Wednesday, 16 May 2012

TỘI NGU (Huy Phương - Người Việt Online)




Huy Phương
Saturday, May 12, 2012 5:29:27 PM

“Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân mà thay cường bạo!”
(Nguyễn Trãi)

Cho đến hôm nay, nhiều người vẫn oán trách, lên án cộng sản chuyên lật lọng, nói một đường làm một nẻo. Câu chuyện mà chúng ta nhắc nhở nhiều nhất là chuyện sau ngày 30 tháng 4, cộng sản thông báo sĩ quan cấp úy “đi học tập” một tuần, và sĩ quan cấp tá 15 ngày, nhưng sau đó đày đọa Quân, Cán, Chính VNCH trong các trại tập trung ở các vùng thâm sơn cùng cốc đến mười năm, hai mươi năm và đã biết bao nhiêu người kiệt lực phải chết ở trong tù!

Tuy nhiên, nếu chúng ta chịu khó nhớ lại và đi tìm, thì không có văn bản nào của Ủy Ban Quân Quản VC thời đó thông báo hay ấn định thời gian học tập là một tuần hay mười lăm ngày. Họ chỉ nói lập lờ là sĩ quan cấp úy đem theo tiền ăn cho “một tuần,” và sĩ quan cấp tá “15 ngày.”

Hiền lành, hiểu biết nông cạn, hay phỏng đoán và suy luận hời hợt, tôi, là người viết bài này, một sĩ quan cấp úy vội hiểu rằng cộng sản tập trung chúng tôi lại để học tập chính sách mới trong vòng một tuần. Là một sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị trung cấp (cứ xem như vậy đi), đã biên tập nhiều bài vở, phỏng vấn nhiều tù binh CS, viết nhiều slogan chống Cộng trên sách báo và đài phát thanh mà ngây thơ, hoàn toàn không hiểu gì về cộng sản. Buổi trưa ngày 24 tháng 6, theo thói quen, tôi vẫn có một giấc ngủ trưa, thức dậy vào khoảng ba giờ chiều, hẹn một người bà con cùng cấp bậc ở chung trong cư xá khăn gói cùng đi trình diện. Trong ba lô cá nhân có một cái mền dù, một cuốn sách không nhớ tên, hai bộ áo quần, một đôi dép, một số tiền để đóng tiền ăn cho một tuần và đúng bảy gói mì ăn liền “Hai Con Cua” cho bảy buổi sáng. Như mỗi lần đi công tác, ra đi, tôi nói với vợ: “Anh đi một tuần về!” Cũng không hôn vợ hay xoa đầu con trước khi ra đi.

Theo thông cáo của chính phủ Lâm Thời Miền Nam (tức là MTGPMN) thì sau cuộc chiến, sĩ quan và binh sĩ (Ngụy) được cho trở về nơi quê quán làm ăn, đó là trên văn bản, nhưng trong thực tế, một cuộc trả thù quy mô đã thực sự bắt đầu.

Ðến nơi trình diện, chưa đóng tiền ăn thì ngay buổi chiều đã có những chiếc xe của những nhà hàng Tàu nổi tiếng Chợ Lớn như Soái Kình Lâm, Ðồng Khánh... mang thức ăn đến với những món như cơm chiên Dương Châu, Cá Chua Ngọt, Mì Xào... chia cho anh em theo từng toán, phòng dùng bữa. Nếu như có bà vợ nào lo lắng cho số phận của chồng, đứng lấp ló bên kia đường, thấy vậy cũng yên tâm, tối nay về ngủ yên. Người nào đang còn nghe ngóng, hồ nghi chưa chịu đi trình diện thì cũng “hồ hởi” hăng hái vào rọ. Ai cũng cho rằng “Cách Mạng” chu đáo, bảy ngày “tẩm bổ” như thế này, đi “học”về chắc lên cân.

Sau một tuần lễ trôi qua, rồi sau một tháng, khi đã bị sập bẫy, trong một lần chuyện trò với những người bạn tù cùng hoàn cảnh, tôi bày tỏ ý kiến về chuyện chúng ta có thể bị tập trung, giam giữ lâu dài chứ không phải một hai tuần như nhiều người đã tin tưởng. Trong số bạn tù, có người đã không đồng ý với nhận định của tôi, tin tưởng vào lời hứa hẹn ỡm ờ của bọn cai tù, y cho là tôi đã làm mất tinh thần anh em, hung hãn bước tới và toan đánh tôi, vì tôi là người đã nói ngược lại những điều mà họ tin tưởng: “học tập” vài tháng rồi về!

Nhà tù cộng sản nêu khẩu hiệu và đoan chắc: “Học tập tốt, lao động tốt” sẽ được sớm về sum họp với gia đình. Do đó đám tù khi lên lớp “học tập,” kiểm thảo thì đấm ngực mình nhận tội, sẵn sàng đấu tố bạn bè, đồng ngũ chưa thành khẩn khai báo, lúc “lao động” thì làm việc trối chết, tranh thủ để được bầu làm “tiên tiến,” nhưng cuối cùng về hay ở là do chuyện ở đâu đâu! Nếu có năm bảy chục lượng vàng đút lót ở cấp trung ương thì may ra.

Ở ngoài nhà tù lớn thì gia đình, vợ con những người tù “cải tạo” được phường khóm hứa hẹn, khuyến khích bồng bế nhau đi vùng kinh tế mới cho chồng mau về sum họp gia đình, nhưng cuối cùng mất nhà, mất tiền, thân tàn, ma dại, lâm vào cảnh khốn cùng.

Ði làm thủy lợi thì chia toán, phân lô, cán bộ hô hào “làm sớm nghỉ sớm,” toán nào làm xong, đạt chỉ tiêu thì được về nhà trước. Ai cũng làm việc trối chết vì mẹ già con dại ở nhà, nhưng làm xong phần mình thì được “điều” sang làm cho toán khác, “đoàn kết để cùng nhau tiến bộ!”

Ở trong trại tù, có tin đồn là tù sắp chuyển trại, thì trước hàng tù tập họp, cán bộ trại thề sống thề chết là không bao giờ chuyện đó có thể xẩy ra, nhưng ngay tối hôm đó thì trại tù được lệnh chuẩn bị khăn gói... lên đường.
Ở trong nhà tù “cải tạo” cũng với trò này, anh nào làm sớm được nghỉ sớm, nhưng xong chỉ tiêu thì sẽ có việc khác làm tiếp, “nước sông công tù,” biết bao giờ cho hết việc làm.

Tết Mậu Thân ở Huế, Việt Cộng kêu gọi viên chức VNCH ra trình diện, lần thứ nhất tuyên truyền qua loa xong cho về nhà, lần thứ hai học tập sơ sài lại cho về. Do vậy, những người còn ẩn náu trốn tránh gọi nhau ra trình diện, nhưng lần thứ ba cũng là lần cuối cùng, và là lần về... mồ chôn tập thể!

Ông Nguyễn Văn Thiệu đã có một câu danh ngôn để đời: “Ðừng nghe những gì cộng sản nói...” tuy ai cũng khen ngợi câu nói này, nhưng lại thật thà, mau quên, nhớ được một lần, nhưng những lần sau lại không nhớ! Cuối cùng chúng ta đều là những “cô bé choàng khăn đỏ” ngây thơ, cả tin, thiếu kinh nghiệm trước con cáo già cộng sản!
Những gì mà cộng sản nói thì phải hiểu ngược lại hay hiểu một cách khác. Hiệp định ký chưa ráo mực trên bàn thương thuyết thì ngoài mặt trận chúng đã vi phạm. Lệnh hưu chiến mới có hiệu lực thì lực lượng cộng sản đã nổ súng tấn công. Mậu Thân là một bài học lịch sử trả bằng máu quá đắt.

Phát ngôn viên chính phủ trong các cuộc họp báo thì nói ngược để che giấu sự thật một cách trơ trẽn. Năm 2008, phóng viên AP ở Hà Nội, Ben Stocking, 49 tuổi khi đến chụp hình chuyện tranh chấp đất đai giữa giáo dân và chính phủ cộng sản, đã bị “đánh đấm, bóp cổ và đập vào đầu, tịch thu máy ảnh,” có chứng cớ bằng hình ảnh và những đoạn phim thu hình, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam vẫn chối phăng là không hề có vụ hành hung này.

Trong vụ Văn Giang, hai ký giả bị đánh tàn nhẫn thì chính quyền cho đó là những đoạn phim giả tạo được ghép vào! Mô tả một vụ máy bay cháy, thì chúng nói có khói bốc lên nhưng không phải cháy! Ngay người đại diện chính phủ còn ăn gian nói dối mà không hề biết ngượng nên xã hội ngày nay đã mất hết đạo lý. Chân thật, ngay thẳng luôn luôn phải chịu thiệt thòi, nên con người phải chạy theo gian trá, lươn lẹo để sống còn.

Chúng ta thua vì chúng ta sống có đạo lý, ngay thẳng.
Chúng ta cứ hô hào “Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo,” nhưng rút cuộc hung tàn, cường bạo đè bẹp chuyện đại nghĩa, chí nhân. Dương Thu Hương đã từng cho rằng: “Chế độ chiến thắng cuộc chiến chẳng qua chỉ là một thể chế man rợ!”

Ðến hôm nay tôi vẫn chưa quên được chuyện khăn gói mang theo bảy gói mì “Hai Con Cua”dành cho bảy ngày “học tập,” trở thành bảy năm tù của tôi.

Sau bảy năm tù, tôi đắng cay nhận ra cái tội của mình: tội ngu!




No comments:

Post a Comment

View My Stats