Nam
Nguyên, phóng viên RFA
2012-05-11
Bức tường im lặng về
vụ cưỡng chế Văn Giang đã được phá vỡ, báo chí từ chỗ đứng bên lề nay nhập cuộc
với nhiều khía cạnh của vụ cưỡng chế, đặc biệt là vụ công an sắc phục đánh hội
đồng hai nhà báo.
Lời nói dối hào nhoáng
Tuy chậm đến hai tuần sau ngày cưỡng chế, nhưng báo chí lề phải đang làm cho chính quyền Hưng Yên bối rối, các quan chức tỉnh này tiếp tục phạm sai lầm trong cách phản ứng và cũng đã có những phát ngôn ngớ ngẩn, tương tự như quan chức Hải Phòng đã hành xử sau vụ Tiên Lãng.
Ngày 2/5 hơn 1 tuần sau vụ cưỡng chế 24/4 ở Văn Giang, ông Nguyễn Khắc Hào phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Hội nghị trực tuyến là lực lượng cưỡng chế 1.000 người đã thực hiện tốt các phương án đề ra, đảm bảo an toàn không ai bị thương. Ông Hào còn khẳng định video clip ghi lại hình ảnh nhiều người bị công an sắc phục và nhân viên thường phục đánh hội đồng là dàn dựng giả mạo để vu khống bôi nhọ chính quyền.
Như thế chính quyền tỉnh Hưng Yên qua ông Nguyễn Khắc Hào đã nói dối Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì bên cạnh những người dân mất đất bị tấn công, còn có hai nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam VOV bị đánh đập thô bạo gây thương tích dù đã trình bày là nhà báo được cử đi làm nhiệm vụ. Đó là ông Nguyễn Ngọc Năm, trưởng phòng phóng viên Thời sự Chính trị, kinh tế và phóng viên Hán Phi Long.
Nhà báo Phạm Đình Trọng nguyên trưởng đại diện báo Quân Đội Nhân Dân tại TP.HCM nói với Mặc Lâm Đài ACTD:
“Theo tôi thì hai anh đều là công cụ. Anh công an là công cụ bạo lực của nhà nước, còn anh nhà báo là công cụ tư tưởng của nhà nước. Anh công an, công cụ bạo lực sử dụng trong trường hợp này rất sai bởi vì dùng công cụ bạo lực nhà nước để chống lại nhân dân. Nhân dân người ta đứng lên bảo vệ quyền lợi chính đáng của người ta thì nhà nước dùng công cụ bạo lực này để chống lại nhân dân, đàn áp nhân dân. Rõ ràng là hung hăng quá. Anh coi tất cả mọi người là đối tượng là kẻ thù!”
16 ngày sau khi sự kiện xảy ra, VOV mới chính thức xác nhận vụ việc và tải lên mạng vào sáng 10/5. Theo đó, ông Nguyễn Ngọc Năm đã bị còng tay, áp giải về trụ sở Viện kiểm sát huyện Văn Giang, tạm giữ gần 8 tiếng, lấy lời khai và viết tường trình từ 9g45 đến 17g15 ngày 24/4. Vẫn theo bản tin của VOV, phóng viên Hán Phi Long sau khi bị đánh gây thương tích cũng đến trụ sở Công an huyện Văn Giang tường trình vụ việc. Vào tối 24/4 hai nhà báo này đã có đơn đề nghị Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên giải quyết. Đài Tiếng Nói Việt Nam đã gởi công văn chính thức đến Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin-Truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam, UBND tỉnh Hưng Yên, đề nghị cùng phối hợp làm rõ và xử lý minh bạch, dứt điểm, thông báo công khai kết quả với công luận.
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 9/5, Văn phòng Chủ tịch nước và đại diện Hội Nhà báo đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên về vụ hai nhà báo VOV bị hành hung. Hội Nhà báo đề nghị lãnh đạo tỉnh làm rõ thông tin hai nhà báo này bị lực lượng cưỡng chế đánh gây thương tích, còng tay áp giải, tạm giữ trong ngày 24/4. Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam Hà Kim Chi cho rằng đây là vụ việc mà dư luận trong ngoài nước rất quan tâm.
Cùng với báo cáo sai sự thật của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào tại hội nghị trực tuyến 2/5, đến ngày 9/5 ông Bùi Huy Thanh chánh văn phòng kiêm người phát ngôn cho UBND tỉnh Hưng Yên nói trong cuộc họp báo là “chưa có bằng chứng hay nhân chứng khẳng định 2 nhà báo VOV chính là 2 người bị đánh trong clip đang phát tán trên mạng.” Báo Người Lao Động Online khi đưa tin này đã đặt tựa bài là “Phát ngôn gây sốc của ‘quan’ Hưng Yên”.
Sự thật được phơi bày
Ngày 10/5, trong hành động hiếm thấy Tuổi Trẻ Online đưa clip lực lượng cưỡng chế Văn Giang đánh nhà báo lên trang mạng của mình lồng vào bài phỏng vấn dạn hỏi đáp với nạn nhân bị đánh là nhà báo Nguyễn Ngọc Năm 42 tuổi, trưởng phòng phóng viên thời sự, chính trị, kinh tế của Đài Tiếng Nói Việt Nam.
Trong cuộc phỏng vấn, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm nói rằng trong 15 năm hành nghề và từng đi tới nhiều điểm nóng trong ngoài nước nhưng anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ rơi vào tình cảnh bị đánh như ở xã Xuân Quan hôm 24/4. Theo lời anh Nguyễn Ngọc Năm, trong khi quan sát tình hình cưỡng chế, hàng chục người gồm cả công an đánh phóng viên Hán Phi Long bằng dùi cui, vụt vào mặt và đầu. Thấy đồng nghiệp bị đánh hội đồng, ôm bụng gục xuống, anh Năm đã chạy sang và hét lên nhiều lần:
“ Chúng tôi là nhà báo, chúng tôi ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Sao các anh lại đánh nhà báo? Không được đánh, chúng tôi là nhà báo. Họ buông Long và quay lại đánh tôi (như trong clip) và còng tay, mặc cho tôi ra sức thanh minh tôi là nhà báo. Nhưng cũng may, trong lúc họ tập trung đánh tôi thì anh Long kịp chạy thoát và được người dân đưa ra trạm y tế cấp cứu.” Chúng tôi vừa đọc nguyên văn lời nhà báo Nguyễn Ngọc Năm trả lời Báo Tuổi Trẻ Online.
Về phần mình nhà báo Hán Phi Long 33 tuổi, được Đất Việt Online trích lời hôm 9/5 nói rằng, bị đánh máu chảy đầy mặt, trạm y tế xác định anh bị rách môi ngoài, dập môi trong, vùng mặt phù nề với kích thước 4X4cm, ngực phải đau tức. Nhà báo Hán Phi Long đã phải nghỉ việc 2 tuần để điều trị và mới đi làm lại ngày 7/5. Theo Đất Việt Online cả hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long đều khẳng định clip video trên mạng phản ánh đúng những gì đã xảy ra cho hai người vào sáng 24/4, không có sự dàn dựng hay giả tạo nào cả.
Tuy muộn màng nhưng vụ hai nhà báo bị bạo hành trong vụ Văn Giang đã đầy đủ tính xác thực. Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm là một cấp chỉ huy của Đài Tiếng nói Việt Nam, một công chức và cũng là một Đảng viên Cộng sản, việc ông xác nhận mình và đồng nghiệp Hán Phi Long chính là người bị đánh hội đồng và được truyền thông báo chí phổ biến đồng loạt, khiến chính quyền Hưng Yên không thể tiếp tục nói dối được nữa.
Theo VietnamNet lúc 14g30 chiều 10/5, Thiếu tướng Trần Huy Ngạn, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã đến trụ sở Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) để làm việc với lãnh đạo Đài về vụ việc. Đọc bài tường thuật chúng tôi thấy rằng, Giám đốc Công an Hưng Yên không nói lời xin lỗi chính thức, nhưng lại xin lãnh đạo Đài TNVN và hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long hết sức thông cảm. Tướng Ngạn cho biết trong số 1.000 người tham gia vụ cưỡng chế có công an của tỉnh, huyện và xã một số công an của Bộ và dân phòng. Tướng Ngạn cam kết sẽ làm rõ và xử lý nghiêm trong thời gian sớm nhất những người hành hung bắt giữ 2 phóng viên VOV.
Mặc dù hai nhà báo VOV xác nhận họ bị hàng chục người đánh hội đồng trong đó có công an mặc cảnh phục và nhân viên thường phục, clip video mà Tuổi Trẻ đưa lên trang mạng của mình thể hiện rất rõ sự kiện này, nhưng chiều 10/5 VietnamNet đưa tin chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh nói là đã có đủ cơ sở để khẳng định người cầm gậy hành hung phóng viên VOV là lực lượng dân phòng. Xin nhắc rằng ông Bùi Huy Thanh là một trong hai nhân vật được báo Người Lao Động Online gọi là quan chức Hưng Yên phát biểu gây sốc.
Giống như có một tín hiệu được phát ra, báo chí Việt Nam vào cuộc vụ Văn Giang tuy chậm hai tuần nhưng cũng khá rầm rộ, hầu như các báo điện tử đều có bài hoặc trích lại bài của đồng nghiệp. Bên cạnh vụ bạo hành và bắt giam nhà báo quan sát vụ cưỡng chế, báo điện tử Pháp Luật TP.HCM có hẳn một loạt bài được người đọc quan tâm và nhiều báo khác đăng lại. Những câu hỏi đặt ra đó là người dân sẽ sống bằng gì sau cưỡng chế. Tờ báo đi tìm câu trả lời từ GSTS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu quốc hội hiện sống và làm việc ở Hà Nội. Nhà trí thức này đưa ra một phép so sánh đơn giản: “Đền bù cho người ta chỉ hơn 100.000 đồng một mét vuông, nghĩa là mua được vài lít xăng hoặc ba bát phở. 1 mét vuông đất nông nghiệp, kết quả tích tụ của hàng bao nhiêu năm, lại là cái người nông dân phải đổ ra bao nhiêu mồ hôi nứơc mắt mới có được chưa tính đến chuyện trong đó có cả thành quả cách mạng chia cho người ta nữa, mà giờ trả quá rẻ mạt. Làm sao người ta sống được.”
Chúng tôi xin trích lời GSTS Nguyễn Minh Thuyết phát biểu với Đài ACTD khi vụ cưỡng chế Văn Giang mới diễn ra:
“Nếu
như ở Văn Giang đền bù cho người dân chỉ một trăm nghìn đồng một mét vuông thì
người ta cầm đồng tiền ấy người ta sống thế nào? Trong khi chỉ cần mấy sào
ruộng thì đến đời cháu, đời chắt, đời chít người ta vẫn có thể sống được. Khi
có nhu cầu phải thu hồi đất đai thì cần phải có sự thỏa thuận với người dân để
sao cho sự đền bù thỏa đáng và cũng phải đảm bảo đời sống của người dân sau khi
thu hồi đất. Như thế mới thực sự phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi của người
dân.”
Đa số các nhân vật mà Pháp Luật TP.HCM Online thu thập ý kiến đều chung quan điểm là dù với luật đất đai hiện hành còn nhiều bất cập nhưng trong mọi trường hợp, thu hồi đất không thể để người dân chịu thiệt. Ông Nguyễn Minh Nhị nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói khi thu hồi đất để phục vụ dự án sinh lời thì nhà đầu tư phải thương lượng với dân. GSTS Võ Tòng Xuân hiệu trưởng trường Đại Học Tân Tạo Long An nhận định rằng làm chính quyền ai cũng muốn có một khu đô thị qui mô và mục tiêu là mở ra văn minh cho đất nước. Tuy nhiên ông thắc mắc là tại sao chính quyền Hưng Yên lại chọn vùng đất đó mà không chọn vùng đất khác. Nếu chọn tại đó thì nhà đầu tư phải thỏa thuận giá với dân không cần phải thông qua Nhà nước. Mà nếu nhà đầu tư đến thương lượng với dân thì chẳng xảy ra chuyện gì.
Theo GSTS Võ Tòng Xuân nên sửa Luật Đất Đai sao cho người dân đang sử dụng đất có cái quyền cao hơn , thể hiện tinh thần dân chủ nhiều hơn. Chứ lâu nay cái gì cũng của Nhà nước hết rồi bắt dân phải chịu thiệt. Ông hy vọng luật đất đai được sửa đổi lần này sẽ tốt… mà hễ đã có luật thì cán bộ nhà nước phải theo luật. Khi đó không còn nhiều vụ cưỡng chế thu hồi đất như lâu nay nữa.
Đa số các nhân vật mà Pháp Luật TP.HCM Online thu thập ý kiến đều chung quan điểm là dù với luật đất đai hiện hành còn nhiều bất cập nhưng trong mọi trường hợp, thu hồi đất không thể để người dân chịu thiệt. Ông Nguyễn Minh Nhị nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói khi thu hồi đất để phục vụ dự án sinh lời thì nhà đầu tư phải thương lượng với dân. GSTS Võ Tòng Xuân hiệu trưởng trường Đại Học Tân Tạo Long An nhận định rằng làm chính quyền ai cũng muốn có một khu đô thị qui mô và mục tiêu là mở ra văn minh cho đất nước. Tuy nhiên ông thắc mắc là tại sao chính quyền Hưng Yên lại chọn vùng đất đó mà không chọn vùng đất khác. Nếu chọn tại đó thì nhà đầu tư phải thỏa thuận giá với dân không cần phải thông qua Nhà nước. Mà nếu nhà đầu tư đến thương lượng với dân thì chẳng xảy ra chuyện gì.
Theo GSTS Võ Tòng Xuân nên sửa Luật Đất Đai sao cho người dân đang sử dụng đất có cái quyền cao hơn , thể hiện tinh thần dân chủ nhiều hơn. Chứ lâu nay cái gì cũng của Nhà nước hết rồi bắt dân phải chịu thiệt. Ông hy vọng luật đất đai được sửa đổi lần này sẽ tốt… mà hễ đã có luật thì cán bộ nhà nước phải theo luật. Khi đó không còn nhiều vụ cưỡng chế thu hồi đất như lâu nay nữa.
Copyright
© 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
------------------------------------
No comments:
Post a Comment