Châu Nguyễn
Tuesday, May 15 @ 10:36:47 ED
Bangkok, ngày 09/02/2012
Lâu lắm rồi, tôi không có dịp gặp những thiện nguyện viên
của BPSOS tại Thái Lan. Thế rồi, một hôm tôi nhận được cuộc gọi điện từ Chị
Nina, một luật sư thiện nguyện của BPSOS, có nhã ý mời tôi cùng Chị đến phi
trường Bangkok tiễn một người tỵ nạn Việt Nam đi định cư tại Hoa Kỳ. Tôi nhận
lời ngay và chờ đợi ngày đó để có cơ hội chia sẻ niềm vui cùng gia đình BPSOS
vì đã thành công trong nỗ lực can thiệp cho anh Y Soai. Sau nhiều năm trần ai,
anh đã được Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) chấp nhận quy chế tỵ nạn cũng
như Hoa Kỳ đã nhận anh định cư. Tôi muốn có mặt để chia sẻ niềm vui cùng với
anh Y Soai trong ngày đặc biệt trong cuộc đời đầy gian truân của anh.
Cảnh chia tay anh Ysoai của
hai bé H. Huynh Bya, Y Juel Bya cùng mẹ H wan Bya và chị H Razoen. (ảnh BPSOS)
Gặp anh Y Soái tại phi trường Bang Kok
Ngày ấy đã đến, chiều 8/2/2012, tôi cùng các thiện nguyện
viên của BPSOS đến phi trường Bangkok để cùng tiễn anh Y Soai lên đường. Đúng
18h thì anh đã có mặt tại phi trường trong tác phong của người lữ hành. Chị
Nina gọi: "Anh Y Soai" và lúc đó tôi cũng đồng thời nhận ra nhân vật
đặc biệt trong ngày hôm nay. Anh đã nở nụ cười rất tươi nhưng với tác phong
cũng rất vội vàng như nắng vàng buổi chiều vậy. Anh vội vàng để mau mau hoàn
thành thủ tục để kẻo lỡ chuyến bay. Sự vội vàng đó cũng biểu lộ niềm mong mỏi
cho mau cập đến bến bến tự do sau bao năm tháng đợi chờ.
Được biết, anh Y Soai sinh ra tại vùng dân tộc Êđê, tỉnh
Đắc Lắc, Việt Nam. Vào năm 2001, anh tham giam cuộc nổi dậy của người dân vùng
Tây Nguyên đứng lên đòi quyền sống, quyền tự do tôn giáo và yêu cầu nhà cầm
quyền Việt Nam tôn trọng nhân quyền. Trong số họ có người đã bị giết chết, có
người bị đánh trọng thương, nhiều người bị giam tù. Riêng anh Y Soai cũng bị
cầm tù trong thời gian từ ngày 19/9/2002 cho đến 27/3/2003 thì được tại ngoại
nhưng sau đó luôn bị nhà cầm quyền Việt Nam sách nhiễu và kiểm soát. Nên anh đã
quyết định đào thoát khỏi Việt Nam cùng với một nhóm người trong làng vào năm
2007.
Anh trải qua bao dặm đường để xin quy chế tỵ nạn, bị
UNHCR ở Cambodia từ chối quyền tị nạn; khi sắp bị công an Cambodia bàn giao cho
công an Việt Nam, anh dẫn một số đồng bào sắc tộc cùng bỏ trốn sang Thái Lan;
tại đây nhóm của họ, gồm cả phụ nữ và trẻ em, bị cảnh sát Thái bắt và đưa vào
trại giam để chờ dẫn độ. BPSOS đã làm lại hồ sơ tị nạn, và vận động qua rất
nhiều cuộc họp và văn thư để can thiệp về trường hợp của anh Y Soai và cuối
cùng UNHCR đã công nhận anh được tỵ nạn vào năm 2011 sau khi luật sư vào trại
giam phỏng vấn lại.
Sau đó BPSOS lại phối hợp với một tổ chức Thái Lan để can
thiệp cho anh được thả ra khỏi trại giam, với một khoản tiền thế chân khá lớn.
Thoát khỏi trại giam cho anh niềm hy vọng mới trong hành trình tìm đến miền đất
tự do.
Và hôm nay, chính là ngày đặc biệt của đời anh. Chỉ còn
ít vài giờ nữa thôi, anh Y Soai sẽ chính thức lên chiếc máy bay từ phi trường
Bangkok để đi định cư tại Hoa Kỳ. Trong biến cố vui mừng của cuộc đời, chắc
chắn anh có rất nhiều tâm trạng nên tôi tiến đến gần anh và hỏi: "Chào
anh, anh thấy tâm trạng của mình thế nào?" Anh cười tươi với bao nỗi niềm
và trả lời: "Rất vui anh ạ…" Tôi thiết nghĩ, tâm trạng của anh lúc
này cũng chính là tâm trạng của hàng trăm ngàn người Việt trước đây trong ngày
được đi định cư sau những năm tháng chờ đợi tại các trại tập trung Thái Lan, Mã
lai, Philippines…
Đối với anh Y Soai, thời gian qua anh đã trải nghiệm
những chặng đường đầy nước mắt và máu. Với những chuyến hành trình băng sông
băng rừng vượt qua các vùng biên giới để xin tỵ nạn tại Cambodia và Thái Lan.
Trong cuộc đời, chắc ai cũng đã từng có những trải nghiệm
về sự đợi chờ và đợi chờ trở thành một quy luật tất yếu của con người. Sự đợi
chờ của anh Y Soai là mong cho đến ngày cập được đến " bến bờ tự do".
Và hôm nay, khi ngày đợi chờ đã đến, niềm vui anh chứa chan, dâng trào hạnh
phúc.
Cuộc chia tay: kẻ ở người đi
Trở lại tâm trạng của anh Y Soai, bên niềm vui được đi
định cư tại Hoa Kỳ thì trong anh còn niềm thương cho người ở lại. "Buồn vì
những người bạn, người chị, người em đang phải ở lại Thái Lan". Anh chia
sẻ cùng tôi.
Đó là gia đình chị H wan Bya,hai bé H. Huynh Bya, Y Juel
Bya, và chị H Razoen. Những người này cùng nhóm anh Y Soai đã tẩu thoát khỏi
quê hương Việt Nam trước sự đàn áp và sách nhiễu của nhà cầm quyền Việt Nam.
Những ngày đầu xuân vừa qua, hai bé và hai chị cũngcó niềm vui mừng khi được Uỷ
Ban Nhân Quyền quốc gia Thái Lan bảo lãnh ra khỏi Trung tâm Giam Giữ Nhập cư
của Thái Lan ở Bangkok. Nhưng nay, họ vẫn phải chờ đợi kết quả của Cao Uỷ Tỵ
Nan về tư cách tị nạn để đi định cư tại nước thứ 3.
"Đến ngày phải đi thôi" đó là lời của anh Y
Soai khi nghẹn ngào nói lời chia tay những người thân thương của mình đang còn
phải ở lại Thái Lan xin tỵ nạn.
Tôi chợt nhớ lại về những suy tư của linh mục Nguyễn Tầm
Thường trong cuốn sách "nước mắt và hạnh phúc" khi nói về cuộc chia
ly. Hay những nỗi niềm thương nhớ nói về sự chia tay của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn
trong tác phẩm" như một lời chia tay". Tất cả đều mang âm hưởng của
nỗi buồn.
Chứng kiến cuộc chia tay vội vàng của họ, có những khoảnh
khắc tôi đã đứng lặng người. Nhìn ánh mắt của hai em bé H. Huynh Bya, Y Juel
Bya chan chứa nỗi niềm và đẫm lệ. Mọi người dõi nhìn hình bóng của anh YSoai
tiến sâu vào phòng chờ. Tôi đọc được trong thâm sâu nỗi lòng của các em và hai
chị H wan Bya, H Razoen khát vọng cũng có ngày được gặp lại anh Y Soai trên
miền đất tự do.
Cuộc chia tay này sao không thương không nhớ được chứ, vì
họ đã cùng nhau trải qua một chặng đường dài, một hành trình đi tìm miền đất tự
do với bao đau thương... Nước mắt đã đong đầy và những dấu vết thương tích của
thể xác, tinh thần vẫn còn in đậm trên con người hai bé, hai chị cũng như anh Y
Soai.
Anh Y Soai càng hút sâu vào trong phòng chờ thì ánh mắt
của người đưa tiễn vẫn còn dõi nhìn theo mãi. Và thoang thoảng tôi nghe Chị
Nina và An Phong gọi một lời trong thinh không: "Hẹn ngày gặp lại anh Y
Soai nhé…".
Phi trường Bangkok đã rực sáng ánh điện khi đêm về. Tôi
mong cuộc đời anh Y Soai từ nay cũng sẽ sáng nơi miền đất tự do đang chào đón
anh.
o 0 o
Hiện có khoảng 800 đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan
trước cuộc đàn áp ngày càng leo thang ở Việt Nam. Để đối phó, năm 2010 BPSOS
phối hợp với một tổ chức địa phương để thành lập Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý ở
Bangkok. Chúng tôi rất cần sự tiếp tay của mọi người có lòng với đồng bào, của
những cựu thuyền nhân đã từng sống qua cuộc đời tỵ nạn, của những tổ chức từ
thiện, và của tất cả những ai quan tâm đến thân phận của những nhà đấu tranh
cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo giờ đây đang phải lánh nạn vì bị đàn
áp và truy lùng. Mỗi người một tay, góp gió thành bão.
Mọi đóng góp sẽ được cấp giấy trừ thuế và xin gởi về:
BPSOS/RCS
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 - U.S.A.
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 - U.S.A.
No comments:
Post a Comment