Nguyễn Hưng Quốc
Thứ
Bảy, 12 tháng 5 2012
Để duy trì tiếng
Việt ở hải ngoại, một trong những câu hỏi quan trọng nhất cần được trả lời là:
Tại sao trẻ em Việt Nam cần học tiếng Việt?
Câu
hỏi ấy không những chỉ nảy sinh ra từ các em học sinh mà còn từ chính các bậc
phụ huynh, tức những người thuộc thế hệ thứ nhất, sinh ở Việt Nam và chỉ ra
sống ở nước ngoài khi đã trưởng thành hẳn.
Trẻ
em (ví dụ trẻ em ở Úc/Mỹ) thường lý luận: Con sinh ở Úc/Mỹ, con sẽ sống suốt
đời ở Úc/Mỹ. Ngôn ngữ thứ nhất của con là tiếng Anh. Mà tiếng Anh lại là ngôn
ngữ quốc tế; ở đâu cũng sử dụng được. Con đâu cần phải học thêm tiếng Việt làm
gì nữa?
Cha
mẹ thì lý luận: Ờ, cũng phải. Con cái bây giờ đã là người Úc/Mỹ rồi. Tiếng Anh
mới quan trọng. Tiếng Việt thì biết cũng được; không biết cũng chả sao. Ngay cả
khi biết tiếng Việt thì cũng chỉ để giao tiếp với người thân, chủ yếu với ông
bà, thôi. Chứ làm được gì?
Những kiểu lý luận
như vậy rất phổ biến.
Tuy nhiên, chúng lại
sai.
Sai
trên tất cả phương diện: kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và nhận thức.
Về phương diện kinh tế, đã đành tiếng Việt không được xem là
một ngôn ngữ thương mại như nhiều thứ tiếng khác (chẳng hạn, tiếng Nhật hay
tiếng Hoa); tuy nhiên, việc thành thạo tiếng Việt ở mức độ nào đó, chắc chắn
không phải vô ích trong một xã hội đa văn hóa và đa ngôn ngữ như Úc hoặc Mỹ
(hoặc bất cứ một quốc gia hiện đại nào khác). Đối với rất nhiều nghề nghiệp,
cộng đồng người Việt gồm trên 200.000 người ở Úc, và trên 1.6 triệu ở Mỹ là một
thị trường to lớn. Cứ nhìn vào số phòng mạch, văn phòng luật sư hay kế toán ở
các khu người Việt thì thấy ngay. Hoặc hãy vào các ngân hàng ở các khu đông
người Việt mà xem: Có phải có rất nhiều nhân viên người Việt hoặc biết nói
tiếng Việt? Để xin việc, bất cứ là việc gì, từ của chính phủ đến tư nhân, ở các
khu nhiều người Việt định cư, khả năng tiếng Việt đều trở thành một trong những
ưu tiên hàng đầu.
Nhưng
ý nghĩa kinh tế của tiếng Việt không chỉ nằm ở những công việc có liên quan
trực tiếp đến người Việt như thế. Tại hầu hết các nước Tây phương, càng ngày
người ta càng hiểu và đánh giá cao ý nghĩa và giá trị của các nhận thức liên
văn hóa, tức khả năng cảm nhận được những khác biệt giữa các nền văn hóa và khả
năng đồng cảm với suy nghĩ của những người thuộc các nền văn hóa khác. Ví dụ,
trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, bất cứ một sản phẩm nào của Tây phương
cũng đều được sản xuất để bán cho những người tiêu thụ thuộc nhiều quốc gia khác
nhau, có khi ở tận châu Á, châu Âu hay châu Phi xa xôi. Muốn bán được, người ta
phải nghĩ đến chuyện đáp ứng thị hiếu của những người đó. Ai có khả năng làm
được những việc như thế? Về phương diện chuyên môn, họ phải được học. Tuy
nhiên, về phương diện tâm lý: những người ấy thường phải là những người song
ngữ (bilingual) hoặc song văn hóa (bicultural). Nếu được đa ngữ (polyglot) hoặc
đa văn hóa nữa thì càng tốt. Ý thức được điều đó, ở Tây phương, hầu hết các
trường đại học đều khuyến khích sinh viên học một ngôn ngữ thứ hai hoặc nếu
không, tham gia vào các chương trình trao đổi để có dịp đi nước ngoài một thời
gian, ít nhất một học kỳ, để có cơ hội phát triển sự hiểu biết liên văn hóa
(intercultural understanding) và kỹ năng giao tiếp liên văn hóa (intercultural
communication); ở cấp tiểu học và trung học, việc dạy ngôn ngữ thường đi kèm
với việc rèn luyện ý thức liên văn hóa (intercultural awareness).
Về phương diện xã hội, nhiều bậc phụ huynh cứ nghĩ miễn con
cái có thể bập bẹ được chút tiếng Việt để nói chuyện trong nhà là đủ rồi. Nhưng
thật ra, với việc giao tiếp trong gia đình, mức độ thông thạo một ngôn ngữ, kể
cả tiếng Việt, khó xác định thế nào là đủ. Khi con cái còn nhỏ, nhu cầu còn đơn
giản, việc trao đổi và chuyện trò giữa bố mẹ và con cái thường chỉ dừng lại ở
những đề tài căn bản trong đời sống hàng ngày, kiểu: Con đói không? Con muốn ăn
gì? Phở nhé? Hoặc: Con học bài đi; con đi ngủ đi, v.v. Khi con cái lớn lên, đặc
biệt ở giữa những năm trung học, khi, về phương diện tình cảm, các em bắt đầu biết
yêu, biết vấn vương trước người khác phái; và về phương diện tâm lý, có những
cuộc khủng hoảng về vấn đề bản sắc và ý nghĩa của cuộc đời, đề tài các em cần
tâm sự càng ngày càng phức tạp hơn. Chính những lúc ấy, việc giao tiếp giữa bố
mẹ và con cái trở thành một vấn đề, hơn nữa, vấn đề lớn: nếu nói bằng tiếng
Việt thì các em không đủ từ vựng để diễn tả; nếu các em nói bằng tiếng Anh thì
bố mẹ thường không hiểu hết. Một lúc nào đó, các em không còn tâm sự với bố mẹ
được nữa. Quan hệ giữa bố mẹ và con cái, do đó, càng ngày càng xa cách dần. Khi
con cái xa cách bố mẹ như thế, chúng đối diện với rất nhiều nguy cơ, trong đó,
nguy cơ quan trọng nhất là rất dễ bị bạn bè lôi kéo vào con đường xấu.
Về phương diện văn hóa, tiếng Việt - cũng như bất cứ ngôn
ngữ thứ hai nào - có rất nhiều ý nghĩa.
Thứ nhất, nó bảo vệ được bản
sắc (identity) của các em. Với những người lớn tuổi, dù sống ở bất cứ quốc gia
nào trên thế giới, chúng ta vẫn biết chúng ta là người Việt. Đó chính là
căn-cước-tinh-thần của chúng ta. Trẻ em, lúc còn bé, dễ có ý nghĩ mình là một
người Úc hoặc một người Mỹ. Nhưng, lớn lên, các em biết ý nghĩ đó chỉ là một ảo
tưởng. Mái tóc, làn da, màu mắt và kích thước của các em luôn luôn tố giác một
điều ngược lại: Các em vẫn là người Việt. Nếu biết tiếng Việt, ý thức về bản
sắc sẽ dễ được củng cố. Nhưng nếu không, các em sẽ trở thành những kẻ thất
cước, bơ vơ. Điều đó rất dễ dẫn đến những khủng hoảng về tâm lý.
Thứ hai, biết tiếng Việt,
trở thành người song ngữ, các em dễ trở thành bao dung hơn trước các nền văn
hóa khác, do đó, dễ hội nhập vào đời sống xã hội càng ngày càng toàn cầu hóa
với tốc độ cực nhanh như hiện nay. Trước mắt, sự hội nhập ấy có thể thấy ngay ở
việc hội nhập vào đời sống gia đình, đại gia đình (với ông bà và bà con, họ
hàng) cũng như với cộng đồng.
Về phương diện giáo dục, nhiều công trình nghiên cứu trên
thế giới cho thấy học sinh và sinh viên biết hai thứ tiếng trở lên thường học
giỏi hơn học sinh và sinh viên chỉ biết một thứ tiếng. Có lẽ điều đó tương đối
dễ hiểu. Thứ nhất, học hai thứ tiếng cùng lúc (ví dụ tiếng Anh và tiếng Việt),
trí nhớ của các em thường xuyên được luyện tập, do đó, các em thường cường ký
hơn các trẻ em khác. Thứ hai, biết hai thứ tiếng, thường xuyên chuyển dịch và
so sánh tiếng này và tiếng kia, khả năng so sánh của các em có nhiều cơ hội để
phát triển. Mà so sánh lại là một khía cạnh quan trọng của lý luận: Trẻ em biết
hai thứ tiếng, do đó, thường nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, do đó,
tránh được bệnh phiến diện, hẹp hòi và cực đoan. Riêng với trẻ em Việt Nam,
cũng như hầu hết trẻ em di dân khác, việc tiếp tục học và học giỏi tiếng mẹ đẻ,
giúp các em thêm tự tin hơn trong học vấn: Đó là môn học các em dễ đạt điểm
cao, do đó, dễ chứng tỏ mình giỏi hơn hẳn người ngoại quốc.
Cuối cùng, về phương diện nhận thức, càng ngày càng có
nhiều công trình nghiên cứu cho thấy việc biết hai thứ tiếng làm cho người ta
thông minh hơn (being bilingual, it turns out, makes you smarter.) Trong số các
công trình nghiên cứu ấy, đáng kể nhất là cuộc nghiên cứu của hai nhà tâm lý học
Ellen Bialystock và Michelle Martin-Rhee vào năm 2004: Họ chia các học sinh mẫu
giáo thành hai nhóm; một nhóm chỉ biết nói tiếng Anh và một nhóm nói được hai
thứ tiếng, tiếng Anh và một thứ tiếng nào khác. Họ cho các em một số vật tròn
màu xanh và một số vật vuông màu đỏ rồi yêu cầu các em bỏ vào hai thùng, một
thùng vuông màu xanh và một thùng tròn màu đỏ. Trước hết, họ yêu cầu các em
chọn theo màu: vật xanh bỏ vào thùng xanh; vật đỏ vào thùng đỏ. Tất cả các em
đều làm được. Sau đó, họ yêu cầu các em sắp xếp cách khác, theo hình dạng: vật
vuông bỏ vào thùng vuông và vật tròn bỏ vào thùng tròn. Đến lúc ấy, các em chỉ
biết một ngôn ngữ lúng túng hẳn vì thấy các vật cùng hình dạng thì không cùng
màu sắc. Trong khi đó, với các em biết hai ngôn ngữ, công việc ấy được hoàn tất
rất nhanh chóng. Người ta lý giải hiện tượng này như sau: các em biết hai thứ
tiếng thường biết rõ là mình biết hai thứ tiếng. Ví dụ, đang nói chuyện với anh
chị em bằng tiếng Anh; quay sang nói chuyện với bố mẹ, các em sử dụng tiếng
Việt. Tất cả diễn ra một cách tự phát. Điều đó vô tình giúp phát triển chức
năng điều hành trong bộ óc của các em. Các em phân biệt được dễ dàng những công
việc hay những vấn đề có nhiều khía cạnh khác nhau. Ví dụ, trong thí nghiệm kể
trên, các em song ngữ hiểu ngay là sắp xếp theo màu thì khác và theo hình dạng
thì khác; còn các em chỉ biết một thứ tiếng thì khi được yêu cầu sắp các vật
theo hình dạng lại cứ loay hoay về màu sắc, do đó, không dám bỏ các vật tròn
màu xanh vào cái thùng tròn màu đỏ; và ngược lại: nói cách khác, nếp suy nghĩ
của các em được định hình có một chiều.
Gần
đây, nhiều nhà nghiên cứu thuộc nhiều quốc gia khác nhau, từ Tây Ban Nha đến Ý
và Mỹ, trong nhiều cuộc thí nghiệm với những người thuộc nhiều lứa tuổi khác
nhau, từ trẻ sơ sinh đến trẻ em bậc tiểu học, trung học, đại học và cả những
người luống tuổi, đều đi đến những kết luận tương tự: khả năng song ngữ làm cho người ta suy
nghĩ nhanh, chín chắn và toàn diện hơn việc chỉ biết một ngôn
ngữ duy nhất.
Những
lý do nêu trên đủ để chúng ta khuyến khích trẻ em học tiếng Việt chứ?
Tôi
hy vọng vậy.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment