BBC
Cập nhật: 11:33 GMT - thứ hai, 7 tháng 5, 2012
Vào đúng dịp kỷ
niệm 37 năm kết thúc cuộc chiến Việt Nam, một cuốn sách về những ngày cuối của
xung đột kéo dài hai thập niên với sự thiệt mạng của hàng triệu người đã ra
mắt.
Mang tên 'Tháng Tư Đen', sách dày gần
600 trang của tác giả George Veith vẽ lại bức tranh hãi hùng của những trận
chiến cuối cùng với sự thiệt mạng của 100.000 lính Nam Việt Nam.
Bản thân Hà Nội
ước tính họ mất 6.000 bộ đội chỉ trong vài ngày cuối tháng Tư năm 1975, theo
điểm sách 'Tháng Tư Đen' trên báo Wall Street Journal của chuyên gia tư vấn
quốc phòng Mark Moyar, người cũng là tác giả cuốn 'Thắng lợi Bỏ lỡ: Cuộc chiến
Việt Nam, 1954-1965'.
Moyar đánh giá 'Tháng
Tư Đen' đã xuất sắc "điền vào khoảng trống lịch sử" của giai đoạn
1973-1975 khi Hoa Kỳ đã rút quân và Cuộc chiến Việt Nam không còn là mối quan
tâm hàng đầu của các phóng viên Hoa Kỳ, khiến các tài liệu tham chiếu bằng
tiếng Anh để viết về giai đoạn này không có nhiều.
Tác giả Veith đã
dùng tới các sử liệu từ phía Việt Nam bao gồm của cả miền Bắc và các cuộc phỏng
vấn của ông với các tướng lĩnh Nam Việt Nam trong quá trình nghiên cứu để viết
sách.
Ông Veith nhận xét thất bại trong tháng Tư năm 1975 không phải do sự lúng
túng của chính quyền miền Nam và càng không phải do sự yếu kém trên chiến
trường của lực lượng Việt Nam Cộng hòa.
Theo ông, lực lượng Nam Việt Nam bao
gồm nhiều chỉ huy từng đẩy lùi cuộc tấn công của miền Bắc hồi năm 1972 và đã có
những trận đánh thành công nhưng ít được biết tới trong giai đoạn 1973-1975.
Một số trận đánh
trong đó quân miền Nam kháng cự kiên cường được nhắc tới xảy ra trong tháng Ba
và tháng Tư năm 1975 như các trận Mỏ Tàu và Núi Bồng ở mạn bắc, Bến Cầu và Chơn
Thành ở miền trung cũng như trận Cần Thơ và Long An ở miền nam.
'Giết hại dân
thường'
Theo bài điểm sách của chuyên gia Moyar, "[Ông] Veith đã minh chứng thuyết phục rằng lý do gốc rễ của sự
thất bại ở miền Nam là việc cắt giảm trợ giúp của Quốc hội Hoa Kỳ trong năm
1974 khi viện trợ quân sự giảm gần một nửa.
"Khi cuộc
tấn công của quân Bắc Việt bắt đầu trong tháng Ba năm 1975, sự thiếu hụt nhiên
liệu máy bay và phụ tùng không cho phép quân đội chở lính tiếp viện bằng đường
không nhằm củng cố biên giới miền tây trải dài 900 dặm (gần 1.500km).
"Bởi vậy
Bắc Việt được tự do để tập trung các cuộc tấn công với số quân lớn vào các thành
phố và thị trấn trọng yếu.
Ông Veith nói sự
thiếu hụt không quân cũng làm cho miền Nam không thể cho máy bay ném bom lực
lượng miền Bắc ngay cả khi họ biết những nơi đối thủ tập trung đông quân.
Ngoài ra việc
dân thường di tản với số lượng lớn cũng ảnh hưởng đến khả năng triển khai và di
chuyển quân của Nam Việt Nam.
Ông Veith nói
việc Bắc Việt Nam giết hại những người không cầm súng ở Huế năm 1968 và dọc
Quốc lộ 1 năm 1972 khiến người dân phát hoảng và họ đã tràn ra các ngả đường
khi quân miền Nam rút đi.
Việc tắc nghẽn
đường và cầu khi dân thường di tản làm cho một số đơn vị chiến đấu của VNCH
không rút kịp và bị lực lượng miền Bắc tiêu diệt.
Một trong những
ví dụ ông Veith đưa ra và được chuyên gia Moyar dẫn lại là đợt rút quân của Nam
Việt Nam để cố thủ ở Đà Nẵng.
Hơn một triệu
dân thường đã kéo về thành phố này để hòa vào số dân gần nửa triệu cũng đang
hoảng loạn ở trong thành phố.
Số lượng dân cư
lớn như vậy khiến cho việc điều phối xe quân sự và lực lượng tác chiến gặp khó
khăn.
'Trả giá nhân
mạng'
Theo các con số
từ sách 'Tháng Tư Đen' được cây viết Moyar trích dẫn, Nam Việt Nam có tới hơn
760.000 binh sĩ nhưng chỉ tập hợp được 110.000 ở Sài Gòn trong trận đánh cuối
cùng.
Hoa Kỳ trong khi
đó không giữ lời hứa mà Tổng thống Nixon đưa ra hồi tháng Giêng năm 1973 rằng
không lực Hoa Kỳ sẽ đập tan lực lượng Bắc Việt nếu họ vi phạm hiệp định hòa
bình khi đó đang chuẩn bị được ký kết ở Paris.
Bản thân ông
Nixon đã không còn cầm quyền hồi năm 1975 sau vụ bê bối Watergate trong khi
Quốc hội Hoa Kỳ dùng một nghị quyết được thông qua trong năm 1973 để buộc Tổng
thống Gerald Ford không ném bom miền Bắc.
Trong phần kết thúc bài điểm cuốn
'Tháng Tư Đen', chuyên gia quốc phòng Moyar nói cuốn sách là lời nhắc nhở Hoa
Kỳ về cái giá phải trả bằng nhân mạng khi rời bỏ một đồng minh.
Ông nói 100.000 lính Nam Việt Nam, những người từng sát cánh với Hoa Kỳ
trong các trận đánh cuối cùng, đã bỏ mạng, bị hành quyết tức thì hay chết vì bị
hành hạ trong các trại "cải tạo" khổng lồ.
Hơn nửa triệu người Nam Việt Nam cũng bỏ mạng trên biển khi bỏ trốn chế
độ cộng sản.
--------------------------------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment