Tuesday, 15 May 2012

OBAMA CÂN BẰNG LẠI VỚI TRUNG QUỐC (Nguyễn Huy dịch từ Wall Street Journal)




Tác giả: Nguyễn Huy dịch theo wsj
Bài đã được xuất bản.: 14/05/2012 02:00 GMT+7

Chính quyền của ông cuối cùng đang thực hiện một quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh sau nhiều năm cố gắng hợp tác một cách vô ích.

Có vẻ là khiếm nhã cho Ngoại trưởng Hillary Clinton khi vội vã đến Trung Quốc chỉ vài phút sau lúc kết thúc tiệc tối với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tại Washington vào một ngày thứ hai. Nhưng các quan chức Nhật và những người khác ở châu Á, nên cảm thấy sự an ủi từ lịch trình đi lại của bà Clinton.

Sau khi tái khẳng định vai trò trung tâm của liên minh Mỹ - Nhật trong chính sách an ninh của Mỹ tại châu Á, chính quyền của Tổng thống Obama lại vội vã chuẩn bị cho những cuộc gặp khó khăn ở Bắc Kinh giữa các bộ trưởng ngoại giao và ngân khố với những người đồng nhiệm Trung Quốc. Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, chính quyền của Obama đang bắt đầu cân bằng lại các mối quan hệ châu Á của Mỹ theo cách xa rời Trung Quốc và hướng tới những đối tác cũ.

Và lúc bà Clinton cùng các quan chức Mỹ đã ở Bắc Kinh, thì quan hệ Mỹ - Trung đang ở giai đoạn có thể nói là khởi đầu cho một khả năng bất ổn. Những tuyên bố thể hiện sự thay đổi đối với Trung Quốc bắt đầu từ 18 tháng trước, khi trong một hội nghị an ninh khu vực, Ngoại trưởng Clinton đã chính thức đưa Mỹ vào cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Bà tuyên bố Mỹ có một lợi ích quốc gia trong việc bảo vệ tự do hàng hải và thương mại không cản trở tại vùng biển quan trọng này.

Tổng thống Obama đã tăng gấp đôi sức nặng của quan điểm ấy vào năm ngoái, khi tuyên bố Mỹ "xoay trục" về châu Á, rằng nơi đây sẽ chứng kiến sự gia tăng các lực lượng Mỹ được triển khai khắp khu vực bao gồm cả 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ tại Darwin, Australia cũng như hàng loạt tàu chiến mới của Mỹ ở Singapore.

Trong khi các động thái này khiến Bắc Kinh lúng túng, thì những sự kiện xảy ra gần đây càng khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc bối rối hơn. Lần đầu tiên, sau nhiều năm phần lớn yên lặng, đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đã có động thái về vấn đề nhân quyền. Nhà hoạt động khiếm thị Trần Quang Thành - nhân vật bất đồng chính kiến với chính quyền Trung Quốc đã "trốn khỏi nhà riêng" ở tỉnh Sơn Đông, bí mật tới Bắc Kinh, trú ngụ trong Đại sứ quán Mỹ gần một tuần.

Sau khi có thông báo ông Trần đã rời Đại sứ quán Mỹ, bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Washington xin lỗi. Ông Lưu Vị Dân, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, ông Trần đã được đưa vào Đại sứ quán Mỹ "bằng các biện pháp bất thường" và chính quyền Trung Quốc "cực kỳ khó chịu".

Người phát ngôn họ Lưu nhấn mạnh, Bắc Kinh không chấp nhận "hành động can thiệp" và nhắc nhở Mỹ tuân theo luật quốc tế và luật Trung Quốc.

Đây là điều mà Washington chưa từng làm kể từ năm 1989. Nó đặt trực tiếp Washington vào giữa công việc chính trị nội bộ của người Trung Quốc và để đáp trả, chính quyền Obama phải tức tốc phái quan chức hàng đầu của mình phụ trách vấn đề châu Á - trợ lý ngoại trưởng Kurt Campbell tới Bắc Kinh thảo luận tình hình với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Sau đó là những tin tức cho thấy, chính quyền Obama đã nhất trí xem xét việc bán máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan. Năm ngoái, Nhà Trắng tuyên bố sẽ giúp nâng cấp các máy bay F-16 cũ của Đài Loan, nhưng sẽ không chấp nhận bán các loại máy bay mới hơn. Tuy nhiên, giờ đây, một bức thư tới Thượng nghị sĩ John Cornyn cho thấy, trên thực tế, các máy bay mới sẽ được cân nhắc. Động thái này chắc chắn khiến Bắc Kinh phật lòng.

Và trong khi đang thiết lập những quy tắc mới trong mối quan hệ với Trung Quốc thì chính quyền Obama không ngừng nỗ lực khôi phục và tăng cường quan hệ với các đối tác cũ ở khắp châu Á. Nhật Bản và Mỹ cuối cùng đã nhất trí giải quyết các tranh cãi về chuyện di dời căn cứ thủy quân lục chiến ở Okinawa. Nhật cũng nhất trí mua F-35 của Mỹ làm máy bay chiến đấu kế tiếp của mình, và nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí... tất cả sẽ cho phép họ được đào tạo, hoạt động và quan hệ chặt chẽ hơn với các lực lượng vũ trang Mỹ.

Hơn thế nữa, ngay trước lúc chủ trì tiệc tối với lãnh đạo Nhật Bản, Ngoại trưởng Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã có cuộc gặp với những người đồng nhiệm Philippines tại hội nghị cấp cao đầu tiên giữa quan chức quốc phòng và ngoại giao hai nước. Cuộc gặp diễn ra giữa lúc vụ đụng độ Trung Quốc và Philipppines ở Biển Đông vẫn đang bế tắc.

Quan chức Philippines mong muốn tìm kiếm mối quan hệ an ninh hàng hải gần gũi hơn với Washington, và có những đồn đoán về một thỏa thuận cho phép triển khai tạm thời lực lượng Mỹ trên lãnh thổ Philippine đang được bàn thảo. Nếu điều này là thực sự, thì nó sẽ đánh dấu sự trở lại giới hạn của Mỹ ở Philippines sau chính xác 20 năm các căn cứ chính của Mỹ tại Subic và Clark  đóng cửa.

Những người chỉ trích chính sách "xoay trục" của chính quyền đã đặt ra câu hỏi về ý định của Washington trong việc gia tăng sự hiện diện tại châu Á đồng thời với quyết định cắt giảm chi tiêu quốc phòng xuống còn gần 500 tỉ USD. Nhà Trắng chưa có câu trả lời hoàn toàn thuyết phục, nhưng rõ ràng là họ đang hy vọng sẽ bù đắp việc gia tăng áp lực với các lực lượng Mỹ bằng cách tạo ra nhiều cơ hội mới khi hoạt động nước ngoài tại châu Á.

Cho tới nay, đó là một chiến lược có thể chấp nhận được. Về ngắn hạn, các động thái gần đây sẽ trấn an được các đồng minh và đối tác rằng, Washington có ý định hiện diện trên các lãnh thổ châu Á nhiều hơn những năm trước. Các quốc gia khác cũng sẽ có được những thông tin mới hơn, thực tế hơn trong cách tiếp cận của Mỹ với Bắc Kinh. Nó có thể thuyết phục họ rằng, Mỹ sẽ không hy sinh sự ổn định khu vực vào một điều hão huyền là ràng buộc lớn hơn với Trung Quốc.

Dĩ nhiên, sứ mệnh mới của ông Obama có thể khiến người Trung Quốc có thêm nhiều hiệu ứng ngược. Đã có nhiều "thì thầm" rằng bà Clinton sẽ đối mặt với sự cứng rắn hơn khi công du ở Bắc Kinh. Và cũng có khả năng khi phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chủ tịch nước này cuối năm nay, ông sẽ quyết định để hành động ít hợp tác hơn với Mỹ.

Những diễn biến hiện tại phần nào là lỗi của chính ông Obama, kể từ khi sự quả quyết của Bắc Kinh là "phần thưởng" cho quyết định năm 2009 của chính quyền Obama khi cố gắng tạo ra mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc.

Nhưng ít nhất, chính quyền Washington giờ đây đang cố gắng cân bằng lại cuộc chơi ở châu Á. Nếu không còn gì khác, thì lịch trình bận rộn của Ngoại trưởng Hillary sẽ là đáng giá nếu Mỹ khôi phục được uy tín của họ ở phần này của thế giới.




No comments:

Post a Comment

View My Stats