Đinh Từ Bích Thúy: Những suy nghĩ về ngày 30/4
(phỏng vấn)
09.05.2012
Bài
phỏng vấn dưới đây do nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện. Một bản câu hỏi
đã được gửi đến nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước. Tiền Vệ sẽ lần lượt đăng
tải loạt bài này.
Tiền Vệ
_______
ĐINH
TỪ BÍCH THÚY: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4
Nguyễn Thị Thanh
Bình:
Tôi cố tình dành một khoảng trống cho tên
gọi ngày 30-4. Bạn là một cây viết cừ khôi, xin bạn thử tìm một tên gọi khác
cho ngày này, ngoài những chữ vẫn được gọi kêu thông thường như ngày Quốc Hận,
Tháng Tư Đen, ngày Giải Phóng hay ngày Đại Thắng Mùa Xuân...? Và tại sao bạn
lại muốn gọi như thế?
Đinh Từ Bích Thúy: Thưa chị, Thúy mới
thực sự viết văn trong tiếng Việt từ năm 2005 (Thúy viết hầu hết trong tiếng
Anh từ năm 1991, vì lúc đó thấy mình “thoải mái” hơn khi diễn tả trong tiếng
Anh), và do đó không dám nhận mình là một “cây viết cừ khôi.” Ngôn ngữ Việt Nam
và ngôn ngữ Anh luôn luôn là hai cái bẫy sinh đôi đầy nguy hiểm cho một người
bị giằng co giữa hai văn hóa. Ngày 30 tháng Tư năm 1975 đánh dấu biến cố ...
phân tâm, mà người Mỹ gọi là schizophrenia. Đối với một con bé 13 tuổi, đó là
ngày mà nó đã bị chẻ đôi thành hai con người. Đó là ngày Thúy bị bật ra khỏi
“cốt truyện Việt Nam.”
Nhà
văn Kundera đã nói về hiện tượng này trong tác phẩm Vô Tri, khi khái niệm “nhà”
trở thành một khái niệm lung lay, chủ quan, vì danh từ “nhà” đối với một người
lưu vong đã mất đi ý nghĩa tưởng là bất di bất dịch của nó. Đó cũng là ngày mà
Thúy đã trở thành một người lạ, từ cái nhìn của người trong nước, cũng như đối
với chính bản thân mình. Đó là ngày mà Thúy bị bắt buộc phải tiếp nhận một
khuynh hướng khác, một cuộc đời khác. Đó là một ngày mà Thúy, cũng như các bạn
đồng lứa của Thúy, phải đánh đổi/trả giá –trong một cuộc thương lượng mang tính
cách Faustian: chuyến đi ra khỏi Việt Nam là một cách mở đường, khai phóng cho
tương lai, nhưng để có tương lai (mới) Thúy phải mất đi quá khứ, lịch sử, và
ngay cả một tương lai thuần túy là người Việt Nam. Hậu quả của sự đánh đổi này
là ... luyện ngục. Luyện ngục (limbo) không/chưa phải là địa ngục, nhưng sự
phân tâm, bị giằng co sẽ kéo dài cho đến ngày nhắm mắt. Nói cách khác, nó gần
giống như sự dùng dằng về tâm lý của Hamlet, nó làm cho người trẻ bị mất tuổi
trẻ, và nó cũng tạo ra những nỗi bất an và nổi loạn (ngầm) dai dẳng.
Nguyễn Thị Thanh
Bình:
Nhà thơ Nguyễn Duy ở Việt Nam, với bài
thơ “Nhìn từ xa... Tổ quốc” mà nhiều người vẫn tâm đắc, đã có lần viết câu thơ
sau đây trong bài “Đá ơi”: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng
thì nhân dân đều bại”. Không biết bạn đồng cảm như thế nào với thi sĩ về hai
câu này, cũng như liệu bạn có thể cảm tác thêm một vài câu “lấy liền” cho dòng
thơ tháng 4 không?
Đinh Từ Bích Thúy: Trong “Đá Ơi”
(Nguyễn Duy sáng tác vào năm 1989 – 11 năm sau khi Việt Nam xâm chiếm và giải
phóng Campuchia) “nhân dân” bị coi như một thành phần thụ động, mơ hồ và trừu
tượng, không liên hệ hay dính dáng gì với “phe nào thắng.” Chừng nào nhân dân
vẫn còn bị tách rời ra khỏi lực lượng cầm quyền, vẫn chưa có những tự do chính
trị, ngôn luận, vẫn chưa có những cơ hội tham gia vào những sinh hoạt dân chủ,
thì đúng như nhà thơ Nguyễn Duy đã nói, “nhân dân” vẫn còn trong thế bại. Nhưng
ngược lại, theo cách suy nghĩ thông thường của mọi thành viên trong một xã hội
tự do, nếu “phe thắng” đương nhiên đồng nghĩa với “nhân dân” –thì ta sẽ có một
cuộc cách mạng tương đương như cuộc cách mạng “nhung” của Tiệp Khắc khởi xướng
vào cuối năm 1989 bởi Vaclav Havel, hoặc gần đây hơn, là những cuộc nổi dậy ở
Trung Đông trong năm 2011 vừa qua. Ngay cả điều Obama được đắc cử làm vị Tổng
Thống da đen đầu tiên của Hoa kỳ cũng là một chiến thắng cho người dân Mỹ vốn
đã trải qua cuộc Nội Chiến Nam Bắc từ vấn nạn nô lệ. Điều cốt yếu là sự thay
đổi phải được người dân chủ động và ý thức. Nếu có sự chủ động, ý thức, và tinh
thần đoàn kết, thì dân trong vị thế này đã thắng. Do đó, trong những xã hội độc
quyền, điển hình nhất là biến cố Thiên An Môn cũng vào năm 1989, chính quyền đã
dùng bạo lực quân sự để chế ngự tiếng nói của người dân. Nhưng cuộc nổi dậy ở
Lybia và Tunisia là hai trường hợp mà quân đội cũng theo dân nối kết thành “phe
thắng” để lật đổ nền lãnh đạo độc tài.
Thúy
không hiểu những người vẫn tâm đắc với bài thơ “Nhìn từ xa ...tổ quốc” của
Nguyễn Duy đã đọc hết bài thơ này chưa? “Nhìn từ xa ...tổ quốc” là một bài thơ
“tự vấn/kiểm điểm (lấy lệ)” vì nhà thơ không chính thức đổ tội hay lên án ai
cả. Thật vậy, trong suốt bài thơ, nhà thơ chỉ chất vấn mơ hồ là “ai/không ai”
đã làm cho nước Việt nghèo đói, tạo ra bao nhiêu thứ điếm, v.v... Nếu “ai/không
ai” đây là cách nói ám chỉ cả dân cũng như guồng máy lãnh đạo Việt Nam, thì
cách nói này vẫn là cách nói che đậy, bóng gió cho những bè lũ đáng phải bị lên
án thẳng thừng, và hoàn toàn không công bình cho người dân – là những nạn nhân
của chính sách vị kỷ và thiếu sáng suốt. Nếu “ai/không ai” trong bài thơ ám chỉ
“người hùng bất lực bóng máu bầm đen sõng soài nền nhà” Hồ Chí Minh thì vẫn chỉ
là một sự chỉ trích hình thức không hề hấn gì đến những lãnh đạo đương thời.
Ở
cuối bài thơ, Nguyễn Duy kết luận “Còn thơ còn dân/ ta là dân – vậy thì ta tồn
tại” đại khái theo kiểu Cogito ergo sum của Descartes. Thúy không nghĩ vấn đề
lại suông đuột như thế. Phải đặt câu hỏi, “thơ” này là thơ của ai, xuất bản bởi
ai, có bị kiểm duyệt hay không? Thơ lơ mơ, thơ hờ hững, thơ nửa kín nửa hở, thơ
con cóc, thơ nhại biếm, những loại thơ bị cấm xuất bản, thơ nào là thơ sẽ “tồn
tại” cùng dân, hay “thơ” thì đi đường thơ, còn dân thì mặc kệ dân? “Tồn tại” là
thế nào, và bao lâu? (Đến đây – tuy hơi lạc đề - nhưng làm Thúy nghĩ đến câu
nói của Phạm Quỳnh, “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo
....” Nhưng có lẽ khi nói câu này Phạm Quỳnh đã không ngờ rằng sự tồn tại của
Kiều trong ngày hôm nay cũng có phần phức tạp vì Kiều đã vượt biên. (Thật ra,
ngay trong tác phẩm Kiều và Nguyễn Du cũng đã vượt biên. Nguyễn Du vượt biên
giới tính, Kiều vượt biên lễ giáo). Thế nào là “còn” khi Kiều đã được phiên
dịch ra nhiều bản ngoại ngữ, và được tiếp nhận bởi các sinh viên, học sinh gốc
Việt lớn lên trong môi trường Tây Âu? Khái niệm tồn tại có đồng nghĩa với
thuyết tiến hóa, tinh thần đáp ứng dựa trên sự sáng tạo (hoặc sáng suốt), hay
“tồn tại” phải là chuyện bảo vệ “trinh tiết” kiểu “nước vỏ lựu máu mào gà” của
mọi lề thói, hiện trạng, trong thực tại cũng chỉ là di sản của lịch sử bị đô
hộ?
Thúy
không phải là nhà thơ, nên không có khả năng làm thơ “lấy liền” cho đề tài 30
tháng 4. Biến cố 30-4 đã tạo ra nhiều kẻ hoài nghi ngôn ngữ. Thúy là một trong
những kẻ ngờ vực, mất đức tin, chỉ biết hoài nghi và do đó chưa “xuất thần” để
có thể thực sự sáng tác.
Nguyễn Thị Thanh
Bình:
Cứ mỗi 365 ngày, vào thời điểm này, chúng
ta lại có dịp nghe thấy hoặc chứng kiến “người anh em” trong nước tưng bừng
giăng thêm khẩu hiệu, biểu ngữ, và cờ phướn tung bay ngập lối, cùng pháo hoa
kèn trống diễn binh... như một thứ men say chiến thắng, trong khi đó ở hải
ngoại thì những người lữ thứ kỷ niệm ngày 30/4 như một tưởng nhớ đau thương
quốc hận. Như thế liệu tâm hồn bạn lúc này đang bay bổng ở đâu, khi gõ lại từng
đường dây biến cố lịch sử mỏi mòn ấy? Bạn có nhớ tại sao lúc ấy bạn quyết định
ở lại hay ra đi không?
Đinh Từ Bích Thúy: Khi mặc niệm về
ngày 30 tháng 4, trong lúc này, gần bốn thập niên sau biến cố, Thúy thấy cái
nhìn của mình không chỉ giới hạn trong khuôn khổ Việt Nam. Nó đã được hoàn cầu
hóa, một phần vì những biến chuyển thế giới gần đây, như cuộc cách mạng ở
Tunisia, Ai Cập, Lybia, Syria, và chuyện đang sôi động hiện nay là việc Trần
Quang Thành (Chen Guangcheng) một nhà tranh đấu khiếm thị đã dám vượt trốn ra
khỏi nhà vào sứ quán Mỹ tá túc trước khi được chuyển đến nhà thương điều trị
cho vết thương chân, và hiện nay đang chờ đợi thủ tục lấy visa để sang Hoa kỳ
du học.
Khái
niệm “cách mạng”- như một cuộc đổi đời, một thử nghiệm dân chủ - theo đúng
nghĩa vẫn là một hứa hẹn đẹp, một lý tưởng chưa bị hủy diệt cho dù thực tại của
ngày hôm sau có những khó khăn, xung đột, nếu người ta đã dám rời hang tối của
Plato để nhìn thẳng vào ánh sáng mặt trời. (Sự khiếm thị của Trần Quang Thành,
như nỗi Ám thị của Phạm thị Hoài, như hang tối của Plato, như Thiên Đường Mù
của Dương Thu Hương, những thế giới mù của Đinh Linh đã trở nên một ẩn dụ khá
bao quát và thú vị). Mong rằng những người dân Việt ở Việt Nam đã và sẽ được
hứng khởi, bừng mắt bởi những cuộc nổi dậy ở Trung Đông, cũng như những hành
động dũng cảm của các nhà đối lập như Lưu Hiểu Ba, Lưu Hà, Ngải Vị Vị, Trần
Quang Thành, v.v..., và tin vào khả năng tác động sự chuyển hóa của chính họ.
Ngày
rời Việt Nam của gia đình Thúy là ngày 21 tháng 4, nếu Thúy nhớ không lầm là
trong thời điểm tuần Phục Sinh. Ở lứa tuổi 13, ra đi là một cuộc phiêu lưu mới.
Những dằn vặt, bất an là những điều về sau, những giá đương nhiên phải trả cho
cuộc đời tự do, cho những cơ hội giáo dục, nghề nghiệp. Dù sao, những cô cậu ra
đi ở lứa tuổi 13 vào năm 1975 đã lập gia đình và có con cái là công dân Mỹ. Họ
không phải là “lữ thứ” mà là một phần của xã hội Mỹ, cho nên khái niệm “quốc
hận” có lẽ cũng không còn chính xác.
Trong
lúc này, Thúy mong cho Trần Quang Thành- người trốn ra khỏi nhà vào ngày 21
tháng 4 năm 2012, được mau mau ra khỏi Trung Quốc, để ông và gia đình có cơ hội
được sinh sống, trao đổi ngôn luận/kiến thức trong một môi trường tự do - nơi
những quyền sơ đẳng của ông và người thân được tôn trọng như điều nghiễm nhiên.
Nguyễn Thị Thanh
Bình:
Vào những lúc cuối đời, thường thì trong
lòng người ta vẫn dấy lên một chút lương tri đạo đức làm người gì đó, và những
câu nói sau đây của ông Võ Văn Kiệt được xem như là những điển hình đáng ghi
nhận: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người
vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần
được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Là một người dân
Việt, mà lại là một người cầm bút tử tế, bạn nghĩ chúng ta phải làm thế nào để
có thể băng bó vết thương chung của dân tộc, khi hiểm họa của người phương Bắc
càng ngày càng phủ chụp đất nước sau 37 năm Việt Nam vỗ ngực xưng hoà bình
thống nhất?
Đinh Từ Bích Thúy: Là một người viết,
Việt hay không Việt, Thúy nghĩ trách nhiệm chính là viết lên những sự thật từ
mọi quan sát và trải nghiệm, từ cấu trúc nghệ thuật, trong tinh thần luôn luôn
chất vấn, luôn luôn thách đố, luôn luôn phân tích, luôn luôn cảnh giác. (Không
hiểu sao quá trình viết thường làm Thúy nghĩ đến hình ảnh các tu sĩ Công Giáo
thời Trung Cổ đã “tự quất roi” lên thân thể như một cách đền tội). Nghệ thuật,
cũng như chính trị, phải dựa trên cơ cấu. Trị bệnh, làm vết thương lành sẹo,
không đồng nghĩa với kiểu “hòa giải/biện hộ” nửa trơ tráo, nửa huyễn hoặc như
một “triết gia” Việt kiều thường vẫn rêu rao.
Cách
đây đúng một năm trước, vào khoảng thời điểm tuần lễ 30 tháng 4, đầu tháng 5
năm 2011, Bùi Chát và nhà xuất bản Giấy Vụn đã được Hiệp Hội Các Nhà Xuất Bản
Quốc Tế (International Publishers Association) tôn vinh ở Buenos Aires qua
những sinh hoạt xuất bản đầy can đảm và sáng tạo. Sự kiện này đã nâng cao tinh
thần các người viết trong nước và ngoài nước, và cho ta thấy rằng khi một cây
đổ trong rừng, sẽ vẫn có người nghe rõ tiếng vang động của cây.
Nguyễn Thị Thanh
Bình:
Nếu bảo “thất bại trong hoà bình” mới là
điều đáng lên tiếng luận bàn cho một lộ trình tương lai đất nước khả quan hơn,
thì thử hỏi bạn có dám nói, dám viết, dám kiến nghị để lương tâm và chức năng
của một người cầm bút không bị kiến cắn, kiến bò không? Và cho dẫu bạn không hề
là một trong 75 vạn người mẹ đớn đau của những người con được phong tước anh
hùng liệt sĩ gì đó, hoặc bị xem là “có nợ máu với nhân dân”, thì liệu bạn có
phải bịt tai, bịt mắt để khỏi phải nghe hay thấy những bài ca rỗng tuếch nhai đi
nhai lại ngợi ca xương máu chiến thắng?
Đinh Từ Bích Thúy: Câu hỏi này làm
Thúy nghĩ đến tác phẩm Trại Súc Vật của George Orwell, trong đó có câu, “Mọi
súc vật đều bình đẳng, nhưng có những loài vật bình đẳng hơn.” Thiển nghĩ, sự
bất định của ngôn ngữ chính là yếu tố đòi hỏi sự tự cảnh giác và chân thật từ
một người viết, cũng như từ một nhà lãnh đạo.
Điều
khác biệt giữa “chân thật” và “tuyên truyền” được thể hiện qua cách trình bày
một luận đề (hay một vấn nạn). Người nghệ sĩ, cũng như người lãnh đạo, nếu kính
trọng độc giả, dân tình, sẽ cân nhắc vấn đề, nhìn nhận mọi cảnh đời, mọi số
phận qua những quan sát sống động, thay vì áp đặt một khuynh hướng độc nhất mà
không mổ xẻ, phân tích cặn kẽ những xung đột. Sự độc tài, cũng như mọi nỗ lực
bôi xóa hay sửa sắc đẹp quá khứ là điều phản thiên nhiên, và chính ra là một
thất bại tuyệt đối (không phải là “thất bại trong hòa bình”) vì nó không biết
dung hòa hay đáp ứng những yếu tố lịch sử qua những giải pháp sáng tạo. Để
không bị mê hoặc bởi những lập luận, tuyên truyền, một người viết phải duy trì
vị thế độc lập, và luôn luôn phải cân nhắc, nhìn nhận những cảm tính của mình
trước những biến cố thời cuộc. Ở một khía cạnh nào đó, có lẽ văn chương “chân
thực” hơn chính trị hoặc đời sống chăng, vì văn chương dám đối diện trực tiếp
với thảm kịch, ngược lại, trong môi trường chính trị, hoặc trong đời sống,
người ta không dám nhìn thẳng vào sự thật, vì cái giá phải trả của “sự thật” bị
coi là quá đắt? Thí dụ, trong tiểu thuyết Chiến Tranh và Hòa Bình của Tolstoy,
lịch sử/chiến tranh là guồng máy to tát, là sự hỗn loạn vượt ra ngoài tầm hiểu
biết của loài người. Trong thế giới tiểu thuyết mà tác giả là một Tạo Hóa thông
biết mọi sự nhưng giữ thế trung dung, con người luôn luôn bị chi phối giữa may
rủi của vận mệnh và ước nguyện về quân bình và hạnh phúc. Không hề có vĩ nhân
trong Chiến Tranh và Hòa Bình. Andrei, cao thượng, u uất và lãng mạn, nhưng
suốt đời bị đè nén bởi trách nhiệm và những kỳ thị giai cấp, có lẽ là nhân vật
bi thảm nhất trong Chiến Tranh và Hòa Bình. Andrei vẫn chết cho dù chàng nhận
thức được chân lý của vũ trụ. Một chế độ độc tài, ngược lại, nghĩ rằng nó có
thể tồn tại qua fiction của thuyết anh hùng bất khả ngộ.
Nguyễn Thị Thanh
Bình:
Ông Lê Duẩn đã từng biện bạch rằng “Đây
là thắng lợi của cả dân tộc, không phải là của riêng ai”. Vậy thử hỏi nỗi đau
của “triệu người buồn” kia, cũng hệt như nỗi đau của nước sắp mất, và (ngôi)
nhà Việt Nam sắp tan, không lẽ không phải là niềm đau chung của dân tộc? Đất
nước chắc chắn nào phải của riêng ai, vậy tại sao lại chỉ có thứ độc quyền yêu
nước hay bán nước? Sự kiện tiếp tục bỏ tù những trí thức yêu nước độc lập có
phải là thái độ sợ hãi của một nhà cầm quyền chỉ muốn củng cố quyền lực hay
không? Liệu bạn có thấy phấn khởi khi giới trẻ cũng bắt đầu quan tâm và muốn
gánh vác phần nào câu chuyện lịch sử 30/4/1975 của cha ông mình?
Đinh Từ Bích Thúy: Từ năm 1975, Thúy
chưa hề trở về Việt Nam lần nào nên không đủ thẩm quyền để góp ý về mọi thành
phần giới trẻ hiện sinh sống tại Việt Nam. Tuy vậy, câu hỏi làm Thúy nhớ đến
lời nhận xét của cậu em trai, trước đây đã làm việc nhiều năm ở Singapore. Tuy
Singapore là một xứ sở rất tôn trọng kỷ luật, với nền kinh tế mạnh, và không có
những bất an về mặt chính trị, cậu em của Thúy đã phàn nàn rằng, “chính phủ
Singapore coi dân của họ như trẻ con. Người dân Singapore không có tinh thần tự
túc.” Thúy đã suy nghĩ nhiều về lời nhận xét này. Có lẽ nền giáo dục của Hoa kỳ
đã giúp cho Thúy thấy tầm quan trọng của phản ứng cá nhân – một thể hiện của tinh
thần chính trị từ gốc rễ (grassroots politics). Vì ở Hoa kỳ người ta có câu, điều
cá nhân cũng là điều chính trị, để thực sự có thay đổi, một cá nhân phải nhận
thấy rằng mọi vinh hạnh và vấn nạn của xứ sở đều sẽ ảnh hưởng trước tiên đến
chính bản thân, gia đình họ. Như vậy ta không thể chấp nhận lời biện bạch của
Lê Duẩn. Sự thắng lợi của cả dân tộc, để có ý nghĩa, cũng phải là sự thắng lợi
của từng cá nhân có ý thức, của riêng từng người. Từ lúc bé, khi học về Hai Bà
Trưng, Thúy vẫn thắc mắc không hiểu Trưng Trắc đã chỉ quyết định hành động sau
khi chồng bà bị giết, hay nỗi hận của vị anh thư đã phát xuất từ một chuyện
hàng ngày rất nhỏ trước đó, nhưng là hậu quả trực tiếp của chính sách đô hộ?
Văn chương cũng đã giúp cho Thúy thấy khía cạnh cá nhân của chính trị: Nguyễn
Huy Thiệp, Nguyễn Mộng Giác và Trần Vũ trước đây đã dùng fiction để “vẽ lại”
những nhân vật lớn trong lịch sử Việt Nam. Chúng ta luôn luôn cần những cá nhân
có óc sáng tạo để thách thức hoặc đánh đổ hiện trạng. Về mặt văn chương, qua
kinh nghiệm làm việc trong ban biên tập Da Màu từ sáu năm qua, Thúy nhận thấy
các nhà văn trẻ trong nước - ngoài một số rất ít –thì vẫn chưa có môi trường
khả quan để phát triển sự sáng tạo, hoặc một thái độ ngạo nghễ, vững chãi, độc
lập. Biết đến bao giờ Việt Nam mới có một Roberto Bolano? Đây cũng là một “thất
bại trong hòa bình” coi bộ vô phương của chính quyền Việt Nam.
-------------
Đã đăng:
08.05.2012
07.05.2012
06.05.2012
05.05.2012
04.05.2012
03.05.2012
03.05.2012
02.05.2012
GS Nguyễn
Ngọc Bích: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Nguyễn
Ngọc Bích
/ Nguyễn
Thị Thanh Bình
02.05.2012
01.05.2012
30.04.2012
30.04.2012
29.04.2012
28.04.2012
28.04.2012
.
No comments:
Post a Comment