Xích Tử
Thứ Sáu, 18/05/2012
Lời phát biểu bế mạc của Tổng bí thư cùng
với Thông báo của BCH TƯ về Hội nghị lần thứ 5 hoàn toàn thống nhất với lời
phát biểu khai mạc của người đứng đầu Đảng CSVN định hướng cho kết quả của một
chương trình nghị sự được dự báo: Thận
trọng trong việc sửa đổi Hiến pháp vì đây là chuyện “nhạy cảm”, không bỏ
Điều 4 vì như vậy là “tự sát”, duy trì khái niệm nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa không tam quyền phân lập do đảng cộng sản lãnh đạo tuyệt đối và
toàn diện, không phục hồi chế độ tư hữu về đất đai và không có việc đòi lại đất
đã bị cưỡng đoạt, xử lý trong lịch sử pháp luật ở lĩnh vực này.
Phản ứng chính sách này của đảng là tất nhiên trong chuỗi
động thái phòng vệ, tự bảo vệ, chống sự rối loạn dẫn đến mất quyền lãnh đạo đất
nước và các đặc quyền thực tế khác được tạo nên do quyền lãnh đạo đó. Sự khẳng định đó không chứng minh thêm gì về đổi mới tư
duy, về tầm trí tuệ, về sự phát triển của văn minh chính trị, chân lý chính
trị, mà chỉ là biểu hiện của sự đuối lý, của thế thua, của sự bảo thủ. Bằng mọi
giá, đảng phải níu giữ quyền lãnh đạo thông qua các công cụ trấn áp bạo lực và
một hệ thống luật pháp ngày càng có tính cai trị chuyên chế, ngày càng tạo ra
và được tạo ra trong quan hệ bất bình đẳng giữa chính đảng nắm quyền lực, nhà
nước do chính đảng đó lập nên với quảng đại nhân dân đến mức mâu thuẫn chín
muồi cho một tình thế cách mạng theo tiêu chuẩn cổ điển. Cũng bằng mọi giá,
đảng cố duy trì hiện trạng chính trị, có điều chỉnh ngoại vi để hoãn binh chi
kế và đẩy những mâu thuẫn tiềm ẩn đó cho các thế hệ sau, trong đó con cháu của
các vị chóp bu vẫn là người cầm quyền.
Biểu hiện ngoan cố chính trị đó là kết quả
của một chuỗi diến biến lịch sử nắm quyền lãnh đạo không quang minh chính đại,
không chính thống của đảng. Trong giai đoạn 1930 – 1945, đảng đã dùng chiêu bài
đấu tranh giai cấp, chống bóc lột, bất công, vẽ ra một thiên đường hạ giới với
người cày có ruộng, công nhân không bị tư bản bóc lột, mọi người tự do, xã hội
dân chủ…kết hợp với chống thực dân giành độc lập để thu hút, tập hợp,tổ chức
lực lượng (cách nói hoa mỹ của sự lừa phỉnh) tiến đến việc sử dụng bạo lực với
sự hỗ trợ của nước ngoài để cướp chính quyền tháng 8/1945.
Từ 1945 đến 1976, suy cho cùng, đảng đã sử
dụng, lợi dụng, vận dụng cuộc chiến tranh giải phóng, giành độc lập như một
công cụ bạo lực để áp đặt mô hình chính trị xã hội chủ nghĩa lên một nửa, rồi
cả đất nước, để xây dựng và củng cố nền chuyên chính “vô sản” với toàn
bộ thiết chế quyền lực, chính quyền, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, tôn giáo…,
điều chỉnh cả đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc, điều chỉnh cả lịch sử
và cưỡng chế niềm tin cũng như sự hình dung của nhân dân về mô hình đất nước
trong tương lai. Tất cả sự thiết lập ấy đều được tạo ra từ mũi
súng.
Chỉ riêng chuyện đất đai, nông dân, và nông
thôn, qua toàn bộ tiến trình đó, đã cho thấy sự thất bại của cuộc cách mạng,
nếu hiểu cuộc cách mạng đó là thành tâm, hoặc có thể là một sự phản bội, nếu
nhìn cuộc cách mạng như một thứ vận động chính trị cơ hội chủ nghĩa, một kiểu
lừa đảo lịch sử. Người nông dân,
nông nghiệp, nông thôn là đối tượng bị đối xử tàn bạo nhất trong cách mạng. Đến thời điểm này, khi phải điều chỉnh bằng chính sách
đổi mới, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, người nông
dân xem như mất sạch, và nông thôn trở thành gánh nợ bị phân biệt đối xử.
Từ năm 1930, khi khởi mào cho những câu hát
ru cách mạng, có những ông lão “ngồi mơ nước Nga” (ý thơ Tố Hữu) với sự
hứa hẹn của đảng về ruộng đất cho dân cày, về người cày có ruộng. Những nông
dân là canh điền, tá điền, lãnh canh nộp tô cho địa chủ thời ấy mơ mộng sẽ có
lúc triệt hạ hết địa chủ và giành ruộng đất trở thành sở hữu của mình.
Lời hứa đó được duy trì và điều chỉnh cho
phù hợp với nhu cầu thu hút các lực lượng cách mạng trong suốt thời kỳ bí mật
bằng cách làm mềm đi đối tượng địa chủ thông qua việc phân loại dựa trên diện
tích sở hữu của họ và mức độ câu kết của họ với chính quyền thực dân, phong
kiến. Nhờ đó, lời hiệu triệu về đất đai vẫn hấp dẫn với tuyệt đại đa số nông
dân nghèo, không có hoặc có ít ruộng đất, đồng thời trấn an số “địa chủ”
lớp dưới với hứa hẹn về chính sách tịch thu, trưng thu, trưng mua mềm dẻo tuỳ
từng đối tượng.
Trong giai đoạn
đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tình trạng đó vẫn án binh bất
động. Đến
giai đoạn cuối, do sự phát triển về lực của chính quyền kháng chiến, cục diện
chiến trường, và đặc biệt là sự chỉ đạo của Trung Quốc, Chính phủ Việt Minh trở
lại chính sách đất đai với mức độ từ thấp đến cao để đạt mục tiêu cưỡng đoạt và
cưỡng chiếm quyền sở hữu loại tài sản đặc biệt này của nhân dân. Bắt đầu là
phong trào vận động giảm tô trong vùng kháng chiến với Sắc lệnh 14/7/1949; đến
12/4/1953, Chính phủ Việt Minh lại ra Sắc lệnh phát động quần chúng triệt để
giảm tô để thêm một bước tiến công vào các tầng lớp địa chủ, động viên nông
dân. Ngày 19/12/1953, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Hồ
Chí Minh) ra Sắc lệnh ban bố Luật Cải cách ruộng đất
đã được Quốc hội khoá I thông qua trong kỳ họp thứ 3 (1-4/12/1953). Nội dung
chủ yếu của Luật, được thực hiện ngay sau đó ở những vùng thuộc chính quyền
kháng chiến kiểm soát thuộc khu vực đồng bằng là xử lý địa chủ; tổ chức đấu tố;
tịch thu, trưng thu đất của đối tượng này và huy động nguồn công điền, nguồn
đất hoang để chia cho nông dân. Phong trào này được tuyên truyền mạnh mẽ, có
chụp ảnh đăng báo cảnh nông dân đi nhận đất, cắm cờ hả hê và nhờ đó, cùng với
các đợt chỉnh huấn, chỉnh quân, kiểm thảo, nó có tác dụng động viên sức chiến
đấu của những người lính gốc nông dân trong trận quyết đấu Điện Biên Phủ.
Trong chiêu bài
phản phong, cuộc cải cách ruộng đất theo Luật 1953 thực chất là tiến hành cách
mạng quan hệ sản xuất ở nông thôn, theo quan điểm marxist, trong
đó trước hết là quan hệ trong chiếm hữu tư liệu sản xuất. Ở một khía cạnh khác, đây là cuộc đấu tranh giai cấp
trong nội bộ nhân dân theo kịch bản dàn dựng để đủ bộ lệ cho các nước làm cách
mạng xã hội chủ nghĩa Á châu bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa Mao. Cuộc đấu tranh đó
tiếp tục diễn ra một cách khốc liệt sau 1954 ở miền bắc với nhiều sai lầm, tội
ác nghiêm trọng để đảng tạm phải dừng lại, sửa sai vào năm 1956; song kết quả
của cách làm sai lầm, gần như là tội ác chống lại nhân dân đó lại là cơ sở
thuận lợi cho công cuộc hợp tác hoá nông nghiệp bị áp đặt bởi Quốc hội nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua nghị quyết về vấn đề hợp tác hoá nông
nghiệp ngày 27/5/1959 – một động thái mà Quốc hội xem như “cuộc cách mạng hoà
bình”, chuẩn bị cho những qui định về
chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai trong Hiến pháp 1959 và đặc biệt là
từ Điều 19 của Hiến pháp 1980. Bằng những bước đi này, những hình ảnh người
nông dân được chia ruộng đất để làm chứng cho chính sách người cày có ruộng đã
được rêu rao từ những năm 30 chỉ kéo dài được không quá 6 năm (1953 – 1959); những mảnh ruộng được chia đó chưa ấm tay người nông dân thì đã bị sung
vào hợp tác xã, thuộc sở hữu tập thể, bước thứ nhất của sở hữu toàn dân.
Điều đáng ghi nhận là tất cả cách xử lý có
tính lịch sử của nhà nước cộng sản Việt Nam vế đất đai từ những năm 50 của thế
kỷ trước đến nay đều kế tục quan điểm xem đây là tư liệu sản xuất hoặc đối
tượng lao động; nó không phải là tài sản chiếm hữu hoặc sở hữu để chế tài như
các thông lệ về quyền tư hữu tài sản đã ghi trong Hiến pháp 1946. Dựa vào lý
thuyết marxist về quan hệ sản xuất, nhà nước cộng sản Việt Nam xem đất đai như
một hiện tượng bất bình đẳng trong chiếm hữu tư liệu sản xuất do chế độ phong
kiến tạo ra; vì vậy, để làm cách mạng xây dựng chế độ mới, phải từng bước xoá
bỏ triệt để hiện tượng này. Đây không phải là quá trình pháp luật liên quan đến
quyền sở hữu tài sản, mà là chuyện chính trị của quá trình cách mạng; nó không
thuộc phạm trù kế thừa luật pháp hình sự, dân sự; không phải là nhân quyền hay
dân quyền, mà là một hiện tượng phản động của lịch sử, cách mạng có quyền xoá
bỏ.
Điều này khác hẳn và tạo ra phân biệt xử lý
giữa đất đai và các tài sản khác của người dân nói chung và người nông dân nói
riêng. Vì vốn là tài sản lịch sử nên đất đai của người dân, kể cả địa chủ và
các tầng lớp nông dân, đều được hình thành do sự đầu tư riêng (mua bán, kế
thừa, chuyển nhượng; cả của tập thể họ tộc, chùa chiền, nhà thờ và cá nhân),
song khi đi vào hợp tác hoá, trong khi đất đai bị quốc hữu hoá hoàn toàn , bị
cải biến hoàn toàn về hình thức tồn tại thì các tài sản khác vẫn được bảo lưu
trong nguồn vốn tập thể, trong hình thức liên doanh, công tư hợp doanh. Sự bất
công này kéo dài cho đến khi nền kinh tế xã hội chủ nghĩa bị phá sản vào những
năm 80, 90; khi đó, các doanh nghiệp nhà nước, vốn là tài sản của dân, bị bán
tống tháo đi với nhiều cách làm rất tiêu cực qua quá trình cổ phần hoá biến
đảng viên cộng sản công, thương nghiệp thành người chủ cổ phần, tức tư nhân
hoá, tư bản hoá tài sản xã hội chủ nghĩa, người nông dân vốn đã bỏ những tài
sản rất thật của mình vào công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa vẫn tiếp tục bị
tước đoạt. Lúc họ bỏ ra đất đai để làm cách mạng, họ đã chấp hành một chính
sách cưỡng đoạt, để mua lấy sự an toàn và niềm tin về một xã hội mới. Khi mô
hình xã hội mới đó phá sản, những người cộng sản tìm cách hưởng lợi khác thì
người nông dân bị bỏ rơi với cách nói chẳng nghĩa tình gì: đất đai
là sở hữu toàn dân, không có bất kỳ sự cứu xét nào về lịch sử chính sách đất
đai, về đối tượng đất đai đã bị cách mạng xử lý. Cũng vào lúc ban đầu ấy, không có ai nói với họ về sự
hài hoà lợi ích giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư như kiểu giải thích ngụy
biện và cơ hội chủ nghĩa như bây giờ; chỉ có một lợi ích duy nhất là chủ nghĩa
xã hội. Làm gì có cái gọi là nhà đầu tư vào những năm 50 ở miền bắc và những
năm 70, 80 ở miền nam và cũng làm gì cần phải đặt ra sự hài hoà lợi ích về đất
đai giữa nhà nước và người dân nếu nhà nước là của dân, do dân, vì dân!
Suy cho cùng, khi đã lộ cái đuôi lợi ích ra
vì kinh tế thị trường, vì những tiêu cực nảy sinh tất yếu và cố tình do chính
sách đất đai; khi tư liệu sản xuất của chủ nghĩa xã hội trở thành tài sản của
tư bản nước ngoài, tư bản đỏ trong nước với sự hỗ trợ, chia chác của nhà nước
cộng sản, mới có cách giải thích như vậy. Còn từ khởi thuỷ của cách mạng, khi
quốc hữu hoá đất đai, những người cộng sản chỉ đơn giản tước đoạt toàn bộ hạ
tầng kinh tế của hộ gia đình nông dân và các tầng lớp dân cư nông thôn khác, tước
đoạt công cụ sinh nhai tự túc – kẻ thù của công hữu cộng sản- của dòng họ, tôn
giáo, học hữu; qua đó, họ muốn triệt hạ toàn bộ thiết chế vật chất và tinh thần
của xã hội cũ, xã hội phong kiến, để cho sản phẩm của xã hội mới thay thế; nhờ
vậy ơn đảng, ơn nhà nước mới có gíá trị. Chuyện quốc hữu hoá đất đai nói riêng, các tư liệu,
phương tiện sản xuất khác nói chung của mô hình xã hội chủ nghĩa ấy không phải
chỉ là vì mục tiêu kinh tế và nếu chỉ vì mục tiêu ấy thì cộng sản quả là không
trí tuệ; mục đích chính là chính trị, là cải tạo xã hội. Hợp tác xã là một
thiết chế quản lý con người về phương diện dạ dày, và qua dạ dày để quản lý
trái tim và khối óc; ông chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp có quyền quyết định
một thanh niên có được đi học đại học hay không thông qua thủ tục cắt chuyển
tiêu chuẩn lương thực từ địa phương cấp xã đến trường đại học. Chủ nghĩa xã hội
khi tịch thu đất đai của nông dân chính là vì vậy; cho nên sau này, khi đánh
giá những sai lầm của nền kinh tế tập trung kế hoạch hoá, đảng vẫn móc vào đó
một ý khen là nhờ đó mà huy động được lương thực cho chiến trường, động viên
được quân lực (vì không nhập ngũ thì lấy đâu ra gạo ăn) và hạt gạo chia tư cho
cả “nghĩa vụ quốc tế”. Cái mất
của người nông dân là bị tước đoạt của cải để phục vụ mục tiêu phấn đấu cho
công bằng, bình đẳng, tự do, dân chủ, giống như một sự góp vốn làm ăn, song khi
mục tiêu của công cuộc làm ăn thất bại, cái vốn ấy không được trả lại và biến
thành lợi ích của các nhóm khác, bao gồm chủ yếu nhóm cai trị. Qua cái bị mất
hữu hình đó, họ đồng thời cũng bị tước đoạt những giá trị vô hình liên quan đến
quyền sở hữu tư nhân tài sản, vốn rất thiêng liêng, được hình thành qua hàng
nghìn năm phát triển của lịch sử dân tộc, của nhân loại. Với mỗi người nông
dân Việt Nam, đất đai là núm ruột, là tình cảm của ông cha để lại, là kết quả
sự cố gắng tằn tiện, “ăn mắm mút giòi” suốt đời của đôi vợ chồng nghèo
dành cho con cháu, là ngôi mộ của tổ tiên, ông bà ở đó, là mối liên kết, chia
sẻ trách nhiệm của các thành viên dòng họ, xứ đạo, bổn hữu của ngôi chùa, là
tuổi thơ, bến nước, con đò… Khi họ mất tài sản đất đai, những cái ấy cũng sẽ
mất đi. Không thể có cách nói nguỵ biện đương đại
về mục tiêu kinh tế hướng đến nền sản xuất lớn trong nông nghiệp, một nền “nông
nghiệp hợp lý hoá” khi quốc hữu hoá đất đai trước đây và rục rịch toa rập
tích tụ đất đai hiện nay với những trích dẫn marxist cũ rích như kiểu của tác
giả Đỗ Thế Tùng trên Tạp chí cộng sản . Trong khi nhiều nước có nền nông nghiệp
cực kỳ hiện đại, là cường quốc của nhiều ngành nông sản nhưng vẫn duy trì chế
độ tư hữu về đất đai thì không thể cả vú lấp miệng nông dân bằng luận điểm “Việc
qui định ruộng đất thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và
thống nhất quản lý là phù hợp với qui luật tiến hoá và xu hướng phát triển của
nông nghiệp hiện đại”, rằng “vai trò đại diện và quản lý của Nhà nước là
tất yếu”.
Cùng với nông dân,
nông thôn Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng, cũng bị đánh phá đến kiệt quệ,
trở thành một không gian u ám, căng thẳng. Những cuộc đấu tố và xử lý địa chủ, phá phách chùa chiền
đền miếu mồ mả, cuộc vận động áp đặt nông dân vào hợp tác xã, thu thuế phí,
động viên thanh niên nhập ngũ, việc chia tách các thành viên gia đình và chế
độ, thời gian sinh hoạt gia đình theo mô hình sản xuất hợp tác xã, thậm chí có
lúc có nơi đã là công xã, mức thu nhập tối đa 1kg lúa/một ngày công, cảnh nhận
giấy báo tử từ chiến trường …kéo dài suốt những năm 60, 70. Nông thôn chịu vô
số thiệt thòi khác do tỉ lệ thất học, mù chữ, do trình độ dân trí bị cố tình
làm chậm phát triển; cơ cấu thanh niên được vào đại học, cao đẳng thấp, không
bình đẳng với đô thị; thiếu thốn, nghèo nàn trong thông tin, sinh hoạt tinh
thần; chất lượng hiểu biết thấp và thói cửa quyền, cường quyền của đám cán bộ
hợp tác xã, chính quyền địa phương. Tình trạng đó vẫn không khắc phục được,
hoặc không được khắc phục cho đến cả thời kỳ “đổi mới”. Các chính sách với nông
dân, nông thôn không đủ để khỏi phải huy động sự đóng góp của người dân với
hàng vài ba chục thứ phí thu hàng năm dẫn
đến đỉnh điểm mâu thuẫn ở sự kiện Thái Bình 1997. Người dân nông thôn vẫn
phải cam chịu với hạ tầng kém hơn nhiều đô thị; họ phải bỏ tiền ra để tự mắc
điện rồi trả tiền điện với giá cao hơn; họ cũng phải bỏ ra số tiền bằng thu
nhập của gia đình trong cả năm, tương đương với hàng nghìn cổ phiếu của công ty
để làm đường nông thôn nhưng không sở hữu được gì cả. Để tiếp cận với đô thị
gần nhất (đi học, mua bán, giải trí…), họ cũng phải chịu hao mòn phương tiện và
tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn.
Đối lập với vùng u ám chiếm tỉ lệ lớn diện
tích đất nước đó, đô thị, trong thời gian chiến tranh cũng như hoà bình, đổi
mới, luôn luôn được ưu ái, có nhiều ưu thế hơn: hạ tầng đô thị, tiện nghi đô
thị, thu nhập đô thị, các điều kiện thuận lợi về học hành, đào tạo để được
tuyển dụng vào tầng lớp cai trị, các điều kiện thoả mãn sự phát triển tinh thần
và tiếp cận với thế giới văn minh, kể cả tiếp xúc với người, thông tin của nước
ngoài. Trong khi người nông dân trực tiếp sản xuất ra lương thực, thu nhập của
họ cũng chỉ 30kg lúa mỗi tháng, tương đương 15 kg gạo, người dân đô thị, với
nguồn thu nhập bằng lương và các hình thức tiền mặt khác dồi dào hơn, cũng được
phân phối 13 kg gạo với giá 4,1 hào/kg. Một bà già với hàng nước chè nóng ở đầu
một ngõ phố Hà Nội suốt mấy chục năm, khi đổi mới, cũng công khai của tích luỹ
đến mấy chục lạng vàng. Sau 1975, nhiều người hồi kết về miền nam đã khuyên con
cháu rằng bất cứ giá nào cũng phải chuyển vào sống trong đô thị. Cố gắng tạo
nên bình đẳng của chủ nghĩa xã hội là như vậy.
Chính sách đất đai và các chính sách kinh
tế khác đã tạo ra sự đối lập, mâu thuẫn có thật, kéo dài và ngày càng gay gắt
giữa nông thôn và thành thị, giữa nông dân với nhà nước, đồng thời cũng làm cho
cái gọi là liên minh công nông trở thành bánh vẽ. Chỉ đơn cử, một người bạn học
của người viết bài này, đang là đảng viên cộng sản, giám đốc của một công ty
chế biến nông sản ở miền trung vốn là doanh nghiệp nhà nước, tức công sản; khi
công ty chưa cổ phần hoá, lương tháng của anh ta tương đương giá trị nguyên
liệu nông sản ấy trên 2 hecta/1 năm, trong khi bình quân diện tích/người nông
dân trồng nông sản chỉ là 0,1 hecta. So sánh tiền lãi của nông dân trong 1 năm
với tiền lương 1 năm của vị giám đốc, ta có tỉ lệ 1:2000. Hiện nay, công ty đã
cổ phần hoá, anh ta thành chủ của 1/5 tài sản công ty; thu nhập bằng lương
tháng cộng cổ tức sẽ cao hơn nhiều.
Sự thật đã và đang
là như vậy. Nhưng ai cho phép nó như vậy? Đảng cộng sản đã tạo ra tất cả bằng
mũi súng, thông qua cái công cụ được hợp hiến hoá là Quốc hội. Tổ chức ấy do đảng lập ra và phần lớn đại biểu là đảng
viên. Khi Quốc hội biểu quyết thông qua chính sách hợp tác xã, thông qua luật
đất đai, thông qua các Hiến pháp với điều khoản công nhận quyền lãnh đạo của
đảng, họ không phải đại diện cho dân và thể hiện ý kiến của dân, mà là chấp
hành đảng, không phải toàn bộ đảng viên, mà chỉ một nhóm nhỏ có quyền đưa đất
nước và dân tộc vào cuộc thí nghiệm xã hội chủ nghĩa.
Đến bây giờ, mọi việc đã lỡ rồi, các cơ cấu
đã được thiết lập và vận hành sức mạnh của nó, để chia chác quyền lực và quyền
lợi, không một ai, trong bối cảnh văn hoá chính trị Việt Nam, có khả năng và sự
dũng cảm thay đổi. Thay vì thừa nhận tình trạng ấy, đảng vẫn nói như đinh đóng
cột rằng đất đai là sở hữu toàn dân, với một thái độ trâng tráo, ngạo mạn đến
vô ơn, vô sỉ.
Hãy cứ đưa điều đó ra trưng cầu dân ý, chắc
sẽ có câu trả lời chung cho việc khẳng định chủ nghĩa xã hội là con đường lựa
chọn của toàn dân, về chế độ công hữu, về tính nhân dân của nhà nước Việt Nam
hiện nay.
Xích Tử
No comments:
Post a Comment