Monday, 7 May 2012

NHỮNG CON TIN NẶNG KÝ (Lê Quốc Tuấn)




Lê Quốc Tuấn
Viết tặng anh Điếu Cày

Năm 2010, tôi có viết một bài tựa đề "Thân Phận Con tin", nội dung mô tả số phận của đại đa số người dân Việt trong nước như những con tin của chế độ.

Tuần lễ này, khi tin tức về nhà hoạt động khiếm thị Trần Quang Thành ở Trung Quốc và blogger Điếu Cày ở Việt Nam một lần nữa lại nhắc nhở mọi người về thân phận những con tin.

Tuy nhiên, đây là những con tin nặng ký. Những con tin, bằng khả năng chiến đấu cá nhân hết sức dũng cảm của mình đã đặt được kẻ giam giữ mình vào vị trí thua thiệt trong cuộc mặc cả.

Con tin Trần Quang Thành đang đặt tất cả giới lãnh đạo Trung Quốc ngồi trên lò lửa bỏng. Cuộc vượt thoát mưu trí và dũng cảm của ông, đưa đến những mặc cả ngoại giao ở cấp cao nhất giữa hai nước, lại xảy ra khi nội bộ đảng CS Trung Quốc đang khốn đốn vì vụ Bạc Hy lai và ngay trước chuyến công du quan trọng của Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lương Quang Liệt vào cuối tuần này tại Washington.

Cả thế giới đang nhìn vào cách Hoa Kỳ và Trung Quốc giải quyết người con tin Trần Quang Thành. Hàng triệu triệu người TQ ở lục địa và hải ngoại đang ngày đêm lan truyền nhau những diễn biến về vụ Trần Quang Thành trên các mạng xã hội. Không phải chỉ vì quan tâm đến số phận đáng kính đáng thương của nhà hoạt động khiếm thị này, mà còn vì tương lai của nhiều triệu con tin khác trong nhà tù vĩ đại của đảng CS Trung Quốc.

Trong khi đó, ở nhà tù nhỏ hơn (so với Trung Quốc) của đảng CS Việt Nam, số phận một người con tin đặc biệt khác đang được nhắc đến: blogger Điếu Cày.

Có thể nói, sau những tên tuổi lớn trong giới tranh đấu ở quốc nội từng được các nhà ngoại giao và các tổ chức uy tín trên quốc tế biết đến, như Bs Nguyễn Đan Quế, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Lm. Nguyễn Văn Lý... Có lẽ, đây là lần đầu tiên, hai chữ Việt Nam mộc mạc bình dân "Điếu Cày" mà anh Nguyễn Văn Hải chọn làm bút danh của mình, đã phải được nhắc đến từ chính người lãnh đạo cao nhất hoa Kỳ: Tổng thống Barrack Obama.

Con tin Điếu Cày nổi lên sau khi giới ngoại giao Hoa Kỳ, các tổ chức tranh đấu nhân quyền trên thế giới đã đặt chính quyền CSVN vào tình huống khó xử trong các cuộc mặc cả của mình. Chắc chắn anh góp phần vào việc giúp Liên Minh Báo Chí Đông Nam Á (SEAPA) xếp hạng Việt Nam đứng gần chót trong các nước vi phạm quyền tự do ngôn luận. Anh cũng giúp Nông Đức Mạnh đứng được vào danh sách những quan chức đàn áp báo chí bậc nhất thế giới của tổ chức Phóng Viên Không biên giới. Đặc biệt, sự kiện anh Điếu Cày được nhà lãnh đạo cao nhất của Hoa Kỳ nhắc đến đã theo sau sự kiện "Thỉnh Nguyện thư" từng gây một tiếng vang lớn tại hải ngoại. Và, ngay sau khi tên anh được nhắc đến vào ngày 3/5, ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới, trên thông cáo chính thức của Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ , hình như những người nuôi con tin đã hoãn lại cuộc hành xử anh từng được dự định vào ngày 15/5, có lẽ để mặc cả thêm tiền chuộc chăng ???

Trước đây, bản thân tôi cũng từng ở qua những cái chuồng nhỏ xíu của nhà tù CS. Tôi đã bị những trận đòn thừa sống thiếu chết. Tôi cũng chứng kiến những người bạn tù khác chết đói, chết bệnh, chết vì bị đánh đập, thở hắt ra bên cạnh mình. Ra khỏi nhà tù nhỏ, thả vào nhà tù lớn, tôi thấy bao nhiêu triệu con tin khác cắn răng nín thở qua sông, cố chờ một ngày được thực sự tự do... Tôi hiểu được nỗi đau mà những con tin như anh Điếu Cày từng phải trải qua. Gia đình tôi cũng thấm được nỗi đau mà hiền thê anh Điếu Cày từng trải qua, khi nhọc nhằn đi thăm nuôi anh.

Những năm 80 có hàng trăm ngàn người tù trong hàng trăm trại cải tạo lớn nhỏ trên khắp nước. Bên ngoài hàng trăm nhà tù đó là hàng chục triệu thân nhân lũ lượt đi nuôi tù. Và ở đâu đó ngoài Hà Nội, những cai ngục hàng đầu vẫn ngày ngày đem máu, nước mắt của những con tin ấy vào các mặc cả chính trị cho quyền lực của họ với thế giới bên ngoài.

Tôi nhớ hồi đó, những người tù cải tạo như chúng tôi đã mừng biết chừng nào khi nghe thân nhân rỉ tai mình rằng "yên tâm đi, người Mỹ mới nhắc đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam", hoặc "các tổ chức nhân quyền đang nói đến những trại tập trung cải tạo"...Những lời đồn mơ hồ ấy đã thực sự vỗ về biết bao giấc ngủ mộng mị của những người tù cải tạo khốn khổ.

Nhưng đâu có ai dám mơ đến ngày một cái tên Việt Nam cụ thể, một người tù cụ thể, một con tin cụ thể được tổng thống Mỹ nhắc đến như cái tên "Điếu Cày". Chắc thế nào ông Obama và nhiều người ngoại quốc khác cũng đã hiểu được cái điếu cày ra làm sao, và hiểu được anh Nguyễn Văn Hải cùng biết bao con tin khác đã phải trả một cái giá đắt như thế nào để đưa được hai chữ "Điếu Cày" lên ngang tầm quốc tế như thế .

Đó quả là kết quả của một cuộc chiến đấu hết sức dài và không cân sức giữa những người con tin và chế độ nuôi con tin.

Khi nghe hai chữ "Điếu Cày" được ông Obama nhắc đến, tôi muốn bật khóc. Khóc vì mừng cho con tin Điếu Cày, mà cũng khóc vì nghĩ đến những khổ ải quá sức người mà anh và các con tin khác phải trải qua.

Nghe nói nước Mỹ giàu mạnh này rất nổi tiếng trong việc đàm phán chuộc lại các con tin mà họ cần. Thậm chí, khi cần, họ có thể cử những đơn vị tinh nhuệ bậc nhất của mình đến để giải cứu con tin. Cho đến hôm nay, số phận nhà tranh đấu Trần Quang Thành đã gần như được thu xếp xong. Ông Trần cùng gia đình sẽ được đi sang Hoa Kỳ như ý nguyện của cá nhân ông.

Còn về số phận người tù, người viết blog Điếu Cày: Cầu xin Tổng thống Obama nhìn thấy vấn đề con tin này, nhìn ra được thân phận con tin của anh, xử dụng đến quyền lực của Hoa Kỳ để cứu anh và gieo truyền một niềm hy vọng giải cứu đến hàng triệu triệu con tin khác ở Việt Nam.

Mong lắm thay.

Lê Quốc Tuấn
Tháng Năm/2012

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats