Monday, 14 May 2012

1%, 100 SỰ TUYỆT VỌNG & CƠN HẤP HỐI TẬP THỂ (Đào Tuấn)




Tháng Năm 13, 2012

Liệu một “hiệu ứng đám đông” sẽ được tạo ra từ gói cứu giúp 29.000 tỷ khi mà người ta đã cùng quẫn đến mức chết mà không được khai tử, đã thối mà không được phép chôn?

“Khoảng 100 doanh nghiệp nợ thuế đã bỏ trốn” đây là khẳng định chính thức của Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cuối tuần trước. Con số quá “giản dị” này làm nhiều người một mặt cười khổ khi nhớ lại câu chuyện “đi nước ngoài chữa bệnh” của các đại gia, mặt khác lại bất ngờ. Liệu con số 100 có quá ít, có quá “lạc quan” so với ngót nghét 200.000 doanh nghiệp, đã ở trong tình trạng “chết lâm sàng”. Có một câu chuyện hài hước trên mạng là trong khi số doanh nghiệp chết lâm sàng nhiều như việc người ta “đi nhà nghỉ” thì số “được phép” phá sản, giải thể chỉ hiếm như số clip nóng được tung lên mạng. Nếu ai đó chưa tin thì xin xem lại những quy định về phá sản, giải thể với “một triệu quy định”, “một tỷ nghĩa vụ” để được khai tử. Chết, được chết hoàn toàn không dễ.

Thông tin về “100 sự tuyệt vọng” này xuất hiện cùng lúc với việc Chính phủ chính thức ra nghị quyết về “gói 29.000 tỷ” giải cứu doanh nghiệp.

Xem ra, gói 29.000 tỷ, tức là khoảng 1,4 tỷ USD, chỉ 1%, cho một nền kinh tế vào khoảng 130 tỷ đô la, nói như các chuyên gia kinh tế, đúng là “như muối bỏ bể” trước “cơn hấp hối tập thể” của các DN.

Số tiền này hoặc chỉ cứu được hai doanh nghiệp cỡ Hoàng Anh Gia Lai. Thậm chí là quá thiếu so với con số 100.000 tỷ mà người ta dự kiến bỏ ra để cứu một doanh nghiệp là Vinalines. Mà Vinalines là gì? Là một hình thức khác của Vinashin. Là DN từng chi 490 tỉ đồng mua “đống sắt”… 43 tuổi.

Chính vì thế, nghe bà Thứ trưởng Bộ Tài chính nói rằng “DN khỏe hay yếu đều được hưởng lợi”, những DN ngắc ngoải đang chờ được cứu lại đâm lo. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt có vẻ đã rất tỉnh táo khi cho rằng: Điều đáng quan tâm hàng nhất là khâu phân phối sự cứu trợ này.

Ai sẽ nói là những Hoàng Anh Gia Lai, những Vinalines sẽ không được chia phần trong miếng bánh bé như hột mè, hột cải này.

Những lo lắng không phải là thừa khi mà gói cứu trợ kinh tế giai đoạn 2008-2009 không mấy đến được với các DN vừa và nhỏ, đặc biệt là các DN khu vực làng nghề, nhiều khi rất ngớ ngẩn chỉ bởi… thủ tục.

Nỗi lo khác đến từ phía các ngân hàng, người nắm nguồn vốn, loại doanh nghiệp đặc biệt, thứ doanh nghiệp “bất tử” mà trong khi các DN thay nhau “ngã xuống” vẫn đạt lợi nhuận còi 50-60%. Nguyên Thống đốc Cao Sĩ Kiêm, người giờ đương nhiệm Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ có lần đã bàn: Giảm lãi suất quan trọng hơn là tung gói cứu trợ. Bởi cái khó nhất của các DN hiện nay, không phải là nợ thuế, mà là không có thuế để nộp khi hoặc không tiếp cận được nguồn vốn hoặc nếu có thì đó là nguồn vốn với mức lãi suất “buôn ma túy”, chứ không còn là “buôn đất”- mới chịu nổi. Việc hạ lãi suất cho vay xuống 15%, dù chịu tiếng là “hành chính” đang là một nỗ lực phi thường của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh lãi suất huy động thực âm đang gặm nhấm những đồng tiền còm của người gửi tiết kiệm. Nhưng đây vẫn là mức lãi suất cần phải giảm nữa, bởi 15%, nói như chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt, vẫn là mức lãi suất cao nhất trong tất cả các đồng tiền có mặt trong nền kinh tế thế giới.

Dẫu sao, gói cứu trợ, dẫu chỉ “1%”, vẫn có một khía cạnh lạc quan để đánh giá: Ít nhất chúng cho thấy Chỉnh phủ không bỏ mặc DN, và biết đâu, sự an dân mang ý nghĩa tinh thần của nó chẳng tạo ra một niềm lạc quan, một “hiệu ứng đám đông” tạo vai trò động lực khi mà người ta đã cùng quẫn đến mức chết mà không được khai tử, đã thối mà không được phép chôn.




No comments:

Post a Comment

View My Stats