơn bất kỳ đá nào ở Trường Sa, nhưng nó được đầy đủ vùng ZEE và thềm lục địa”. Thực ra phải viết là “Đá này còn nhỏ hơn bất kỳ đảo nào ở Trường Sa, nhưng nó được đầy đủ vùng ZEE và thềm lục địa”. Đây là một sơ sót của tác giả.

3/ Sai lầm về quan điểm của Phi về EEZ của Scarborough Reef
Theo luật Đường cơ bản SB 2699 được Thuợng viện Phi thông qua ngày 28-1-2009, bãi cạn Scarborough được xem như là “đảo”, có hiệu lực của “đảo” (regime of islands). Nếu là đảo thì phải áp dụng luật Biển ở điều 121. Theo đó “đảo” có thể có lãnh hải 12 hải lý, có thể có thềm lục địa và vùng ZEE 200 hải lý.
Luật này theo tôi biết đến nay vẫn còn hiệu lực.
Các tuyên bố của bộ ngoại giao Phi, nếu có, sẽ không có giá trị về phương diện pháp lý. Bởi vì, chỉ có cơ quan quyền lực tối cao của Phi là Quốc hội mới có thể sữa đổi luật hay giải thích luật.

4/ Hiểu lầm thuật ngữ “Area” (Vùng) trong UNCLOS
Không hề có vấn đề “hiểu lầm thuật ngữ Area” trong bài viết của tôi. Chữ “Vùng” tiếng Việt và chữ “Area” tiếng Anh, tôi viết hoa để trong ngoặc kép:
"Area" means the seabed and ocean floor and subsoil thereof, beyond the limits of national jurisdiction;. Được dịch ra tiếng Việt là: “Vùng” là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia;
Phần trích dẫn của tôi là nguyên văn trong luật Biển 1982. Đây là điều cơ bản, sơ đẳng, ai cũng biết.

Trong khi đó tôi viết chữ “area – vùng” không viết hoa để chỉ “vùng” biển bất kỳ. Vấn đề ở đây là không hề có qui ước nào cho chữ “area - vùng” để chỉ “vùng kinh tế đặc quyền”, như trong bài ông Dương Danh Huy đã viết. Và đó là lý do có mặt của bài góp ý “Hiểu thế nào về nội dung của bản tuyên bố ủng hộ Phi Luật Tân trong tranh chấp Trung-Phi tại bãi cạn Scarborough?” của tôi.

Trong bài ông Phạm Quang Tuấn có đưa vài thí dụ thú vị: “areas of internal waters” (vùng nội thủy) và “areas falling within archipelagic waters”. Tức “area - vùng” có thể chỉ một vùng biển bất kỳ. Câu “the sovereign rights of the Philippines in the Panatag Shoal area - quyền chủ quyền của nước Cộng hòa Philippines trong khu vực Panatag Shoal” trong bản tuyên bố. từ hai thí dụ trên, thuật ngữ “quyền chủ quyền” ở đây được sinh ra từ Panatag Shoal chứ không phải sinh từ đảo Luzon.

5/ Lẫn lộn giữa “Chủ quyền”“Quyền chủ quyền”
Cũng không hề có lẫn lộn nào về “chủ quyền”“quyền chủ quyền”. Vì đây là điều cơ bản, sơ đẳng. Tôi đã phân biệt rõ trong bài viết:

"Quyền chủ quyền - sovereign rights" ở đây trước hết là quyền thuộc chủ quyền về lãnh thổ. Từ quyền chủ quyền lãnh thổ, ta có các quyền chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế... đúng như định nghĩa của Luật biển 1982 (điều 55, vùng ZEE).

“Quyền chủ quyền về lãnh thổ” ở đây tức là “la souveraineté – sovereignty”. “Các quyền chủ quyền”“sovereign rights”.
Để ý đoạn: “quyền” thuộc chủ quyền về lãnh thổ.
Chữ “quyền” ở đây là "Quyền chủ quyền - sovereign rights" . Nó thuộc về chủ quyền lãnh thổ.

Trở lại câu “the sovereign rights of the Philippines in the Panatag Shoal area - quyền chủ quyền của nước Cộng hòa Philippines trong khu vực Panatag Shoal” trong bản tuyên bố. Thuật ngữ “sovereign rights – quyền chủ quyền” ở đây được sinh ra từ việc Phi có chủ quyền ở Panatag Shoal. Chỉ khi có chủ quyền ở một vùng lãnh thổ (giáp biển) thì mới có thể có lãnh hải, vùng ZEE, thềm lục địa. Quốc gia có chủ quyền vùng lãnh thổ đó có “quyền chủ quyền - sovereign rights” về các việc khai thác, thăm dò… đúng như qui định ở điều 55 của luật Biển 1982.

6. Trích dẫn sai lạc
Không hề có việc trích dẫn sai lạc mà điều cần là phải hiểu ý trong văn cảnh đó. Tôi viết:
“Điều cần bàn, tôi đã viết trong bài phê bình, là việc “ủng hộ hoàn toàn các hành vi bảo vệ chủ quyền của Phi”.
Điều tôi muốn nói là về việc “ủng hộ” “các hành vi bảo vệ chủ quyền…” của những người ký tên. Tôi đã viết rõ trong bài viết trước, nếu trường hợp Phi (hay Trung Quốc) dùng vũ lực để bảo vệ chủ quyền thì thái độ “ủng hộ” này sẽ ra sao?

7/ Hiểu sai nghĩa từ “support”.
Không hề có việc hiểu sai. Chữ “support” sử dụng ở đây là động từ. “We fully support the sovereign rights of the Philippines in the Panatag Shoal area and the Philippines’ actions to defend her sovereign rights”.
Động từ “support” tiếng Anh có hai nghĩa tiếng Pháp: supporter và soutenir. Cả hai từ này đều có ý nghĩa gần như nhau (nâng đỡ, ủng hộ, giúp đỡ…). Dầu thế nào thì ý nghĩa của “support – supporter - soutenir” không hề là ủng hộ “miệng”.

Bài viết của ông Phạm Quang Tuấn là một hành động cụ thể về ý nghĩa của “support”. Nhưng thật tiếc, ông chỉ cố ý vạch lá tìm sâu, bươi móc những chuyện lặt vặt. Không trúng đâu vào đâu!

Kết luận:

Tôi đã không ký tên vào bản tuyên bố này, vì lý do nó không có lợi cho Việt Nam. Tôi viết bài phê bình, hy vọng nhiều người khác sẽ làm như tôi.

Nó không có lợi cho Việt Nam, vì nếu ủng hộ “quyền chủ quyền” của Phi tại bãi cạn Scarborough, là ủng hộ chủ quyền và “quyền chủ quyền” của Phi tại Scarborough trên tinh thần luật pháp của Phi. Tức theo tinh thần của luật về đường cơ bản SB 2699. Theo đó bãi cạn này có tư cách pháp lý như là một “đảo”. Mọi người nên biết, khi quốc hội Phi thông qua luật Biển 1982 vào năm 1984, nước này có những tuyên bố bảo lưu mà nhiều quốc gia phản đối. Theo đó luật Biển 1982 sẽ chỉ áp dụng nếu nó không làm tổn hại đến quyền lợi của nước Phi. Mà “quyền lợi” nước này thì làm sao định nghĩa? Tức luật SB 2699 có thể sẽ diễn giải một cách bất kỳ, theo cách có lợi nhất, bất chấp những hạn chế của luật Biển 1982.

Nó không có lợi cho Việt Nam, ngoài những bất tiện đến từ bãi cạn Scarborough, còn những bất tiện liên quan đến bộ luật SB 2699 về các đảo ở Trường Sa. Bản tuyên bố là một “déclaration unilatérale – tuyên bố đơn phương”, với những cam kết đi quá xa thẩm quyền của một nhóm nhỏ. Nó có giá trị ràng buộc về pháp lý (nếu sau này có các tranh chấp liên quan). Nội dung tuyên bố mặc nhiên chấp nhận hiệu lực của đạo luật SB 2699 tại Scarborough, là ám thị chấp nhận hiệu lực bộ luật này lên các đảo Trường Sa (mà phần lớn có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam).
Tôi biết, ông Dương Danh Huy khi đọc bài phê bình của tôi, đã “ngộ” ra các bất lợi này. Do đó ông mới rút tên ra khỏi danh sách và viết bài hy vọng sửa đổi nội dung của tuyên bố.

Nó không có lợi cho Việt Nam, ngoài các hệ quả về pháp lý, nó còn có hệ quả xấu lên tư cách và danh dự của tập thể trí thức Việt Nam. Bài viết của ông Dương Danh Huy, cùng với bài của ông Phạm Quang Tuấn, có nội dung lật ngược lại những gì mà những người đã viết bản tuyên bố ký vừa gởi cho Đại Sứ Phi còn chưa ráo mực. Bản tuyên bố đã tệ, nhưng ít ra nó thể hiện được thái độ “quân tử”, dám “chơi đẹp” của những người ký tên. Hai bài viết sau đã biến thái độ “quân tử” trở thành thái độ “quân tử nói đi nói lại”. Giúp người, người không mang ơn, lại còn bị cho là lật lọng thì không còn gì đau bằng.

Cuối cùng, bài viết “Tranh chấp Trung-Phi tại bãi cạn Scarborough” của tôi viết và đăng báo trước khi “bản tuyên bố ủng hộ” ra đời. Tức là nó “vô tội”. Ông Phạm Quang Tuấn cũng gộp chung bài này vào đây để vạch lông tìm vết! Và tôi cũng không không hiểu vì sao ông Phạm Quang Tuấn và Dương Danh Huy cố gắng gán cho các đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam một giá trị của hòn đá (chỉ có lãnh hải 12 hải lý) trong khi các nước khác, Phi, Trung Quốc… đều cho các đảo này có hiệu lực “đảo” (tức có lãnh hải, thềm lục địa và ZEE)?

Trương Nhân Tuấn

-----------------------------------------

THEO DÒNG THỜI SỰ :

Phạm Quang Tuấn   -   27-5-2012

Trương Nhân Tuấn   -   May 25, 2012 3:28 PM

Dương Danh Huy  -   25-5-2012

Trương Nhân Tuấn    -   May 21, 2012 10:35 AM

Bauxite VN  -   23-5-2012

BBC  -  21-5-2012

RFI  -   21-5-2012

Posted by basamnews on 21/05/2012
Nguồn :  Boxitvn 

Trương Nhân Tuấn   -   May 17, 2012 2:52 PM

1 comment:

View My Stats