Phan Xuân Sinh: Những suy nghĩ về ngày 30/4
(phỏng vấn)
11.05.2012
Bài phỏng vấn dưới đây do nhà thơ Nguyễn Thị Thanh
Bình thực hiện. Một bản câu hỏi đã được gửi đến nhiều văn nghệ
sĩ trong và ngoài nước. Tiền Vệ sẽ lần lượt đăng tải loạt bài này.
Tiền Vệ
_______
PHAN XUÂN SINH: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4
Nguyễn Thị Thanh Bình: Tôi cố tình dành một khoảng
trống cho tên gọi ngày 30-4. Xin bạn thử tìm một tên gọi khác cho ngày này,
ngoài những chữ vẫn được gọi kêu thông thường như ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen,
ngày Giải Phóng hay ngày Đại Thắng Mùa Xuân...? Và tại sao bạn lại muốn gọi như
thế?
Phan Xuân Sinh: Theo tôi có cần thiết phải đặt ngày này
một cái tên khác không? 37 năm nay ở hải ngoại thì cho ngày này là Ngày Quốc
Hận, Tháng Tư Đen. Còn trong nước thì lại gọi là Ngày Giải Phóng, Ngày Đại
Thắng Mùa Xuân. Nghe tên gọi là ta biết ngay họ thuộc thành phần nào rồi, quốc
gia hay cộng sản. Nó đã ăn sâu trong đầu óc chúng ta. Nếu đứng bên này mà gọi
lộn là Ngày Giải Phóng hay Đại Thắng Mùa Xuân thì sẽ gặp ngay búa rìu dư luận
phang tới tấp lên đầu, nhân phẩm sẽ bị bôi nhọ ngay lập tức. Còn ở trong nước
mà gọi là Ngày Tháng Tư Đen hay Ngày Quốc Hận thì ở tù mục gông. Thôi thì ta
nên để nguyên vậy cho nó yên thân. Ông, bà nào mà chơi ngẳng gọi trật thì sẽ
biết ngay hậu quả ra sao. Cũng vui thôi. Hình như nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình
quen cung cách đổi mới, không chịu những gì trở thành khuôn mẫu nên lối đặt câu
của cô rất “ấn tượng”. Thế nhưng chuyện nầy không phải chơi đâu. Nếu dư luận
chấp nhận thì không nói gì, còn không thì tan xác như chơi. Tôi thì sợ mấy cái
chuyện lẩm cẩm chính trị kiểu nầy. Nói kiểu nào cũng chết.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nhà thơ Nguyễn Duy ở Việt Nam,
với bài thơ “Nhìn từ xa... Tổ quốc” mà nhiều người vẫn tâm đắc, đã có lần viết
câu thơ sau đây trong bài “Đá ơi”: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến
tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Không biết bạn đồng cảm như thế
nào với thi sĩ về hai câu này, cũng như liệu bạn có thể cảm tác thêm một vài
câu “lấy liền” cho dòng thơ tháng 4 không?
Phan Xuân Sinh: Quả thật những điều Nguyễn Duy nói không
sai. Nhưng theo kiểu này thì chúng ta ai cũng biết, và khi đọc lên ta cảm thấy
nó “huề vốn” chứ nó không có gì là mới cả. Bây giờ chúng ta cũng đang ở “Từ xa
tổ quốc” nhìn về quê nhà không có chiến tranh. Nhân dân cũng chỉ từ “bại” tới
“bại”, nó còn tệ hại hơn trong lúc còn chiến tranh.
Xin lỗi tôi không có cảm hứng làm thơ theo kiểu này.
Tôi xin trích dẫn một đoạn thơ cũ của tôi liên quan đến cuộc chiến
rất lâu rồi. Từ khi còn chiến tranh thì chúng tôi đã biết thắng hay thua, kẻ có
lợi là đám chóp bu. Còn nhân dân hay những thằng lính như chúng tôi thì từ chết
tới chết:
“thôi hãy uống. Mọi chuyện bỏ lại sau
nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu
bày làm chi trò chơi xương máu
để đôi bên nuôi mầm mống hận thù...
(“Uống Rượu Với Người Lính Bắc Phương”, trong tập thơ Đứng Dưới
Trời Đổ Nát)
Nguyễn Thị Thanh Bình: Cứ mỗi 365 ngày, vào thời điểm
này, chúng ta lại có dịp nghe thấy hoặc chứng kiến “người anh em” trong nước
tưng bừng giăng thêm khẩu hiệu, biểu ngữ, và cờ phướn tung bay ngập lối, cùng
pháo hoa kèn trống diễn binh... như một thứ men say chiến thắng, trong khi đó ở
hải ngoại thì những người lữ thứ kỷ niệm ngày 30/4 như một tưởng nhớ đau thương
quốc hận. Như thế liệu tâm hồn bạn lúc này đang bay bổng ở đâu, khi gõ lại từng
đường dây biến cố lịch sử mỏi mòn ấy? Bạn có nhớ tại sao lúc ấy bạn quyết định
ở lại hay ra đi không?
Phan Xuân Sinh: Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi xin
được xác nhận. Trước 30/4/1975, tôi là người lính của Miền Nam. Một người lính
tác chiến trực diện với chiến trường, thế nhưng khi cầm súng chúng tôi không có
một chút xíu nào hận thù với người lính bên kia. Cuộc chiến dai dẳng quá, chúng
tôi cũng chỉ thụ động cố gìn giữ đất đai và chỉ chống trả cố xua họ về bên kia
vĩ tuyến. Có đôi khi quá sức mệt mỏi, bi quan nên nghĩ rằng bên nào thắng cũng
được, miễn sao đất nước hoà bình, không còn tiếng súng. Thế nhưng cuối cùng
chuyện giữ nước không thành công, trở thành bại trận. Cái giá mà chúng tôi phải
trả cho cái ngày hoà bình thật vô cùng cay nghiệt. Có người chôn thân trong
trại cải tạo, những người còn sống như những thây ma, vô hồn. Họ dùng những đòn
thù quất lên đầu chúng tôi.
Cho nên cái ngày 30 tháng 4 năm 1975, cái ngày hoà bình thực sự
trên đất nước cũng mở đầu cho cái ngày lao khổ mà chúng tôi nhận lãnh. Lúc đầu
chúng tôi nghĩ rằng dân tộc hoà bình, thống nhất. Xoá bỏ tất cả để xây dựng.
Nhưng người thắng trận quyết trả thù, phủ lên đầu chúng tôi những tội danh mà
chúng tôi chưa hề hay biết. Là một người cầm bút, chúng tôi kể lại những chuyện
nầy như là một chứng nhân để lịch sử sau nầy phán xét, chứ chúng tôi không trút
sự hận thù trên ngòi bút. Riêng cá nhân, tôi có kể lại trong những hồi ức trước
ngày 30 tháng 4 năm 1975, đứng trên bến tàu nhìn con tàu cuối cùng nhổ neo, mà
chân mình không bước xuống vì không đủ can đảm rời xa đất nước. 15 năm sống
trong nước tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu cơ cực, tủi nhục, mà người dân gánh
chịu. Cái giá phải trả cho sự chọn lựa thật vô cùng đắt đỏ với tôi.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Vào những lúc cuối đời, thường
thì trong lòng người ta vẫn dấy lên một chút lương tri đạo đức làm người gì đó,
và những câu nói sau đây của ông Võ Văn Kiệt được xem như là những điển hình
đáng ghi nhận: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng
triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của
dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Là
một người dân Việt, mà lại là một người cầm bút tử tế, bạn nghĩ chúng ta phải
làm thế nào để có thể băng bó vết thương chung của dân tộc, khi hiểm họa của
người phương Bắc càng ngày càng phủ chụp đất nước sau 37 năm Việt Nam vỗ ngực
xưng hoà bình thống nhất?
Phan Xuân Sinh: Ông Võ Văn Kiệt nói câu đó sau khi ông
không còn chức tước quyền lực. Thời của ông làm Thủ Tướng là thời kỳ nhân dân
Việt Nam kiệt quệ, sống trong sự kềm kẹp của một hệ thống chuyên chính vô sản.
Lúc đó mà ông tuyên bố như thế này thì dân chúng đỡ khổ biết mấy. Những lãnh
đạo Cộng Sản tại chức từ Võ Nguyên Giáp, Trần Độ, Võ Văn Kiệt, họ khiếp sợ
không dám hé môi để chiếc ghế của họ vững chắc. Đến khi trong tay hết quyền
hành thì họ mạnh miệng phê phán để thể hiện một chút vì dân. Nhưng có ai nghe
họ đâu, lời họ như nước đổ lá môn.
Theo tôi, chúng ta là những người đứng ngoài đất nước sẵn sàng
quên tất cả để xây dựng đất nước. Thế nhưng ta muốn quên mà chính họ không muốn
cho ta quên, cứ đào sâu ngăn cách. Họ cứ hô hào xoá bỏ hận thù mà tay họ không
dám đưa ra. Chúng ta thụ động trong tay không có quyền hành thì dù ta có thiện
chí cũng không thể làm gì được. Trong lúc này hiểm hoạ xâm lấn của Trung Cộng,
đúng là lúc đoàn kết của toàn dân, thì họ không mở tay rộng để đón nhận.
Dù gì ông Võ Văn Kiệt cũng nói một câu nghe được.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nếu bảo “thất bại trong hoà
bình” mới là điều đáng lên tiếng luận bàn cho một lộ trình tương lai đất nước
khả quan hơn, thì thử hỏi bạn có dám nói, dám viết, dám kiến nghị để lương tâm
và chức năng của một người cầm bút không bị kiến cắn, kiến bò không? Và cho dẫu
bạn không hề là một trong 75 vạn người mẹ đớn đau của những người con được
phong tước anh hùng liệt sĩ gì đó, hoặc bị xem là “có nợ máu với nhân dân”, thì
liệu bạn có phải bịt tai, bịt mắt để khỏi phải nghe hay thấy những bài ca rỗng
tuếch nhai đi nhai lại ngợi ca xương máu chiến thắng?
Phan Xuân Sinh: “Thất bại trong hoà bình” sao tôi nghe câu
này có cái gì trục trặc, oái ăm. Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình muốn nói hoà
bình đang hiện hữu trên đất nước không đáp ứng sự mong mỏi của toàn dân chăng?
Như vậy thì tôi xin trả lời rằng: Có lẽ đất nước Việt Nam là trường hợp ngoại
lệ, hoà bình kỳ quặc, dân tộc chia rẽ. Nếu hoà bình kiểu này thì chiến tranh
còn hơn. Hàng triệu người bỏ nước, hàng trăm ngàn người tập trung vào tù, bị
đối xử tàn tệ. Giáng lên đầu nhân dân những cái tát xây xẩm mặt mày: cải tạo
công thương nghiệp, đổi tiền, kinh tế mới v.v.. trò chơi nào cũng chết người.
Thỉnh thoảng tôi cũng viết lại những cảnh này vì chính tôi là nạn nhân.
Trong chiến đấu không ai muốn mình thua hay thất bại cả. Còn
chuyện viết thì sợ gì mà không viết. Có một điều phê phán về chiến tranh bây
giờ còn sớm quá, nói ra thì bên này hay bên kia chống đối. Bên này thì không
chịu mình thua. Bên kia thì hả hê chiến thắng. Cho nên vấn đề 30/4 nó trở thành
rối rắm. Trên Talawas trước đây tôi cũng có đăng một vài hồi ký nhân ngày 30/4.
Tôi chỉ than thân trách phận cá nhân. Tôi cũng không dám khẳng định thua hay
thắng. Không phải là sợ ai, nhưng nói trong lúc này không đúng thời điểm. Hơn
37 năm mà cứ tưởng như mới đây, đụng vào nó sẽ gây tranh cãi mà không đi tới
đâu. Nói thế nào cũng chết. Đây là vấn đề nhạy cảm, dây dưa sẽ xảy ra đánh phá,
lại đụng tới nhân phẩm. Thôi vấn đề nên để lịch sử sau nầy phán xét. Nhà văn
không nên đụng vào nó. Hãy ghi lại những gì mình cảm thấy cần thiết, chân thật
mà tránh sự ngộ nhận. Người hải ngoại đọc thì OK, người trong nước đọc thì cũng
OK. Đừng lớn lối quá để cho họ sẽ nghĩ rằng mấy thằng thua trận chạy thục mạng,
qua đây nói dóc. Còn cái chuyện ca tụng chế độ, cuộc chiến đấu thần thánh,
những bài hát mà tiếng rống làm cho mọi người khiếp sợ, điếc tai, thì chắc chắn
không ai bằng Cộng Sản.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Ông Lê Duẩn đã từng biện bạch
rằng “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải là của riêng ai”. Vậy
thử hỏi nỗi đau của “triệu người buồn” kia, cũng hệt như nỗi đau của nước sắp
mất, và (ngôi) nhà Việt Nam sắp tan, không lẽ không phải là niềm đau chung của
dân tộc? Đất nước chắc chắn nào phải của riêng ai, vậy tại sao lại chỉ có thứ
độc quyền yêu nước hay bán nước? Sự kiện tiếp tục bỏ tù những trí thức yêu nước
độc lập có phải là thái độ sợ hãi của một nhà cầm quyền chỉ muốn củng cố quyền
lực hay không? Liệu bạn có thấy phấn khởi khi giới trẻ cũng bắt đầu quan tâm và
muốn gánh vác phần nào câu chuyện lịch sử 30/4/1975 của cha ông mình?
Phan Xuân Sinh: Lê Duẩn, nghe tên ông nầy tôi
còn khiếp sợ. Đây là một tên Cộng Sản sắt máu. Lúc đó ông bắt nhân dân Việt Nam
phải “yêu nước tức là yêu chủ nghĩa xã hội”. Chính ông cùng với Trường Chinh,
Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, đã biến ngày hoà bình trở thành ngày tang thương của
dân tộc, đẩy hàng triệu người ra biển tìm đường vượt thoát, đẩy hàng trăm ngàn
người vào tù và đẩy biết bao nhiêu gia đình đi kinh tế mới, chết trên rừng
thiêng nước độc. Chế độ Cộng Sản họ dựng cái bình phong “nhân dân” để phủ che
cho việc làm tồi tệ của họ, để dễ dàng cai trị, và họ bất chấp thủ đoạn. Chứ
thực chất người dân như những con cừu non, họ xỏ mũi kéo đi. Họ sẵn sàng toa
rập với kẻ thù của dân tộc, đàn áp những tiếng nói của lương tâm, để củng cố
chiếc ghế ngồi vững chắc. Bên
ngoài đất nước ta nhìn thấy rõ ràng nhất, họ ác với dân, nhưng nhu nhược, hèn yếu trước kẻ thù.
Trí thức và tuổi trẻ trong nước đứng lên thì họ đàn áp, bẻ gãy, bỏ tù không
nương tay. Trường hợp Việt Khang là điển hình nhất.
Lực lượng tuổi trẻ bây giờ chưa đủ mạnh vì họ chèn ép, cấm đoán,
hạn chế những phương tiện truyền thông, nên ít người đọc và biết đến chế độ mất
tự do, mất nhân quyền. Đến một lúc nào đó lực lượng tuổi trẻ ý thức được thì
không ai cản nổi sự bùng nổ giống như phong trào Bắc Phi vừa rồi. Tôi tin rằng
cái gì không thuận với lòng Trời thì khó có thể tồn tại.
-------------
Đã đăng:
10.05.2012
09.05.2012
Đinh
Từ Bích Thúy: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Ðinh
Từ Bích Thúy / Nguyễn
Thị Thanh Bình
08.05.2012
07.05.2012
Chân Phương: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Chân Phương / Nguyễn Thị Thanh Bình
06.05.2012
05.05.2012
Nhã
Thuyên: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Nhã
Thuyên / Nguyễn
Thị Thanh Bình
04.05.2012
03.05.2012
Hoàng
Chính: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Hoàng
Chính / Nguyễn
Thị Thanh Bình
03.05.2012
02.05.2012
GS
Nguyễn Ngọc Bích: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Nguyễn
Ngọc Bích / Nguyễn
Thị Thanh Bình
02.05.2012
01.05.2012
30.04.2012
Bắc
Phong: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Bắc
Phong / Nguyễn
Thị Thanh Bình
30.04.2012
Uyên
Thao: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Uyên
Thao / Nguyễn
Thị Thanh Bình
29.04.2012
Liêu
Thái: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Liêu
Thái / Nguyễn
Thị Thanh Bình
28.04.2012
Nguyễn
Viện: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Nguyễn
Viện / Nguyễn
Thị Thanh Bình
28.04.2012
Cảm
tưởng về ngày 30/4 (tiểu luận / nhận định) - Nguyễn
Thị Thanh Bình
.
No comments:
Post a Comment