1.05.2012
Người
Giết Quỷ: Hiến Dâng Tình Yêu (Demon Slayer: Give Love)
Một khoảng tranh tường của Dan Duy Nguyen and Mailan Thi Pham
(Nguồn: UCR SweeneyArtGallery)
Một khoảng tranh tường của Dan Duy Nguyen and Mailan Thi Pham
(Nguồn: UCR SweeneyArtGallery)
Ông
nội tôi chết hồi kháng Pháp, không phải chết trong một trận đánh Pháp, mà bị
Việt Minh thủ tiêu. Lý do: ông tôi thuộc Việt Nam Quốc Dân Ðảng. Lúc mất, ông
nội mới lấy bà nội hai năm, ba tôi mới ra đời. Ông tôi đặt tên ba là Phục Quốc,
giữa niềm hãnh diện có con trai đầu lòng kèm thêm chút mặc cảm phải ngược xuôi
nhiều không phụ bà tôi bao nhiêu trong chuyện lo lắng nuôi con. Nghe tin ông
chết, bà tôi bế ba tôi về bên nội, nhưng ông cố tôi không nhận dâu vì lẽ chưa
hề có cưới xin nghi lễ, chỉ nhận ba tôi, chút máu mủ không quăng được ra đường
sợ mất mặt với người ta. Bà tôi lủi thủi về quê, hình như qua đời trong trận
đói 1945. Lớn lên, ba tôi biết chuyện, giận cả họ nội, khởi đầu là ông cố tôi
làm quan cho Pháp, chấp nê chuyện môn đăng hộ đối, không dung nổi nàng dâu con
gái quê như bà tôi. Ba tôi cũng hận cả chính quyền ngoài Bắc, tội giết ông tôi.
Vừa
đủ tuổi, xong tú tài, ba tôi đăng lính nhảy dù, thề đem thân hy sinh trừ Cộng
trả thù và hoàn thành ước nguyện của ông nội. Ông cố tôi vừa giận vừa xót, năn
nỉ ba tôi để ông chạy chọt cho về làm lính kiểng. Dĩ nhiên ba tôi không chịu,
và không năm nào qua đi ông không phải vào nhà thương một lần, với những vết
sẹo và những miểng đạn còn lại trong thân thể. Gần ba mươi, sau khi lấy được
lon cao nhất của cấp úy và vài huy chương, ba tôi lấy mẹ tôi. Mẹ tôi kể lính
nhảy dù thường rất hào hoa, suốt thời gian yêu nhau không có lần nào mẹ vào
thăm ba trong nhà thương mà không bị đụng đầu những cô gái khác, xinh đẹp hơn,
gia thế hơn. Thế thì ba chắc hẳn yêu mẹ lắm, vì ba lấy mẹ, tôi háo hức nói. Mẹ
cười: ba lấy mẹ vì mẹ yêu ba nhất, vì mẹ đã lặn lội đi thăm ba mọi nơi, vì mẹ
đã khóc hết nước mắt những lần ba bị thương.
Tôi
ra đời rất nhanh sau đám cưới, vì ba tôi nôn nóng sinh con trai nối nghiệp quân
nhân, vì mẹ tôi nôn nóng có một chút gì của ba tôi lỡ ra có chuyện chẳng lành
trong những cuộc hành quân của ông. Ba có thất vọng tôi là con gái không? Mẹ
nói là không. Nhưng ba có thất vọng sau này, khi mẹ tôi nhất định không sanh
thêm. Làm vợ lính, đời sống bấp bênh quá, xa nhau nhiều khi cả nửa năm mới gặp
một lần, mẹ không muốn phải nuôi con một mình, không muốn cái cảnh nheo nhóc
của những căn nhà lợp tôn trong trại gia binh, không muốn sinh con trai cho ba
tôi hiến vào chiến tranh.
Như
thế, điểm mâu thuẫn trong khuynh hướng chính trị của tôi bắt nguồn từ hai người
tạo dựng ra tôi. Ba tôi mang ý thức chính trị và đấu tranh từ trong nôi, ném
mình vào những hận thù không dứt của cuộc nội chiến. Mẹ tôi chỉ thấy chiến
tranh qua những câu chuyện kể về người khác, gớm ghiếc và sợ hãi nó, thấy chính
trị là chuyện đáng ghét. Mẹ cấm ba không được nói chuyện chiến tranh trước mặt
tôi, cố sức che chở tôi khỏi những hiểu biết và suy nghĩ chính trị hay bạo
động. Mẹ không phải lo nhiều. Giữa Saigon những năm 60 và 70, chuyện chiến
tranh nghe như chuyện phiếm, chính trị cũng chỉ là cớ để cãi nhau. Cũng như mẹ
tôi, tôi biết về chiến tranh và chính trị vừa đủ để thấy chúng đáng ghét. Cũng
như mẹ tôi, tôi càng ghét chiến tranh và những chủ nghĩa người ta mê mải chạy
theo khi bắt đầu hiểu rằng chúng có thể cướp ba tôi đi. Cũng như mẹ tôi, lời
cầu nguyện của tôi mỗi sáng Chủ Nhật đi lễ rất đơn giản: mong sao chiến tranh
chấm dứt. Phe Quốc Gia hay phe Cộng, có gì là đáng kể? Phe nào cũng là dân
Việt.
Năm
1975, tôi 16 tuổi. Ngày miền Nam sụp đổ rơi đúng vào ngày sinh nhật của tôi.
Trong góc tối của căn phòng ngủ, ba tôi ngồi như pho tượng, mắt nổi gân đỏ, uất
ức và đau đớn. Mẹ tôi kéo nhẹ tay tôi, thì thầm bảo để cho ba tôi yên. Hai mẹ
con lang thang ra đầu ngõ, có đoàn người đứng lơ ngơ ngóng xem xe tăng Cách
Mạng có đi qua lối này không. Có người cầm cờ đỏ sao vàng, cờ Mặt Trận Giải
Phóng Miền Nam vẫy vẫy. Mẹ tôi đứng nhìn hút phía cuối đường, thở dài: thôi thì
ít nhất ba sẽ không phải đi xa, không gặp nguy hiểm nữa. Tôi nắm chặt tay mẹ,
bàn tay mỏi mệt vì tiễn đưa, trông đợi, nghĩ thầm ngày sinh nhật tôi từ nay
thành đáng nhớ.
Tuần
sau, ba đi trình diện chính phủ Lâm Thời, rồi chuẩn bị đi học tập. Ðôi mắt đã
thoáng lo âu vì thấy ba phải rời nhà, mẹ cố cười tươi nói với ba vài ngày đâu
có bao lâu anh nhỉ. Ba không trả lời. Ông đã lặng lẽ nhiều từ ngày giải phóng.
Buổi sáng khi ba tôi đi, ông đứng trước hiên nhà, vuốt mãi hai bên vai tôi,
không nói lời nào. Mắt ông nổi gân đỏ, có lẽ vì mủi lòng muốn khóc. Tuần sau,
tuần sau nữa, ba không về, có tin ông đã lên tàu ra Bắc. Mẹ tôi bắt đầu mất
ngủ. Không có thư ba về, chỉ có vợ người bạn ba ghé sang nhà báo cho mẹ tôi
biết ba đã mất. Giấy báo tử không bao giờ đến. Mẹ tôi đi theo người vợ bạn ba
ra Bắc, hỏi cho được tại sao ba chết và thăm mộ, nấm mộ vùi nông cạnh mé rừng
của trại học tập. Câu chuyện kể lại mập mờ, bí hiểm trong những lời ra vẻ bâng
quơ che mắt lính canh, nên mẹ tôi trở về vẫn chưa hiểu rõ cái chết của ba tôi.
Bà ôm tôi vào lòng, hai mẹ con tấm tức khóc.
Lúc
đó mẹ tôi vẫn là cô giáo tiểu học, nhưng lương không còn đủ nuôi hai mẹ con. Họ
nội đi ngoại quốc hết, họ ngoại ở tỉnh, mẹ bơ vơ chẳng còn ai. Những chiếc áo
hoa, mẹ không dám mặc nữa, đem cất đi hoặc nhuộm nâu. Cơm sơ sài tiện tặn, đôi
khi độn khoai. Chuyện thiếu thốn tôi không buồn lắm, vì chung quanh hình như ai
cũng khổ hơn xưa. Cái lý lịch ngụy làm tôi bận lòng hơn, vì tôi chắc rằng có
phần vì nó mà tôi trượt kỳ thi vào đại học Tổng Hợp hai năm liền. Sau hai kỳ
thi, mẹ tôi thôi dục tôi chờ thi năm tới, lẳng lặng nhìn tôi đi kiếm việc làm.
Ðang lúc nhà nước lùa dân về miền kinh tế mới, kiếm được việc làm ở Saigon thật
không dễ. Anh bạn hàng xóm cũng là bạn học giúp tôi xin chân bán hàng ở tiệm
Bách Hoá quận. Anh tên Huy, hay trêu tôi lúc nhỏ, nhưng lớn rồi lại chiều tôi
hết mức. Tôi mến anh lắm, nhưng không rõ có yêu anh chưa. Xin xong việc làm cho
tôi, anh đương nhiên lọt vào cặp mắt chấm rể của mẹ, tha hồ xin cho tôi đi
chơi, tha hồ nán lại trò chuyện tới khuya trước hiên nhà tôi. Cuối năm đó, anh
đi vượt biên. Lúc từ giã, anh nài nỉ xin tấm hình của tôi, nhưng tôi mắc cỡ
không cho. Hai tháng sau, tôi đánh bạo vào nhà anh hỏi tin. Không có tin. Hai
năm sau, vẫn chưa có tin. Lần cuối cùng tôi ghé hỏi thăm, mẹ anh không trả lời,
nhìn lên bàn thờ màu đỏ tươi có tấm ảnh anh mỉm cười.
Năm
1981 tôi làm giấy đi xuất ngoại. Mẹ tôi chạy chọt làm giả giấy tờ sao đó để
biến hai mẹ con thành gốc Hoa, rồi cạy cục nhờ bên nội bảo lãnh. Năm sau tôi
rời Việt Nam, đến Mỹ. Mẹ tôi bán hàng cho tiệm 7-11 rồi học thi vào sở Xã Hội.
Tôi vừa học vừa làm.
Ra
trường, đi làm đã lâu, tôi vẫn chưa kiếm được người ưng ý. Mẹ lại bắt đầu thở
dài như dạo còn ở Việt Nam, cộng vào thêm nỗi lo trong lòng tôi. Năm ba mươi
tuổi, tôi gặp Huân, và yêu anh lập tức, không những vì tôi đã đợi quá lâu để
yêu một người, mà còn vì Huân đáp ứng nhiều điều mong đợi của tôi. Anh đi du
học từ trước 1975, mới từ Pháp sang Mỹ làm việc. Lịch sự, nhã nhặn, rất biết
cách nịnh đầm, có kiến thức và sành nghệ thuật, thêm bề ngoài lịch lãm tự tin,
anh quyến rũ tôi ngay từ giây phút đầu. Tôi vui như con sáo sổ lồng, tíu tít lo
chuyện đám cưới. Mẹ làu nhàu bảo tôi ham lấy chồng quá rồi, tôi cười lơ đi,
biết rằng mẹ ghét Huân cái tội là đàn ông ly dị, với câu hỏi: lỗi ai? treo trên
đầu. Tôi tự nghĩ dần dà mẹ sẽ nhận ra Huân là người tốt, rất mực yêu tôi, và sẽ
thay đổi thái độ. Phần tôi, tôi chưa bao giờ hạnh phúc như thế. Lần đầu tiên
tôi cảm thấy mình không có gì để lo lắng, và chân trời riêng tôi đêm ngày vẫn
ửng màu bình minh không gợn chút mây đen.
Trước
ngày cưới một tuần, anh ruột và vài người bạn thân của Huân từ Pháp đến dự đám
cưới. Họ thân nhau đến nỗi sợ đến gần ngày cưới quá Huân sẽ bận rộn không có
dịp hàn huyên. Buổi tối đầu tiên Huân gặp họ một mình. Tối thứ nhì anh nài nỉ
tôi đi cùng ra mắt anh và bạn. Tôi bận trăm thứ chuyện lỉnh kỉnh của đám cưới,
chống chế bảo họ thấy mặt em rồi, còn ra mắt gì nữa. Huân nói họ muốn biết rõ
em hơn. Còn em, em không muốn biết rõ gia đình, bè bạn của anh hơn sao? Tôi
nghĩ thầm mai này họ về Pháp, mấy khi gặp một lần mà cần thân mật. Nghĩ thế
thôi, nhưng dĩ nhiên yêu Huân tôi chiều Huân, có gì mà không được. Tôi diện áo
đẹp tươi tắn chào mừng họ. Cuối bữa ăn, mọi người rủ nhau về căn chung cư tôi
và Huân mới thuê còn trống một nửa, vừa tán gẫu vừa làm liên hoan. Hết hai tuần
rượu vang, họ bắt đầu nhắc lại những kỷ niệm cũ thời trẻ tuổi, thời học trò.
Tôi im lặng như thóc, còn họ thân nhau từ nhỏ, có bao nhiêu chuyện để nói. Hóa
ra Huân nghịch quá lắm, hồi còn học trường dòng chuyên môn giả vờ ngủ buổi trưa
rồi lẻn ra ngoài sân chơi. Chưa hết tiểu học đã tập xe đạp xe gắn máy. Thời
Trung Học lượn qua mấy trường nữ nhiều hơn học bài. Dần dà đến chuyện đi du
học, những cô đầm Huân tán tỉnh được. Ðôi khi Huân liếc tôi như sợ tôi bực
mình. Thoạt tiên tôi cười cười, nhưng khi đến cuộc tình lớn của bà vợ cũ của
Huân thì tôi cười hết nổi. Huân vội vã chuyển đề tài. Hội sinh viên, hội Việt
Kiều yêu nước, những buổi Văn Nghệ, những cái chống cái theo.
Chúng
tôi chưa bao giờ nói chuyện chính trị với nhau. Lý lịch của Huân như tờ giấy
trắng. Nhà buôn bán, khá giả vừa đủ để con cái đi du học ngoại quốc nhưng không
đủ để bị đánh tư sản. Cả gia đình sang Pháp vài năm sau giải phóng. Lý lịch
ngụy của tôi chỉ được nhắc đến sơ sài. Có lẽ tôi đã quen né tránh cái lý lịch
đó, nên ngay với Huân, mười năm sau khi rời Việt Nam tôi vẫn không muốn kể lể
về nó. Huân chỉ biết ba tôi xưa là lính, đã qua đời. Cả hai chúng tôi chỉ biết
đến chiến tranh qua tin thời sự, nhạc Trịnh Công Sơn và vài ngày Tết hoang mang
năm 1968. Tôi giống mẹ, chăm lo cho cuộc sống riêng và ứng phó với thời cuộc,
cho rằng dính dáng hoặc bàn cãi về chuyện chính trị là viễn vông. Có lẽ tại tôi
và mẹ là đàn bà. Huân không hay nói chuyện chính trị, không tham gia hội đoàn,
không biểu tình cũng không thấy chống đối ai.
Ðêm
đó, ngồi bên cạnh Huân và những người thân của anh, tôi lọt vào giữa cuộc mạn
đàm chính trị. Những sai lầm của ông Diệm, của Mỹ, thối nát của ông Thiệu, sai
lầm của chính quyền hiện thời ở Việt Nam, những thứ hủ hoá sẽ không đẩy Việt
Nam tiến lên được về mặt kinh tế. Họ nhắc đến niềm vui nhẹ nhõm khi chiến tranh
chấm dứt năm 1975, khi tinh thần dân tộc qua cuộc kháng Pháp và nội chiến đã
thắng bằng sự thống nhất của hai miền Việt Nam. Họ nhắc đến sự đấu tranh gian
khổ của miền Bắc, cái giận Mỹ nhúng tay vào Việt Nam, cái hả hê khi phong trào
chống chiến tranh có kết quả, phong trào họ đã từng là thành viên. Tôi quay
nhìn Huân. Mắt anh sáng rỡ những hồi ức của tuổi trẻ đầy ắp lý tưởng. Ngày 30
tháng Tư 1975, anh cùng bạn bè đến Tòa Lãnh Sự Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà chào
mừng chiến thắng, hội Việt Kiều yêu nước tổ chức ăn mừng.
Tôi
chưa bao giờ thấy Huân vui như thế, chưa bao giờ thấy Huân lạ như thế. Tôi chợt
nhận ra giữa bao giòng cuốn khác nhau của chủ nghĩa, ý thức chính trị, phe phái
ở Việt Nam, qua bao thay đổi của thời cuộc, qua bao trôi dạt của cuộc đời
riêng, tôi chưa bao giờ ra khỏi giòng cuốn của mình, giòng cuốn tôi đã được đặt
vào từ sự kết hợp của ba mẹ. Những người tôi quen hoặc là quốc gia đủ chiều
hướng và mức độ hay ít nhất thuộc về đa số trầm lặng và khá thờ ơ, như mẹ và
tôi chẳng hạn. Tôi chưa bao giờ gặp một người ở phe "bên kia". Hai
chữ "bên kia" đến trong ý tưởng làm tôi thấy Huân xa lạ và chính mình
cũng xa lạ. Tôi đã thuộc về phe "bên này" từ bao giờ?
Khi
một người bạn của Huân cao hứng hát với vẻ say sưa: cây lúa non chờ từng cơn
mưa nhỏ(1), một cảm giác đen tối cuộn lên trong lòng tôi. Tôi chen vào giữa nụ
cười của Huân, đòi về. Anh quàng vai tôi lúc mở cửa xe, thì thầm: Chắc là em
mệt? Anh xin lỗi. Mắt anh vẫn lấp lánh những hồi ức xưa cũ.
Mẹ
tôi đã đi ngủ lúc Huân chở tôi về nhà. Phòng khách chìm trong bóng tối, nhưng
tôi vẫn thấy được lờ mờ nhờ ngọn đèn trên bàn thờ ba. Ngang qua bàn thờ, tôi
dừng lại, mò mẫm thắp nhang. Nhón chân cắm nhang vào bình hương, tôi nhìn thẳng
vào tấm hình của ông. Trong bóng tối, tôi mường tượng đôi mắt ông, cái nhìn
lạnh, cương quyết, liều lĩnh, cái nhìn của một người biết rõ sứ mạng cuộc đời
mình. Bên cạnh, hình ông nội đã phóng và sửa sang, đôi mắt không còn bao nhiêu
anh linh, mờ đục một vẻ trầm tĩnh chịu đựng. Tôi thắp thêm nén nhang nữa, không
hiểu cho ai. Trong lòng tôi, mang máng cặp mắt của Huy, tha thiết khẩn nài buổi
tối chia tay.
Hai
ngày trước đám cưới, tôi để lại phong thư báo cho Huân biết tôi hồi hôn, kèm
theo nhẫn, rồi trốn biệt một tháng trời. Mẹ tôi ngơ ngác không hiểu, Huân giận
điên lên chờ tôi về hỏi cho ra lẽ. Nhìn thấy Huân, tôi khóc như mưa. Tại sao?
Huân hỏi. Tôi khóc cho đến khi Huân mệt mỏi bỏ về. Mẹ thở dài.
Tôi
không giải thích với Huân vì tôi chắc Huân sẽ không hiểu. Tôi còn chưa hiểu nữa
là. Tôi chỉ biết rằng tôi căm ghét chính trị, chủ nghĩa, chiến tranh, nhưng
trong tôi có những gốc rễ, những mối dây chằng chịt tôi không nhận rõ, nhưng
ràng buộc hơn cả tình yêu, cả những hứa hẹn tôi có với Huân. Tôi chỉ biết rằng
tôi và Huân không thể dứt bỏ hay quên đi những phần đời đã qua, những góc cạnh
thường không biểu lộ. Tôi cứ nghĩ tôi và mẹ nằm trong số những người đứng giữa
hai chủ nghĩa, đứng giữa hai phe của cuộc chiến. Chỉ đến khi vị trí của Huân
trong tầm nhìn của tôi chuyển về "bên kia", tôi mới thấy mình đứng
cạnh, đứng sau cái cột mốc vô hình của "bên này".
Năm
sau tôi gặp lại Thụy, người tôi từng chê tầm thường. Anh không ưa chính trị như
tôi không ưa chính trị, ba mẹ Bắc Kỳ chính cống khá cổ hủ. Ðã biết nhau lâu,
đám cưới diễn ra nhanh chóng. Thụy có đầu óc gia đình kiểu xưa, nên thuận ở
chung với mẹ tôi. Anh chưa bao giờ có vợ, trông lù đù nên mẹ tôi ưa lắm. Anh
yêu tôi cũng theo kiểu xưa, yêu vì những đứa con tôi sẽ sinh ra nhiều hơn yêu
tôi. Ngày cưới, mẹ đích tay chải tóc cho tôi. Mắt bà rạng lên những niềm vui.
Còn tôi, trong gương đôi mắt tôi bình thản, chịu đựng như đôi mắt ông nội trên
bàn thờ. Ngoài cửa sổ, chân trời nằm trên hàng giậu lá xanh, có nửa đám mây
trắng, và tiếng Thụy gọi tôi từ dưới lầu.
Toàn
diện bức tranh tường Người Giết Quỷ của Dan Duy Nguyen và Mailan thi
Pham (24 ft.)
(Nguồn: UCR SweeneyArtGallery)
(Nguồn: UCR SweeneyArtGallery)
(1)
Tình Đất Đỏ Miền Đông – Tác
giả: Trọng Tấn
bài
đã đăng của Hồ Như
Bên ni bên nớ-
01.05.2012
những hồi tưởng
lang thang- 06.01.2012
ĐIỂM PHIM
NHANH: NHỮNG CUỘC PHIÊU LƯU CỦA TINTIN- 28.12.2011
tạm gọi là cầu
hôn- 17.11.2011
Trịnh Thanh
Thủy: Tôi chọn con đường trung đạo- 16.11.2011
Chuyện như mơ-
19.05.2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment