Jean-Pierre
Cabestan
Phương
Bích dịch
Lundi
14 mai 2012
(LND: Bài viết của giáo sư chính trị học Jean-Pierre Cabestan đăng
trên mục ý kiến của báo Le Figaro nhận định, vụ đào thoát của luật sư Trần
Quang Thành đã ảnh hưởng đến quan hệ Trung – Mỹ vốn lệ thuộc lẫn nhau, mà ưu
thế nghiêng về phía Mỹ. Tác giả giảng dạy tại đại học Hồng Kông, và là chuyên
gia của Asia Centre).
Vụ
vượt thoát của Trần Quang Thành mang lại điều gì mới cho chúng ta về Trung Quốc
và quan hệ Trung – Mỹ ?
Trước
hết, việc một người luật sư mù nổi tiếng vì đấu tranh cho nhân quyền bị quản
thúc nghiêm ngặt tại Sơn Đông, lại đào thoát ra được, có vẻ hết sức độc đáo.
Chẳng biết ông có được sự trợ giúp của người nào trong lực lượng an ninh – đã
canh giữ quanh nhà ông một cách bất hợp pháp từ khi ông được trả tự do vào năm
2010 – hay không. Nhưng ông có thể trông cậy vào mạng lưới tổ chức rất tốt của
các nhà hoạt động, đa số là công giáo, có chân rết ở Hoa Kỳ và liên hệ thường
xuyên với đại sứ quán Mỹ.
Cuộc
đào thoát thành công này cũng cho thấy hệ thống kiểm soát của đảng Cộng sản
Trung Quốc đang rệu rã. Đã hẳn là những người bảo vệ cho ông, cũng như các nhà
ngoại giao Mỹ đến đón ông đều bị an ninh theo dõi. Nhưng an ninh không can
thiệp vào được chuyến đi trốn kéo dài của ông Trần, lẫn việc ông vô được đại sứ
quán Mỹ.
Phản
ứng của xã hội Trung Quốc về cuộc khủng hoảng mới này vẫn chưa rõ lắm – do bị
kiểm duyệt, thậm chí có người còn chưa nghe đến cái tên Trần Quang Thành. Nhưng
truyền thông xã hội đã nhanh chóng vượt qua trở ngại, để vinh danh sự can đảm
của một David nhân quyền chống lại Goliath cộng sản trấn áp. Bất ngờ hơn nữa là
một số người biểu tình đã tập hợp trước cổng bệnh viện nơi ông Trần đang bị
giữ, để bày tỏ sự ủng hộ cuộc chiến đấu của ông.
Đó
là vì cuộc đấu tranh cho công lý của ông Trần, trong mắt của nhiều người Trung
Quốc, mang giá trị biểu tượng. Ông không đòi hỏi phải thay đổi chế độ, không
đấu tranh cho một cuộc cách mạng hoa lài theo kiểu Trung Hoa. Ông chỉ đòi đảng
Cộng sản và các chi bộ địa phương phải tôn trọng các luật lệ mà chính họ đã ban
bố. Thế nhưng các lãnh đạo địa phương lại tự tung tự tác, liên tục lạm dụng
quyền lực để trấn áp tất cả những ý định ly khai, và duy trì mối quan hệ ngày
càng đáng lo ngại với bọn xã hội đen mà họ cần sử dụng đến khi đàn áp.
Nhưng
trong trường hợp ông Trần, chính quyền trung ương không thể lẩn tránh sự bất
lực này. Bị chính quyền địa phương áp bức suốt từ mười năm qua, ông đã trở
thành một khuôn mặt nổi tiếng tại Trung Quốc cũng như ở nước ngoài. Bắc Kinh
cho rằng nên đứng về phía địa phương để duy trì ổn định xã hội. Thà che chắn
cho các chính quyền địa phương còn hơn phải đối phó với những hoạt động dấn
thân không thể kiểm soát được, do hiệu ứng dây chuyền, của các luật sư trong
phong trào bảo vệ nhân quyền.
Bây
giờ đến tầm vóc quốc tế và ảnh hưởng tới Mỹ quốc của vụ này. Với sự giúp đỡ của
chuyên gia về luật Trung Quốc tại New York – Jérôme Cohen – cũng là một người
bạn của ông Trần Quang Thành, đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã cố thương lượng
một thỏa thuận làm thỏa mãn ý nguyện ban đầu của ông Trần: vẫn ở lại Trung Quốc
nhưng được theo học ngành luật (ông là một người tự học).
Dựa
vào “tiền lệ” Ngải Vị Vị, thỏa thuận này có vẻ quá tham vọng và vội vã trước
tình hình nội bộ Trung Quốc. Đó là vì khác với Ngải Vị Vị, Trần Quang Thành là
một người dành toàn bộ thời gian cho những người bị áp bức, một nhân vật mà chế
độ không thể gánh lấy cái rủi ro là không theo dõi người đó.
Tuy
vậy, chính quyền Obama cũng giải quyết được vụ này không đến nỗi tệ. Lo sợ phe
Cộng hòa sẽ trở lại, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã phải giúp Washington bằng cách
để cho ông Trần được sang Mỹ học. Nhưng quan trọng nhất là, ông Hồ Cẩm Đào đã
cho thấy, trong giai đoạn chuyển giao quyền lực kinh tế và chính trị tế nhị
này, Trung Quốc hết sức cần có quan hệ ổn định với Hoa Kỳ.
Rõ
ràng là việc giải quyết vụ Trần Quang Thành có hơi vội vàng, vào lúc sắp diễn
ra cuộc họp đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên giữa hai nước, một lần
nữa đã cho thấy mức độ Trung – Mỹ lệ thuộc lẫn nhau chặt chẽ như thế nào. Nó
cũng bộc lộ tình trạng lệ thuộc này đang phần nào có lợi cho phía Mỹ.
Thực
tế thì cho dù có một số lời đả kích trên truyền thông nội địa, chính quyền
Trung Quốc tỏ ra hợp tác, linh hoạt – thích ứng với chuyển biến của tình hình,
và cởi mở – nhìn nhận là ông Trần đã bị đối xử bất công tại Sơn Đông. Nhưng
nhất là trong khi còn chưa hồi phục sau vụ Bạc Hy Lai, sự kiêu hãnh, ngạo mạn
và quyền lực mềm của Bắc Kinh bỗng dưng bị lãnh thêm một đòn đau. Một lần nữa
vấn đề cải cách chính trị tại Trung Quốc lại được đặt ra.
Chúng
ta biết rằng phe cấp tiến tìm cách nhân xì-căng-đan Bạc Hy Lai để nêu ra vấn đề
cải cách chính trị. Nhưng tất nhiên là trong lúc chuẩn bị nhường quyền vào mùa
thu này cho một thế hệ lãnh đạo mới do bộ đôi Tập Cận Bình – Lý Khắc Cường đứng
đầu, ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đang bị chia rẽ. Họ do dự trong việc
lao vào một cuộc cải cách mà hệ quả có thể là tai hại, khiến cho họ lo sợ và bị
tê liệt.
Bị
ám ảnh bởi việc ổn định xã hội trong ngắn hạn, chế độ đã mù lòa trước nguy cơ
bất ổn chính trị trong trung hạn. Vụ chạy trốn khó tin của ông Trần Quang Thành
liệu có thể làm cho họ sáng mắt ? Hy vọng là cuộc chiến đấu can trường vì công
lý, do vị luật sư tuy khiếm thị nhưng sáng suốt dẫn đầu, sẽ giúp cho chế độ ý
thức được rằng nguy cơ đang ngày càng tăng lên. Sự ù lì về chính trị đang đè
nặng lên tương lai của cường quốc kinh tế đứng thứ nhì thế giới.
J.-P.
C.
No comments:
Post a Comment