Wednesday, 9 May 2012

TÂM SỰ của TRUNG TƯỚNG LÂM QUANG THI về NGÀY 30/4 (Hoài Hương, VOA)




Hoài Hương - VOA
Thứ Ba, 08 tháng 5 2012

Tiếp tục loạt bài xoay quanh ngày 30 tháng Tư, Câu chuyện Việt Nam do Hoài Hương phụ trách tuần này xin gửi đến quý vị quan điểm của một cựu tướng lãnh Việt nam Cộng hòa về chiến tranh Việt Nam. Trung Tướng Lâm Quang Thi, cựu Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam, cựu Tư lệnh Sư đoàn 9 Bộ Binh và Tư Lệnh Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Quân đoàn 1 tại Huế, chia sẻ những ký ức và cảm xúc của ông trên chuyến tàu định mệnh, đã đưa ông ra khỏi quê hương vào đúng ngày 30 tháng Tư năm 1975. Tướng Lâm Quang Thi là tác giả một số sách Anh ngữ nói về chiến tranh Việt Nam. Ban Việt ngữ-VOA tiếp xúc với Tướng Lâm Quang Thi, vài ngày trước lễ mừng sinh nhật thứ 80 của ông.

VOA: Thưa trước hết xin Trung Tướng cho biết ông có suy nghĩ gì về ngày 30 tháng Tư, 37 năm sau khi Sài Gòn thất thủ?

Tướng Lâm Quang Thi: “Mỗi lần 30 tháng Tư tới thì tôi lại vừa buồn vừa tức giận. Buồn vì bao nhiêu đồng bào mình phải bỏ nước ra đi, một số chết trên biển cả, và một số anh em chiến hữu của tôi thì bị Cộng sản nó bắt, tra tấn, đày đọa trong các trại tù ở Bắc Việt. Và tôi tức giận là bởi vì đồng minh của mình nó bỏ rơi mình trong những giờ phút đen tối nhất của lịch sử nước nhà.”

VOA: Thưa, như Trung Tướng nói, biết bao thảm họa đã xảy đến cho quân và dân miền Nam sau biến cố 30 tháng Tư, thì trong tư cách một tướng lãnh, Trung Tướng có cảm thấy mình có trách nhiệm nhiều hơn so với những người khác về những gì đã xảy ra?

Tướng Lâm Quang Thi: “Tôi không phải là một chánh trị gia, nhưng với tư cách một tướng lãnh đã cầm quân, tôi thấy mình có phần nào trách nhiệm cũng như tất cả các tướng lãnh khác, các chỉ huy trưởng các đại đơn vị khác cũng phải có trách nhiệm phần nào về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam.”

VOA: Thưa Trung tướng, là tác giả cuốn Autopsy: The Death of South Vietnam, phân tích sự cáo chung của miền Nam Việt Nam, xin Trung Tướng tóm tắt cho thính giả của đài chúng tôi một số nguyên do chính dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ Sàigòn?

Tướng Lâm Quang Thi: “Tôi thấy rằng sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam có 2 lý do chánh. Thứ nhất là người Mỹ họ không có một nhiệm vụ rõ ràng ấn định cho quân lực của họ, tức là cái “mission” không được định nghĩa rõ ràng. Theo tôi nghĩ, người Mỹ chỉ có 2 sự lựa chọn: thứ nhất là đi ra Bắc, tiêu diệt ý chí chiến đấu của Hà nội; hoặc là ở trong Nam thì phải có đủ kiên nhẫn để ủng hộ và yểm trợ một chánh phủ miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chiến đấu trường kỳ ở miền Nam. Nhưng mà tiếc thay người Mỹ không có cái gan để đi ra Bắc, mà lại không có sự kiên nhẫn để ở lại trong Nam. Đó là cái lý do thứ nhất. Thứ nhì là cơ quan truyền thông của Mỹ rất thiên vị, có thể nói là thiên tả, thành thử ra tất cả những gì xảy ra đều có thể bị bóp méo để chứng minh rằng cuộc chiến tranh Việt Nam không thể nào thắng bởi vì quân đội Việt Nam chiến đấu kém và tham nhũng. Cái đó là tiền đề của truyền thông Mỹ, thành thử ra tất cả những sự kiện xảy ra mà đúng vào tiền đề đó thì họ dùng. Còn nếu không đúng thì họ có thể bóp méo để chứng minh tiền đề là chiến tranh Việt Nam không thể thắng được. Chẳng hạn như Tết Mậu Thân, Việt Cộng sát hại 5, 6 ngàn người dân vô tội ở Huế mà truyền thông Mỹ không nói tới. Trong lúc đó ông Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan ông ấy hành quyết một tên đặc công cộng sản thì nó đưa lên, được Giải Pulitzer đủ thứ trò, mà họ không nói rằng anh cộng sản đó đã tàn sát bao nhiêu gia đình cảnh sát của Tướng Loan ở Chợ Lớn.”

VOA: Thưa ông, ngoài vai trò của giới truyền thông phản chiến Mỹ, ngoài vai trò của người Mỹ mà Trung Tướng cho là không định nghĩa rõ ràng cái “mission”, thì thưa Trung Tướng, cái trách nhiệm của chính phủ Việt nam Cộng hòa nằm ở chỗ nào trong sự thất bại của miền Nam?

Tướng Lâm Quang Thi: “Thành thật mà nói rằng tất cả vấn đề viện trợ quân sự cũng như là tài chánh đều do người Mỹ cung cấp. Nếu họ rút tất cả những viện trợ đó thì chúng ta không còn khả năng để chiến đấu, chẳng hạn như trong trận chiến An Lộc năm 1972, không có quân đội Mỹ nào dưới đất mà mình chỉ có sự yểm trợ bằng không lực của Hoa Kỳ mà Sư đoàn 5 bộ binh của chúng ta đã chiến đấu và đã chiến thắng 3 sư đoàn Bắc Việt. Tôi tin chắc rằng nếu tiếp tục có được sự viện trợ hỏa lực của Mỹ thì quân lực Việt nam Cộng hòa sẽ đánh bại những đơn vị thiện chiến nhất của Bắc Việt. Tới năm 1974-75 thì viện trợ Mỹ đã rút xuống chỉ còn 700 triệu đôla mà trong 700 triệu đôla đó, 400 triệu đôla được dùng để phát lương cho nhân viên Tùy viên Quân lực Hoa Kỳ -DAO (Deputy Attaché Office), mình còn có 300 triệu đôla để đánh giặc trong một năm. Trong lúc đó, Do thái trong trận Yom Kippur năm 1973, Do Thái nhận viện trợ được 2 tỉ mốt mỹ kim để đánh giặc trong 3 tuần lễ! Thành thử ra lúc đó miền Nam đạn dược, súng trường cũng thiếu, lựu đạn cũng thiếu nữa, thì làm sao mà đánh giặc được! Mình không có cách nào có thể đương đầu được với một quân đội Bắc Việt được Nga Sô và Trung Cộng viện trợ ào ạt từ năm 1974 tới 1975. ”

VOA: Vậy giới lãnh đạo chính trị của miền Nam có lệ thuộc quá đáng vào viện trợ Mỹ mà không tự lực cánh sinh được?

Tướng Lâm Quang Thi: “Tự lực cánh sinh, theo tôi cũng khó khăn là bởi vì trong lúc cộng sản Hà nội được sự viện trợ ào ạt của Nga Xô và Trung Cộng thì miền Nam Việt Nam chúng ta cần có một sự viện trợ của thế giới tự do mới có thể đương đầu được.”

VOA: Xin phép được hỏi một câu hơi có tính cách cá nhân. Thưa, được phong hàm Tướng từ thời còn rất trẻ, cuộc đời của Trung Tướng gắn liền với Quân lực Việt nam Cộng hòa, Trung Tướng có kỷ niệm nào muốn chia sẻ với Đài VOA về cuộc đời binh nghiệp của mình?

Tướng Lâm Quang Thi: “Tôi cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi không phải là cầm quân mà thực sự tôi được chỉ định làm Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Lúc bấy giờ chương trình tăng lên từ 2 năm tới 4 năm và tôi đã tranh đấu hết sức để các sĩ quan tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia được hưởng bằng cấp Cử nhân Khoa học Ứng dụng, tương đương với Trường Võ Bị West Point của Hoa Kỳ. Đó là cái niềm hãnh diện nhất của tôi trong cuộc đời binh nghiệp”

VOA: Thưa Trung Tướng, Hoài Hương xin lỗi trước nếu câu hỏi này có gợi lại cho Trung Tướng những điều đau lòng, nhưng Hoài Hương có đọc một bài viết của Andrew Lâm kể lại cảnh Trung Tướng đã vất khẩu súng riêng trên chuyến tàu lúc bỏ nước ra đi, thành ra có lẽ nhiều độc giả cũng có thắc mắc như Hoài Hương, không biết lúc đó Trung Tướng nghĩ gì và có những cảm xúc như thế nào?

Tướng Lâm Quang Thi: “Tôi rời Việt Nam ngày 30 tháng Tư trên chiếc tàu Hải Quân 2, và khi đoàn của Hải quân Việt Nam đến Phi Luật Tân thì chính phủ Phi Luật Tân không muốn thấy một Hải quân ngoại quốc tiến vào hải cảng của họ, cho nên Hải quân Việt Nam phải chuyển tất cả tàu bè lại cho Mỹ, và các sĩ quan trên tàu cũng phải mặc thường phục, trong khi tất cả những vũ khí trên tàu phải bỏ hết, thành thử tôi cũng phải tuân theo điều lệ đó. Tôi bỏ khẩu súng lục của tôi xuống biển Thái bình dương, tôi rất là, hết sức là đau lòng. Tới bây giờ mỗi lần nghĩ tới cái…cảnh đó, tôi vẫn còn thấy đau, nhất là khi mà quốc kỳ Việt Nam phải kéo xuống để kéo lá cờ Mỹ lên trước khi vào hải cảng Subic Bay của Phi Luật Tân. Thành ra cái đó là một cái kỷ niệm hết sức đau đớn đối với tôi, và tôi nghĩ cũng đau đớn đối với tất cả các tướng lãnh và các sĩ quan khác.”

VOA: Xin cám ơn Trung Tướng đã chia sẻ với thính giả của VOA những cảm xúc của mình lúc rời bỏ đất nước ra đi, thưa Trung Tướng, người tỵ nạn Việt Nam, dù lưu lạc tới nước nào cũng phải bắt đầu lại cuộc đời từ con số không, được biết Trung Tướng đã đi học lại để lấy bằng MBA ở Hoa Kỳ, vậy xin Trung Tướng kể lại những kinh nghiệm của ông trong thời gian đầu của cuộc đời tỵ nạn, và động lực nào đã thúc đẩy ông không ngừng phấn đấu?

Tướng Lâm Quang Thi: “Tôi qua đây cũng nhờ hệ thống của Trường Võ Bị West Point bởi vì giữa Trường Võ Bị Việt Nam và Trường West Point có những liên hệ hết sức là gắn bó. Chính ông Chỉ huy trưởng Trường West Point, cũng là bạn của tôi ở Việt Nam, ông đã tìm cách để cho tôi có một địa vị xứng đáng trong hệ thống ngân hàng của nước Mỹ, và vì tôi có một địa vị tốt ở Mỹ, tôi phải đi học nên tôi tiếp tục học và lấy được bằng MBA. Tôi đã làm việc hết sức chăm chỉ và có thể nói là thành công trong cuộc đời của tôi bên Mỹ.”

VOA: Thưa Trung Tướng, vào tuổi này, ông có hoài bão gì cho tương lai?

Tướng Lâm Quang Thi: “Tôi tin tưởng rằng thế nào cũng có ngày chúng ta có dịp trở lại thăm viếng một nước Việt Nam độc lập, tự do và không cộng sản. Đó là cái hoài bão cuối cùng của tôi và tôi tin chắc thế nào cũng thực hiện được.”

Thưa quý vị, vừa rồi là cuộc phỏng vấn với Trung Tướng Lâm Quang Thi, cựu Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Quốc gia Việt Nam ở Đà Lạt, từng là Tư lệnh Sư đoàn 9 Bộ Binh ở Sa Đéc và Tư Lệnh Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Quân đoàn 1 tại Huế. Tướng Lâm Quang Thi cư ngụ ở bang California và là tác giả một số sách Anh ngữ nói về chiến tranh Việt Nam, kể cả cuốn The twenty-five year century: A South Vietnamese general remembers the Indochina War to the fall of Saigon và cuốn Hell in An Lộc: The 1972 Easter Invasion and the Battle That Saved South Viet Nam, xuất bản hồi năm ngoái.

-------------------------
Tin liên hệ

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats