Friday 4 May 2012

HOÀNG CHÍNH: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4




03.05.2012

Bài phỏng vấn dưới đây do nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện. Một bản câu hỏi đã được gửi đến nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước. Tiền Vệ sẽ lần lượt đăng tải loạt bài này.
Tiền Vệ
_______


HOÀNG CHÍNH: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4

Nguyễn Thị Thanh Bình: Tôi cố tình dành một khoảng trống cho tên gọi ngày 30-4. Bạn là một cây viết cừ khôi, xin bạn thử tìm một tên gọi khác cho ngày này, ngoài những chữ vẫn được gọi kêu thông thường như ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen, ngày Giải Phóng hay ngày Đại Thắng Mùa Xuân...? Và tại sao bạn lại muốn gọi như thế?
Hoàng Chính: Hãy gọi 30 tháng tư là Ngày đầu thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba.
Quốc Hận, Quốc Kháng… là cái tên dùng bởi những người Việt Nam ở nửa đất nước bên này và rất nhiều người ở nửa đất nước bên kia. Tháng Tư Đen là những chữ đã mòn nhẵn, đã dần trở thành vô nghĩa. Ngày Giải Phóng hay Đại Thắng Mùa Xuân chỉ dùng bởi không tới một triệu người trong cái đảng đang nắm vận mệnh dân tộc kia. Ngày đầu thời kỳ Bắc Thuộc lần thứ ba là điều áp dụng rất đúng cho tất cả những người Việt Nam.

Nguyễn Thị Thanh Bình: Nhà thơ Nguyễn Duy ở Việt Nam, với bài thơ “Nhìn từ xa... Tổ quốc” mà nhiều người vẫn tâm đắc, đã có lần viết câu thơ sau đây trong bài “Đá ơi”: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Không biết bạn đồng cảm như thế nào với thi sĩ về hai câu này, cũng như liệu bạn có thể cảm tác thêm một vài câu “lấy liền” cho dòng thơ tháng 4 không?
Hoàng Chính: Ở một đất nước như Việt Nam mình thì chiến tranh hay hòa bình, nhân dân cũng đều là những kẻ chiến bại. Chỉ có đám cầm quyền là bao giờ cũng thắng; “nhất định thắng.”
Rất tiếc tôi không thể viết nổi một câu thơ vào ngày này, hơn nữa thơ với văn cũng chẳng làm nên trò trống gì!

Nguyễn Thị Thanh Bình: Cứ mỗi 365 ngày, vào thời điểm này, chúng ta lại có dịp nghe thấy hoặc chứng kiến “người anh em” trong nước tưng bừng giăng thêm khẩu hiệu, biểu ngữ, và cờ phướn tung bay ngập lối, cùng pháo hoa kèn trống diễn binh... như một thứ men say chiến thắng, trong khi đó ở hải ngoại thì những người lữ thứ kỷ niệm ngày 30/4 như một tưởng nhớ đau thương quốc hận. Như thế liệu tâm hồn bạn lúc này đang bay bổng ở đâu, khi gõ lại từng đường dây biến cố lịch sử mỏi mòn ấy? Bạn có nhớ tại sao lúc ấy bạn quyết định ở lại hay ra đi không?
Hoàng Chính: Năm 1975 tôi còn là sinh viên y khoa. Và sau khi nghe lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh, tôi chạy xe vào bệnh viện Nguyễn Văn Học. Hôm ấy, tôi chứng kiến nhiều người chết vào giây phút cuối cùng của cuộc chiến. Tôi vuốt mắt không biết bao nhiêu người xấu số, cứ tưởng đó là những kẻ bất hạnh sau cùng, nhưng tôi đã lầm.
Hôm ấy mới chỉ là khởi điểm.
Phải chi những kẻ gây nên tội (ở bên này hay ở bên kia) ít nhất có biết một lần nói lời xin lỗi. Cuộc phân tranh Trịnh Nguyễn thuở trước kéo dài tới cả một trăm năm. Cuộc chiến vừa qua đâu đến nỗi lâu như thế. Khi cuộc phân tranh Nam Bắc kia kết thúc, cha ông chúng ta đã quên hẳn hận thù, và hình như người ta đã không đào mồ, cuốc mả nhau lên…

Nguyễn Thị Thanh Bình: Vào những lúc cuối đời, thường thì trong lòng người ta vẫn dấy lên một chút lương tri đạo đức làm người gì đó, và những câu nói sau đây của ông Võ Văn Kiệt được xem như là những điển hình đáng ghi nhận: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Là một người dân Việt, mà lại là một người cầm bút tử tế, bạn nghĩ chúng ta phải làm thế nào để có thể băng bó vết thương chung của dân tộc, khi hiểm họa của người phương Bắc càng ngày càng phủ chụp đất nước sau 37 năm Việt Nam vỗ ngực xưng hoà bình thống nhất?
Hoàng Chính: Hiểm họa Hán hóa của những năm Bắc thuộc đã tỏ tường. Và người ta cũng chẳng bận tâm che giấu. Tôi đang nhìn thấy những ngày xuống biển mò ngọc trai, lên rừng săn voi lấy ngà, gom góp vàng bạc đúc tượng những ông Khổng, ông Trang, ông Mao, ông vân vân và vân vân… gửi về phương Bắc.
Và tôi cũng thấy những người Việt Nam có công với Bắc triều được rửa xe, quét nhà, cắt cỏ, giặt quần áo, đấm lưng, gãi ngứa, săn sóc bầy chó cảnh cho những quan thái thú đến từ phương Bắc thay vì phải xuống biển mò ngọc trai. Tôi nghe được tiếng đám gái Việt lưng ong, tóc dài rúc rích cười trong hậu cung quan thái thú.
Dù gãi lưng cho quan thái thú hay lên núi tìm ngà voi thì cũng là nô lệ, có khác chăng là khác cái đẳng cấp đấy thôi. Chắc đám gãi lưng cho quan thái thú cũng nhìn ra điều đó và càng nhìn ra họ càng cố gắng bảo vệ chỗ đứng để gãi của họ.
Vô phương!

Nguyễn Thị Thanh Bình: Nếu bảo “thất bại trong hoà bình” mới là điều đáng lên tiếng luận bàn cho một lộ trình tương lai đất nước khả quan hơn, thì thử hỏi bạn có dám nói, dám viết, dám kiến nghị để lương tâm và chức năng của một người cầm bút không bị kiến cắn, kiến bò không? Và cho dẫu bạn không hề là một trong 75 vạn người mẹ đớn đau của những người con được phong tước anh hùng liệt sĩ gì đó, hoặc bị xem là “có nợ máu với nhân dân”, thì liệu bạn có phải bịt tai, bịt mắt để khỏi phải nghe hay thấy những bài ca rỗng tuếch nhai đi nhai lại ngợi ca xương máu chiến thắng?
Hoàng Chính: Kiến nghị, thỉnh cầu… nọ kia chỉ là thứ trang điểm cho người cầm bút khỏi xấu hổ với chính mình. Tôi không tin người ta có thì giờ đọc kiến nghị. Và nếu có đọc, họ cũng chẳng bận tâm. Nếu dân chúng Paris ngày xưa không phá ngục Bastille mà chỉ dâng kiến nghị thì chế độ quân chủ hẳn vẫn còn trên nước Pháp và (có lẽ) nhiều nơi khác trên thế giới.

Nguyễn Thị Thanh Bình: Ông Lê Duẩn đã từng biện bạch rằng “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải là của riêng ai”. Vậy thử hỏi nỗi đau của “triệu người buồn” kia, cũng hệt như nỗi đau của nước sắp mất, và (ngôi) nhà Việt Nam sắp tan, không lẽ không phải là niềm đau chung của dân tộc? Đất nước chắc chắn nào phải của riêng ai, vậy tại sao lại chỉ có thứ độc quyền yêu nước hay bán nước? Sự kiện tiếp tục bỏ tù những trí thức yêu nước độc lập có phải là thái độ sợ hãi của một nhà cầm quyền chỉ muốn củng cố quyền lực hay không? Liệu bạn có thấy phấn khởi khi giới trẻ cũng bắt đầu quan tâm và muốn gánh vác phần nào câu chuyện lịch sử 30/4/1975 của cha ông mình?
Hoàng Chính: Không có ai độc quyền yêu nước ở Việt Nam hết. Độc quyền yêu tài sản, độc quyền yêu quyền lực, độc quyền yêu nhà cao cửa rộng… thì có. Tình cảm yêu mảnh giang sơn ấy, yêu cái dân tộc ấy nó chạm đến cái tình yêu tài sản, quyền lực, nhà cao cửa rộng… của kẻ có quyền, nên bị cấm đấy thôi.
Thế hệ trẻ hôm nay. Vâng, tôi mong họ sẽ nắm lấy vận mệnh đất nước mình, bởi lòng họ trong sáng, họ có tài năng với nhiệt tình. Và nhất là (tôi ước mong) họ còn yêu đất nước này.

-------------

Đã đăng:

03.05.2012

02.05.2012


01.05.2012

30.04.2012


29.04.2012




.
.
.


No comments:

Post a Comment

View My Stats