2.05.2012
Lâm
Ấp, Faifo, Hoài Phố rồi Hội An. Những cái tên từng được gắn vào Hội An, ít nhiều
chứa đựng âm điệu dễ làm người ta liên tưởng đến những nền văn hoá Chăm, Nhật,
Trung Hoa rồi Việt Nam; vốn dĩ đã trộn lẫn vào kiến trúc, đời sống, văn hoá Hội
An. Nằm cách Đà Nẵng chưa đầy 30 cây số về hướng Nam, 10 năm qua, từ khi Hội An
được UNESCO -Tổ chức Văn Hoá Giáo dục Thế giới, ghi nhận là Di Sản Văn Hoá Thế
Giới, Phố cổ Hội An càng được nhắc đến nhiều hơn. Du khách đến ngày càng tấp
nập. Tôi về với Hội An một đêm ba mươi, như tìm về với những kỷ niệm tuổi thơ
của một thời hồn nhiên đi giữa bom đạn. Về cùng Hoài Phố, với những hoài niệm
trên một giòng sông tuổi nhỏ giữa Phố cổ Hội An.
Bùm!
Chiiiiiíu! Tiếng pháo đề-pa rít xé gió, rót vào Hội An. Ầm ! Khói lửa bốc lên
mịt mù. Tiếng người la thét thất thanh. Lũ học sinh chúng tôi nằm sấp xuống
đất, che chiếc cặp đi học lên đầu, nếu không kịp chạy vào mái hiên nhà ai đó.
Tôi không nhớ đó là phản xạ hay đã được người lớn chỉ dẫn. Vì đầu óc non nớt
của mình thời đó cứ ngỡ rằng chiếc cặp da bé nhỏ hay mái hiên nhà ai đó, sẽ đủ
sức che chở cho chúng tôi khỏi bị tan xác, nếu quả pháo vừa bắn ra đó rơi quanh
chỗ mình đang nằm.
Chiến
sự ngày càng gia tăng. Đám học sinh nhỏ xíu chúng tôi làm sao biết hay thấu
hiểu được chuyện gì đang xảy ra. Mỗi ngày vẫn đi học và vẫn đùa giỡn, đá banh
hay đánh lộn. Nhưng sau những buổi tan trường có tiếng đạn nổ đó, đôi ngày sau
lại thấy có đứa chít vành khăn tang. Có những lúc Việt cộng pháo kích vào thành
phố dữ dội quá, nếu không ngủ ngay trong hầm trú ẩn làm ngay trước của nhà, thì
đêm đêm Cha tôi dắt lũ tôi sang nhà người quen, gần đâu đó, khu an toàn hơn để
gởi tạm qua đêm. Sáng về lại, thấy ngôi nhà chếch hướng bên kia nhà trở thành
đống gạch vụn sau trận pháo kích đêm trước.
“Đại
bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi lắng nghe.” Ca từ kia không
phải là những du dương, tưởng tượng của người nhạc sĩ. Nó là đời sống thật của
người dân Hội An một thời. Hay tại bất cứ thành phố, làng quê nào mà chinh
chiến quét ngang. Là một tuổi thơ dữ dội của chính tôi. Của không ít bạn bè
trang lứa, những người chưa đủ lớn để tham gia chiến tranh, nhưng đã chứng kiến
sự bạo tàn của nó khi trải qua những ngày đội bom đạn đi học. Khi đã trưởng
thành và nhìn lại, tôi lại hiểu thêm một điều khác nữa. Bom đạn chỉ chứa thuốc
súng mà không có mắt, nên trúng ai chỉ là may rủi. Sống sót qua chiến tranh đã
là phép nhiệm màu cho những ai đối diện, huống hồ những người cầm súng. Ba
triệu quân-dân VN đã nằm xuống trong cuộc chiến. Con số thật khó mà tưởng
tượng.
Từ
hồi còn ở VN, tôi vẫn nghe những người lớn tuổi kể về thuở xa xưa của họ tộc
mình. Gia đình họ nội tôi là một điền chủ khá giả, hào phóng và con cái đỗ đạt
tại đất Điện Bàn xứ Quảng. Con cháu, người làm trong nhà đông đúc đến độ mỗi
khi ăn cơm phải đánh kẻng để tề tựu. Nghe nói trận lụt năm Thìn nào đó, nhờ chở
gạo phát chẩn cho dân nghèo trong vùng mà ông bà Cố tôi được nhà Vua trao sắc
phong ban thưởng, có cả tước hiệu gì đó đi kèm. Đến thời cha tôi, hình như gia
đình vẫn còn khá giả, dù ông Nội tôi mất sớm. Bà Nội tôi cho các cô chú vào Sài
Gòn ăn học, còn cha tôi là con Cả nên ở lại trông nom ruộng vườn và dạy học
trong làng. Có lẽ chiến tranh lưu lạc, vậy là gia đình tôi dọn vào Hội An. Tôi
sinh ra tại đây. Học gần hết bậc tiểu học, gia đình tôi lại chạy loạn thêm lần
nữa, vào đến Sài Gòn. Nên những gì nghe được về thời xa xưa của họ tộc tại đất
Quảng, chỉ là những “chuyện xưa tích cũ”, vô tình nghe người lớn tuổi kể lại
hơn là tự mình đi tìm lại gia phả. Vì đến thời chúng tôi, sau đôi lần ly loạn,
gia đình có đầy đủ nhưng vẫn là nếp sống thanh đạm. Và riêng tôi, những ngày
thơ ấu tại Hội An cũng chỉ còn sót lại rất ít. Ngoài những tiếng bom đạn và
những ngày tắm biển Cửa Đại, ăn chè bắp Cẩm Nam hay An Hội. Cùng tiếng đàn
mandolin của Cha tôi thỉnh thoảng vọng về.
Sau
này, tôi hiểu ra rằng tại sao lúc bấy giờ mình lại đối diện với bom đạn nhiều
như vậy. Nhà tôi ở trên đường Nguyễn Trường Tộ, đối diện là Tiểu Khu Hội An,
nơi là mục tiêu cho những người Việt cộng đặt đại bác ở đâu đó nã vào khu đóng
quân của những người lính Việt Nam Cộng Hoà. Rồi như lời thơ của Yên Thao, đã được
nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc thành bài hát “Chuyện giàn thiên lý”,
có những câu viết rằng “anh rót cho khéo nhé, kẻo lầm vào nhà tôi”, những quả
pháo có khi trúng vào tiểu khu, có khi rơi vào nhà dân. Cũng có khi vào những
đứa học trò đi học như chúng tôi.
Nhất
quỷ, nhì ma, thứ ba là đám học trò lũ tôi. Không biết vì nghịch phá mà bị thiên
lôi sai kẻ ác bắn đại bác, thay vì đánh bằng búa. Cũng có thể là Việt cộng
“lầm”, hoặc nhân danh chiến tranh, mà có thể họ cũng bất chấp cả sinh mạng của
những thường dân vô tội và lũ học trò chúng tôi. Hầu như họ thường bắn ban đêm.
Nhưng ban ngày cũng chẳng từ. Lũ tôi còn nhỏ nên mỗi ngày đi bộ đến trường Nam
Tiểu học, ngang qua tiểu khu, “đội pháo” mà đi mỗi khi đại bác bắn vào như vậy.
Trường
Nam Tiểu học có lẽ đã có từ lâu lắm rồi, vì nhớ có lần đọc đâu đó một bài bút
ký của nhà thơ Du Tử Lê, ông có nhắc lại những năm đi học tại ngôi trường tiểu
học này. Rồi lại đi ngang ngôi trường trung học Trần Quý Cáp, nơi các anh chị
tôi theo học. Đây là ngôi trường “danh giá” và danh tiếng lắm vì là trường
trung học công lập đầu tiên tại đất Quảng, nghe bảo thi cử vào cũng lắm gian
nan. Không ít văn thi sĩ đất Quảng như Luân Hoán, Hoàng Lộc, Thái Tú Hạp, Hà Kỳ
Lam, Phùng Nguyễn, Trần Trung Đạo, Phạm Thành Châu … từng theo học tại đây, khi
tôi đọc đó đây những bài bút ký của họ về Hội An và nhắc ngôi trường này.
Rời
quê lên thành thị, cha tôi trở thành một cán bộ Xây Dựng Nông Thôn, làm việc
trong chương trình bình định và phát triển nông thôn của chính phủ VNCH và
người Mỹ. Việt cộng rất ghét chương trình này. Ông là mẫu người cha VN khá phổ
biến của một thời xa xưa. Nghiêm khắc nhưng thương con. Không nhớ bao nhiêu lần
tôi bị bắt nằm lên giường, bị đánh đòn. Không thuộc bài, bị đánh đòn. Đánh lộn,
bị đánh đòn. Trốn đi xem xi-nê, bị đánh đòn. Còn nhỏ, tôi mê phim đánh đấm, võ
hiệp Hồng Kông. Nên phim Lý Tiểu Long, Vương Vũ, Trần Quang Thái, Khương Đại
Vệ, Sơn Điền Bảo Chiêu… nào ra, tôi cũng lén đi coi tại rạp xi-nê Phi Anh,
dường như rạp duy nhất tại Hội An, theo trí nhớ của tôi. Lại sưu tầm cả những
tấm poster in hình quảng cáo. Nhiều lúc cha tôi cấm đi coi mỗi khi tình hình
mất an ninh, ông sợ Việt cộng đặt mìn hay quăng lựu đạn như đã từng xảy ra đâu
đó. Đại bác còn không ngán, huống hồ lựu đạn, nên tôi vẫn lén đi coi, để rồi bị
đòn. Sau đó, thấy roi mây đáng sợ hơn cả đại bác với lựu đạn.
Nhưng
hình như tôi cũng là đứa con được cha tôi hay chở đi chơi nhiều nhất. Những
ngày nghỉ học hay sau buổi tan trường, cha tôi vẫn thường chở dăm dứa tôi lên
biển Cửa Đại tắm biển. Hay qua An Hội ăn bánh tráng đập, chè bắp. Cha chở mẹ và
tôi ra Đà Nẵng, tắm biển Thanh Bình hay Mỹ Khê rồi ghé Vĩnh Điện mua nem, chả
hay ăn bê thui Cầu Mống. Ông cho anh em tôi theo học võ Vovinam, vào Hướng Đạo.
Rồi dạy chơi đàn mandolin. Ngần ấy điều đi theo cùng tôi qua năm tháng. Có lẽ
nhà văn người Pháp Marcel Proust rất đúng khi viết rằng “tuổi thơ có những
cánh cửa mở riêng cho tương lai bước vào”. Nên có lẽ không phải tôi nhớ
nhiều về Hội An, mà đúng hơn, là nhớ về cha tôi. Và một tuổi thơ của mình của
những ngày Hội An.
Tôi
về với Hội An khi thành phố đã lên đèn. Lần đầu tiên từ ngày rời xa nó. Không
để ý đó là đêm ba mươi, cho đến khi thấy người dân cúng kiếng và đốt vàng mã
trước sân. Khu phố cổ tấp nập du khách nước ngoài. Phần lớn khách Tây. Có vẻ
như đông đúc, tấp nập không thua người Việt. Thả bộ theo con đường Bạch Đằng,
dọc bờ sông là hàng quán nhộn nhịp. Những lồng đèn đỏ thắp bạch lạp treo đầy
trước các cửa tiệm. Lồng đèn, bạch lạp rẻ tiền, treo ban đêm trông quyến rũ du
khách nên các hàng quán treo đầy, không đợi ngày rằm. Tiệm tranh, tiệm mỹ nghệ,
tiệm bán cao lầu, tiệm ăn. Nhạc dìu dặt, không có những tiếng loa nhạc ồn ào,
rậm rật kiểu như Phố Tây hay các khu quán bar tại Sài Gòn. Không khí lung linh,
ảo diệu, nhẹ nhàng, hợp với không gian và kiến trúc phố cổ. Dọc xuống chùa Cầu,
chụp dăm tấm hình, khi quay ngược trở lên, tôi ghé ngồi nghe một toán nhạc đang
chuẩn bị ca bài Chòi. Có lẽ đây cũng là một trò chơi khá riêng biệt của người
miền Trung, như một hình thức gọi lô-tô qua giọng hò, ngâm thơ, hát xướng có
ban cổ nhạc là đờn cò, kèn, trống phụ hoạ. Bộ bài là bộ tam cúc đã cải đổi.
Người chơi mua một hay vài quân bài, là những thẻ tre dán ba con bài. Khi người
mua đã đủ, người hô hiệu bắt đầu rút những quân bài trong ống tre, rồi hát hò
hay ngâm các câu thơ liên quan đến quân bài vừa rút. Cứ người nào nghe hò, ca
nhắc đến ba con bài của mình trước nhất thì thắng cuộc. Giải thưởng chỉ là một
chiếc lồng đèn đỏ, nhưng sự thú vị giá trị hàng vạn lần. Vì xem ra những câu
hò, câu thơ dân dã nhưng hay và ý nhị đến lạ lùng. “Hội An có mấy cây cầu,
cầu tre, cầu gỗ, chứ anh cầu… anh cầu lấy được em.”
Dọc
xuống bến đò, những hàng gánh đầy khách ngồi ăn. Nhiều toán khách Tây nữ, trẻ
trung ăn mặc đẹp, ngồi ghế đẩu ăn tô Cao lầu hay quà vặt. Tôi cũng ghé vào, ăn
lại tô Cao Lầu “danh trấn giang hồ” của đất Hội An, vài cái bánh xu-xê và uống
ly nước mía. Bữa ăn chỉ hơn một đô la mà hương vị xứ sở thấm đẫm.
Xin
lỗi bạn nếu tôi đã không kể cho bạn nghe về một Hội An như một thành phố du
lịch đi qua. Hay về con sông Thu Bồn quen thuộc trong thi ca VN. Về biển Cửa
Đại với những khu nghỉ mát to đẹp thơ mộng. Hay một Cù Lao Chàm là đảo mà du
khách đến Hội An vẫn muốn ra chơi. Về ngôi chùa Cầu, những đền chùa, miếu, hội
quán người Hoa… trộn lẫn đủ kiến trúc, văn hoá gốc Chăm, Nhật Bản, Trung Hoa và
Việt Nam. Về một sự giao thoa giữa những nền văn hoá đa tầng, đa dạng, đan chéo
tính chất vật thể và phi vật thể. Chúng ngấm vào cái hồn của bất cứ sinh hoạt,
phong tục tập quán, lễ hội hay thi ca nơi này. Không kiểu cách, cung đình như
Huế. Không ồn ào, thương mại như Nha Trang, Vũng Tàu. Hội An chân chất, đời
thường và gần gũi lắm.
“Về
đây nghe em, về đây nghe em. Về đây, mặc áo the, đi guốc mộc. Kể chuyện tình
bằng lời ca dao, kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai, kể chuyện tình bằng hạt lúa
mới. Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu .…” Nếu có ai bảo bài
hát này, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã viết cho Hội An, tôi chắc cũng im lặng. Tôi
đã về mang lại chiếc áo the, đôi guốc mộc đó, nghe lại bài chòi dân dã của nơi
tôi sinh ra. Về với Hoài Phố. Với con sông Hoài, diệu vợi những đoạn rời ký ức
tuổi thơ. Tuổi thơ của những người chứng kiến một thời chinh chiến của cha anh,
nghe tiếng bom đạn dù không cầm súng. Và để nghe lại tiếng đàn mandolin của cha
tôi với bản nhạc ông yêu thích còn vọng đâu đó trong tiếng gió đêm. “Mờ
trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng. Núi cây rừng. Lắng tiếng nghe hình
dáng. Của người anh hùng .…” Tiếng đàn mandolin rung lên những nốt thấp.
Mùi nhang trầm đêm Ba mươi ai đó vừa thắp lên. Ngát thơm, man mác.
ĐYT
bài
đã đăng của Đinh Yên Thảo
Hội An trôi trên giòng sông Hoài-
02.05.2012
Kontum, ngôi làng bên hồ- 03.01.2012
Về đâu những trí tuệ Việt?-
13.12.2011
Giáo dục Việt Nam - Con đường ngã bảy-
07.12.2011
Tây trên đất Việt- 25.10.2011
Tây Đô: Đêm nguyệt thực trên giòng sông
Hậu- 22.09.2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment