ABC Radio Australia
15 May 2012, 13:56 AEST
Philippines và Trung Quốc cùng đưa ra lệnh cấm đánh
bắt hải sản tại Biển Đông, nơi căng thẳng về lãnh thổ giữa hai nước hiện đang
tiếp tục giằng dai.
Tổng thống Benigno Aquino hoan nghênh việc tạo cơ
hội phục hồi cho các ngư trường ở Biển Đông. (Credit: ABC)
Trung Quốc đã công bố lệnh cấm
hằng năm mà họ nói rằng nhằm hạn chế tình trạng đánh bắt tràn lan. Lệnh cấm có
hiệu lực từ 16/5 đến 1/8 này bao gồm cả các vùng biển xung quanh bãi cạn
Scarborough hiện đang tranh chấp.
Trong khi đó, hôm thứ Hai
(14/5), Philippines đã bác bỏ biện pháp này của Trung Quốc với lý do các vùng
nước trên thuộc chủ quyền của mình.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng
Philippines Albert del Rosario cho biết Tổng thống Benigno Aquino hoan nghênh
việc tạo cơ hội phục hồi cho các ngư trường và rằng Philippines sẽ ban hành
lệnh cấm của riêng mình.
"Chúng tôi không công
nhận lệnh cấm của Trung Quốc vì nhiều phần của lệnh cấm này xâm phạm đến Vùng
Đặc quyền Kinh tế của chúng tôi", ông del Rosario nói trong một thông báo.
"Tuy nhiên, Tổng thống đã
quyết định rằng, trước hiện trạng các nguồn hải sản ngày càng suy kiệt, chúng
tôi cần ban hành lệnh cấm của mình trong một thời gian để các ngư trường phục
hồi".
Tình trạng căng thẳng giằng
dai tại bãi cạn Scarborough bắt đầu khi Trung Quốc cản trở phía Philippines bắt
giữ ngư dân Trung Quốc bị cáo buộc đánh bắt các loài hải sản được chính phủ
Philippines bảo vệ tại khu vực này hôm 8/4.
Hai nước đều điều các tàu phi
quân sự tới bãi cạn nhằm khẳng định chủ quyền của mình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Philippines Raul Hernandez nói rằng hiện lệnh cấm của Philippines chưa xác định
chính xác thời gian và khu vực có hiệu lực.
Nhưng ông Raul nói thêm rằng
các tàu của Philippines sẽ tiếp tục hiện diện tại bãi cạn, nơi chỉ cách đảo
Luzon của Philippines khoảng 230 km.
Trung Quốc, nước tuyên bố chủ
quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, nói rằng họ đã ban hành lệnh cấm thường
niên kể từ năm 1999 nhằm bảo vệ “tài nguyên sinh vật biển".
Việt Nam cũng có tuyên bố chủ
quyền một phần Biển Đông và từng nhiều lần lên tiếng rằng lệnh cấm của Trung
Quốc vi phạm Khu vực Đặc quyền Kinh tế của mình.
Ảnh
hưởng kinh tế
Cũng hôm thứ Hai, phía
Philippines cho biết sẽ mất khoảng 2.000 khách du lịch Trung Quốc mỗi năm do
tình trạng căng thẳng sau khi các công ty lữ hành Trung Quốc hủy các chương
trình du lịch.
Thứ trưởng Du lịch Philippines
Maria Victoria Jasmin nói rằng các nhóm du khách đã đặt tour trong tháng 5 đều
đã bị hủy theo yêu cầu của các cơ quan du lịch Trung Quốc.
"Ảnh hưởng thấy ngay
nhưng chúng tôi hy vọng chỉ là tạm thời", bà Maria nói.
Trung Quốc là thị trường du
lịch lớn thứ tư của Philippines. Trung bình, một du khách Trung Quốc thường lưu
trú tại Philippines 3 ngày và tiêu khoảng 100-200 đô-la mỗi ngày.
Bên cạnh đó, theo báo chí
Manila, hàng tấn hoa quả xuất khẩu của Philippines đang bị thối tại các cảng ở
Trung Quốc.
Cục trưởng Cục Công nghiệp Cây
trồng Philippines Clarito Barron xác nhận rằng các lô hàng hoa quả xuất khẩu
của Philippines đang chịu sự kiểm tra gắt gao hơn tại Trung Quốc.
Các quan chức kiểm dịch Trung
Quốc thông báo với phía Philippines rằng tất cả chuối xuất khẩu của nước này sẽ
bị kiểm tra trước khi thông quan sau khi phía Trung Quốc cho biết tìm thấy dấu
hiệu côn trùng trong một lô hàng hồi tháng Ba.
Các biện pháp kiểm dịch ngặt
nghèo được mở rộng sang cả sản phẩm dứa và đu đủ sau khi giới chức Trung Quốc
tuyên bố tìm thấy mầm bệnh trong một lô hàng ngày 2/5.
Ông Stephen Antig, Chủ tịch
một hiệp hội của 18 doanh nghiệp trồng chuối, được trích lời nói rằng họ đã bị
thua lỗ 236.000 đô-la Mỹ do chuối bị hư hỏng sau ba ngày.
Năm ngoái, Trung Quốc, nhập
khẩu 300.000 tấn chuối từ Philippines với trị giá 60 triệu đô-la.
No comments:
Post a Comment