Phạm
Quang Tuấn
27-5-2012
Thư của một nhóm nhân sĩ Việt Nam gửi ủng hộ Philippines
trong
cuộc tranh chấp bãi Scarborough đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều người
trong và ngoài nước. Nhà nghiên cứu Dương Danh Huy (“Gửi thư ủng hộ Philippines, nên hay không?”)
viết: “Việc gửi bức thư đó là một hành động độc đáo góp phần vào những viên
gạch tạo điều kiện cho việc xây dựng một sự hợp tác giữa Việt Nam và
Philippines nhằm chống đường chữ U mà không gây phương hại gì cho Việt Nam”.
Tuy nhiên, ông Trương Nhân Tuấn (TNT) đã viết nhiều bài đả kích mạnh mẽ (“Tranh
chấp Trung-Phi tại bãi cạn Scarborough”, “Về bản
lên tiếng ủng hộ Phi Luật Tân trong vấn đề tranh chấp bãi cạn Scarborough”,
“Hiểu thế nào về nội dung của bản tuyên bố ủng hộ Phi Luật
Tân trong tranh chấp Trung-Phi tại bãi cạn Scarborough?”), cho
rằng sự ủng hộ này là “phi lý”, “bất bình thường”, “ủng hộ Phi, trong khi vấn
đề của đất nước thì không thấy ai quan tâm”, và “có thể đem lại bất lợi cho VN
về sau”.
Ông
Trương Nhân Tuấn có quyền có những ý kiến đó và không ai bắt ông phải ủng hộ
bản tuyên bố. Tuy nhiên, để bảo vệ quan điểm của mình, ông đã đưa ra nhiều luận
cứ sai lầm hay lỏng lẻo, cần phải làm sáng tỏ.
1.
So sánh khập khiễng để chứng minh rằng Scarborough Reef đủ lớn để được vùng Đặc
quyền kinh tế
Theo
Luật Biển (UNCLOS), Điều 121, những đảo đá không thích hợp cho người ở hoặc cho
một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền về kinh tế 200 hải lý
(EEZ) và thềm lục địa. TNT đưa ra bốn thí dụ để chứng tỏ là Scarborough Reef có
thể đủ lớn để có EEZ: (a) Đảo Clipperton; (b) McDonald và Herald; (c)
Okinotorishima; (d) St-Pierre và St-Paul.
(a)
Đảo Clipperton có diện tích 6 km2 (600 ha).
(b)
Đảo Heard and McDonald (tác giả viết lầm là McDonald và Herald) có diện tích
369 km2 (36900 ha) với một ngọn núi cao 2845 m.
Đem
những đảo đó mà so sánh với Trường Sa thì thật nực cười: đảo lớn nhất ở Trường
Sa là đảo Ba Bình chỉ có 43 ha. Đem so sách với Scarborough Reef thì còn nực
cười hơn nữa, vì khi mực nước cao thì ở đó chỉ có vài hòn đá nhỏ, diện tích vài
m2, nhô trên mặt nước (có thể xem ảnh ở http://www.scarboroughreef.com/srphotos.html).
(c)
Đảo Okinotorishima: đảo này là một bãi san hô hình vành khăn tương tự như
Scarborough Reef. Nhật đòi EEZ cho đảo này nhưng bị Trung Quốc và Hàn Quốc phản
đối và mọi việc chưa ngã ngũ.
(d)
St-Pierre và St-Paul: TNT viết: “Nó [St-Pierre và St-Paul] được đầy đủ vùng ZEE
và thềm lục địa”: thực ra, Brazil đã đơn phương tuyên bố mở rộng EEZ ra 200 hải
lý quanh quần đảo này, và vì vùng này ở giữa Đại Tây Dương, không chồng lấn lên
EEZ của nước nào khác, nên không (hay chưa) có nước nào phản đối, nhưng điều đó
không có nghĩa là EEZ này được quốc tế công nhận.
TNT
viết: “Năm 2004, Brésil đệ trình hồ sơ thềm lục địa mở rộng, xác định vùng biển
và thềm lục địa tại hai đá [St Peter andSt Paul] này. Hồ sơ không bị bác, với
15 phiếu thuận và 2 phiếu chống”.
Đoạn
này viết mập mờ nên có thể hiểu là đòi hỏi EEZ cho đảo St Peter and St Paul của
Brazil đã được quốc tế chấp nhận với 15 phiếu thuận và 2 phiếu chống. Thực ra
không phải như vậy. Đây là phiếu bầu trong CLCS (Commission on the Limits of
the Continental Shelf) để xét việc nhận đơn đòi thềm lục địa mở rộng (TLĐMR)
(extended continental shelf) của Brazil. Ủy ban CLCS này không có thẩm quyền để
xét về EEZ mà chỉ xét về thềm lục địa mở rộng. Khi đòi hỏi TLĐMR, Brazilkhông
đòi hỏi vùng nào chung quanh quần đảo St Peter and St Paul(xem bản đồ những đòi
hỏi của Brazil ở đây), và do đó CLCS không xét về EEZ quanh
St Peter andSt Paul. Nói tóm lại, quyết định của CLCS hoàn toàn không dính dáng
đến EEZ của St Peter andSt Paul.
Từ
những thí dụ trên mà TNT kết luận: “Các thí dụ ở trên cho thấy một đảo, đá, có
thể không có người sinh sống và nền kinh tế tự túc, đôi khi vẫn có hiệu lực đầy
đủ về ZEE và thềm lục địa. Nếu so sánh các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thậm chí
bãi cạn Scarborough với các đảo trên, đồng thời xét qua các án lệ về chủ quyền
và tình trạng pháp lý của các đảo, thì các đảo Hoàng Sa, Trường Sa hay bãi cạn
Scarborough có thể được xem là ‘lãnh thổ’. Từ đó một nước có thể chiếm hữu, có
thể đòi hiệu lực về ZEE và thềm lục địa” thì thật là thiếu thuyết phục!
2.
Đưa sự kiện sai lạc về diện tích các đảo Trường Sa
TNT
viết: “Đây [St-Pierre và St-Paul] là một tập hợp 12 đá nhỏ do núi lửa cũ cấu
thành, ở phía đông Brésil. Đá cao nhất 22,5 mét. Đá lớn nhất có kích thước 350
mét x 200 mét, diện tích khoảng 10.000 m². Một ngọn hải đăng được dựng nơi đây.
Đá này còn nhỏ hơn bất kỳ đá nào ở Trường Sa, nhưng nó được đầy đủ vùng ZEE và
thềm lục địa”.
“Đá
này còn nhỏ hơn bất kỳ đá nào ở Trường Sa” là hoàn toàn sai, và không hiểu tác
giả viết như vậy là vì không biết hay vì cố tình bịa đặt. Chẳng nhẽ một người
quan tâm tới Trường Sa mà không có ý niệm gì về diện tích các đảo này? Theo CIA
và Wikipedia tiếng
Việt thì Trường Sa gồm khoảng
100 đảo và bãi (reefs), trong đó chỉ có 13 đảo và đá lớn hơn 1 ha (10000 m2):
Loại Ta (Loaita) 6,45 ha; Vĩnh Viễn (Nanshan) 7,9 ha; Song Tử Đông (Northeast
Cay) 12,7 ha; Thị Tứ (Thitu) 37,2 ha; Bến Lạc (West York) 18,6 ha; Ba Bình (Itu
Aba) 46 ha; An Bang (Amboyna Cay) 1,6 ha; Nam Yết (Namyit) 5,3 ha; Sơn Ca (Sand
Cay) 7 ha; Sinh Tồn (Sin Cowe) 8 ha; Song Tử Tây (Southwest Cay) 12 ha; Trường
Sa (Spratly) 13 ha; Hoa Lau (Swallow Reef) 6,2 ha.
3.
Sai lầm về quan điểm của Phi về EEZ của Scarborough Reef
TNT
viết: “Khi nói ‘ủng hộ quyền chủ quyền của Phi trong khu vực bãi
cạnScarborough’ mà không bảo lưu ý kiến nào khác là ủng hộ tình trạng pháp lý
của bãi này theo quan niệm của Phi. Tức bãi này thuộc chủ quyền của Phi, được
xem là đảo, có lãnh hải 12 hải lý (và có thể có ZEE đến 200 hải lý)”.
Có
thật là quan niệm của Phi là như vậy? Trang mạng chính thức của Bộ Ngoại giao Phi,
ngày 28/4/2012, viết rõ như sau:
“As
noted, there are only about five rocks in Bajo de Masinloc that are above water
during high tide. The rest are below water during high tide. Accordingly, these
rocks have only 12 NM maximum territorial waters under Article 121 of UNCLOS”.
(Như đã nói, chỉ có khoảng 5 hòn đá ở Scarborough Reef cao hơn mặt nước lúc
thủy triều cao. Phần còn lại chìm dưới nước lúc thủy triều cao. Do đó, những
hòn này chỉ có tối đa 12 NM lãnh thủy theo quy định tại Điều 121 của UNCLOS).
Như
vậy không có chuyện rằng “theo quan niệm của Phi” thì bãi này “có thể có ZEE
đến 200 hải lý” như TNT viết.
4.
Hiểu lầm thuật ngữ “Area” (Vùng) trong UNCLOS
Nói
về câu “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyền chủ quyền và các hành động bảo vệ
quyền chủ quyền của nước Cộng hòa Philippines trong khu vực Panatag
Shoal” (“We fully support the sovereign rights of the Philippines in the
Panatag Shoal area and the Philippines’ actions to defend her sovereign
rights”) trong thư của các nhân sĩ, TNT viết:
“Trong
bộ Luật biển 1982, thuật ngữ ‘area’ được định nghĩa như sau: ‘Area’ means
the seabed and ocean floor and subsoil thereof, beyond the limits of national
jurisdiction. Được dịch ra tiếng Việt là: ‘Vùng’ là đáy biển và lòng đất
dưới đáy biển nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia; ‘Vùng – area’ ở
đây không dính dáng gì đến ‘ZEE và thềm lục địa’, đơn giản vì nó ‘nằm bên ngoài
giới hạn quyền tài phán quốc gia’.”
Ở
đây TNT đã lẫn lộn chữ “area” (không viết hoa), hiểu theo nghĩa thường ngày, là
vùng hay khu vực, và “The Area” (luôn luôn viết hoa), một thuật ngữ riêng được
định nghĩa ở ngay Điều 1 của luật biển UNCLOS là vùng biển chung của nhân loại,
nằm ngoài EEZ và thềm lục địa của bất cứ nước nào. UNCLOS dùng chữ “area” hay
“Area” theo cả hai nghĩa này, nhưng không bao giờ sợ nhầm lẫn, vì một chữ viết
hoa (và thường có chữ “The”), không có phụ từ, còn chữ kia thì viết thường và
phải có phụ từ để bổ nghĩa.
Chẳng
hạn, Điều 35 nói tới “areas of internal waters” (vùng nội thủy), Điều 51 nói về
“areas falling within archipelagic waters” (vùng nước trong quần đảo), Điều 55
định nghĩa “The exclusive economic zone is an area beyond and adjacent to the
territorial sea…” (EEZ là một vùng ở ngoài và tiếp cận lãnh hải…”). Như vậy chữ
“area” (không viết hoa) đã được UNCLOS áp dụng không những cho EEZ mà còn cho
nội thủy, chứ không phải là “không dính dáng gì đến ZEE và thềm lục địa” như
TNT viết.
5.
Lẫn lộn giữa “Chủ quyền” và “Quyền chủ quyền”
Nói
về thuật ngữ “quyền chủ quyền” (soverign rights) trong thư của các nhân sĩ, TNT
viết: “‘Quyền chủ quyền – sovereign rights’ ở đây trước hết là quyền thuộc chủ
quyền về lãnh thổ. Từ quyền chủ quyền lãnh thổ, ta có các quyền chủ quyền về
việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật
hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất
dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng
này vì mục đích kinh tế… đúng như định nghĩa của Luật biển 1982 (Điều 55, vùng
ZEE)”. Từ đó, TNT kết luận rằng lá thư đã ủng hộ chủ quyền của Phi trên lãnh
thổ Scarborugh Reef, chứ không phải là chỉ ủng hộ quyền khai thác vùng biển
quanh lãnh hải của đảo này (vốn thuộc về EEZ của Phi do chỉ cách đảo Luzon dưới
200 hải lý).
Ở
đây TNT đã lẫn lộn hai khái niệm sovereignty (chủ quyền) và sovereign
rights (quyền chủ quyền). Trong UNCLOS phân biệt hai khái niệm này rất rõ
ràng:
-
Chủ quyền (sovereignty) áp dụng cho đất, đảo và lãnh hải 12 hải lý mà thôi, như
trong Phần II Điều 2 viết: “The sovereignty of a coastal State extends, beyond
its land territory and internal waters and, in the case of an archipelagic
State, its archipelagic waters, to an adjacent belt of sea, described as the
territorial sea” (Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh
thổ và nội thủy của mình, và trong trường hợp một quốc gia quần đảo, ra ngoài
vùng nước quần đảo, đến một vùng biển tiếp liền, gọi là lãnh hải).
-
Quyền chủ quyền (sovereign rights) áp dụng cho EEZ và Thềm Lục địa, như trong
Điều 56 về EEZ ghi rõ: “In the exclusive economic zone, the coastal State has
sovereign rights for the purpose of exploring and exploiting, conserving and
managing the natural resources [...]” (Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc
gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản
lý các tài nguyên thiên nhiên [...]), và Điều 77 về TLĐ: “The coastal State
exercises over the continental shelf sovereign rights for the purpose of
exploring it and exploiting its natural resources” (Quốc gia ven biển thực hiện
các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên
thiên nhiên của mình).
Như
vậy, thư của các nhân sĩ (viết với sự đóng góp của các chuyên viên về luật
biển) rõ ràng là không đề cập đến chủ quyền của Phi trên đảo Scarlborough Reef
mà chỉ ủng hộ quyền của Phi khai thác vùng EEZ chung quanh nước này.
6.
Trích dẫn sai lạc
Thư
của các nhân sĩ viết: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyền chủ quyền và các hành
động bảo vệ quyền chủ quyền của nước Cộng hòa Philippines…”. TNT dẫn một cách
sai lạc (nhưng lại để trong ngoặc kép như thể là dẫn nguyên văn) là “ủng hộ
hoàn toàn các hành vi bảo vệ chủ quyền của Phi”. Vẫn biết TNT không phân biệt
được hai khái niệm “chủ quyền” và “quyền chủ quyền” như đã nói trên,
nhưng đã trích dẫn trong ngoặc kép mà còn trích sai thì quả là một việc không
thể chấp nhận được nếu có một chút lương tâm chức nghiệp.
7.
Không hiểu nghĩa của từ “support” (ủng hộ) trong tiếng Anh
TNT
viết: “Trong tiếng Pháp, động từ ‘supporter’ sử dụng trong trường hợp này,
không chỉ đơn thuần là ‘ủng hộ’ như trong tiếng Việt, mà còn có nghĩa là
‘prendre en charge’”. Từ đó, ông mỉa mai những người ký lá thư: “Nhưng nói cho
cùng, nếu Phi và Trung Quốc có xung đột, quí vị trí thức ký tên trong bản tuyên
bố có thể vận động quyên góp giúp phương tiện cho Phi chống Trung Quốc. Đó cũng
là một hình thức ủng hộ vậy”.
Ý
TNT nói rằng bản tiếng Anh dùng chữ “support” (“We fully support the sovereign
rights of the Philippines in the Panatag Shoal area and the Philippines’
actions to defend her sovereign rights”) là sai, vì “support” có nghĩa là ủng
hộ bằng hành động, vật thể chứ không phải chỉ bằng lời nói. TNT tưởng rằng
“support” trong tiếng Anh đồng nghĩa với “supporter” trong tiếng Pháp! Thực ra,
“support” trong tiếng Anh hay “ủng hộ” trong tiếng Việt phải dịch ra tiếng Pháp
là “soutenir”. Trong một ngữ cảnh khác, to support cũng có thể có nghĩa là hỗ
trợ, chu cấp (như trong thành ngữ “child support”), nhưng rõ ràng là không thể
hiểu vậy trong ngữ cảnh này. Ở chỗ khác TNT cũng mỉa mai: “Còn việc ‘hoàn toàn
ủng hộ các hành động bảo vệ chủ quyền’ ở đây có nghĩa là như thế nào? Nếu Phi
(hay Trung Quốc) sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp thì việc ‘ủng hộ hoàn
toàn’ sẽ được giải thích ra sao? Những người ký tên sẽ tình nguyện đi lính sang
giúp Phi?”.
Dịch
sai từ tiếng Anh sang tiếng Pháp, rồi từ đó liên tiếp mỉa mai các nhân sĩ đã ký
vào thư: không biết TNT có ý định xin lỗi họ không?
P.Q.T.
Tác
giả gửi trực tiếp cho BVN
No comments:
Post a Comment