Saturday, 5 May 2012

HẬU VĂN GIANG: CÒN NHIỀU DIỄN BIẾN KHÓ LƯỜNG (Huỳnh Ngọc Chênh)




Thứ bảy, ngày 05 tháng năm năm 2012

Cứ tưởng rằng vụ cưỡng chế Văn Giang đã thành công tốt đẹp, "phe ta" đã giành được chiến thắng vang dội trước phe...nông dân, mọi việc đi vào ổn định, đất được giao cho đại gia Việt Hưng để chuẩn bị "thành kính phân lô".

Thế nhưng rất bất ngờ, có hai sự cố vừa xảy ra đang làm xôn xao dư luận.

Trước hết là các nông dân Văn Giang đã gởi "Đơn tố giác nghi vấn giả tài liệu của Chính phủ".
Ngày 5.5.2012, các nông dân bị cưỡng chế đất ở Văn Giang đã viết đơn tố giác công dân về việc có dấu hiệu "làm giả con dấu, tài liệu chính phủ" để cưỡng chế thu hồi đất giao cho dự án Ecopark. Kèm theo đơn tố giác này là ba tài liệu mà các nông dân Văn Giang cho là bằng chứng về sự giả mạo. Đơn tố giác đã được gởi đến Tổng bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Viện Kiểm Sát, Bộ Công an...

Cũng theo đơn tố giác nầy, các nông dân trên đã nhiều lần gởi đơn thư tố giác về vấn đề này lên các cơ quan chức năng từ năm 2009 nhưng vẫn chưa thấy trả lời.

Đơn thư tố giác và tài liệu liên quan được đăng trên nhật báo Ba Sàm, xem tại đây.

Sự cố thứ hai là phát hiện ra hai nạn nhân trong đoạn băng công an đánh dân tàn bạo.
Trong vụ cưỡng chế Văn Giang, có hai đoạn băng video được đưa lên mạng ghi lại cảnh đánh dân vô cùng tàn bạo của công an gây phẫn nộ trong dư luận. Nhưng khi báo cáo với Thủ tướng, ông phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào lại cho rằng có những đoạn băng giả mạo do kẻ xấu dàn dựng để vu khống, bôi nhọ chính quyền.

Đây là clip do kẻ xấu dàn dựng để bôi nhọ và vu khống chính quyền?

Tuy nhiên, mới đây, từ nguồn tin riêng, BBC đã xác định được hai nạn nhân trong đoạn băng video trên là có thật. Hãy xem tường thuật của BBC:

Một nguồn tin từ Hà Nội xác nhận với BBC rằng hôm thứ Ba, 24/4 trong cuộc cưỡng chế chính quyền của huyện Văn Giang, ông Ngọc Năm, Trưởng phóng Kinh tế của Đài tiếng nói Việt Nam và phóng viên Phi Long đã bị hành hung trọng thương cũng như bị bắt giữ.

Một nguồn khác cho hay hình ảnh của vụ hành hung đã được các cư dân mạng ghi hình, âm thanh và loan tải trên mạng, và xác nhận clip video phản ánh vụ tấn công, hành hung nhắm vào hai cán bộ của VOV này có trong một clip video mà BBC Việt ngữ đã đưa tin hôm 25 tháng Tư.

Nguồn này khẳng định hai người đàn ông đội mũ bảo hiểm xe máy "màu trắng" bị hành hung trong clip video là các ông Ngọc Năm và Phi Long, và cho biết ít nhất một người trong số họ đã bị gần hai chục cảnh sát và những người mặc thường phục, đeo băng đỏ "đánh hội đồng" băng dùi cui, chân tay...

Và cũng theo BBC, hai nạn nhân là nhà báo nầy đã từ chối nhận tiền bồi thường " rất nhiều" của một người được cho là Phó Tổng Giám đốc của Ecopark.

Theo BBC: ...đến nay, cán bộ bị "hành hung" của Đài VOV đã "đi làm trở lại bình thường," và nói họ đã "từ chối" nhận một khoản tiền bồi thường "rất nhiều" từ một người được cho là Phó Tổng Giám đốc của Ecopark.

Nguồn tin nói thêm ít nhất một cán bộ của Đài đã phải nằm viện điều trị, với một số "thương tích" trên mặt và cơ thể, sau vụ hành hung và bắt giữ.

Hôm 2 tháng Năm, quan chức tỉnh Hưng Yên đã nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng có những video clip giả trong vụ Văn Giang dùng để 'bôi nhọ' chính quyền.

Cáo buộc này do ông Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên đưa ra trong hội nghị về việc giải quyết khiếu kiện và tiếp dân sáng thứ Tư, theo VietnamNet.

Hôm thứ Bảy 05/05, BBC Việt ngữ đã liên hệ với lãnh đạo Đài tiếng nói Việt Nam và các bộ phận ban ngành, thường trực liên quan, để tìm hiểu phản ứng của VOV về tin về "vụ hành hung", nhưng chưa thể liên lạc được với bất kỳ ai.

Hậu Văn Giang còn nhiều diễn biến khó lường.

----------------------------------

BBC
Cập nhật: 11:54 GMT - thứ bảy, 5 tháng 5, 2012

Một phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam vừa nói với BBC rằng Hội sẽ tìm hiểu về vụ việc được cho là hai cán bộ, phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) bị hành hung ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong cuộc cưỡng chế của chính quyền địa phương hôm 24/4/2012.

Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 5 tháng Năm, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nói cơ quan này chưa nhận được thông tin về vụ việc được cho là một lãnh đạo Phòng Kinh tế của VOV và một phóng viên đã bị lực lượng cưỡng chế ở huyện Văn Giang hành hung bị thương khi họ có mặt ở hiện trường vụ cưỡng chế đất để xây dựng khu đô thị thương mại - du lịch Ecopark.

Được hỏi Hội sẽ làm gì nếu có hội viên hoặc cán bộ, phóng viên trong lĩnh vực báo chí, truyền thông trong nước bị hành hung, ông Huệ cho hay "Hội sẽ có cách riêng" để giải quyết, nhưng ông không cho biết chi tiết về cách giải quyết cụ thể là gì.

Một Phó Chánh văn Phòng của Hội nói với BBC rằng hội sẽ liên lạc với lãnh đạo VOV, mà cụ thể là ông Tổng Giám đốc Nguyễn Đăng Tiến, để tìm hiểu về sự việc, nhưng cho hay thông thường, Hội vẫn có hoạt động "thăm nom" những hội viên, cán bộ, nhà báo khi họ có vấn đề sức khỏe, nằm viện...

Một nguồn muốn ẩn danh từ Hà Nội xác nhận với BBC rằng hôm thứ Ba, 24/4 trong cuộc cưỡng chế chính quyền của huyện Văn Giang, ông Ngọc Năm, Trưởng phóng Kinh tế của Đài tiếng nói Việt Namphóng viên Phi Long đã bị hành hung trọng thương cũng như bị bắt giữ.

Một nguồn khác cho hay hình ảnh của vụ hành hung đã được các cư dân mạng ghi hình, âm thanh và loan tải trên mạng, và xác nhận clip video phản ánh vụ tấn công, hành hung nhắm vào hai cán bộ của VOV này có trong một clip video mà BBC Việt ngữ đã đưa tin hôm 25 tháng Tư.


Nguồn này khẳng định hai người đàn ông đội mũ bảo hiểm xe máy "màu trắng" bị hành hung trong clip video là các ông Ngọc Năm và Phi Long, và cho biết ít nhất một người trong số họ đã bị gần hai chục cảnh sát và những người mặc thường phục, đeo băng đỏ "đánh hội đồng" băng dùi cui, chân tay...

Video được đưa lên mạng YouTube cho thấy cảnh hàng chục người trong đó có công an dùng vũ lực tấn công hai người tay không và không hề có biểu hiện quá khích nào.

'Từ chối bồi thường'

Vẫn nguồn này phản ánh sau sự việc, đến nay, cán bộ bị "hành hung" của Đài VOV đã "đi làm trở lại bình thường," và nói họ đã "từ chối" nhận một khoản tiền bồi thường "rất nhiều" từ một người được cho là Phó Tổng Giám đốc của Ecopark.
Nguồn tin nói thêm ít nhất một cán bộ của Đài đã phải nằm viện điều trị, với một số "thương tích" trên mặt và cơ thể, sau vụ hành hung và bắt giữ.
Trong vụ cưỡng chế đất ở khu đô thị sinh thái Ecopark ở Văn Giang hôm 24/4, chính quyền đã sử dụng một lực lượng tới hàng nghìn cảnh sát, an ninh và lực lượng mặc thường phục...
Ít nhất hai chục người dân địa phương "kháng cự" đã bị bắt giữ tại chỗ với cáo buộc "chống người thi hành công vụ," một số trong số họ đã được thả theo truyền thông từ trong nước.

Vào ngày thứ Tư 2/5, ông Nguyễn Khắc Hào, Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên được truyền thông trong nước dẫn lời nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng có những video clip giả trong vụ Văn Giang dùng để 'bôi nhọ' chính quyền.
Tuyên bố này được đưa ra trong hội nghị về việc giải quyết khiếu kiện và tiếp dân.
Tuy nhiên ông Hào không đưa ra chi tiết về những video clip mà ông nói là giả.
Hôm thứ Bảy 05/05, BBC Việt ngữ đã liên hệ với lãnh đạo Đài tiếng nói Việt Nam và các bộ phận ban ngành, thường trực liên quan, để tìm hiểu phản ứng của VOV về tin về "vụ hành hung", nhưng chưa thể liên lạc được với bất kỳ ai.
Việt Nam hiện chưa có Luật về tiếp công dân, Luật về biểu tình nhưng chính quyền thường dùng tới vũ lực để đàn áp điều họ gọi là "việc lợi dụng khiếu nại, tố cáo gây rối”.
Báo Quân đội Nhân dân mới đây nói “Trong một số trường hợp có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo những người đi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối”.
Tuy nhiên báo này không nói thế lực thù địch đó là cá nhân, tổ chức hay nhóm nào.
.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats