Saturday 12 May 2012

VĂN GIANG : AI THẮNG AI ? (Mặc Lâm - RFA)




Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2012-05-11

Vụ cưỡng chế đất của người dân Văn Giang được tỉnh Hưng Yên báo cáo lên Thủ tướng chính phủ là hoàn toàn hợp pháp và đa số người dân đã tỏ ra hợp tác ngoại trừ một thiểu số chống đối đã bị bắt giam.
Tuy nhiên, chỉ hai tuần sau mọi việc không diễn ra không đúng như lời báo cáo lạc quan này. Mặc Lâm có thêm chi tiết sau đây

Ngày 24 tháng 4 năm 2012 có lẽ là ngày đáng nhớ nhất của hơn 160 gia đình của ba xã Xuân Quan, Cửu Cao và Phụng Công khi chính quyền chính thức dùng bạo lực cưỡng chế đất đang canh tác của họ để giao lại cho dự án đô thị Ecopark.

Từ một quyết định vội vã…

Quyết định được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký vội vã vào năm 2004 khi ông Dũng còn là Phó Thủ tướng, cho phép tỉnh Hưng Yên lấy 500 héc ta của ba xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao giao cho công ty Việt Hưng để xây dựng khu đô thị Ecopark và từ đó đến nay đã có rất nhiều tranh chấp giữa người dân và chính quyền tỉnh Hưng Yên.

Vụ cưỡng chế được cả nước theo dõi trên phương tiện Internet qua các trang blog và tin tức của báo đài nước ngoài. Người dân Văn Giang hợp sức nhau lại trước một lực lượng hùng hậu chưa từng có từ trước tời nay trong các vụ cưỡng chế của nhà nước. Các video clip tung lên mạng cho thấy sự bạo hành của lực lượng cưỡng chế đã vượt quá sự tưởng tượng của người dân khi công an viên, dân phòng, cảnh sát cơ động thi nhau dùng dùi cui tấn công cật lực vào những người dân tay không tấc sắt.


Hàng ngàn công an, cảnh sát cơ động, bộ đội được huy động đến xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm 24-04-2012 để cưỡng chế 70 hecta đất xây dựng khu đô thị Ecopark. Citizen photo

Dĩ nhiên với lực lượng hùng hậu hàng ngàn nhân viên như thế thì hơn 1.000 dân Văn Giang không thể chống đỡ. Họ trở về nhà với lòng căm phẫn và ngọn sóng bất mãn ấy vẫn âm ỉ trong cộng đồng những người dân mất đất này.

…tới sự phấn khởi giả tạo

Tỉnh Hưng Yên phấn khởi vì đã dẹp được cơn phẫn nộ của người dân mất đất. Nhiều lãnh đạo cao cấp của tỉnh tỏ ra hài lòng với cuộc tấn công do họ chỉ huy và cho rằng bạo lực cách mạng đã khiến những người dân cứng đầu phải chịu thua sức mạnh của chính quyền.

Thế nhưng sự thật lại khác hẳn những phấn khởi giả tạo mà chính quyền Hưng Yên cố tạo ra hầu che mắt những ai còn tin vào giải pháp bạo lực. Hai tuần sau cưỡng chế, một video clip trên mạng cho thấy trong số những người bị đánh dã man ấy có hai nhà báo của Đài Tiếng Nói Việt Nam. Họ bị đánh như kẻ thủ và quan trọng hơn hết chính ông Nguyễn Khắc Hòa phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên cho rằng video clip này là giả mạo do bọn phản động nước ngoài cố tình bôi nhọ chính quyền.

Còn người dân Văn Giang thì sao? Trở về nhà với hai bàn tay trắng cùng những vết thương nặng nhẹ trên mình có làm cho họ sợ hãi và quên đi phần đất do ông bà để lại từ bao đời nay hay không?

ý nghĩa từ những bụi chuối, thanh tre

Câu hỏi này đã được chính người dân 3 xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao trả lời một cách hùng hồn vào hai ngày 9 và 10 tháng 5.

Hàng trăm bà con nông dân lũ lượt kéo nhau ra đồng, nơi đã xảy ra cưỡng chế. Một nông dân đang có mặt tại chỗ cho biết:
Trong hai ngày 9 và 10-5-2012, bà con 3 xã Xuân Quan, Cửu Cao, Phụng Công đã cùng nhau ra rào lại phần ruộng của mình bị phá tan hoang hôm 24-4-2012. Blog nguyenxuandien
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/van-giang-who-wins-who-loses-05112012091733.html/van-giang-aftermat-1-260.jpg
Có hai xã bạn sang giúp. Bà con trồng chuối và rào hàng rào lại. Cả hai xã bạn cộng chung lại vào khoảng hơn năm sáu trăm người.

Trên tay họ là những cây chuối con, những thanh tre đã được chặt thành đoạn dùng làm hàng rào. Họ tập trung đúng vào mảnh đất của họ mà hai tuần trước chính quyền xông vào đập phá không thương tiếc. Đất vẫn còn đó mặc dù tất cả hoa mầu đã bị giày xéo, hư hại hay mất trắng. Người dân Văn Giang vẫn kiên trì cặm cụi với các loại vật dụng thô sơ trên tay. Họ đứng trên mảnh đất của mình và bắt đầu làm lại những gì mà nhà nước lấy đi trước đó.

Một người dân Văn Giang cho biết:
Nói chung hiện nay nhân dân chúng tôi rào lại số đất mà chưa thực hiện đúng quy trình do đó chúng tôi rào lại đất để canh tác. Theo cụ Hồ nói thì nhà nông phải có ruộng đất có con trâu để cày bừa còn công nhân thì phải có nhà máy. Chúng tôi là nhà nông thì chúng tôi phải có đất để sinh sống.

Trên trang blog của TS Nguyễn Xuân Diện có đầy đủ hình ảnh cuộc ra đồng đầy xúc động của bà con Văn Giang. Những hình ảnh này cho thấy sự thất bại rõ ràng của nhà nước khi quyết định dùng bạo lực để khống chế người dân. Người dân sẽ rút lui khi không chịu nỗi sức mạnh, nhưng họ không nhượng bộ và sẽ quay lại vì chính quyền không thể cắm dùi mãi nơi những vùng vừa cưỡng chế.

Một chị nông dân của Xuân Quan cho biết tình hình sau khi cưỡng chế:
Nói chung là sau khi nó cưỡng chế ở Xuân Quan đấy thì Cửu Cao và Phụng Công họ họp đảng viên lại và vẫn đưa ra cái giọng bắt ép dân và dọa sẽ cưỡng chế tiếp ở Cửu Cao nữa; vẫn cái hình thức là muốn ăn cướp nữa. Người dân chúng tôi kể cả mất đất chứ không bao giờ bán đất cho bọn chúng nó. Như ở Xuân Quan bây giờ dân người ta những nhà bị cưỡng chế người ta mang rào ra rào lại đất và mang cây đến để trồng rồi. Đất người ta chưa lấy tiền thì người ta phải làm thế chứ sao.

Hai hình ảnh, một vấn đề

Hình ảnh cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại đã được lập lại. Nó giống vô cùng khi thực dân Pháp càn quét các khu vực có Việt Minh và sau khi quân Pháp rút đi thì người dân lại kiên trì bám đất, bám làng vừa kiếm sống vừa cung cấp lương thực, con người cho cách mạng đánh Pháp.

Lần này là cuộc chiến giữ đất của Văn Giang. Cuộc chiến không cân sức nhưng muốn chiến thắng như cách chính quyền theo đuổi thì thật không phải là chuyện dễ dàng, nhất là trong tình hình thông tin toàn cầu như ngày nay. Người dân Văn Giang có đầy đủ điều kiện để theo đuổi cuộc chiến đấu mà họ chọn. Thứ nhất, họ có chính nghĩa. Thứ hai họ có hậu thuẫn của toàn dân. Thứ ba họ biết rằng nhà nước không thể bước qua ngưỡng cửa của một cuộc chiến có đổ máu nếu họ tiếp tục kiên trì giành lại công lý.

Một người dân thẳng thắng cho biết sẽ không chùn bước trước hành trình tìm công lý này:
Chúng tôi chiến đấu đến cùng bằng mọi cách đến khi chính phủ giải quyết cho chúng tôi bằng được thì thôi. Thử hỏi người dân không có đất thì họ sống bằng gì? Đi ăn mày à?

Mầm sống của những bụi chuối đơn sơ được trồng vào ngày hôm nay nếu bị chính quyền tiếp tục cưỡng chế, chà đạp thì người dân Văn Giang lại càng có thêm chân lý. Sức mạnh của chính quyền không thể đủ dài để chống lại thách thức của người dân khi họ chỉ làm những động tác hết sức thuần nông nhưng suy cho cùng lại tràn đầy sức mạnh.

Cho tới giờ phút này thì chính quyền tỉnh Hưng Yên hoàn toàn thụ động. Thiếu tướng Trần Huy Ngạn, Giám đốc công an của Tỉnh đã phải thú nhận việc công an tấn công hai nhà báo của Đài Tiếng Nói Việt Nam là hành động không thể chấp nhận. Việc nhận lỗi này cho thấy báo chí dòng chính không hề tiếp tay cho chính quyền Hưng Yên, và vì vậy người dân có quyền hy vọng rằng tiếng nói của báo chí cũng sẽ được cất lên như vụ Tiên Lãng trước đây, mặc dù có sự sợ hãi vô hình đang treo lơ lững trên rất nhiều tờ báo.

Bên cạnh đó UBND tỉnh Hưng Yên đang còn phải đối phó với rất nhiều vấn nạn sau khi cuộc tấn công kết thúc. Họ phải trả lời một cách thật thà hơn với chính phủ, đó là chưa kể có khả năng phải trả lời trước phiên họp Quốc hội sắp tới đối với hành động đi ngược lại hoàn toàn tôn chỉ mà đảng Cộng sản đã theo, hay ít ra là đã nêu lên trong hai cuộc chiến tranh giữ nước.

Những chữ ký nói lên điều gì?

Không thể không nhắc tới một thực thể khác đang cật lực đứng bên người dân Văn Giang để đánh động dư luận và kêu gọi sự tỉnh táo của chính quyền, đó là cuộc vận động chữ ký do trang mạng Bauxite Việt Nam thực hiện trong vài ngày qua.

Hơn ba ngàn chữ ký của mọi thành phần xã hội trong đó có cả người dân Văn Giang trong “Tuyên bố về việc cưỡng chế giải tỏa đất đai Văn Giang bằng vũ lực”. Bên cạnh đó là một danh sách thu thập chữ ký của trí thức khắp thế giới gửi cho tập đoàn Savills, đơn vị có dính líu ít nhiều trong việc đầu tư của Ecopark.

Người ta có thể tranh cãi về tính hiệu quả của hai bảng thu thập chữ ký này nhưng không ai có thể phủ định được sự nóng lòng của hàng ngàn người Việt trong và ngoài nước trước việc đồng bào mình bị chà đạp do một chính sách lầm lạc và bị khống chế, lạm dụng bởi những con sâu tham nhũng, núp bóng dưới một quyết định mờ ám bởi tính pháp lý còn phải được xét lại.

Người dân Văn Giang không hề đơn độc như chính quyền đánh giá. Nếu trong cuộc chiến tranh giữ nước, nhân dân được đẩy lên phía trước bằng những khẩu hiệu đòi lại công lý từ tay thực dân, đế quốc thì cuộc chiến hiện tại người dân Văn Giang đang được đồng bào mình cùng sát vai phía trước, hay ngang hàng để bằng mọi cách có thể giúp họ khẳng định rằng đất đai luôn là máu thịt của người Việt Nam từ bao đời nay.

Và sự chọn lựa bảo vệ máu thịt của chính mình là một chọn lựa không thể nào tranh cãi.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

-----------------------------------------


HÌNH & VIDEO : Nông dân Văn Giang ra rào lại ruộng của mình

Video:





No comments:

Post a Comment

View My Stats