Monday, 7 May 2012

CHÂN PHƯƠNG: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4




07.05.2012

Bài phỏng vấn dưới đây do nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện. Một bản câu hỏi đã được gửi đến nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước. Tiền Vệ sẽ lần lượt đăng tải loạt bài này.
Tiền Vệ
_______


CHÂN PHƯƠNG: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4

Ngày 5-5-2012,

Chào chị,

Chắc đôi lúc chị có dịp đọc tôi trên các mạng? Chị sẽ thấy trong các trang tôi viết, Vấn Đề Việt Nam là một ám ảnh trở đi trở lại. (Trong bàn tròn với vài nhà thơ cuối năm 2011 do Phan Nhiên Hạo đề xướng trên litviet chẳng hạn). Cũng như trong thơ văn của chị và một số ngòi bút khác, tôi đã liên tục suy nghiệm về vấn đề này chứ không phải mỗi năm đợi đến 30-4 thì lên tiếng một lần, như vẫn thấy nơi chợ chữ chống phá lấy lệ lâu nay. Đâu cần chờ đến dịp này để đau đầu nhói tim; bởi vì từng ngày trong nước là một bản sao lặp lại của 30-4-1975 mà đám cai thầu giang sơn hình chữ S tiếp tục nhét vào họng mọi người dân dù còn sống hay đã mất!

Với cá nhân tôi, ngày 30-4-1975 mang ý nghĩa rất gần tôn giáo: đó là ngày PHÁN XÉT của lịch sử cho mọi người Việt có ý thức. Dân Nam phải suy nghĩ về sự Thất Bại Ô Nhục cũng như dân Bắc phải xét lại cuộc Chiến Thắng Oan Nghiệt! Đây là đề tài tôi đang đào sâu, nhưng chưa đủ chín để có thể công bố. Chỉ dám đưa ra vài ý kiến cho các bạn cùng suy luận. Có vài lý do chính giải thích sự sụp đổ của Tháng Tư Đen: miền Nam thua vì nền cộng hòa non ngày bị độc tài quân phiệt làm suy yếu, lại phải bám vào Hoa Kỳ để sống còn nên chủ quyền chính trị không được phân minh. (Có thể so sánh thảm kịch Sài Gòn với chế độ Karzai ở Afghanistan hôm nay trong cuộc đụng độ với Taliban; cái gì sẽ xảy đến khi quân đội Mỹ rút vào năm 2014?) Về phía miền Bắc, dù không có chính nghĩa, tập đoàn Ba Đình đã thắng trận nhờ biết khôn khéo lợi dụng sự viện trợ của cả hệ thống Cộng Sản và độc quyền lá cờ dân tộc chủ nghĩa để động viên một khối nông dân đông như kiến đã bị sách lược nhồi sọ ngu dân biến thành trâu ngựa bị che mắt, đặc biệt là bao triệu thanh thiếu niên con em của họ sẵn sàng “sinh Bắc tử Nam”. Tôi hình dung đó là một bầy khủng long bằng sắt thép đêm ngày dò dẫm khắp rừng núi Trường Sơn tiến về phương Nam; nhưng khi chiếm được Sài Gòn thì nhanh chóng diễn ra tuồng kịch bi-hài của bọn khủng long chỉ có bộ óc không to hơn bát gạo bao nhiêu!

Xin trở lại với ý nghĩa của ngày PHÁN XÉT: Cũng như đám người vây quanh mộ thân nhân vào giờ hạ huyệt, chúng ta cần gạt một bên các tiểu ngã nhiều bệnh hoạn đầy mặc cảm để thành tâm mặc niệm và suy xét về nỗi tang chung. Và mỗi trí thức Việt phải nói: Mea Culpa, Mea Culpa! May ra chúng ta sẽ nhận rõ các bộ mặt Tội Ác và hiểu sâu hơn về các điều Trừng Phạt, qua đó giúp cho các thế hệ trẻ đầu óc còn trong sáng có thể tìm hiểu một cách lành mạnh và thông minh về một giai đoạn quá khứ đầy máu lửa ngục tù.

Sáng kiến phỏng vấn của chị và hồi đáp của một số anh chị là điều bổ ích. (Tôi đã đọc và chia sẻ nhiều nhận định tâm tình trên các trang Tiền Vệ mấy ngày vừa qua.) Đây là ký ức và kinh nghiệm tập thể, như một mẫu số chung của đại bộ phận người Việt di dân. Nhưng nỗi nhục công dân thì mỗi người đều trải nghiệm khác nhau; kẻ ra đi trước 30-4 so với người ở lại sau đó làm boat people hoặc ra đi dạng H.O., O.D.P. ... Cũng vậy đám di dân lưu vong đôi khi qui cố hương thăm nhà không thể nào thấm được cuộc sống từng ngày của dân chúng trong cái CHUỒNG NGƯỜI được quản chế tinh vi ở Việt Nam! Nỗi nhục công dân thật ra là chất vàng đen tinh luyện từ địa ngục – đó là bảo bối của nhận thức chính trị mà ít nhiều giới trí thức Việt đã có.

Cuối cùng, tôi không khi nào quên vị trí khiêm tốn của một ngòi bút lưu vong, không còn đồng cam cộng khổ bằng máu thịt cuộc sống chuồng trại cơ cực với đồng bào. Bởi vậy nhiều lúc tôi câm lặng không buồn đụng đến mớ bản thảo rối tung các cảm nghĩ thế sự của mình. Nhưng cơn hấp hối kéo dài của một dân tộc là điều tôi vẫn mở mắt nhìn ngắm từng ngày.
Ngày 6-5-2012,

TÁI BÚT

Dù đôi lúc tôi từng mượn lối văn chính luận để trình bầy các suy tưởng và cảm nhận của bản thân, sự trải nghiệm của tôi phần lớn đều nhập thân vào thơ ca sau một thời gian dài trầm tư. Từ mùa địa ngục (Une Saison en Enfer - Rimbaud) đã hình thành những bài thơ tôi từng phổ biến trong vòng thân hữu giữa lòng chế độ công an. (Cố thi sĩ Diễm Châu đã khuyến khích và giúp tôi công bố ở hải ngoại tập thơ đầu tay ấy - Chú Thích Cho Những Ngày Câm Nín -; có thể tham khảo tư liệu về thi tập này trên Tiền Vệ, “Về một tập thơ, 23 năm sau...”). Từ khi rời quê nhà đến nay tôi vẫn tiếp tục tham dự qua thơ văn bi kịch của dân tộc nhưng vì tài năng hạn chế nên chưa hoàn thành được tác phẩm tôi mong muốn.
Để kết thúc cuộc phỏng vấn này xin gửi đến các anh chị và độc giả hai bài thơ , một cũ một mới, để “ôn cố tri tân” và cùng chia nỗi đau từ chấn thương lịch sử chưa phai.

I. KHẨN
vắng mặt trong các hội chợ sách quốc tế
vắng mặt trong các buổi trình diễn văn nghệ ngoài trời
vắng mặt trên đài phát thanh
vắng mặt trong tiệm sách với thư viện
không tác giả
không tên
không lời mở đầu
không người giới thiệu
lật ra chỉ thấy
toàn máu và máu
tập thơ này, mày có nghe nói đến chưa
(CHÚ THÍCH CHO NHỮNG NGÀY CÂM NÍN)

II. BUỒN VUI CHUỒNG THÚ #[1]
nhớ Đoàn Văn Vươn và Cù Huy Hà Vũ

1. Sau cái chết của lịch sử
bên này mớ tử thi
bên kia lũ giết người
ngày qua ngày
hết tuyên truyền đến quảng cáo
lải nhải hàng cột nhật báo
mấy họng thần công trước Musée de l’Homme
thỉnh thoảng khạc ra bụi khói xe
chim
cặp cánh bốc cháy bướm
thiên thần lả tả rơi
vào miệng các hố bom
Ariadne đã mù
Cassandra câm điếc
chiến hạm chiến xa nối đuôi tiến vào Địa Đàng
năm tháng đi qua như đàn heo
năm tháng đi qua như bầy lừa [2]
tôi bưng bát gạo nén hương
ngơ ngáo giữa dòng tàn binh lạ mặt

2. Bên lề hội nghị toàn cầu về trật tự mới
chị đang tính toán gì giữa siêu thị?
anh đang âm mưu chi trước ngân hàng?
cô vẫn thoả hiệp với Wall Street?
bác còn đồng lõa với World Bank?
cuồng phong thổi tung các dự án Hi Vọng
sóng thần cuốn sạch mọi chương trình Hạnh Phúc
từng bộ xương cổ đeo thòng lọng
bị áp tải về vương quốc của lãng quên
còn ai nhớ những mùa đắm tàu?
còn ai viết hồi ký trại cải tạo?
bế mạc hội nghị nổ rân tràng pháo tay của bọn khủng bố đĩ điếm mafia
chưa biết nói biết đi
đám hài nhi thiếu đói lê la
giữa đống khí giới lẫn sọ đầu
trong phòng họp bí mật
lũ vượn người mang kính lão
tiếp tục cắt dán
mớ dự án mơ hồ về tương lai thế giới

3. Vài cận cảnh đẹp không cứu được phim trướng tối
gởi Nguyễn Thị Thanh Bình
đánh mất mọi hệ quy chiếu
đám đại biểu Việt Kiều với quan chức hội Nhà Văn
quẩn quanh chụp hình nhau
giữa bầy ăn mày trước Văn Miếu
công chúng ngờ nghệch trước máy tivi
giao phó trọn niềm tin
cho Grammy Award và giải Oscar
bọn còn lại
giám khảo cùng nhà báo
cật lực cãi nhau về tiêu chuẩn hoa khôi hoa hậu
tôi phát cáu
nhảy lên giật micro:
ai sẽ thanh trừng các băng đảng rận?
ai sẽ giải tán các triều đại rệp?
chưa kịp phóng ra cửa
lẩn vào đám đông mệt mỏi thờ ơ
một rừng công an mật vụ
đã đè tôi ra
xiềng tay trói chân
súng dài súng ngắn dí cả vào người

4. Đoạn kết có hậu (dịch loạn là Happy End)
đang nằm chờ với niềm tuyệt vọng chắc chắn
viên đạn nổ xuyên óc
phát cuốc bổ vào đầu
tôi chợt nghe
một giọng nói thật văn minh vừa ôn tồn vừa tự tin:
Calm down! Calm down! Ye all!
Chào nhà thơ Chân Phương!
Chúng tôi lâu nay vẫn quí trọng anh cũng như các nhân tài trí thức nước ngoài.
Chấp hành đường lối “Khúc ruột ngàn dặm” của trung ương, chúng tôi chẳng muốn
làm sứt mẻ tình cảm tốt đẹp giữa chúng ta. Nếu anh chấp nhận một điều kiện đơn giản này, chúng tôi sẽ không thu hồi mà còn triển hạn visa và nhắm mắt làm lơ dù biết anh mang đôla hay euro lậu về nước vung vít rượu gái cờ bạc.
tôi suy nghĩ rất nhanh
tay này cỡ trưởng ban tuyên huấn hoặc phó chủ tịch hội
chắc chắn hắn có đọc Khổng Minh Khổng Tử
về mặt tài trí mình khó địch lại
thế thì tốt nhất là ta tùy cơ ứng phó
im lặng một phút để chứng tỏ
cho đối phương thấy một mức độ cứng rắn tương đối
tôi đáp nhỏ :
Xin đồng chí cho biết điều kiện…
Đổi đề tài! Anh nên đổi đề tài, từ đây muốn nói gì thì nói viết gì thì viết,
tuyệt đối không được đụng đến chính trị không được đụng đến chế độ! OK?
chỉ vì câu này
mà tôi hóa làm Hamlet của Việt Nam
suốt ngày múa hát như Bùi Giáng trước đây
miệng không ngớt thều thào
dù đang ngồi Honda ôm hoặc cưỡi máy bay
TO OK OR NOT TO OK?

CHÂN PHƯƠNG
_________________________

[1]# Bài thơ này còn trong dạng phác thảo, lấy từ xấp bản thảo THƠ CHUỒNG THÚ.
[2]Ion Caraion, Diễm Châu dịch.
-------------

Đã đăng:
06.05.2012
05.05.2012
04.05.2012
03.05.2012
03.05.2012
02.05.2012
02.05.2012
01.05.2012
30.04.2012
30.04.2012
29.04.2012
28.04.2012
28.04.2012
Cảm tưởng về ngày 30/4 (tiểu luận / nhận định) - Nguyễn Thị Thanh Bình

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats