BBC
Cập nhật: 04:45 GMT – thứ hai,
7 tháng 5, 2012
Francois Hollande, tổng thống vừa đắc cử của Pháp, là một
nhà tổ chức chính trị dày dạn kinh nghiệm nhưng ông chưa bao giờ nắm giữ một vị
trí nào trong chính phủ, theo các đánh giá ban đầu.
Nhiều người đánh giá ông là một
chính khách ôn hòa dễ mến. Phong cách trầm lắng của ông mà một số người cho là
tẻ nhạt đối chọi gay gắt với sự nhiệt thành và sôi động của Tổng thống bảo thủ
Nicolas Sarkozy, đối thủ của ông trong vòng hai cuộc bầu cử hôm 6/5.
Tuy nhiên, các ủng hộ viên của
ông cho rằng đằng sau hình ảnh khiêm tốn của một người đàn ông mà mãi cho đến
gần đây vẫn lái chiếc scooter đi làm là một quyết tâm sắt đá để lãnh đạo đất
nước.
Cuộc chiến trong đảng
Để giành được đề cử của đảng
cho cuộc bầu cử trong năm 2012, ông phải vượt qua một cuộc bỏ phiếu hết sức cam
go trong nội bộ Đảng Xã hội – một cuộc chiến mà ông phải đánh cược bằng cả sinh
mạng chính trị và cuộc sống riêng tư.
Một trong những khoảnh khắc
kịch tích của cuộc bỏ phiếu đó là khi một trong các đối thủ của ông, bà
Ségolène Royal, người bạn đời của ông trong gần ba thập niên và là mẹ của bốn
người con của ông, tuyên bố ủng hộ ông trở thành ứng viên của đảng mặc dù hai
người đã ly thân từ lâu.
Ông Hollande là con của một bác
sỹ. Ông sinh ngày 12/8 năm 1954 ở thành phố tây bắcRouen.
Ông vào học trường ENA, tức
trường hành chính quốc gia, một ngôi trường danh giá vốn là nơi xuất thân của
nhiều nhà lãnh đạo Pháp. Tại đây ông đã gặp gỡ bà Royal.
Sau đó, ông cũng vào học ở
trường Sciences Po, tức Học viện khoa học chính trị, một ngôi trường lừng danh
khác của Pháp.
Từng hoạt động tích cực trong
các phong trào chính trị của sinh viên, ông gia nhập Đảng Xã hội vào năm 1979
và có một vai trò nhỏ với tư cách cố vấn kinh tế trong nhiệm kỳ tổng thống của
Francois Mitterrand.
Là nghị sỹ Quốc hội từ năm
1988, ông đại diện cho vùng Correze ở vùng trung nam nước Pháp.
Ông kế nhiệm cựu Thủ tướng
Lionel Jospin trong vai trò lãnh đạo đảng từ năm 1997, một vị trí mà ông nắm
giữ trong hơn một thập niên.
Năm 2008, ông từ chức giữa sự ê
chề của đảng sau thất bại của ứng viên Ségolène Royal trước ông Sarkozy trong
cuộc bầu cử tổng thống một năm trước đó.
Sau này mọi người mới biết lúc
đó ông có quan hệ tình cảm với Valerie Trierweiler, phóng viên chính trị của
tạp chí Paris Match. Kể từ đó, ông và Trierweiler không rời nhau.
Va chạm giữa ông Hollande và bà
Royal đã gây rắc rối cho Đảng Xã hội trong một thời gian dài. Tuy nhiên vào
tháng 5 năm 2011 một vụ tai tiếng còn đình đám hơn đe dọa bủa vây đảng này khi
người được đảng kỳ vọng sẽ trở thành ứng viên tổng thống của họ là Dominique
Strauss-Kahn bị bắt ở New York với cáo buộc tấn công tình dục.
Chirac khen ngợi
Hollande có lộ trình khác với
ông Sarkozy để đưa nước Pháp ra khỏi tình trạng khó khăn kinh tế
Trong những tháng sau này,
nhiều thành viên trong đảng bắt đầu nghĩ đến Hollande như là lựa chọn tốt nhất
cho cuộc bầu cử năm 2012.
Một bằng chứng về sức hút rộng
rãi của ông là ông nhận được vinh dự hiếm có khi được cựu Tổng thống Jacques
Chirac thuộc cánh hữu khen ngợi.
Trong hồi ký của mình, Chirac
đã khen ngợi Hollande là ‘một chính khách lãnh đạo thật sự’ và là người có khả
năng vượt qua các ranh giới đảng phái.
Nhiều người nhìn nhận lời nhận
xét của ông Chirac là sự xem thường ông Sarkozy, người mà Chirac công khai giễu
cợt trong hồi ký.
Tuy nhiên, Hollande được nhìn
nhận rộng rãi là một chính trị gia cánh tả trung dung.
“Tôi không muốn một cánh tả
cứng rắn,” ông phát biểu trong một cuộc tranh luận với bà Martine Aubry, đối
thủ chính của ông trong cuộc đua giành đề cử của Đảng Xã hội.
“Chúng ta chỉ vừa hết 5 năm
khốn khổ dưới thời của một tổng thống. Liệu chúng ta có nên có một ứng viên gây
chia rẽ? Tôi không muốn điều đó. Cái chúng ta cần là một cánh tả vững chắc,”
ông nói.
Bà Aubry được dự đoán sẽ được
Hollande chỉ định vào vị trí thủ tướng.
Có thể Hollande thể hiện hình ảnh
của mình như một người ôn hòa nhưng ông lại lựa chọn một chiến dịch tranh cử
dựa trên các chính sách kinh tế cực đoan với đề xuất đánh thuế lên đến 75%
những người giàu có và tuyển dụng thêm 60.000 giáo viên.
Ông cũng cam kết sẽ đàm phán
lại một hiệp định về tăng trưởng và kỷ luật tài chính của Liên minh châu Âu mà
Tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy đã ký kết.
Ý tưởng đánh thuế thu nhập lên
đến 75% những người có thu nhập trên 1 triệu euro thu nhập làm cho nhiều thành
viên trong đảng của ông ngạc nhiên và bị rất nhiều đối thủ của ông lên án.
Jean-Francois Cope, lãnh đạo
Đảng UMP của Tổng thống Sarkozy, đã gọi đề xuất tuyển dụng thêm hàng ngàn giáo
viên của Hollande là ‘điên khùng’.
Trong một cuốn tiểu sử mới xuất
bản gần đây của nhà báo chính trị Marie-Eve Malouines với tựa đề ‘Hollande –
Sức mạnh của một Quý ông dễ mến’, tác giả đã khắc họa hình ảnh một người đàn
ông có tham vọng chính trị lớn lao nhưng đồng thời cũng không muốn dính vào các
cuộc xung đột.
Các bài liên quan
----------------------------------
Thanh Phương - RFI
Thứ hai 07 Tháng
Năm 2012
Theo kết quả chính thức, trong vòng hai bầu cử tổng thống Pháp ngày hôm qua, 06/05/2012, ông François Hollande, ứng cử viên của đảng Xã hội cánh tả, đã đắc cử với 51,62%, tức hơn 18 triệu phiếu, còn Tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy chỉ được 48,38%, khoảng 16,9 triệu phiếu. Trong vòng hai, cử tri Pháp đi bỏ phiếu đông hơn vòng đầu ngày 22/04, với tỉ lệ tham gia bầu cử lên tới 81,03%. Tuy nhiên, có đến 2,1 triệu cử tri bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu không hợp lệ.
Vào lúc 8 giờ tối, khi các phương tiện truyền thông chính thức công bố kết quả dự báo, ông Hollande đang ở thành phố Tulle,
nơi mà ông trước đây là thị trưởng và nay là dân biểu. Trước khoảng 2.000 ủng hộ viên ở quảng trường giáo đường Tulle, Tổng thống tân cử đã
tuyên bố : «
Người dân Pháp đã chọn sự thay đổi khi bầu tôi làm Tổng thống của Cộng hòa Pháp ». Ông tuyên bố rất tự hào là đã có thể khơi dậy niềm hy vọng cho dân Pháp.
Từ thành phố Tulle,
Tổng thống tân cử đã đi máy bay về Paris và khoảng 0 giờ 30 đêm qua, ông Hollande đã đến quảng trường Bastille, nơi mà từ khoảng 4 giờ chiều, khi trên mạng bắt đầu có kết quả dự báo ứng cử viên Xã hội thắng cử, hàng trăm ngàn người đã lũ lượt kéo đến chuẩn bị ăn mừng chiến thắng.
Trước đám đông khổng lồ chật kín quảng trường Bastille, ông Hollande tuyên bố : « Tôi muốn bày tỏ sự xúc động của một người được đại diện cho các bạn, được các bạn giao phó trọng trách. Tôi cũng muốn nói lên niềm tự hào của được trở thành Tổng thống nước Cộng hòa của mọi công dân bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, niềm tự hào trở thành Tổng thống của một nước Pháp đa văn hóa và đoàn kết một lòng. Tôi cũng tự hào rằng, đúng 31 năm sau, cũng tại quảng trường Bastille này, cánh tả đã có một người kế thừa François Mitterrand. Xín cám ơn, xin cám ơn tất cả mọi người ».
Xin nhắc lại là ông Mitterand cũng đã đến ăn mừng chiến thắng tại quảng trường Bastille khi đắc cử Tổng thống lần đầu tiên ngày 10/05/1981.
Là người đầu tiên phản ứng sau khi có kết quả bầu cử, Tổng thống mãn nhiệm
Nicolas Sarkozy tối qua
cho biết đã gọi điện thoại cho ông Hollande và đã chúc ông « nhiều may mắn » trong giai đoạn « đầy thử thách » này. Ông Sarkozy còn tuyên bố nhận toàn bộ trách nhiệm về thất bại bầu cử và sẽ rút ra những hệ quả của thất bại này, ám chỉ là ông sẽ rút khỏi đời sống chính trị nước Pháp.
Ngày 15/5 tới, ông Sarkozy sẽ chính thức chuyển giao quyền hành cho ông Hollande. Nhưng ngày mai, ông Hollande đã nhận lời mời của Tổng thống mãn nhiệm
Sarkozy dự lễ kỷ niệm 8/5, kỷ niệm ngày Đức quốc xã đầu hàng đồng minh.
Ngay từ khi những kết quả đầu tiên được biết, phát ngôn viên đảng Xã hội Benoît Hamon tối hôm qua đã chào mừng sự chấm dứt « 17 năm cánh hữu ngự trị ở điện Elysée ( Phủ Tổng thống Pháp) ». Về phần cựu ứng cử viên cực tả Mặt trận cánh tả
Jean-Luc Melenchon thì chúc « điều tốt đẹp nhất » cho ông Hollande, người mà theo ông, có « đủ phương tiện để hành động ». Cựu ứng cử viên cánh trung François
Bayrou, người đã tuyên bố bỏ phiếu cho ứng cử viên Xã hội ở vòng hai, thì kêu gọi Tổng thống tân cử «
xây dựng trong tinh thần đoàn kết dân tộc ». Về phía đảng cánh hữu UMP,
tổng thư ký của đảng này Jean - François Copé thì kêu gọi tổng huy động lực lượng cho cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.
.
.
.
No comments:
Post a Comment