Hồ Đình Nghiêm: Những suy nghĩ về ngày 30/4
(phỏng vấn)
03.05.2012
Bài phỏng vấn dưới đây do nhà thơ Nguyễn Thị Thanh
Bình thực hiện. Một bản câu hỏi đã được gửi đến nhiều văn nghệ
sĩ trong và ngoài nước. Tiền Vệ sẽ lần lượt đăng tải loạt bài này.
Tiền Vệ
_______
HỒ ĐÌNH NGHIÊM: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4
Nguyễn Thị Thanh Bình: Tôi cố tình dành một khoảng
trống cho tên gọi ngày 30-4. Bạn là một cây viết cừ khôi, xin bạn thử tìm một
tên gọi khác cho ngày này, ngoài những chữ vẫn được gọi kêu thông thường như
ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen, ngày Giải Phóng hay ngày Đại Thắng Mùa Xuân...? Và
tại sao bạn lại muốn gọi như thế?
Hồ Đình Nghiêm: Mình không biết dùng chữ gì, có lẽ do bất
ngờ bạn hỏi. Sài-gòn bị đổi tên và 30-4 là giấy “thế vì khai sanh”? Bạn ở ngoài
nước và mình dật dờ chốn này, hai ta xài chung tấm căn cước cấp ngày 30-4. Mình
nghĩ: Thôi bận lòng chi một tên gọi, trong lúc ruột gan ta héo hon đã ngần ấy
năm “xa quê hương nhớ mẹ hiền”. Suy ra: Mình chả cừ khôi tí tẹo nào cả. Có lẽ
sau cuộc thăm dò của bạn, chúng ta thử đúc kết, tìm ra một tên gọi do ai đó “cừ
khôi” nghĩ ra, cho khỏi nhọc công bạn hiền.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nhà thơ Nguyễn Duy ở Việt Nam,
với bài thơ “Nhìn từ xa... Tổ quốc” mà nhiều người vẫn tâm đắc, đã có lần viết
câu thơ sau đây trong bài “Đá ơi”: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến
tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Không biết bạn đồng cảm như thế
nào với thi sĩ về hai câu này, cũng như liệu bạn có thể cảm tác thêm một vài
câu “lấy liền” cho dòng thơ tháng 4 không?
Hồ Đình Nghiêm: “Nhiều người vẫn tâm đắc” riêng mình thì
không. Mình không hợp tạng với thơ loại đó. Ý tưởng kia nếu viết ra một đoản
văn khúc chiết e lôi cuốn hơn. Và mình nghĩ, đã không cừ khôi thì nên đưa tay
sờ vào ót, bạn nên hiểu là mình rất tệ chuyện thơ thẩn. Tháng 4, để mình lục
soạn trí nhớ thử, từ cái cớ đau thương nọ hình như chưa có bài thơ nào gây ra
xúc động? Mình luôn mang nỗi hoài nghi: Khi bạn chạm mặt buồn đau, tang thương
nghiệt ngã, chắc bạn sẽ thấy bất lực khi muốn dùng chữ viết để bạch hóa nó ra.
37 năm qua, mình chưa đọc phải một cái gì nhức nhối về “cải tạo” về “vượt biển”
về “lưu vong”. Chúng ta thảy là nạn nhân, nói lếu láo rằng thì là “bó tay chấm
còm”. Đau quá mà, chịu chi thấu!
Nguyễn Thị Thanh Bình: Cứ mỗi 365 ngày, vào thời điểm
này, chúng ta lại có dịp nghe thấy hoặc chứng kiến “người anh em” trong nước
tưng bừng giăng thêm khẩu hiệu, biểu ngữ, và cờ phướn tung bay ngập lối, cùng
pháo hoa kèn trống diễn binh... như một thứ men say chiến thắng, trong khi đó ở
hải ngoại thì những người lữ thứ kỷ niệm ngày 30/4 như một tưởng nhớ đau thương
quốc hận. Như thế liệu tâm hồn bạn lúc này đang bay bổng ở đâu, khi gõ lại từng
đường dây biến cố lịch sử mỏi mòn ấy? Bạn có nhớ tại sao lúc ấy bạn quyết định
ở lại hay ra đi không?
Hồ Đình Nghiêm: Đồng tiền có hai mặt. Huy chương cũng vậy.
Chiến thắng thì ăn mừng thua cuộc thì buồn tủi, chuyện ấy ai cũng tường. Mình
đọc trong Tam quốc chí, thường thì lấy được thành, mưu sĩ đều hiến kế: Nên han
hỏi trấn an bá tánh, phát lương thực nếu có thể, lòng dân an vui, trăm họ bình
yên thì tướng quân có thể thấy rõ xã tắc ngày một thịnh. Sau tháng tư năm bảy
lăm, giang sơn thu về một mối nhưng trăm họ lao lung bá tánh xác xơ lòng người
đố kị. Người “cừ khôi” biến mất để cho thành phần hung hiểm lộ diện. Bạn thấy
không, trường thiên tiểu thuyết chứ không đùa à nghe. Một tiểu thuyết nói về
bãi dâu tang điền, mình là đứa Một triệu ghi danh làm boat people. Không đi
chui e không xong, từ chết tới bị thương cũng chả từ nan. Hề, ta không vào địa ngục
thì ai vào!
Nguyễn Thị Thanh Bình: Vào những lúc cuối đời, thường
thì trong lòng người ta vẫn dấy lên một chút lương tri đạo đức làm người gì đó,
và những câu nói sau đây của ông Võ Văn Kiệt được xem như là những điển hình
đáng ghi nhận: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng
triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của
dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Là
một người dân Việt, mà lại là một người cầm bút tử tế, bạn nghĩ chúng ta phải
làm thế nào để có thể băng bó vết thương chung của dân tộc, khi hiểm họa của
người phương Bắc càng ngày càng phủ chụp đất nước sau 37 năm Việt Nam vỗ ngực
xưng hoà bình thống nhất?
Hồ Đình Nghiêm: Ui chào, bạn thông hiểu nhiều điều quá
mạng. Ông Kiệt, ông Đồng, ông Chinh, ông Duẫn, ông Hồ. Anh Ba, anh Tư, anh Năm,
anh Sáu, anh Bảy… cho tới anh Chín Ngón. Ông anh nào nói ra mình đều hổng có
nghe. Không dám đâu! Bạn cho mình là người cầm bút tử tế? Thì mình cũng vơ đại
cho oai, nhưng ngẫm lại ở Việt-nam, bọn tử tế là bọn vứt đi, nghèo rớt mồng
tơi, vợ con lam lũ nheo nhóc kêu trời không thấu. Vô bệnh viện, ruột đổ ra
ngoài cả đống, lương y vòng tay hỏi: Có tiền không? Bạn à, lấy tư cách gì để
băng bó vết thương chung? Mình đồ chừng bạn là người hơi mơ mộng. Hơi lãng mạn
như vậy thì hà cớ gì để đầu óc chạy rong theo lời mấy ảnh nói? Nói dậy mà hổng
phải dậy! Riêng câu này thì thậm hay!
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nếu bảo “thất bại trong hoà
bình” mới là điều đáng lên tiếng luận bàn cho một lộ trình tương lai đất nước
khả quan hơn, thì thử hỏi bạn có dám nói, dám viết, dám kiến nghị để lương tâm
và chức năng của một người cầm bút không bị kiến cắn, kiến bò không? Và cho dẫu
bạn không hề là một trong 75 vạn người mẹ đớn đau của những người con được
phong tước anh hùng liệt sĩ gì đó, hoặc bị xem là “có nợ máu với nhân dân”, thì
liệu bạn có phải bịt tai, bịt mắt để khỏi phải nghe hay thấy những bài ca rỗng
tuếch nhai đi nhai lại ngợi ca xương máu chiến thắng?
Hồ Đình Nghiêm: Mình đưa một ví dụ ở đây. Bạn gom thơ văn,
lay-out cẩn thận mang về Việt Nam dự tính in Tuyển tập Nguyễn Thị Thanh Bình.
Ban biên tập của nhà xuất bản hiệu đính nhuận sắc cắt xẻo (là cái cẳng- chắc
như bắp). 200 trang còn lại 180, giả thử thế, tâm trạng của bạn khi ấy ra sao? Ai
có kiến nghị gì với nhà nước cách một đại dương bên ấy biểu mình ký tên bên
dưới thì OK, nhưng trực tiệp nói chuyện trời mưa trời nắng với họ thì em xin
kiếu. Mộ Dung công tử rỉ tai mình: Với nhà nước ấy cậu nên giở chiêu thức này
“Không thấy không nghe không biết” và chớ đi theo thằng Đoàn Dự mà bẹo hình bẹo
dạng thi triển Lăng Ba vi bộ!
Nguyễn Thị Thanh Bình: Ông Lê Duẩn đã từng biện bạch
rằng “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải là của riêng ai”. Vậy
thử hỏi nỗi đau của “triệu người buồn” kia, cũng hệt như nỗi đau của nước sắp
mất, và (ngôi) nhà Việt Nam sắp tan, không lẽ không phải là niềm đau chung của
dân tộc? Đất nước chắc chắn nào phải của riêng ai, vậy tại sao lại chỉ có thứ
độc quyền yêu nước hay bán nước? Sự kiện tiếp tục bỏ tù những trí thức yêu nước
độc lập có phải là thái độ sợ hãi của một nhà cầm quyền chỉ muốn củng cố quyền
lực hay không? Liệu bạn có thấy phấn khởi khi giới trẻ cũng bắt đầu quan tâm và
muốn gánh vác phần nào câu chuyện lịch sử 30/4/1975 của cha ông mình?
Hồ Đình Nghiêm: Mình nghe ì xèo rằng thì là học trò trong
nước bây giờ dốt sử lắm. Nói bạn đừng ngầy, nghe vậy mình thấy dễ chịu hết sức.
Nguyễn Đắc Xuân mà cũng là nhà sử học thì mình như thể đang nằm nghe ai đọc
chuyện Nghìn lẻ một đêm (chứ không phải Bảy đêm khoái lạc). Muốn viết sử phải
công tâm, tôn trọng sự thật. Tướng lãnh miền Nam rất lắm người giỏi, Tướng Ngô
Quang Trưởng chẳng hạn, mình ngờ là qua ngòi viết của Nguyễn Đắc Xuân hình ảnh
kia sẽ bị biến dạng đi, rồi quen mồm cứ thằng ngụy này thằng ngụy nọ đọc phát
nản. Thôi, xin cho mình “vượt biên” khỏi câu hỏi này đi. Mình sẽ tới Virginia
và đè Nguyễn Thị Thanh Bình mà phỏng vấn. Hình như chúng ta còn nợ nần nhau?
-------------
Đã đăng:
02.05.2012
GS Nguyễn Ngọc
Bích: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Nguyễn Ngọc Bích
/ Nguyễn Thị Thanh
Bình
01.05.2012
30.04.2012
Bắc Phong: Những
suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Bắc Phong
/ Nguyễn Thị Thanh
Bình
Uyên Thao: Những
suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Uyên Thao
/ Nguyễn Thị Thanh
Bình
29.04.2012
Liêu Thái: Những
suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Liêu Thái
/ Nguyễn Thị Thanh
Bình
Nguyễn Viện:
Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Nguyễn Viện
/ Nguyễn Thị Thanh
Bình
Cảm tưởng về
ngày 30/4 (tiểu luận / nhận định) - Nguyễn Thị Thanh
Bình
.
.
.
No comments:
Post a Comment