Thursday, 17 May 2012

BÃO TỐ TRƯỚC ĐẠI HỘI ĐẢNG 18 TRUNG QUỐC (Lê Duy Nhân)




Lê Duy Nhân
Thứ ba, 15 Tháng 5 2012 11:38

Hai cuộc trốn chạy vào sứ quán Mỹ, một của quan quyền Vương Lập Quân (Wang Lijun) và một của người bị cường quyền trù dập, Trần Quang Thành (Chen Guangcheng) là những tiếng chim báo bão cho giông tố phủ lên đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc thứ 18 sắp tới.

Cuộc trốn chạy vào sứ quán Mỹ của tay trùm công an Trùng Khánh đã bộc lộ nguy cơ sụp đổ của một chính quyền gia đình trị do những tập đoàn tư bản thư lại thao túng về kinh tế lẫn chính trị. Bắc Kinh thanh trừng Bạc Hy Lai không chỉ nhắm vào cá nhân họ Bạc và Bạc phu nhân mà là hành động dẹp lọan Tân Tả mà Bạc chỉ là một trong những kẻ chủ mưu. Đây không phải đơn thuần là cuộc tranh giành quyền lãnh đạo mà còn là cuộc tranh giành các quyền lợi kinh tế do các thế gia đỏ tranh nhau khai thác. Thế hệ lãnh đạo mới gồm các thái tử đỏ đã vất bỏ ý thức hệ chính trị lỗi thời của thế hệ ông cha để chạy theo vinh hoa phú qúy. Họ là giai cấp thư lại mới nặng đầu óc kinh doanh và say mê kỹ thuật; coi kinh tế và thương mại là chủ đạo của mọi hành động chính trị trong khi thiếu hẳn khả năng lãnh đạo của những lãnh tụ như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Diệu Bang… Chủ nghĩa tự tư tự lợi (narcism) đã làm họ biến chất thành những quan chức tham nhũng và những đại tư bản tàn nhẫn. Những đại thế gia Bạc, Cốc, Lý, Đặng… chỉ là một vài tiêu biểu trong hàng ngàn đại gia đỏ khác đang mở ra những cuộc tranh giành ảnh hưởng tuy âm thầm nhưng vô cùng khốc liệt. Cuộc trốn chạy của Vương Lập Quân chứng tỏ trên đất nước Trung Hoa rộng lớn y không còn chỗ dung thân ngoài sứ quán Mỹ, quốc gia thù địch của Trung Quốc. Cái nhục này quá lớn đối với một Trung Quốc đang diễu võ dương oai trên thế giới cả về kinh tế lẫn quân sự.

Chỉ vài tuần sau, Bắc Kinh lại bị một cái tát điếng người do sự đào thoát của nhà đối kháng khiếm thị Trần Quang Thành. Ông mù lại bị hàng chục tên an ninh vô lại canh giữ nghiêm mật, nội bất xuất, ngọai bất nhập mà vẫn thoát thành công, vượt 300 cây số để tới tòa đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh, trước sự ngỡ ngàng của thế giới. Bắc Kinh thật sự bị mất mặt trong khi Hoa Kỳ hết sức bối rối vì phái đoàn cao cấp Mỹ đang trên đường phó hội với các lãnh tụ cấp cao nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chính sách đàn áp nhân quyền của Bắc Kinh bị phơi bày ra trước công luận thế giới. Bộ máy tuyên truyền dối trá của nhà nước độc tài câm miệng. Cuối cùng Bắc Kinh cho phép ông Trần Quang Thành và gia đình sang Mỹ, tiếng là để cho ông được du học nhưng thực chất là để phần nào gỡ lại thể diện, thoa chút son phấn cho bộ mặt phi nhân quyền của chế độ toàn trị và đồng thời cũng giúp Obama gỡ gạc chút uy tín cho cuộc tranh cử vào mùa Thu tới.

Bắc Kinh cũng sẽ chuyển tiếp quyền lực vào mùa Thu tới. Không ai nghi ngờ về việc ông Tập Cận Bình sẽ thay thế Hồ Cẩm Đào sau khi đại hội Đảng bế mạc vào cuối năm nay. Nhưng thật khó biết được những thay đổi chính trị sắp tới sẽ theo chiều hướng nào. Đã có những đồn thổi ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẽ công bố cởi mở chính trị và từ bỏ độc quyền cai trị vào đại hội Đảng sắp tới. Liệu ước mơ Dân Chủ của trên một tỉ người Trung Hoa có trở thành hiện thực không? Hy vọng bọn độc tài tự nguyện rời bỏ địa vị thống trị là một khát vọng ít nhiều hoang tưởng. Mặt khác nếu không lọai bỏ giai cấp thái thử đỏ ra khỏi nền chuyên chính “tư bản thư lại” thì Trung Hoa sẽ không thoát khỏi cuộc “nội chiến” khủng khiếp giữa các đại thế gia đỏ.

Trung Quốc đang bộc lộ dần những nhược điểm chết người của một nền chính trị chỉ dựa trên sức mạnh của công an, quân đội để bảo vệ cho một thiểu số gồm các đại thế gia đỏ tham lam và độc ác. Nếu cái ác tồn tại vĩnh viễn thì thế giới làm gì có đại đa số các nước dân chủ như ngày nay. Cuối cùng, sớm hay muộn Trung Hoa cũng phải dân chủ hóa đất nước vì đó là sinh lộ duy nhất cho trên một tỉ dân của nó.

Trung Quốc và Việt Nam luôn luôn chung một bước đi vì “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Nếu Trung Quốc có những đại thế gia đỏ Bạc, Cốc, Lý… thì Việt Nam cũng có những đại thế gia Nông, Tô, Lê, -Trương, Nguyễn…. Ấu Chúa Nguyễn Thanh Nghị mới ngoài ba mươi , chưa có thành tích lãnh đạo gì bỗng ngồi vào Trung Ương Đảng, vài tháng sau ông bố Thủ tướng phong cho chức thứ trưởng. Công nương Nguyễn Thanh Phượng lên chức như hỏa tiễn Liên Xô, ra quân chỉ vài năm mà nắm tới bốn chức TGĐ. Tiểu thư Tô Linh Hương (con gái rượu của ngài thông tin Lề Phải Tô Huy Rứa, Ủy Viên BCT, Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng), non chọet (24 xuân xanh), có cái bằng xin chân thư ký tạp hóa không nổi, chẳng tốn hơi sức gì cũng trèo lên được chức thơm như phở bò Kobe: TGĐ một công ty xây dựng quốc doanh Vinaconex có tới 2 nghìn nhân viên. Nguyễn Xuân Anh, con trai Ủy Viên Bộ Chính Trị Nguyễn Văn Chi cũng được bố ẵm vào chức Bí thư thành ủy…vân vân và vân vân….

Một số nhà phân tích tình hình chính trị quốc tế tin rằng Trung Quốc sẽ phải lột xác trong vài năm tới nếu không muốn bạo lọan. Ở Việt Nam một vài nhà bình luận cũng lạc quan tếu rằng hễ chủ nghĩa Cộng Sản sụp đổ ở Trung Quốc thì ít lâu sau nó cũng sẽ sụp đổ ở Việt Nam. Ngày nay hầu như các nhà trí thức ở nước ta thích an nhàn, lười động tâm, ghét dấn thân, sợ mất địa vị nên rất thỏa mãn với thái độ “dĩ tĩnh chế động”, các vị thường nói với nhau: “cứ trông Liên Xô và Đông Âu ấy, Cộng Sản ở ta rồi sẽ tự sụp đổ thôi. Việc gì phải chống Đảng; dục tốc bất đạt mà”. Lý lẽ lắm.

Liên Xô và các nước Đông Âu không có các nhà đối kháng trong và ngoài đảng Cộng Sản thì dễ gì tự sụp đổ. Một xã hội độc tài luôn luôn có hai hạng công dân. Một bên là những nhà bất đồng chính kiến (dissident) và những ngừơi đối kháng (resistant), một bên là những kẻ đồng lõa với chế độ. Những kẻ đồng lõa không chỉ bao gồm giai cấp thống trị mà còn là những kẻ bị trị cầu an, khiếp nhược và chấp nhận kiếp sống nô lệ. Họ quay lưng lại trước những hy sinh to lớn cho Tự Do của những nhà phản biện, nhà đối kháng, đối lập... những người tranh đấu cho chính các quyền tự do của họ. Sự im lặng của họ là hành động công nhận chính quyền độc tài là hợp pháp, hợp tình, hợp lý và là sự tư nguyện kéo dài thân phận nô lệ không những của bản thân mà của cả gia đình và đồng bào.

Nói dân hèn nước nhược có cường điệu và khiên cưỡng không?

Lê Duy Nhân





No comments:

Post a Comment

View My Stats