Thursday, 17 May 2012

BẮC KINH CŨNG TỰ BÔI NHỌ BẰNG BÀI BẢN "KHỦNG BỐ" (Ngô Văn)




Ngô Văn
Cập nhật: 17/05/2012

Khi biết được cộng đồng người Uyghur trên khắp thế giới dự định sẽ tổ chức Hội nghị Đại biểu toàn thế giới tại Tokyo trong tháng 5 này, nhà nước Cộng sản Trung Quốc đã áp lực mạnh chính phủ Nhật phải tìm cách ngăn cản, không cho tổ chức. Dân Uyghur hay còn gọi là người Ngô Duy Nhĩ đa số sống tại vùng Tân Cương, một quốc gia đã bị Trung Quốc xâm chiếm từ thời nhà Thanh. Tuy nhiên, hiểm họa bị xóa sạch văn hóa và bị kỳ thị tàn tệ đang ngày càng gia tăng dưới sự cai trị của chế độ Cộng sản Trung Quốc.

Nhiều văn thư chính thức từ bộ Ngoại giao và cả bộ Công an Trung Quốc đuợc gởi đến chính phủ Nhật Bản yêu cầu không cấp chiếu khán nhập cảnh cho các Đại biểu Uyghur ở các nước vào Nhật, đặc biệt là bà Rebiya Kadeer, đương kim Chủ tịch Cộng đồng Uyghur hải ngoại, với lý do tất cả những người đó đều là khủng bố và cả cơ chế đại biểu Uyghur hải ngoại là một tổ chức khủng bố.

Bộ Ngoại giao Nhật chính thức gởi văn thư trả lời rằng Nhật Bản đã cập nhật danh sách khủng bố mới nhất từ cơ quan Cảnh sát Hình sự Quốc tế (ICPO), nhưng không thấy tên bà Chủ tịch Rebiya Kadeer hay tên những đại biểu khác trong danh sách đó. Vì vậy chính phủ Nhật không thể từ chối cấp visa nhập cảnh cho họ. Tổng nha Cảnh sát Nhật cũng gởi văn thư trả lời cho bộ Công an Trung Quốc biết rằng ngay cả trong trường hợp Hội nghị Đại biểu Cộng đồng người Uyghur hải ngoại có lên tiếng chỉ trích chính phủ Nhật Bản đi nữa, thì cảnh sát Nhật sẽ vẫn không ngăn cản hay cấm tổ chức, vì Hiến pháp và luật pháp Nhật tôn trọng quyền phát biểu, quyền hội họp, và quyền biểu tình ôn hòa.

Tại Bắc Kinh, trong Hội nghị định kỳ giữa lãnh đạo ba nước Trung-Nhật-Hàn, hôm chủ nhật, ngày 13 tháng 5, Thủ tướng Ôn Gia Bảo trực tiếp yêu cầu Thủ tướng Noda ra lịnh không cho Cộng đồng người Uyghur tổ chức Hội nghị Đại biểu tại Tokyo. Theo tường thuật của các viên chức có mặt tại chỗ, Thủ tướng Noda trả lời rằng mặc dù hiện nay ông là Thủ tướng, đứng đầu ngành Hành pháp Nhật Bản, nhưng ông cũng không thể đứng trên Hiến pháp và luật pháp Nhật Bản, và bà Rebiya Kadeer cũng như các Đại biểu khác của Cộng đồng Uyghur hải ngoại không có trong danh sách khủng bó của ICPO. Một số bình luận gia khen ngợi ông Noda đã nhẹ nhàng vạch rõ cho họ Ôn thấy sự khác biệt giữa một chính phủ dân chủ pháp quyền và một nhà nước độc tài đảng trị.

Có lẽ cũng nhận ra và thấm thía câu trả lời đó, các lãnh đạo Trung Quốc quyết định hủy bỏ cuộc hội đàm riêng giữa Thủ tướng Noda và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, được dự tính diễn ra ngay sau Hội nghị. Thủ tướng Noda thoải mái leo lên máy bay về nước. Khi được hỏi về lý do hủy bỏ cuộc hội đàm với ông Hồ Cẩm Đào, phát ngôn viên chính phủ Nhật chỉ trả lời rằng do chương trình làm việc của Thủ tướng Noda quá bận rộn.

Trở lại với Hội nghị Đại biểu Cộng đồng Uyghur hải ngoại. Bà Chủ tịch Rebiya Kadeer đã đến Tokyo hôm chủ nhật 13 tháng 5. Hội nghị quy tụ hơn 125 Đại biểu ở khắp nơi trên thế giới, Trong buổi khai mạc Hội nghị, bà Kadeer nói rằng:

“Trong những năm qua, chúng tôi đấu tranh yêu cầu chính quyền Cộng sản Trung Quốc phải tôn trọng các quyền căn bản của người Uyghur. Mặc dù người Uyghur đấu tranh ôn hòa nhưng luôn bị chính quyền Bắc Kinh đàn áp thẳng tay. Hiện nay người Uyghur ở Trung Quốc bị đối xử còn tàn tệ hơn cả thời 2009 [khi có các cuộc biểu tình lớn]. Theo thông tin mới nhất mà đồng bào Uyghur ở Trung Quốc gởi ra thì bất cứ người Uyghur nào cũng có thể trở thành đối tượng bắt bớ của chính quyền Bắc Kinh. Người Uyghur bị gạt ra ngoài lề xã hội bởi chính sách đồng hóa, đưa người Hán đến định cư tại những vùng đất đã có bao đời nay của nguời Uyghur. Căng thẳng giữa người Uyghur và người Hán đã dẫn đến những cuộc đụng độ ở Tứ Xuyên, nơi có khoảng 9 triệu người Uyghur sinh sống. Để sống còn, bắt buộc dân tộc Uyghur chúng tôi phải đứng lên đấu tranh đòi hỏi chính quyền Cộng sản Trung Quốc phải tôn trọng nhân quyền, dân chủ cho đất nước. Có như thế mới mong lần lượt giải quyết được những mâu thuẫn giữa người Hán và các sắc dân thiểu số nói chung, và sắc dân Uyghur nói riêng. Đây là cuộc đấu tranh ôn hòa, đầy chính nghĩa nhưng rất quyết liệt. Vì vậy chúng tôi kêu gọi cộng đồng thế giới, trong đó có Nhật Bản, hãy ủng hộ cho cuộc đấu tranh đầy chính nghĩa này.”

Một số dân biểu, nghị sĩ quốc hội Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật cũng như các tổ chức nhân quyền thế giới đã hiện diện tại Hội nghị để bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với công cuộc đấu tranh đòi nhân quyền theo phương thức bất bạo động của người Uyghur. Một Dân biểu Quốc hội Nhật thuộc đảng Dân chủ sau khi tham dự lễ khai mạc Hội nghị đã nói với các ký giả rằng: “Từ trước đến nay chúng tôi luôn ủng hộ tất cả các cuộc đấu tranh cho nhân quyền theo đường lối ôn hòa. Khi nhận được thiệp mời tham dự Hội nghị chúng tôi rất cảm kích, nhưng thú thực lúc đầu tôi dự định không tham dự để tránh chuyện chính quyền Trung Quốc đặt vấn đề, lôi thôi, phiền phức lắm vì chúng tôi thuộc đảng cầm quyền. Tuy nhiên, sau khi thấy các phản ứng quá thô thiển của Bắc Kinh, chúng tôi đã quyết định phải tham dự.”

Đến bao giờ giới lãnh đạo các nước độc tài như Trung Quốc và Việt Nam mới nhận ra các bài bản vu cáo “khủng bố” cứ đang ịn thêm các đốm nhọ nồi lên từng khuôn mặt đeo kính trắng, chải chuốt mượt mà và trông rất văn minh của họ?




No comments:

Post a Comment

View My Stats