Monday, 14 May 2012

PHÓNG TAY PHÁT ĐỘNG CƯỠNG CHẾ (Đại Nghĩa)





Việc nhà cầm quyền CSVN đã “phóng tay” (*) phát động “cưỡng chế” (*) đất đai của nông dân ở Văn Giang khiến người viết bài nầy nhớ lại cách nay hơn nửa thế kỷ trước đảng CSVN dưới thời chủ tịch HCM cũng đã “phóng tay” Cải cách ruộng đất một cách “long trời lỡ đất”, giết hơn nửa triệu người dân vô tội trong đó có cả những người từng là ân nhân bảo bọc đảng và bác. Ngày nay, không còn cảnh chôn sống, đập đầu bắn giết như thời CCRĐ nữa, nhưng cảnh đàn áp, đánh đập bắn giết cũng không kém phần man rợ. Cuộc đàn áp lần sau cao hơn lần trước, lần trước cưỡng chế ở Tiên Lãng thì chỉ có khoảng 100 công an, bộ đội… của huyện, còn lần này ở Văn Giang thì có cả ngàn công an huyện, tỉnh và cả của bộ nữa. Cưỡng chiếm ở Tiên Lãng thì thành phố Hải Phòng giải quyết, còn lần nầy ở Văn Giang thì ai giải quyết trong khi đó là lệnh của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và có cả công an cấp bộ tham gia?

“Chiều 24-4, tại trụ sở UBND huyện Văn Giang, trao đổi nhanh với phóng viên, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên, ông Bùi Huy Thanh, thông tin: vụ cưỡng chế hổ trợ thi công bắt đầu từ lúc 7 giờ, và đến 10 giờ 30 đã kết thúc an toàn, không một người dân nào bị thương và không có chuyện nhà bị phá. Trả lời câu hỏi của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Thanh cho hay, lực lượng tham gia cưỡng chế và hỗ trợ khoảng 1.000 người, trong đó chủ yếu là công an huyện Văn Giang, với sự hỗ trợ của công an tỉnh và bộ cũng như có sự chứng kiến của đại diện viện Kiểm sát nhân dân”. (Bauxite Việt Nam 26-4-2012)

Khác với vụ Tiên Lãng, báo chí “lề phải” chính thức của Việt Nam không nói nhiều về vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang ngay cả có hai phóng viên đài VOV bị đánh mấy ngày mới lên tiếng, riêng chỉ có vài bài báo đưa tin như trên trang Tầm Nhìn thuộc tờ báo Kinh tế Doanh nhân Thời đại của tác giả Lê Viết Quân viết sau đó bị gở bỏ ngay. Bài báo viết:
“Nếu các cuộc khiếu tố đông người gần đây ở Hà Nội, trong tay người dân khiếu kiện chỉ là đơn thư, biểu ngữ và cờ tổ quốc, thì đối mặt với con số hàng ngàn cảnh sát cơ động được huy động một cách ráo tiết và bài bản theo chiến thuật tác chiến một cách kinh ngạc, phần lớn người dân xã Xuân Quan lại mang theo bên mình họ hoặc cuốc xẻng, hoặc gậy gộc, hoặc lưỡi hái…
“Một lực lượng hùng hậu của cơ quan thi hành pháp luật lại đi bảo vệ cho một dự án tư nhân với nhiều khuất tất chưa được làm rõ?”…và “cả ngàn nông dân ra mặt phản ứng với chính quyền hoàn toàn không phải là một con số đáng coi thường. Nhất là khi những nông dân này lại đang chất chứa trong lòng một nung nấu giành giật cho được công lý và công bằng, cho quyền lợi mưu sinh thiết thân của họ và con cái họ”.
“Tờ báo Người Cao Tuổi, tờ báo của Hội Người cao tuổi Việt Nam…nhà báo Ngọc Phi… cho rằng “theo luật đất đai, những dự án phục vụ quốc phòng, an ninh…Nhà nước mới thu hồi đất, còn những dự án không thuộc nhóm này, như dự án Ecopark thì nhà nước không thu hồi đất, mà chỉ đứng ra làm trọng tài để nhà đầu tư thỏa thuận với dân. Ở đây UBND huyện lại đứng ra cưỡng chế, lấy đất giao cho chủ đầu tư, hoàn toàn không xem quy định của Luật đất đai có tí giá trị nào”. (RFI online ngày 26-4-2012)

Chánh quyền thì nói theo chánh quyền, còn báo chí thì nói theo dân:
“Đêm 23 và ngày 24-4 vừa qua có lẽ sẽ trở thành một ký ức khó quên được đối với nhiều người dân ở xã Xuân Quan. Họ đã phải bấm bụng để bị thu mất phần đất canh tác ít ỏi – nguồn sống duy nhất suốt bao năm qua của gia đình mình.
“Buổi chiều sau cưỡng chế, trỏ tay ra bãi đất trước mặt còn tanh bành những cây bật gốc, đổ rạp, mẹ vợ anh Tuyền (xóm 3, xã Xuân Quan) chép miệng: “Cây cối nhà tôi đây. Chỗ cây cảnh này gần tết trị giá phải cả tỉ đồng. Vợ chồng nó (anh Tuyền) đêm qua tranh thủ dời được ba xe, còn lại coi như mất sạch…
“Con nhà bà Nghiêm hôm qua khóc, kêu là mất nhiều hải đường quá, phải tới mấy trăm triệu đồng”. “Anh Thơm bên kia mất tầm trên 200 triệu đồng, toàn cây cảnh giá trị”. “Cả cái vườn lộc vừng 1.000 gốc, mỗi gốc mấy trăm ngàn đồng”…
“Nhưng đó là thiệt hại trước mắt. Còn về lâu dài, chuyện người dân mất đất canh tác mới là nổi lo lớn”. (Sai Gon Tiếp Thị online ngày 7-5-2012)

Việc cưỡng chế đất Văn Giang với quy mô vĩ đại, có chiến thuật, có tổ chức hẳn hòi và nhất là có sự “đồng thuận” và ngầm hỗ trợ của chính quyền trung ương. Nhà văn Võ Thị Hảo, người đang sống tại Hà Nội mô tả:
“Sự cưỡng chế lần này quy mô lớn gấp cả chục lần về số lượng và càng có phần không kém phần thù địch chống nhân dân của chính quyền, với những người chủ trương ra tay lấy đất của dân đã có tuyên bố trước, đầy dõng dạc. Sự “thù địch” này đã tạo nên tiếng khóc xé ruột, thấu trời của hàng trăm hộ nông dân tại ba xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao – huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tiếng kêu xé ruột của họ cũng bị khỏa lấp trong tiếng súng nổ, lựu đạn cay, tiếng gầm rú của máy xúc, máy ủi cùng tiếng đấm đá, đánh hội đồng của những kẻ cưỡng bức họ và những phần tử a-dua, dấy máu ăn phần, những bàn tay sắt nối dài của của chính quyền và những nhóm lợi ích.
“Bóng những người nông dân khắc khổ, tay không vũ khí, không quyền lực, đói rách mong manh bị chìm ngập trong lực lượng vũ trang được công luận mô tả lên tới cả ngàn người từ phía chính quyền và nhà đầu tư dự án Ecopark”. (BBC online ngày 25-4-2012)

Tiếng nói, tiếng khóc than thãm thiết của bà Võ Thị Nhiều, gia đình liệt sỹ bị mất đất, mất nhà vang lên trên đài phát thanh RFA trong đêm khuya nghe não nuột, xé lòng…
“Tôi có hai con trai đi làm nhiệm vụ đảng giao, ở với đảng. Tôi có tội lỗi gì mà đập nhà cửa, tài sản của tôi mà không lập văn bản. Họ còn nhét giẻ vào miệng tôi. Tôi yêu cầu đảng về sửa lô đất hương quả của tôi, làm rõ mọi đường chứ tôi đau khổ lắm.
“Hay bức xúc của vợ một thương binh chống Pháp:
“Bây giờ cán bộ của tỉnh đều ‘dã man’, ‘tàn bạo’ lắm, kể cả phường, xóm, kể cả Đảng, kể cả Thanh tra tiếp dân, kể cả Hội đồng Nhân dân tỉnh. Họ ‘tàn bạo’ lắm, chẳng kể gì dân đâu…
“Chúng tôi có làm gì mà công an, bộ đội, an ninh đến phá nhà chúng tôi. Quân đội để giữ nước, giữ nhà chứ sao đi phá hoại nhà dân. Chúng tôi đâu làm gì sai trái, đâu có cướp giật, tham ô của ai đâu. Chúng tôi đã đơn từ bao nhiêu năm nay, mà họ dồn chúng tôi vào bước đường cùng, chúng tôi biết làm thế nào?” (RFA online ngày 27-4-2012)

Lấy đất của nông dân 3 xã thuộc huyện Văn Giang để phục vụ cho giới thượng lưu tư bản đỏ, tư bản đen, nhóm lợi ích và đã được thủ tướng cho phép như vậy người nông dân Văn Giang sẽ không còn hy vọng nào khiếu kiện được, vì ngoài thủ tướng nhân danh nhà nước rồi thì còn ai giải quyết đây?.
“Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị thương mại – dịch vụ Văn Giang (Ecopark) được Thủ tướng chính phủ cho phép thực hiện từ năm 2003, giao cho Công ty đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 499,07 ha đất thuộc các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao (huyện Văn Giang) và 55 ha để làm đường giao thông liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên…
“Việc khiếu kiện của người dân liên quan đến dự án này là điểm nóng, kéo dài từ năm 2004 đến nay, được chia làm nhiều giai đoạn với những kiến nghị, tố cáo khác nhau. “Giai đoạn đầu là người dân kiến nghị về giá cả vì cho rằng đây là khu vực giáp Hà Nội, nhưng đền bù thấp. Nhưng về sau một số người dân chuyễn sang khiếu nại về pháp lý của dự án. Và hiện nay một nhóm người không còn yêu cầu nào khác ngoài việc đòi dừng dự án trả lại đất canh tác cho người dân”. (Thanh Niên online ngày 25-4-2012)

Cụ thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh sau chuyến nghĩ hè về vội vã ngồi ngay vào bàn viết bài tỏ nỗi bức xúc về việc chính quyền tỉnh Hưng Yên xua quân đi cưỡng chế đất ở Văn Giang một cách thô bạo, cụ viết:
“Ngày 30-6-2004, trước ngày luật 2003 có hiệu lực, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay Thủ tướng “ký chạy”luật theo yêu cầu của HĐND tỉnh Hưng Yên để giao đất cho chủ đầu tư. Thế là bắt đầu dấu hiệu nông dân bị giật mất bát cơm để làm giàu cho nhóm nhà Tư bản. Ecopark lợi gì cho quốc kế, dân sinh? Nước ta danh lam thắng cảnh thiếu gì, khu du lịch sinh thái đã có trong nước không ít cũng đủ để thu hút khách du lịch. Trước đây cho đầu tư địa ốc quá nhiều , xây nhà cao tầng thừa ế đã mất bao nhiêu đất ruộng, nay cần gì lại phải mất 500 hecta “bờ xôi ruộng mật” cho dự án Ecopark Văn Giang? Ecopark xây chung cư và biệt thự cao cấp có công viên xanh để phục vụ cho một số người giàu có, các đại gia. Chỉ vì thế mà đẩy hàng ngàn hộ nông dân ra cuộc sống vật vờ vô định như biết bao nhiêu hộ nông dân bị thu hồi ruộng đất ư?” (Bauxite Việt Nam online ngày 10-5-2012)

Ông Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan nói lên nỗi ưu tư của mình về cái chính quyền mà ông từng phục vụ ngày nay đã làm cho “Lòng dân cả nước chắc chắn không yên”.
“Xem và nghe các tin tức về vụ cưỡng chế thực hiện thu hồi đất cho dự án Ecopark ở Văn Giang, tôi không thể nén được trong lòng sự căm giận và nỗi hãi hùng. Căm giận vì không thể chấp nhận nhà nước của dân, do dân, vì dân lại hành xử với dân như vậy, hãi hùng vì thấy hệ thống chính trị nước ta đã có được trong tay lực lượng vũ trang sẵn sàng thực hiện lệnh trấn áp như vậy đối với dân…
“Vụ cưỡng chế đã thực thi xong, nhưng lòng dân tại chỗ chắc chắn không xong, lòng dân cả nước chắc chắn không yên”. (Đối Thoại online ngày 26-4-2012)

Nhà văn Phạm Đình Trọng tỏ ra câm phẫn hơn:
“Cả nước đang sôi sục, nóng bổng, đang ầm dậy sóng những đoàn người khiếu kiện và đang cuồn cuộn những con sóng ngầm phẫn nộ trong lòng người vì đất đai. Tiếng súng Đoàn Văn Vươn nổ ở Tiên Lãng, Hải Phòng phá tan sự thanh bình, êm ả ngàn đời của làng quê Việt Nam cũng vì đất đai. Sự biến ở Văn Giang, Hưng Yên, hàng ngàn công an trập trùng mũ sắt, khiên đồng, súng đạn, dùi cui trấn áp vài trăm người dân lương thiện, lam lũ cũng vì đất đai.
“Đất đai là nơi chỉ ra rõ nhất bản chất một nhà nước. Nhà nước ứng xử với đất đai như ở Tiên Lãng, Hải Phòng, như ở Văn Giang, Hưng Yên mà tự nhận là nhà nước của dân, do dân, vì dân thì đó là sự giả dối….
“Sống còn bằng máu người nông dân, thế mà ngày nay nhà nước Việt Nam lại giành giật mãnh đất thấm đẵm máu người nông dân giao lại cho những nhà đầu tư để họ kinh doanh kiếm lời, đẩy người nông dân trong cảnh khốn cùng không còn đất sống. Đó là sự phản bội, vô ơn, táng tận lương tâm, không còn biết đến đạo lý làm người và văn hóa cai trị”. (Bauxite Việt Nam online ngày 30-4-2012)

Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch MTTQVN – Tp HCM đã rất phẫn nộ trong việc cưỡng chế đất ở Văn Giang nên ông đã nặng nề chỉ trích nhiều nhất trong việc cưỡng chế này:
“Việc ở Văn Giang nghiêm trọng ở chỗ anh xây dựng một dự án kinh tế du lịch rất lớn thì theo nguyên tắc phải để cho người dân trực tiếp thương lượng với chủ đầu tư, thuận mua vừa bán. Mặc dù chưa công nhận quyền sở hữu ruộng đất của người dân nhưng mà họ vẫn có năm quyền theo quy định hiện nay. Cớ gì nhà nước phải đứng ra làm trung gian rồi ép dân để bồi thường cái giá rẻ mạt?
“Bồi thường mỗi mét vuông là 135 ngàn đồng rồi chủ đầu tư khuyến khích người dân đi sớm thì được thêm 35 ngàn nữa. Trong khi đó xây dựng xong họ bán với giá mỗi mét vuông với giá trên trời, chênh lệch giá rất là lớn, mà chênh lệch giá này rơi vào tay ai? Rõ ràng rơi vào chủ đầu tư và bọn tham nhũng trong chính quyền…
“Chỉ có thể hiểu rằng một số vị trong chính quyền đã gắn với nhóm lợi ích, lợi ích của các tập đoàn mà không đặt lợi ích người dân lên trên do đó bất kể những bất hợp lý trong vấn đề giải tỏa đền bù. Khi xảy ra lại đi đến hành động hết sức dã man, hết sức phi chính trị, xua cả ngàn quân đi đàn áp người dân tay không….
“Đối với tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên cố vấn cho bộ Kế Hoạch Đầu Tư thì nhận xét: ‘Theo tôi dự án Ecopark có ích đến mức độ nào thì hiện nay không có sự đánh giá tuy nhiên trong việc cưỡng chế dùng sức mạnh như vậy thì bất kỳ một lợi ích kinh tế nào cũng sẽ bị làm lu mờ. Việc cưỡng chế mà dùng một sức mạnh hùng hậu như vậy với súng nổ và từng ấy quả nổ ném về phía người dân thì nó sẽ để lại một di chứng rất sâu đậm không chỉ ở trong lòng người dân Văn Giang mà ở trong lòng tất cả người dân Việt Nam trong và ngoài nước. Cái giá phải trả cho cuộc cưỡng chế đó theo tôi vô cùng lớn cho nên tôi nghĩ rằng sẽ rất là khập khiễng nếu chỉ lấy lợi ích kinh tế của dự án Ecopark để biện minh cho hành động cưỡng chế một cái giá phải trả cho người dân và cho đất nước Việt Nam”. (RFA online ngày 1-5-2012)

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, một nhà trí thức luôn bận tâm về số phận của đất nước và dân tộc cũng không khỏi phẫn nộ, đã “Khóc cùng nông dân Văn Giang”.
“Các cấp chính quyền đã thông đồng với tư bản đỏ để ức hiếp, cướp bóc, trấn lột của nông dân Văn Giang khi đền bù cho họ không đầy 150 nghìn đồng một mét vuông ruộng rồi bán lấy lời gấp hàng trăm lần. Trang vneconomy.vn trong bài báo “Nhộn nhịp đầu tư bất động sản tại Văn Giang” cho biết, công ty tư nhân Việt Hưng rao bán giá căn hộ dự án Ecopark khoảng 20 triệu đồng/m2 và biệt thự, nhà phố là 45 triệu đồng/m2…
“Gian trá, ty tiện hơn, không còn xem đạo lý, luật pháp là gì khi bắt ép những ai muốn được thả phải ký khống vào ba tờ giấy trắng, và làm thêm một tờ cam kết sẽ không khiếu nại tiếp”. (Đàn Chim Việt online ngày 1-5-2012)

Hay tin nhà cầm quyền sắp cưỡng chế đất ở Văn Giang, cụ bà Lê Hiền Đức đã có mặt tại hiện trường trong hai ngày 23-24/4 và chứng kiến cảnh lực lượng vũ trang cưỡng chế dã man như thế nào, cụ Đức nói với một chiến sĩ công an tham gia cưỡng chiếm hôm ấy như sau:
“Cầm súng chỉa vào bọn tham nhũng, đừng cầm súng quay vào nhân dân. Những người nông dân lao động lam lũ chính là những người làm ra hạt lúa nuôi chúng ta. Tôi nói như thế thì có một cháu công an khóc. Nhưng nói chung là cưỡng chế xong hết rồi. Tuy nhiên, tôi nghĩ người dân không thể dừng lại đây được…
“Không thể dừng lại được vì càng ngày “họ” càng tham nhũng, càng ngày “họ” càng đàn áp dân. Mọi người không thể hiểu được là người dân khổ như thế nào”. (RFA online ngày 24-4-2012)

Để khỏa lấp tội trạng trong việc cưỡng chế gây nhiều tai tiếng, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào trong bài phát biểu trực tuyến với 63 tỉnh báo cáo láo chạy tội một cách lấp liếm rằng:
“Trong vụ việc Văn Giang có sự móc nối chặc chẽ giữa các phần tử chống đối trong và ngoài nước. Các thông tin, thậm chí được tường thuật tại chỗ, từng giờ để tuyên truyền, xuyên tạc, dàn dựng các video clip giả để vu khống bôi nhọ chính quyền…
“Ông Lê Hiếu Đằng: tôi thấy video clip thật quá đi chứ, rồi qua các trang mạng rồi báo chí công khai cũng nói đã huy động cả ngàn công an kể cả công an của bộ để trấn áp quần chúng để giao đất cho chủ đầu tư. Thế thì làm sao mà chối cãi được. Nói như vậy là vô liêm sĩ. Chẳng thà mình thừa nhận đi, còn nói vậy là hết sức hèn nhát và vô liêm sỉ. Anh giám làm giám chịu, anh giám đàn áp nhân dân anh phải gánh chịu hậu quả, chứ không thể đổ thừa cho kẻ xấu và bọn phản động được”. (RFA online ngày 3-5-2012)

Sau vụ cưỡng chế ở Văn Giang gây nhiều phản ứng bất lợi và còn có mầm móng gây bất ổn xã hội và là một nguy cơ cho chế độ, để giải quyết những khiếu kiện về đất đai còn tồn động trong 4 năm qua, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hội nghị trực tuyến toàn quốc với những chỉ thị rất là chí lý. “Thu hồi đất dân chủ, công khai, không dùng vũ khí”, tuy nhiên chúng ta “Đừng nghe những gì Nguyễn Tấn Dũng nói, mà hãy nhìn kỷ những gì Nguyễn Tấn Dũng làm” qua việc xử lý vụ Văn Giang và gần đây lại xôn xao về khả năng những người dân ở Vụ Bản tỉnh Nam Định đang phải đối mặt với một vụ cưỡng chiếm đất cũng không kém phần nghiêm trọng như ở Văn Giang. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh:
“Phải tiếp tục phát triển, không còn cách nào khác, vì lợi ích của đất nước và toàn dân, phải tiếp tục thu hồi đất theo quy hoạch, tiếp tục củng cố hạ tầng…
“Phải có người dân tham gia bàn bạc dân chủ, công khai theo đúng quy trình, để có sự đồng thuận vào cuộc của cả hệ thống chính trị”. (Việt Nam net online ngày 2-5-2012)

Một tuần lễ sau ngày chính quyền Hà Nội “phóng tay cưỡng chế” đất của nông dân huyện Văn Giang, vào ngày lể Lao Động quốc tế 1 tháng 5, thì hàng ngàn nhân sĩ, những nhà cách mạng lão thành, những nhà trí thức yêu nước và những người dân yêu nước đã phát động ký bản “TUYÊN BỐ VỀ VIỆC CƯỠNG CHẾ GIẢI TỎA ĐẤT ĐAI VĂN GIANG BẰNG VŨ LỰC” được công bố trên trang mạng Bauxite Việt Nam ngày 4-5-2012 có đoạn viết:
“Chính quyền đã huy động hàng ngàn công an, cảnh sát vũ trang hùng hậu đàn áp cuộc chống đối giải tỏa của hàng trăm nông dân quyết bảo vệ mảnh đất thấm mồ hôi, nước mắt và máu, còn lưu giữ xương cốt của cha ông từ nhiều đời… “Những tiếng khóc la của đàn bà, con trẻ làm đau nhói tim người. Những mảnh xương cốt cha ông bị máy ủi xới bật lên trên cánh đồng xanh tươi tốt phút chốc tan hoang để lại một ấn tượng chua xót và tủi nhục. Đó là những tội ác Trời không dung, Đất không tha”. (Bauxite online ngày 4-5-2012)

Tệ nạm tham nhũng trong việc thu hồi đất đai qua sự lạm dụng luật đất đai là của toàn dân do “hiến pháp” của đảng CSVN lập ra để cố tình cướp đất của toàn dân mưu cầu lợi ích cho phe nhóm. Rồi đây, sự bất ổn trong xã hội theo qui luật ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh, người dân sẽ vùng lên phá tan xiềng xích của kẻ thống trị. Ngày nay đảng viên cộng sản man khai là “đầy tớ của nhân dân” điềm nhiên sống trên xương máu đồng bào, đồng đội đã ngã xuống vì mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Đảng viên cộng sản đang ngủ quên trên tiền tài và danh vọng trong khi hiểm họa mất đất, mất nước vào tay tên láng giềng phương Bắc đang ngày càng lộ rõ và đến gần. Đảng cộng sản đã bỏ ngoài tai những tiếng khóc than của người dân thống khổ, đã “im lặng một cách đáng sợ” trước những kiến nghị “dân biết, dân bàn”. Thế là vận nước đến hồi suy vong. Nhân dân Việt Nam hãy vùng lên giành lại đất và giữ nước, hãy noi gương nhân dân Cam Bốt đấu tranh đến khi được thắng lợi, họ đã buộc:
“Thủ tướng Hun Sen hôm nay ra tuyên bố cho biết là chính phủ sẽ “Tạm ngưng việc nhượng đất” để “bảo đảm sự công bằng và củng cố hiệu quả quản lý đất”. (RFI online ngày 7-5-2012)

Sau cùng là lời cảnh báo của luật gia Lê Hiếu Đằng:
“Mới đây tôi đọc trên báo Tuổi Trẻ cái hệ lụy về mặt chính trị nó rất là lớn. Báo Tuổi Trẻ có đăng là ở một xã gần Hà Nội cả ngàn nông dân người ta đến bao vây trụ sở xã. Họ tố cáo cán bộ xã đã lấy đất của dân chia chác và bồi thường giá trị không thỏa đáng. Bây giờ họ đòi trả đất lại cho họ. Rõ ràng hậu quả dây chuyền rất là lớn, mà xảy ra ở đâu xa? Xảy ra ngay cái nơi mà chúng ta gọi là cái nôi của Chủ nghĩa xã hội! Gần thủ đô Hà Nội. Nếu ở miền Nam thì các vị còn gọi là dân ngụy, dân ảnh hưởng Mỹ thế này thế kia nhưng mà ngay ở Hà Nội thế thì ảnh hưởng ai?” (RFA online ngày 1-5-2012)

© Đại Nghĩa
© Đàn Chim Việt

——————————————————————

(*) Phóng tay: nói nôm na (theo Nam Bộ) là cứ làm mạnh thả cửa.
(Lời giải thích của cụ Nguyễn Văn Trấn trong “Viết thư cho mẹ và Quốc hội” trang 267)
(*) Cưỡng chế: nói nôm na là ăn cướp (lời giải thích của tác giả)



No comments:

Post a Comment

View My Stats