Friday, 11 May 2012

BUỔI RA MẮT SÁCH "PHƯƠNG PHÁP DẠY TIẾNG VIỆT NHƯ MỘT NGÔN NGỮ THỨ HAI" (Tiền Vệ)




10.05.2012

Buổi ra mắt cuốn sách Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai của Nguyễn Hưng Quốc (do Tiền Vệ xuất bản, 4/2012) tại đại giảng đường L114, trường Đại học Victoria, Melbourne vào chiều chủ nhật 6 tháng 5/2012 vừa qua được xem là rất thành công. Một số người thuộc giới truyền thông đánh giá đó là buổi ra mắt sách thành công nhất tại Melbourne từ trước đến nay.


Sự thành công dễ thấy nhất là ở số người tham dự. Giảng đường L114 là giảng đường lớn nhất ở Footscray Park campus của trường Victoria University với gần 400 ghế ngồi. Khi buổi ra mắt sách bắt đầu vào lúc 2 giờ rưỡi chiều, giảng đường đã gần kín chỗ. Nhiều nhất là các giáo viên đang dạy tiếng Việt tại Melbourne.

Được biết tại Melbourne hiện nay có khoảng gần 11.000 học sinh đang học tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12 thuộc ba hệ thống khác nhau: trường chính mạch, trường Ngôn ngữ (VSL) và trường Sắc tộc (Ethnic school). Số giáo viên chính thức lên đến khoảng 250 người. Con số giáo viên phù động (sessional) cũng khoảng vài trăm người. Dĩ nhiên không phải giáo viên nào cũng có thể tham dự. Ở Melbourne, phần lớn các trường sắc tộc dạy tiếng Việt vào ngày Thứ bảy. Nhưng cũng có khá nhiều trường, có lẽ khoảng một phần ba, dạy vào ngày Chủ nhật.

Ngoài giáo viên, người ta nhận thấy có khá nhiều người yêu thích văn nghệ, học thuật, đặc biệt tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Có người đến từ rất xa. Nhà văn Bùi Mai Hạnh, tác giả cuốn Lê Vân, yêu và sống, hiện đang sống ở một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Victoria, kể là phải lái xe mất hơn ba tiếng đồng hồ mới tới nơi. Nhưng đến từ xa nhất là từ Canberra với anh chị Hoàng Trung và Tuyết, dịch giả Tôn Thất Quỳnh Du và Tiến sĩ Thái Duy Bảo thuộc Đại học ANU. Thấy Thái Duy Bảo ở cổng vào giảng đường, bạn bè rất ngạc nhiên: “Trời, không ngờ anh bay từ Canberra xuống tham dự!” Thái Duy Bảo cười: “Phải xuống để ủng hộ chứ!” Anh chị em trong Ban tổ chức đề nghị: “Anh ở xa đến, vậy xin mời anh phát biểu vài câu cho vui.” Tiến sĩ Bảo gật đầu. Trong tích tắc, bản chương trình của buổi ra mắt sách thay đổi, thêm tên tiến sĩ Thái Duy Bảo, một trong những vị khách đến từ nơi xa xôi nhất (dĩ nhiên không kể Hoàng Ngọc-Tuấn và Võ Quốc Linh đến từ Sydney, xa hơn Canberra, vốn được xem là... người nhà!)

Một góc giảng đường L114

Buổi ra mắt sách do Lê Văn Thanh điều khiển chương trình. Lê Văn Thanh không những là hiệu trưởng một trường sắc tộc mà còn là một người từng tham gia tích cực trong các sinh hoạt cộng đồng (có thời làm Chủ tịch Cộng đồng người Việt ở tiểu bang Victoria), hơn nữa, còn là một nhà thơ dưới bút hiệu Lê Nguyên Tịnh. Anh điều khiển chương trình một cách từ tốn, nhẹ nhàng. Trước hết, anh giới thiệu Nguyễn Hưng Quốc với tư cách một nhà phê bình, một nhà nghiên cứu, một blogger và một thầy giáo giàu kinh nghiệm. Những khía cạnh ấy kết tinh trong cuốn sách mới nhất được ra mắt hôm nay: Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai.

Nhà thơ Lê Nguyên Tịnh

Người phát biểu đầu tiên là Tiến sĩ Bronwyn Cran, Khoa trưởng Phân khoa Truyền thông và Nghệ thuật (School of Communication and the Arts) thuộc Đại học Victoria. Bà dẫn ra nhiều số liệu cho thấy cộng đồng người Việt tại Úc là cộng đồng bảo tồn tiếng mẹ đẻ thành công nhất trong tất cả các cộng đồng sắc tộc khác; việc dạy tiếng Việt từ cấp tiểu học đến trung học và đại học phát triển hơn hẳn các quốc gia khác trên thế giới. Bà cũng nhấn mạnh đến vai trò của trường Đại học Victoria, vốn là đại học đầu tiên tại Úc mở các lớp tiếng Việt như một ngành học chính; nơi có đông sinh viên học tiếng Việt nhất tại Úc từ mấy chục năm nay, và cũng là nơi được ủy thác trong việc đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt tại tiểu bang Victoria. Bà cũng tóm tắt những đóng góp của Nguyễn Hưng Quốc trong vai trò một học giả và chủ nhiệm Ban Việt ngữ và Việt học tại trường.

Tiến sĩ Bronwyn Cran

Sau Tiến sĩ Bronwyn Cran, có bốn diễn giả khác. Ông Thái Đắc Nhương, hiệu trưởng trường Việt ngữ Lạc Hồng - trường Việt ngữ lớn nhất ở hải ngoại với hơn 2500 học sinh ghi danh mỗi năm -, và Tiến sĩ Thái Duy Bảo, chủ nhiệm Ban Việt ngữ tại trường đại học ANU, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tác giả và cuốn Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai. Theo họ, cuốn sách vừa sâu sắc về lý thuyết vừa phong phú về thực hành, có thể xem như một cẩm nang dành cho những người dạy tiếng Việt ở hải ngoại.

Ông Thái Đắc Nhương

Tiến sĩ Thái Duy Bảo

Gây ấn tượng mạnh nhất là phần phát biểu của hai sinh viên Úc, Christopher Dunn và Erica Bradford. Christopher học tiếng Việt được một năm rưỡi; còn Erica thì đang là sinh viên năm thứ ba. Cả hai đều đã đi Việt Nam một số lần; có khi với tư cách du khách; có khi với tư cách giáo viên tiếng Anh thiện nguyện. Khi các em mới cất lời chào “các bác, các chú, các cô và các anh chị” và tự giới thiệu “là sinh viên của thầy Quốc” bằng một giọng phát âm gần như hoàn hảo, trong hội trường nghe vang lên nhiều tiếng “Wow!” lớn, rồi sau đó là một tràng pháo tay giòn giã. Các em càng nói, tiếng vỗ tay càng lớn và càng nhiều. Các em chinh phục người nghe không những bằng một cách phát âm rất chuẩn mà còn bằng cách nói dí dỏm khi kể những chuyện hiểu lầm tai hại khi các em mới bắt đầu học tiếng Việt. Erica nêu lên một nhận xét khiến nhiều người tâm đắc: Nhiều lúc em có cảm tưởng học tiếng Việt không phải là học một mà là học ba ngôn ngữ khác nhau: “tiếng” miền Bắc, “tiếng” miền Nam, và “tiếng” miền Trung.

Christopher Dunn

Erica Bradford

Khán giả cười thích thú khi nghe Erica nói tiếng Việt
  
Phần phát biểu của Nguyễn Hưng Quốc khá ngắn vì, theo ông, một phần, thời giờ có hạn; phần khác, các diễn giả khác đã nói nhiều về cuốn sách rồi. Ông chỉ trình bày vắn tắt lý do khiến ông quyết định viết cuốn Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai: Một là vì ông thấy nó khó; hai là, với cương vị người phụ trách các khóa đào tạo phương pháp giảng dạy cho các giáo viên tiếng Việt tại tiểu bang, ông thấy đó là một nhu cầu lớn; và ba là, sau nhiều năm dạy tiếng Việt cho sinh viên ngoại quốc, ông tích lũy được khá nhiều tài liệu và kinh nghiệm mà ông muốn chia sẻ với mọi người, đặc biệt những người đang dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở hải ngoại, với tư cách giáo viên cũng như với tư cách phụ huynh.

Tác giả  Nguyễn Hưng Quốc


Phần sau cùng là văn nghệ.
Võ Quốc Linh cùng với Lê Nguyên Tịnh, mỗi người đọc hai bài thơ. Hai bài thơ của Lê Nguyên Tịnh là “Người nuôi lửa” và “Tình nhân”. Võ Quốc Linh thì đọc hai bài “Người đối diện với trắng” và “Người rao bán tóc trong gió”. Trong lời giới thiệu, nhà thơ Võ Quốc Linh giải thích quá trình sáng tác bài “Người rao bán tóc trong gió”, trong đó anh có nhắc đến Lê Thành Nhơn, họa sĩ và điêu khắc gia, bạn của anh và cũng đồng thời là bạn của anh em trong Tiền Vệ, người đã qua đời cách đây 10 năm. Cách nói của Võ Quốc Linh vừa tha thiết, đầy cảm xúc lại vừa hài hước khiến không khí trong hội trường sôi động hẳn lên với những tiếng cười rộ kéo dài rất lâu.

Nhà thơ Võ Quốc Linh

Buổi ra mắt sách kết thúc bằng ba ca khúc “Lóng xương hóa thạch”, “Nhịp ba” (phổ thơ Thanh Tâm Tuyền) và “Tặng vật cho tôi” do Hoàng Ngọc-Tuấn sáng tác và trình diễn. Tiếng vỗ tay vang dội sau mỗi ca khúc. Tiếng vỗ tay lại càng vang dội ở bài cuối cùng. Một giáo viên nhận xét: “Nghe Nguyễn Hưng Quốc nói chuyện, thấy tiếng Việt tinh tế; nhưng nghe Hoàng Ngọc-Tuấn hát mới thấy tiếng Việt thật mạnh mẽ.”

Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn

-------------

Chú thích:

1. Toàn bộ các bức ảnh trong bài này đều do T.X. Dũng chụp.

2. Bạn đọc ở xa, muốn mua sách, xin gửi check hoặc money order về địa chỉ: Tuan Ngoc Nguyen, PO Box 602, Altona VIC 3018, Australia. Giá sách là 25 dollars (Úc/Mỹ). Xin thêm $5 nếu ở Úc và $15 nếu ở ngoài nước Úc.

Mời độc giả theo dõi một số bài phỏng vấn do các cơ quan truyền thông của Úc thực hiện:
Radio Australia: “Dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai – khó hay dễ?” - Hạnh Trần phỏng vấn Nguyễn Hưng Quốc (VIDEO)

Chương trình Tiếng Việt của SBS Radio: “Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai” - [PHẦN I] - Phượng Hoàng phỏng vấn Nguyễn Hưng Quốc (AUDIO)

Chương trình Tiếng Việt của SBS Radio: “Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai” - [PHẦN II] - Phượng Hoàng phỏng vấn Nguyễn Hưng Quốc (AUDIO)






No comments:

Post a Comment

View My Stats