Wednesday 9 May 2012

NIỀM VUI BẦU CỬ (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
Tuesday, May 08, 2012 6:57:23 PM

Dân Chủ vui hơn độc tài. Ðây là một điều ít được các lý thuyết chính trị chú ý. Chắc vì các triết gia lúc nào cũng mang bộ mặt trầm trọng chẳng mấy khi biết thế nào gọi là vui.

Nhưng chắc chắn người dân sống trong một thể chế tự do dân chủ có cái thú đi bỏ phiếu rồi chờ kết quả cuộc bầu cử. Nhiều người nhận xét dân Ấn Ðộ có hai cái thú, là coi phim, tất nhiên là phim Ấn Ðộ mùi mẫn, và đi bỏ phiếu. Sống trong chế độ độc tài người ta không được những hưởng thú vui này; phim ảnh thì chỉ toàn là tuyên truyền; còn bầu cử thì khỏi phải lo vì đã có các ông trong Bộ Chính Trị bỏ phiếu giúp.

Năm nay ở Pháp, ở Mỹ, Nga và Trung Quốc đều có dịp thay đổi người lãnh đạo quốc gia. Dân Pháp và dân Mỹ được bỏ phiếu và hồi hộp chờ kết quả. Dân Nga thì biết trước thế nào ông Putin cũng lên ngồi vào chỗ cũ của... ông Putin. Người dân Trung Quốc không qua cảnh hồi hộp không biết ai sẽ lên thay Hồ Cẩm Ðào, vì Bộ Chính Trị đã chỉ định Tập Cận Bình từ trước. Nếu năm ngoái dân Tàu có hồi hộp thì cũng họ cũng không được dự phần vào việc quyết định lựa chọn. Chẳng khác gì coi một nhóm người đang đánh bài bằng... tiền của mình!

Chủ Nhật vừa qua, dân Pháp bỏ phiếu bầu tổng thống vòng thứ hai. Ở bên này Ðại Tây Dương, nhiều người Pháp sống ở thành phố Montréal cũng “nhân cơ hội” hưởng niềm vui bỏ phiếu. Hơn 200 người họp ở quán Petit Medley, một số tương tự họp mặt ở La Crêperie Les Toontons. Vào buổi chiều, họ biết kết quả, quán Petit Medley mở chai ăn mừng Tổng thống tân cử François Hollande, đảng Xã Hội Pháp. Tại quán Les Tontons người ta đã hứa hẹn sẽ “tái đấu” trong cuộc bỏ phiếu vào Tháng Sáu, sẽ bầu cử Quốc Hội Pháp. Ðó cũng là niềm vui. Vui vì trong chế độ dân chủ những người thua phiếu biết chắc họ luôn luôn có cơ hội “phục thù,” chờ kỳ bầu cử sắp tới!

Ở bên nước Pháp chắc chắn những nỗi vui, buồn cũng ồn ào náo nhiệt hơn. Ðặc biệt, một ứng cử viên tả phái đã đắc cử mặc dù trong vòng đầu thì tổng số phiếu của các ứng cử viên phái hữu cao hơn các người phía tả. Trong vòng thứ hai, chỉ còn hai người, ông François Hollande vượt trên ông Nicolas Sarkozy nhờ ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen để mặc 6.4 triệu cử tri ủng hộ bà, “bỏ phiếu trắng;” mất gần một phần năm số người bỏ phiếu vòng đầu.

Nhưng cuộc vui nào cũng có lúc tàn. Ông Michel Sapin, người có hy vọng sẽ được mời làm bộ trưởng Tài Chánh trong chính phủ mới đã thú nhận: “Vui, nhưng niềm vui sẽ nhanh chóng nhường chỗ cho tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm của ông tổng thống tân cử là: Ông sẽ làm thế nào để giúp nước Pháp (và Âu Châu) thoát khỏi cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay?

Bởi vì ai cũng lo ngại ông François Hollande sẽ kéo nước Pháp thêm vào cảnh khiếm hụt ngân sách và nợ nần lên cao. Vì trong cuộc vận động tranh cử, ông đã hứa hẹn rất nhiều món chi tiêu: Tuyển dụng thêm 60,000 giáo viên, và dùng công quỹ giúp tạo thêm 150,000 công việc trong lãnh vực tư. Trong khi đó, phần thu nhập của nhà nước sẽ giảm với lời hứa sẽ bãi bỏ món “thuế TVA Sarkozy,” và không tăng giá xăng trong ba tháng. Nếu ngân sách khiếm hụt thêm, giới đầu tư và người tiêu thụ sẽ lo ngại cho tương lai, kinh tế sẽ khó thoát khỏi cảnh bế tắc.

Franậois Hollande thừa hưởng một di sản tích lũy từ nhiều đời tổng thống. Chính phủ Sarkozy tuy lớn tiếng kêu gọi cắt giảm chi phí 10% nhưng vẫn chưa dám thi hành. Chi tiêu của chính phủ chiếm 56% tổng sản lượng nền kinh tế (GDP) của Pháp, một tỷ lệ cao nhất Âu Châu, cao hơn cả Thụy Ðiển là một quốc gia nổi tiếng có khuynh hướng xã hội. Chi tiêu cho các dịch vụ xã hội ở Pháp chiếm 28% GDP. Tổng số nợ của quốc gia ở Pháp trong năm tới sẽ lên đến 90% GDP, riêng khoản tiền lãi phải trả trên các món công trái này hiện đã chiếm mất 2.5% GDP.

Ông François Hollande đã hứa hẹn đến năm 2017 sẽ cân bằng ngân sách; một lời hứa dựa trên dự đoán kinh tế sang năm sẽ tăng trưởng theo tỷ lệ tăng 1.7% và sau đó tiếp tục tăng 2.5% mỗi năm. Nếu kinh tế lên được thì tiền thuế thu vào sẽ tăng theo, và các dịch vụ xã hội, trợ cấp thất nghiệp sẽ giảm. Nhưng trong 20 năm qua, GDP Pháp chỉ tăng trung bình 1.6% mỗi năm; và từ năm 1974 đến này chính phủ Pháp không năm nào không khiếm hụt ngân sách. Tháng Giêng năm nay công ty thẩm lượng tín dụng Standard & Poor đã hạ thấp điểm tín nhiệm của công trái Pháp - như năm ngoái họ đã hạ điểm của chính phủ Mỹ, cũng vì khiếm hụt ngân sách và nợ công lên cao.

Cho nên ai cũng nghi ngờ và lo lắng cho ông tổng thống tân cử; làm sao giữ được hai lời hứa, vừa cân bằng ngân sách vừa tiếp tục chi tiêu. Trước khi ông Hollande đi gặp bà Thủ Tướng Ðức Angela Merkel, ông Volker Kauder, lãnh tụ Hạ Viện cùng đảng của bà là đã nói: Nước Ðức không thể nào góp tiền chi cho những lời hứa hẹn tranh cử của ông tổng thống Pháp! Ðức và Pháp là hai cột trụ của nền kinh tế lục địa Âu Châu. Khu vực dùng đồng Euro đang gặp khó khăn vì chính phủ các nước ở phía Nam như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và Ý chi tiêu quá nhiều trong khi nợ chồng chất. Không ai muốn cho mấy chính phủ đó vay nợ nữa, nếu không được cả khối Euro bảo đảm. Bà Angela Merkel đã đòi hỏi các nước đó phải “thắt lưng buộc bụng,” cắt giảm công chi, tiến tới cân bằng ngân sách, như một điều kiện để được trợ giúp. Dân Hy Lạp vừa bỏ phiếu bác bỏ tất cả những đảng lớn từng ủng hộ chương trình “thắt lưng buộc bụng.” Người ta càng lo ngại chưa biết bao giờ Âu Châu mới thoát ra khỏi cơn khủng hoảng và trì trệ kinh tế hiện nay. Muốn trấn an thị trường, ông François Hollande và bà Angela Merkel sẽ phải thỏa thuận về một chương trình phục hồi kinh tế của chính nước Pháp trước khi nói đến việc trợ giúp các nước khác. Và muốn kinh tế hồi phục thì Pháp sẽ phải cắt giảm công chi.

Trong mấy ngày sau khi ông Hollande đắc cử, nhiều dấu hiệu khiến mọi người tin là ông sẽ làm nguội bớt những lời hứa hẹn chi tiêu khi tranh cử, trước khi cất chúng vào tủ lạnh để chờ tương lai sẽ thực hiện sau. Chắc ông sẽ giữ những lời hứa như cắt giảm 30% lương bổng của chính ông và nhân viên trong chính phủ. Ông sẽ rút quân ở Afghanistan về, cũng bớt được một món chi tiêu. Giảm bớt sự chênh lệch về lương bổng trong các doanh nghiệp nhà nuớc, có thể không tăng thêm chi tiêu mà vẫn giữ được lời hứa. Nhưng điều quan trọng nhất mà ông François Hollande phải làm là cải tổ cơ cấu nền kinh tế Pháp để nâng cao sức mạnh cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Một cơ hội cho tổng thống tân cử là một cuộc kiểm tra kế toán quốc gia sẽ được “Hội đồng Kiểm toán” (Cour des comptes) thực hiện trong vài tháng tới. Thế nào các vị thanh tra cũng sẽ tìm thấy tình hình tài chánh thâm thủng rất nặng nề, và đưa ra các đề nghị cải tổ. Ông François Hollande có thể nhân cơ hội này xin phép các cử tri hoãn lại những lời hứa hẹn chi tiêu của ông. Ông cũng có thể đưa ra những cải tổ cơ cấu quan trọng mà các vị tổng thống hữu phái trong gần 20 năm qua không làm được vì bị các công đoàn phản đối mãnh liệt. Hệ thống lương bổng và hưu bổng, quy chế nhân viên và công nhân ở nước Pháp quá cứng nhắc, khiến chi phí nhân lực cao; các công ty và chủ nhân xí nghiệp ngần ngại không tuyển dụng người khiến nạn thất nghiệp khó giảm bớt. Ðó là phạm vi đầu tiên cần cải tổ. Là một vị tổng thống tả phái, ông Hollande có sẵn mối giao hảo với các công đoàn, cho nên ông có thể đề nghị liều thuốc đắng cần thiết.

Những cải tổ quan trọng sẽ phải được công bố trong “thời kỳ trăng mật” của chính phủ mới; trong vài tháng sau cuộc bầu cử Quốc Hội vào giữa Tháng Sáu. Một quy tắc hành động của các nhà chính trị là nên cho dân uống thuốc đắng ngay từ lúc đầu nhiệm kỳ, đưa ra tất cả những biện pháp làm người ta ghét, vì đằng nào cũng bị ghét. Sau đó, sẽ từ từ thi hành những biện pháp ngọt ngào được nhiều người ủng hộ; trước năm bầu cử kế tiếp. Nếu từ nay đến cuối năm 2012 ông Hollande chưa đề nghị những chính sách làm mất lòng các cử tri của đảng Xã Hội thì ông sẽ không hy vọng sẽ cứu vãn được nền kinh tế đang trì trệ ở nước Pháp và cả Âu Châu trong năm tới.

Dù là lãnh tụ đảng Xã Hội, François Hollande cũng vẫn thuộc “tầng lớp quý tộc” của xã hội Pháp; ông là một cựu sinh viên các “trường lớn” (grandes écoles). Ông lại xuất thân từ Trường Quốc Gia Hành Chánh (ENA), nơi sản xuất mỗi năm khoảng một trăm công chức được trọng dụng nhất trong guồng máy chính quyền. Khoảng 10% các cựu sinh viên ENA bước vào chính trị và đã đóng những vai trò lãnh đạo, như các cựu Tổng Thống Valéry Giscard d'Estaing, Jacques Chirac, rất nhiều vị thủ tướng. Trung bình một phần ba các bộ trưởng đều là “enarques,” riêng trong chính phủ Sarkozy thì đến một nửa! Ông Franậois Hollande có thể sẽ chọn con đường trung dung; vừa vì nhu cầu thực tế, vừa vì nó hợp với bản chất của giới quý tộc hành chánh, không thể ngả sang cực đoan. Nếu sau một nhiệm kỳ mà chính sách trung đạo đưa tới kết quả kinh tế hưng phấn hơn, thì phe tả cũng không thể chối bỏ một người lãnh đạo đã thành công.

Phản ứng của thị trường tài chánh trong hai ngày qua cho thấy người ta tin là ông Hollande sẽ không theo các chính sách thiên tả như các khẩu hiệu tranh cử; ngược lại, ông có thể trở thành một vị tổng thống trung dung. Thị trường chứng khoán Pháp không xuống. Giá công trái 10 năm của chính phủ Pháp vẫn giữ một mức sai biệt với giá công trái của chính phủ Ðức không thay đổi. Ðiều này cho thấy giới đầu tư không cảm thấy “giấy nợ” của chính phủ Pháp nhiều rủi ro hơn sau cuộc bầu cử. Thị trường có vẻ coi như ông Hollande không thể làm điều gì “tệ hơn” so với chính phủ trước!

Trong khi đó thì dân chúng Pháp đã trải qua những ngày tranh đấu gay go và hồi hộp cho tới ngày bỏ phiếu. Ðược quyết định số phận của mình, của quốc gia mình, của nền kinh tế mà mình sống; dù thuộc phe thắng hay phe bại, người dân Pháp cũng có thể hãnh diện họ đang nắm vai trò quyết định.


Đọc thêm »


.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats