Thursday 17 May 2012

VIỆT NAM NÊN ĐỨNG VỀ PHÍA NÀO TRONG TRANH CHẤP TRƯỜNG SA : TRUNG QUỐC hay PHILIPPINES ? (Việt Hoàng)




Việt Hoàng
Chủ nhật, 13 Tháng 5 2012 09:54

Biển Đông lại tiếp tục nổi sóng với những pha tranh chấp đầy kịch tính giữa Trung Quốc và Philipines, nhất là sau khi xảy ra va chạm giữa hải quân hai nước tại khu vực Bãi Scarborough, bãi đá không có người ở, mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, nằm cách bờ biển gần nhất của Philippines 230 km và cách đảo Hải Nam, Trung Quốc 1200km. Philipines điều tàu chiến hiện đại nhất đến khu vực này và Bộ ngoại giao Philippines đã đề nghị phía Trung Quốc đưa vấn đề này ra trước Tòa án quốc tế về Luật biển. Trung Quốc bác bỏ đề nghị này của Philipines và sau đó điều tàu hải giám 301, lớn và hiện đại nhất đến đây.

Khủng hoảng ngoại giao giữa Trung Quốc và Philippines vẫn chưa kết thúc. Việt Nam nằm ở đâu trong tranh chấp này? Việt Nam nên đứng về phía nào? Rõ ràng là không thể có một lựa chọn dễ dàng, bài viết “Việt Nam trước căng thẳng của Trung Quốc và Philipines” trên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã nói lên điều đó. Tuy nhiên Việt Nam không thể không có chính kiến vì Việt Nam nằm ở trung tâm các cuộc tranh chấp này. Nếu phải có một lựa chọn thì quyền lợi dân tộc phải được đặt lên trên hết. Trên tinh thần đó thì lựa chọn “nhường nhịn” và “ủng hộ” Philippines sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Lý do: Việt Nam và Philippines tuy có tranh chấp về một vài khu vực tại Trường Sa (ví dụ việc Philippines tuyên bố khẳng định chủ quyền và tiến hành xây dựng căn cứ trên đảo Pagasa, tiếng Việt gọi là đảo Thị Tứ nằm ở khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa) nhưng vấn đề không nghiêm trọng bằng việc Trung Quốc tuyên bố toàn bộ Biển Đông với “bản đồ lưỡi bò” là hoàn toàn thuộc về Trung Quốc. Hiện tại đang có 6 nước cùng tranh chấp tại quần đảo Trường Sa, dù muốn dù không thì Việt Nam cũng không thể nào độc quyền sở hữu toàn bộ khu vực này mà bắt buộc phải có những thỏa hiệp nhất định với những nước liên quan.

Thứ hai, Việt Nam và Philippines đều nằm trong khối ASEAN và tương quan lực lượng giữa hai nước khá cân bằng nếu không nói là Việt Nam có phần ưu thế hơn vì vậy mọi tranh chấp giữa hai nước đều có thể nhờ vào luật pháp quốc tế về Luật biển phân giải. Trong khi đó Trung Quốc quá hùng mạnh và luôn từ chối việc đưa các tranh chấp này ra tòa án quốc tế. Việt Nam rất cần sự ủng hộ của các nước thuộc khối ASEAN, tuy nhiên trước một Trung Quốc nhiều thế lực, nội bộ ASEAN khó lòng thống nhất với nhau trên hồ sơ Biển Đông. Một “đồng minh” như Philippines trong trường hợp này là rất quan trọng và cần thiết cho Việt Nam. Nếu Việt Nam im lặng hoặc từ chối bày tỏ thái độ ủng hộ Philippines (như lời kêu gọi của ngoại trưởng Albert del Rosario) thì sau này, khi có tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam thì chúng ta khó lòng đòi hỏi sự ủng hộ của Manila. Ủng hộ ở đây không có nghĩa là Việt Nam ủng hộ Philippines “chiến tranh” với Trung Quốc mà ủng hộ Philippines rằng, mọi tranh chấp tại Biển Đông cần đưa ra giải quyết tại Tòa án Quốc tế về Luật biển.

Thứ ba, theo một số dư luận thì mục tiêu chính của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp tại Trường Sa là với Việt Nam chứ không phải với Philippines. Xung đột vừa qua với Philippines chỉ là phép thử của Trung Quốc xem phản ứng của các nước trong ASEAN cũng như Mỹ và cộng đồng quốc tế là như thế nào? Mức độ ra sao? Để sau đó họ có những hành động tiếp theo với Việt Nam. Nên nhớ là Philippines có quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ trong khi Việt Nam không có ai “hậu thuẫn”. Trong tranh chấp với Philippines hiện nay, có thể Trung Quốc vừa ru ngủ vừa ngầm đe dọa Việt Nam. Chúng ta cần tỉnh táo và chuẩn bị để không bị rơi vào bẫy của Trung Quốc.

Một cuộc tấn công qui mô lớn của Trung Quốc để cưỡng chiếm toàn bộ Trường Sa có xảy ra không? Có lẽ là không. Tuy nhiên các cuộc chiến qui mô nhỏ để chiếm đóng từng đảo một là điều có thể xảy ra theo kiểu “vết dầu loang”, gặm nhấm từng miếng một. Tác giả Jens Kastner (Đài Loan) cho rằng Trung Quốc “đã sẵn sàng cho các cuộc chiến qui mô nhỏ ở Biển Đông” và “Hậu quả của các cuộc phiêu lưu quân sự như thế đối với Bắc Kinh là có thể chấp nhận được” ông Jens Kastner viết như vậy trên Asia Times. Một chuyên gia khác là ông Steve Tsang, giám đốc Viện chính sách Trung Quốc của Đại học Nottingham cũng cho rằng một cuộc “tiểu chiến” với Việt Nam hoặc Philippines có thể gây xáo trộn lớn trong vùng Đông Nam Á nhưng Trung Quốc vẫn có thể kiểm soát được. Mới đây tờ Hoàn Cầu Thời Báo cũng đã kêu gọi Bắc Kinh chuẩn bị cho các cuộc tiểu chiến với Philippines.

Liệu Trung Quốc có hành động như vậy không? Điều này khó đoán, nó tùy thuộc vào tình hình nội bộ Trung Quốc. Nếu nội bộ bên trong Trung Quốc xấu đi thì việc tiến hành vài cuộc “tiểu chiến” với Việt Nam và Philippines là có thể xảy ra. Tuy nhiên cái giá Trung Quốc phải trả là rất đắt, đắt hơn nhiều so với những nhận định của các chuyên gia như Jens Kastner, Steve Tsang hay James Holmes (một học giả về chiến lược tại Trường Hải chiến Hoa Kỳ) đã đưa ra.

Hậu quả của các cuộc chiến này là hình ảnh một nước Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” sẽ mất đi và thay vào đó là hình ảnh một cường quốc mới nổi và hung hăng, có khả năng đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực và thế giới. Thứ hai, các nước trong ASEAN sẽ đoàn kết mạnh mẽ và tìm đến Hoa Kỳ như là một cứu tinh để duy trì hòa bình trong khu vực. Thứ ba và là điều rất quan trọng là hầu hết các nước trên thế giới, cả những nước phát triển hay chưa phát triển đều không ưa thích sự trỗi dậy của Trung Quốc, ít ra cũng là trên lĩnh vực kinh tế. Cả thế giới sẽ nhân cơ hội này để phát động một cuộc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, tất nhiên không hẳn là vì ủng hộ Việt Nam hay Philippines mà đơn giản chỉ vì muốn Trung Quốc suy sụp. Nếu kinh tế Trung Quốc gặp vấn đề thì với 1,3 tỉ dân, biến động chắc chắn sẽ xảy ra.

Một cuộc chiến với Việt Nam hay Philippines sẽ làm Trung Quốc mất nhiều hơn là được.

Với Việt Nam thì giữa hai cái mất, “mất ít” và “mất tất cả”, chắc chắn phải chọn phương án “mất ít”. Tuy nhiên vấn đề quan trọng ở đây là chính quyền Việt Nam sẽ chọn “quyền lợi của đất nước” hay là “quyền lợi của Đảng”? Rõ ràng là chính quyền Việt Nam rất khó xử trong vụ này. Nếu nhường nhịn thì Trung Quốc sẽ lấn tới, nếu cương quyết thì sợ Trung Quốc mạnh tay. Trong trường hợp này chính quyền chỉ có thể dựa vào sức mạnh và ý chí của toàn dân. Tiếc thay chính quyền Việt Nam từ lâu, đã tước đi những quyền căn bản của người dân như quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do biểu tình… Bảo vệ tổ quốc là việc làm của toàn dân và chỉ có toàn dân mới làm nổi, một mình đảng cộng sản không thể nào giải quyết được bài toán khó này, đó là sự thật.

Dân chủ hóa đất nước, vì vậy, là một mệnh lệnh của thời đại.

Việt Hoàng



No comments:

Post a Comment

View My Stats