Tuesday 22 May 2012

VỀ KHẢ NĂNG XUNG ĐỘT TRUNG QUỐC - PHILIPPINES TẠI BIỂN ĐÔNG (The Economist)




The Economist
                                                                                              
Trần Quang (gt) -  Nghiên Cứu Biển Đông   

Thứ tư, 23 Tháng 5 2012 00:00

Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tạp chí Nhà Kinh tế (Anh) ngày 16/5 đưa ra nhận định của cơ quan nghiên cứu uy tín này về khả năng bùng phát xung đột tại Biển Đông sau những đụng độ mới đây giữa Trung Quốc và Philíppin, đồng thời đánh giá về khả năng hợp tác cùng khai thác giữa Philíppin và Trung Quốc.

Những căng thẳng giữa Trung Quốc và Philíppin về vùng lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông một lần nữa lại nổi lên trong những tuần gần đây. Thảo luận về khu vực phát triển chung (JDA) và các lệnh cấm đánh cá chồng lấn có thể sẽ giúp xóa bỏ một phần sự mất tin cậy lẫn nhau. Thêm vào đó, những khó khăn chính trị mà ông Chu Vĩnh Khang, người đứng đầu ngành an ninh theo đường lối cứng rắn của Trung Quốc, đang phải đối mặt có thể sẽ mang lại một tia sáng le lói về khả năng của một cách tiếp cận bớt đối đầu hơn đối với cuộc xung đột. Tuy nhiên, khi những lợi ích của việc kiểm soát Biển Đông vốn quan trọng cả về chiến lược và kinh tế gia tăng, nguy cơ về các cuộc va chạm nhỏ dẫn tới một cuộc xung đột toàn diện vẫn còn đáng kể.

Những cuộc tranh cãi giữa các bên tuyên bố chủ quyền vùng lãnh thổ tranh chấp tại Biển Đông - trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bãi đá ngầm Scarborough - đã nổ ra thường xuyên trong những năm gần đây. Cuộc tranh cãi mới nhất, bắt đầu từ ngày 8/4, nổi lên khi tàu chiến Philíppin phát hiện các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp tại khu vực bãi đá ngầm (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), cách đảo Luzon của Philíppin 220 km về phía Tây, và cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Tàu hải giám Trung Quốc đã được điều động tới để ngăn cản Hải quân Philíppin bắt giữ các ngư dân Trung Quốc, tạo ra một sự bế tắc. Sau sự náo động ban đầu của những sự phản đối lẫn nhau, Bắc Kinh và Manila bắt đầu các cuộc đàm phán, dẫn tới việc Philíppin rút tàu chiến và thay thế bằng tàu bảo vệ bờ biển dân sự. Các tàu đánh cá Trung Quốc sau đó rút đi mà không bị cản trở. Các tàu tuần tra dân sự của Trung Quốc và Philíppin sau đó tiếp tục "gằm ghè" nhau dọc bãi đá ngầm trong khi các ngư dân hai nước vẫn miệt mài làm ăn ở vùng nước xung quanh.

Phản ứng của Trung Quốc đối với sự cố này đã và đang trở nên phức tạp bởi môi trường chính trị chưa ổn định tại Bắc Kinh trong bối cảnh chính phủ chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo mới - một tình huống có thể tạo ra nhiều không gian hơn cho một loạt các cơ quan của Trung Quốc có liên quan khích bác chống lại nhau. Tuy nhiên, phản ứng cơ bản của Trung Quốc đối với sự cố này, như thường lệ, được tô điểm bằng quan điểm dân tộc chủ nghĩa, cứng rắn của chính phủ phản đối bất kỳ hành động nào thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Những ngày gần đây, Trung Quốc đã dừng các chuyến du lịch sang Philíppin và khám xét nghiêm ngặt hơn các hoa quả nhập từ Philíppin, chẳng hạn như chuối, sản phẩm mà Trung Quốc là khách hàng lớn nhất. Bắc Kinh cũng đã cảnh báo Manila rằng nước này đã sẵn sàng phản ứng với "bất kỳ một sự leo thang" nào của tình hình.

Đặt cược lớn
Đối với cả Trung Quốc và Philíppin, triển vọng về việc vùng biển tranh chấp có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên đáng kể đồng nghĩa với việc hai nước đều đặt cược lớn vào canh bạc này. Ủy ban Thông tin Năng lượng Mỹ ước tính trữ lượng dầu khí được chứng minh và chưa khai thác tại khu vực này lên tới 213 tỷ thùng. Ngày 9/5, Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) tuyên bố rằng đã sẵn sàng bắt đầu khai thác dầu sử dụng giàn khoan dầu nước sâu đầu tiên của mình tại Biển Đông. Mặc dù giàn khoan này không đặt bên trong vùng tranh chấp nhưng CNOOC mô tả nó không chỉ là phương tiện để gia tăng sản xuất khí đốt và dầu mỏ quốc gia mà còn là "công cụ chiến lược" để thúc đẩy các lợi ích lớn hơn của Trung Quốc ở tại khu vực này.

Cách tiếp cận của Philíppin đối với tranh chấp cũng phản ánh sự mong muốn đạt được các lợi ích kinh tế từ nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới đáy Biển Đông. Cuối tháng 4, Forum Enerny, một bộ phận đặt trụ sở tại Anh của Tập đoàn Philex Mining do Philíppin sở hữu, tuyên bố rằng nguồn khí đốt tự nhiên đã phát hiện năm 2006 tại một khu vực tranh chấp lớn hơn so với ước tính trước đây. Trữ lượng này nằm tại mỏ khí đốt Sampaguita ở Bãi Cỏ Rong. Tuy nhiên, tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước tới nay vẫn cản trở việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực. Philex Mining nói rằng các xung đột lãnh thổ đã làm trì hoãn các kế hoạch khai thác khí tại Bãi Cỏ Rong, nơi các tàu Trung Quốc đã quấy nhiễu một trong những tàu khảo sát của Forum Energy trong năm 2011.

Những triển vọng hợp tác cùng khai thác
Các khu vực phát triển chung (JDA) trong một số bối cảnh khác đã được sử dụng để cho phép các quốc gia cùng thu lợi ích từ những nguồn lực kinh tế chung trong khi gạt ra một bên các vấn đề về chủ quyền gây tranh cãi. Những tiền lệ bao gồm việc phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở một số khu vực khác của châu Á, chẳng hạn giữa Malaixia và Việt Nam, và giữa Malaixia với Thái Lan. Trung Quốc bấy lâu nay vẫn muốn thực hiện các JDA song phương, nhưng Philíppin vẫn cẩn trọng hơn. Năm ngoái, Chính phủ Philíppin lặp lại rằng nước này sẽ mở cửa cho nước ngoài tham gia khai thác tại Bãi Cỏ Rong, nhưng việc khai thác đó phải tuân thủ luật pháp của Philíppin (Philíppin nhiệt tình hơn đối với việc cùng khai thác tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông nằm ngoài EEZ của nước này). Ngày 4/5, Tổng thống Philíppin Benigno Aquino nói rằng ông để ngỏ khả năng các công ty cùng tham gia khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, cùng với các chính phủ có liên quan giải quyết tranh chấp lãnh thổ riêng rẽ của họ. Ngay sau đó, Philex Mining nói rằng tập đoàn này đã thảo thuận về khả năng thiết lập đối tác với CNOOC để khai thác khí đốt tự nhiên tại Bãi Cỏ Rong.

Trong khi tăng cường phát triển các thực lực quân sự của mình, cả Trung Quốc và Philíppin đều tiếp tục lên tiếng ủng hộ một giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp giữa hai bên tại Biển Đông. Tuy nhiên, hai nước lại ưu tiên các con đường khác nhau hướng tới một giải pháp hòa bình. Philíppin, giống như các nước có tuyên bố chủ quyền khác ở Đông Nam Á, muốn cách tiếp cận đa phương dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Chính phủ Philíppin đã đưa tranh chấp với Trung Quốc tại bãi đá ngầm Scarborough ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) để phân xử, mặc dù thể chế này không có quyền áp đặt các giải pháp. Mặc dù Trung Quốc phản đối đề nghị này, song các nhà chức trách Philíppin đã tỏ dấu hiệu cho thấy họ có ý định đơn phương đệ trình vấn đề này lên ITLOS. Trung Quốc kiên định muốn giải quyết tranh chấp trên biển theo con đường song phương theo cách thức "đóng cửa bảo nhau", theo đó sẽ mang lại cho nước này ưu thế hơn khi đương đầu với các nước láng giềng có tranh chấp.
Một giải pháp hòa bình đối với tranh chấp Biển Đông chắc chắn sẽ nằm trong lợi ích của cả hai nước, và có những lý do đúng đắn để tránh những căng thẳng leo thang. Đối với Trung Quốc, khả năng can dự quân sự của Mỹ là một nguy cơ rất lớn. Đối với Philíppin, hiện vẫn còn tồn tại một sự không rõ ràng về quan điểm của Mỹ đối với tranh chấp, và vì thế nước này không thể chắc chắn về mức độ hỗ trợ của Mỹ trong trường hợp căng thẳng leo thang với Trung Quốc.

Mặc dù vậy, một giải pháp hòa bình khó có thể sớm đạt được. Việc thiết lập vùng khai thác chung có thể giúp giảm căng thẳng, nhưng tranh chấp Biển Đông không chỉ đơn thuần là về nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và trữ lượng cá, mà còn liên quan tới các vấn đề chủ quyền cơ bản, việc kiểm soát các tuyến đường biển chiến lược và nỗ lực của Philíppin củng cố an ninh chống lại nền tảng quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Các vấn đề này sẽ khó có thể mất đi một cách nhanh chóng, và khi những sự đối đầu trở nên thường xuyên hơn thì nguy cơ các đụng độ quy mô nhỏ phát triển thành xung đột toàn diện vẫn tồn tại.

Một động thái có thể mang lại một chút hy vọng cho một bước chuyển trong những hướng đi của các sự kiện hiện nay là khả năng mất quyền lực của "Sa hoàng an ninh" Trung Quốc Chu Vĩnh Khang sau vụ bê bối của Bạc Hy Lai. Ông Chu Vĩnh Khang hiện vẫn tại vị, nhưng tin tức trên tờ "Thời báo Tài chính" của Anh và một số phương tiện truyền thông Trung Quốc cho thấy ông có thể sẽ phải từ bỏ phần lớn quyền lực của mình. Với việc ông Chu Vĩnh Khang được coi là một nhà bảo thủ theo đường lối cứng rắn và là một trong những động lực chính phía sau cách tiếp cận hiếu chiến của Trung Quốc đối với các vấn đề như Biển Đông, nhiều khả năng các nhân vật khác có thể sẽ áp đặt thực hiện một đường lối ít đối đầu hơn. Bản chất liên kết ứng phó của nền chính trị Trung Quốc - và thực tế là người kế nhiệm ông Chu Vĩnh Khang cũng có thể xuất thân từ phe bảo thủ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc - khiến việc chuyển đổi mạnh trong chính sách là điều khó có thể xảy ra. Lập trường của Trung Quốc phản ánh những quan điểm ý thức hệ và chiến lược lâu đời và vượt ra ngoài khả năng của một cá nhân nhất định. Mặc dù vậy, trong tranh chấp này thì chỉ cần một thay đổi nhỏ về quan điểm cũng có thể mở ra con đường cho một cách tiếp cận triển vọng hơn.

Theo The Economist
Trần Quang (gt)

---------------------------------------

TIN LIÊN QUAN :


Filipinos back government on China dispute, but want more diplomacy -  Dân Philippines ủng hộ chính phủ trong tranh chấp với Trung Quốc, nhưng muốn gia tăng các nổ lực ngoại giao (CSM)
It does not belong to China   -  Không phải của Trung Quốc (MST)




No comments:

Post a Comment

View My Stats