Friday 11 May 2012

NHỚ VŨ CAO HIẾN VỚI BẢN QUÂN TRƯỜNG XƯA (Đỗ Xuân Tê)




05/11/2012

Trong khuôn khổ những hình thức kỷ niệm 37 năm sau ngày tàn cuộc, tôi chú ý đến một sự kiện là người ta không phát lại nhiều những bản hùng ca của một thời lửa đạn nhằm nhắc nhớ những nét hào hùng và bi kịch của một giai đoạn lịch sử trong đó hàng triệu người đã nằm xuống, mang thương tật, gánh chịu những mất mát không tên chỉ vì lý tưởng tự do và sự tồn tại của một chính thể mà đến giờ này sự sụp đổ của nó vẫn là niềm nhức nhối.

Các phương tiện truyền thông hải ngoại luôn đi đầu trong các hoạt động này năm nay họ chuyển hướng, đặc biệt có nhắc đến một mảng âm nhạc mà người ta quen gọi là tù ca được sáng tác và hát chui trong các trại tù cải tạo ngoài Bắc lẫn trong Nam, trên các chuyến tàu chuyển tù xuôi Nam ngược Bắc mà thời điểm kéo dài hơn cả một thập niên sau 75.

Tôi đã có dịp được nghe lại nhiều bản tù ca của nhiều tác giả mà đa phần là không chuyên, họ viết nhạc và lời chủ yếu viết và hát cho nhau nghe, trước mắt làm vơi đi nỗi nhọc nhằn trong cảnh tù mà xem ra ngày về vẫn là một viễn cảnh đường hầm chưa có tia sáng. Họ cũng chẳng mong chẳng ngờ những dòng nhạc đơn sơ những lời ca trăn trở ấp ủ trong lòng họ một ngày nào đó sẽ trở thành một tư liệu vật thể làm chứng nhân cho những người vĩnh viễn ở lại với núi rừng. Chuyện đã xảy ra cũng chẳng phải là đơn lẻ vì trong số họ có nhạc sĩ Thục Vũ (trung tá Vũ Văn Sâm), tác giả bản tù ca Anh Ở Đây đã thực sự ở lại Yên Bái trong đợt chuyển tù ra Bắc đầu tiên.

Cũng chẳng hẹn mà gặp là có sự trùng hợp trong sáng kiến trân trọng những dòng nhạc tù ca mà những người một thời dù không trải nghiệm trong các trại tù cải tạo cũng phải rơi lệ chạnh lòng khi nó được hát lại trong các cuộc họp mặt hội đoàn tại hải ngoại, trong các đêm tù ca những lần hội ngộ cựu binh, qua các dịp phụ diễn của ban tù ca Xuân Điềm trong các lễ lạc cộng đồng dưới mọi hình thức. Có hai chuyên đề tôi đã đọc, mà ở diện phát tán rộng rãi là chương trình của RFI, đài truyền thanh quốc tế có tiết mục âm nhạc cuối tuần gây nhiều hứng thú cho người nghe chẳng kém gì các chuyên đề chính trị. Ở mức độ thu hẹp hơn là trang web (nặng về văn học văn nghệ) của nhà văn T.Vấn, mà chủ biên cũng là người đã một thời sống chung với nhiều tác giả có những bản tù ca sáng tác trong tù. Anh đã viết một bài giới thiệu rất hay về ý nghĩa và sự tồn tại của những bản tù ca trong thời xã hội nhiễu nhương nơi có người tù trong có kẻ tù ngoài cùng đề xuất một việc làm nhằm thu góp các bản tù ca đã được sáng tác (chỉ ở trong trại) mà số lượng của nó không phải là nhỏ, nhưng bị mai một vì tác giả đã chết hoặc chỉ coi như kỷ vật cho riêng mình.

Cũng nhờ anh mà tôi được nghe lại với niềm xúc cảm khó tả về một bản nhạc mà anh em chúng tôi ở hai trại Nam hà và Vĩnh Phú đã nghe đi nghe lại nhiều lần, và được kể là một trong những bài hát của một người viết nhạc không chuyên nhưng để lại ấn tượng ray rứt, tiếc nuối cho những người một thời xếp bút nghiên bước vào quân trường theo tiếng gọi của núi sông. Tôi muốn nhắc đến bản Quân Trường Xưa và tác giả của nó là đại úy Vũ Cao Hiến, một cựu sinh viên trường Võ Bị Quốc Gia, một người tù cải tạo tôi đã có dịp chung phòng chung trại, nhưng nay thì cả người lẫn tên đã trở thành tượng đài thuyền nhân trên biển trong một chuyến vượt biên tìm tự do sau khi anh xuất trại vào giữa thập niên 80.

Trước khi đi vào bản nhạc tôi muốn có đôi dòng về anh. Dù thời gian đã trên ba thập niên tôi vẫn nhớ người sĩ quan có khuôn mặt rất thư sinh trạc tuổi 30, dáng người cân đối, giọng nói đủ nghe, mang âm sắc của người trai Hà nội, anh cũng hay giao tiếp với bạn bè nhưng thường sống nhiều bằng nội tâm, và trong tâm tư hình như có điều gì ức ẩn. Cứ nhìn bề ngoài khó ai đoán nổi anh lại là người lính hiện dịch, chọn binh nghiệp làm hướng đi, sẵn sàng một đời sống chết cho quê hương, giữ trọn danh dự và trách nhiệm vì màu cờ sắc áo. Hình như anh chưa có vợ, nhưng tôi biết chắc anh có người yêu vì bản thân anh cũng là người đáng yêu một phần do cái tài biết đàn biết hát của anh. Tình cờ trạì tôi ở có một chương trình chuẩn bị văn nghệ Tết cho tù nên anh được chuyển về đội của T.Vấn và anh em chúng tôi, qua đấy tôi mới biết bài hát Quân trường xưa tác giả là anh.

Nói về bài hát nó hay ở chỗ vừa biểu lộ tâm tư của chính mình nhớ về những kỷ niệm một thời nơi quân trường cũ, đồng thời nói hộ nhiều người nỗi bức tử của những người lính qui hàng trong tư thế thua cuộc của một đạo quân một thời oanh liệt. Bài hát với ca từ tựa như một bài thơ, một bài thơ phổ nhạc, lời lẽ mộc mạc nhưng tha thiết, âm điệu réo rắt nhưng bồi hồi, pha nỗi tức tưởi của những người lính được đào tạo để chiến đấu chứ không phải để qui hàng khi đất nước lâm nguy. Bối cảnh là quân trường võ khoa Thủ Đức, với các điạ danh cụ thể từ đồi Tăng Nhơn phú, đến Chợ Nhỏ, xóm Tân Vạn…ghi đậm dấu chân của hàng chục ngàn sinh viên sĩ quan trừ bị trải qua năm tháng từ lức quân trường thành lập cho đến lúc tập thể tan hàng. Tất nhiên những ký ức quân trường thì dù xuất thân Đà Lạt hay Thủ Đức vẫn có một nét chung là những ngày huấn nhục, những đêm di hành, những đêm trên chòi gác giặc, những bài học chiến thuật, bài giảng binh thư, những giờ phép cuối tuần trở về phố thị, những phút thăm gặp người yêu, rồi ngày ra trường, ngày ra đơn vị luôn là những kỷ niệm vui buồn, lưu luyến khó quên trong tâm thức những người lính trẻ.

Trước khi khép lại bài viết tôi xin đan cử vài đoạn ca từ mà mấy ai không khỏi ngậm ngùi chua sót khi nghe đoạn mở đầu,

Đường vô Thủ Đức
Lối vào Chợ Nhỏ
Quân trường xưa, một thời dấu chân anh
….
để rồi khi tàn cuộc chiến, cũng người sinh viên ấy,
Rồi tan cuộc chiến, tôi lại trở về
Quân trường xưa, ẩn hiện dưới cây đêm
Tôi nghe như tiếng, réo gọi từ đồi Tăng Nhơn
Nhớ không anh, bài chiến thuật ngày nào
Thuở học trò, thành chiến sĩ gió sương
Trong binh thư, dạy anh không hề nói
đến chuyện qui hàng
Người lính thua cuộc, buồn đau
Người lính thua cuộc, hờn căm…


Thú thật cứ mỗi lần nghe bài hát dù không xuất thân từ quân trường này nhưng lại mang tâm trạng của kẻ thua cuộc, tôi vẫn nổi da gà vì những nốt nhạc như khơi gợi niềm đau của những chứng nhân thời đại mà chính ông Võ Văn Kiệt trong những ngày cuối đời đã phải công nhận “có triệu người vui nhưng chục triệu người buồn.”

Đỗ Xuân Tê

(Tháng tư nhìn lại)





No comments:

Post a Comment

View My Stats