Nhã Thuyên: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng
vấn)
05.05.2012
Bài phỏng vấn dưới đây do nhà thơ Nguyễn Thị Thanh
Bình thực hiện. Một bản câu hỏi đã được gửi đến nhiều văn nghệ
sĩ trong và ngoài nước. Tiền Vệ sẽ lần lượt đăng tải loạt bài này.
Tiền Vệ
_______
NHÃ THUYÊN: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4
Nguyễn Thị Thanh Bình: Tôi cố tình dành một khoảng
trống cho tên gọi ngày 30-4. Bạn là một cây viết cừ khôi, xin bạn thử tìm một
tên gọi khác cho ngày này, ngoài những chữ vẫn được gọi kêu thông thường như
ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen, ngày Giải Phóng hay ngày Đại Thắng Mùa Xuân...? Và
tại sao bạn lại muốn gọi như thế?
Nhã Thuyên: Nhiều ngày kỉ niệm ở Việt Nam bây giờ với
phần đông người dân bình thường, chúng đơn giản là những ngày nghỉ. Ngày 30-4
năm nay ở Việt Nam, người dân có 4 ngày nghỉ lễ, với nhiều người là dịp để vui
chơi, tụ tập bạn bè... Tôi không làm việc chính thức ở đâu nên những ngày này
với tôi cũng như những ngày khác, bận bịu với việc đọc sách, café, viết, làm
việc. Những bài học lịch sử ở trường phổ thông về “ngày giải phóng”, “chiến
dịch Hồ Chí Minh lịch sử”,... cũng như rất rất nhiều những kiến thức, nhiều quan
niệm, nhiều “giá trị” tôi chỉ còn nhìn như những cụm từ rỗng nghĩa (nhưng không
vô nghĩa). Tôi quan tâm đọc những gì mọi người viết về ngày này như một quan
tâm về lịch sử-sống, những người có kí ức về nó đang kể lại, những tâm sự của
những người chứng, là bên này hay bên kia, của bè bạn phương xa, của kẻ lạ, hay
tôi quan sát, hỏi han, lắng nghe từ những người bình thường như chú xe ôm, bà
hàng nước... Tôi cần phải học để hiểu biết về đất nước mình. Về chuyện ngày này
là ngày giải phóng hay ngày quốc hận, hay cần một cái tên khác, tôi không nghĩ
đến. Mỗi cái tên tiết lộ một cái nhìn, một định kiến, một thiên kiến. Tôi không
thể gọi tên sự vật khi tôi chưa hiểu nó tường tận ở mức độ nào đó đủ để định
danh.
Từ lâu, tôi hầu như ít xem các tin thời sự của đài truyền hình
Việt Nam hay tin thời sự trên báo chí, thay vào đó là cập nhật trên các diễn
đàn mạng, blog, facebook... tôi không nghĩ mình cần phải nghe quá nhiều những
điều không thật để biết được tình hình đất nước. Tôi nghĩ mình đã đủ ý thức về
việc cần có một nhận thức độc lập về bản thân mình, về quê hương, đất nước, về
lịch sử dân tộc mình, về thế giới xung quanh, về tất cả những gì đã và đang và
sẽ có thể diễn ra. May hay không may, tôi là kẻ hoài nghi và sớm thất vọng, và
nhờ có sách vở, bây giờ có internet, tôi đọc về lịch sử một cách tỉnh táo hơn.
Rõ ràng, (lịch sử) Việt Nam cần được biết tới với nhiều quan điểm khác hơn là
sự độc tôn của một phiên bản chính thống.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nhà thơ Nguyễn Duy ở Việt Nam,
với bài thơ “Nhìn từ xa... Tổ quốc” mà nhiều người vẫn tâm đắc, đã có lần viết
câu thơ sau đây trong bài “Đá ơi”: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến
tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Không biết bạn đồng cảm như thế
nào với thi sĩ về hai câu này, cũng như liệu bạn có thể cảm tác thêm một vài
câu “lấy liền” cho dòng thơ tháng 4 không?
Nhã Thuyên: Thành thật, tôi không đồng cảm với hai câu
thơ này. Tôi không đồng cảm được với những ngôn từ dường như viết từ một điểm
cao tít vời vợi, tôi không thấy mình tin tưởng những khái quát lớn lao. Nhân
dân là ai? Nỗi dằn vặt của một người cầm bút trước trang giấy trắng đôi khi là
một nỗi dằn vặt hão huyền. Nhưng bài “Nhìn từ xa... Tổ Quốc” là một bài thơ đã
từng làm xúc động tôi. Nó nhiều thất vọng, nhiều sám hối, nhiều đau đớn, hoài
nghi, dù cũng nuôi nấng những lạc quan... dễ dãi, buồn cười, nhưng tôi đọc được
những xúc cảm của một kẻ trong cuộc, của một người lính từng sống trong bao bọc
của người dân, từng chiến đấu với mong ước đem lại điều gì có nghĩa với họ,
từng tin tưởng, và đang phải đấu tranh với chính mình để giữ niềm tin nào đó
đặng sống trên đất nước này. Nhưng đó cũng chỉ là một góc nhìn, một cách nghĩ,
một trải nghiệm trong nhiều góc nhìn, nhiều cách nghĩ, nhiều trải nghiệm.
Nói ra ngoài chuyện đọc văn chương, thực ra, tôi không còn thói
quen đọc để tìm niềm đồng cảm, có lẽ nhu cầu đó của tôi chỉ mạnh mẽ khi còn
nhỏ, khi ở tuổi 16,17 hơn là bây giờ. Tôi đọc vì những lí do nào khác? Tôi cũng
không rõ. Nhưng mọi thứ chữ nghĩa thương vay khóc mướn, mọi thứ chữ nghĩa kêu
gọi, tuyên truyền, cổ vũ, hô hào... tôi đều rất ít nhu cầu và sự kiên nhẫn để
đọc, trừ khi tôi cần... nghiên cứu. Tất nhiên, tôi không cho nó vô nghĩa hay
không có lý do tồn tại, có thể những thứ đó cần cho những cuộc cách mạng, những
kích động tập thể, những cuộc xuống đường chẳng hạn. Nhưng với cá nhân tôi, đó
là những chữ nghĩa mang tham vọng rằng văn chương có thể là một dạng khăn mùi
xoa hay cuốc thuổng gậy gộc. Và ý nghĩa của những chữ nghĩa này nằm ở những
điều gì khác ngoài văn chương. Có lẽ tôi thuộc loài vật máu lạnh. Tôi không
nghĩ ai thay đổi được mình bằng lời nói, ngoại trừ sự tự ý thức của mình. Mọi
câu thơ tôi cảm thấy được viết với những tham vọng từ đầu của tác giả rằng sẽ
nói được cái gì đó thiết thực và có ý nghĩa thường đem lại cho tôi cảm giác xa lạ
với thơ ca.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Cứ mỗi 365 ngày, vào thời điểm
này, chúng ta lại có dịp nghe thấy hoặc chứng kiến “người anh em” trong nước
tưng bừng giăng thêm khẩu hiệu, biểu ngữ, và cờ phướn tung bay ngập lối, cùng
pháo hoa kèn trống diễn binh... như một thứ men say chiến thắng, trong khi đó ở
hải ngoại thì những người lữ thứ kỷ niệm ngày 30/4 như một tưởng nhớ đau thương
quốc hận. Như thế liệu tâm hồn bạn lúc này đang bay bổng ở đâu, khi gõ lại từng
đường dây biến cố lịch sử mỏi mòn ấy? Bạn có nhớ tại sao lúc ấy bạn quyết định
ở lại hay ra đi không?
Nhã Thuyên: Khi đọc những trang viết hoang mang và đau
đớn chuyện ra đi - ở lại của Nguyễn Mộng Giác trong bộ Mùa biển động,
và đọc Tháng ba gãy súng của Cao Xuân Huy, tôi đã rất xúc
động và tôi gắng nghĩ thêm, hình dung thêm về những ngày tháng đó. Tôi cũng
hình dung thêm về những bước chân sau khi đã lên thuyền... Tôi sinh ra vào khởi
điểm của Đổi mới ở Việt Nam, ở miền Bắc, tôi không có kí ức về chiến tranh,
thậm chí tôi cũng không có kí ức gì sâu đậm về đói nghèo, tôi chỉ đầy những
điều hoài nghi, những hoang mang, và nỗ lực lý giải. Tôi chỉ có thể suy nghĩ,
tưởng tượng từ những trải nghiệm của một đôi người thân, bạn bè, những kí ức
của người khác. Sau này tôi lần lại kí ức của mình, cũng lờ mờ hiểu thêm được
nhiều điều mà khi còn nhỏ, đó chỉ đơn giản là ngạc nhiên hoặc không hiểu. Chẳng
hạn như tại sao cả một làng theo Đạo Thiên Chúa riêng biệt ở quê tôi biến thành
một “xóm” của xã, và nhiều gia đình bỏ vào Nam sinh sống... Tôi sẽ còn phải lần
lại những kí ức của mình. Có nhiều nỗi hoang mang về bản thân, về gia đình mình
có thể lần lại trong những mối liên hệ với những câu chuyện chung của đất nước.
Khi tôi viết, câu chuyện nào cũng là riêng tư với tôi, và câu chuyện riêng tư
nào của tôi, tôi biết, cũng hằn một cái gì đó mà tôi là nạn nhân, tôi là tội
đồ, tôi là kẻ chứng.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Vào những lúc cuối đời, thường
thì trong lòng người ta vẫn dấy lên một chút lương tri đạo đức làm người gì đó,
và những câu nói sau đây của ông Võ Văn Kiệt được xem như là những điển hình
đáng ghi nhận: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng
triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của
dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Là
một người dân Việt, mà lại là một người cầm bút tử tế, bạn nghĩ chúng ta phải
làm thế nào để có thể băng bó vết thương chung của dân tộc, khi hiểm họa của
người phương Bắc càng ngày càng phủ chụp đất nước sau 37 năm Việt Nam vỗ ngực
xưng hoà bình thống nhất?
Nhã Thuyên: Tôi không nghĩ đến nhiều những gì to tát.
Tôi nghĩ về những công việc riêng, những đam mê riêng, những đóng góp mà từng
người, hay những nhóm người, những cộng đồng nhỏ có thể theo đuổi. Ở đây tôi
chỉ nói về mảng văn chương. Tôi thấy mình là kẻ mất gốc, kẻ chưa biết tin gì,
hay đang tin một cái gì thật lẻ loi, thật chỉ là của cá nhân mình thôi. Đôi khi
tôi nghĩ sống ở một đất nước mà hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, chứng kiến,
đọc, nghe, xem không biết bao điều xuẩn ngốc, đau đớn, thất vọng, văn chương là
một thứ vô ích nhất và thậm chí, một người theo đuổi văn chương lúc này như thể
là một kẻ vô trách nhiệm, một người thừa, một kẻ vứt đi. Đôi khi tôi và bạn bè
ngồi lại với nhau, bàn luận về chuyện chung, chuyện riêng, các tin chính trị, các
chuyện văn chương,.. và nói ra hay không nói ra, chúng tôi chia sẻ với nhau một
điều gần như không ai muốn ám ảnh mình, rằng bây giờ, hoặc bạn nên đi xa, sống
và làm việc ở một nơi nào khác Việt Nam để phát triển sự nghiệp cá nhân, hoặc
bạn phải thật mạnh mẽ để không nản lòng, không buông xuôi khi muốn tiếp tục
“làm” văn chương ở trong nước. Dù thế nào, cuộc sống vẫn tiếp tục ở từng số
phận riêng lẻ nhất.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nếu bảo “thất bại trong hoà
bình” mới là điều đáng lên tiếng luận bàn cho một lộ trình tương lai đất nước
khả quan hơn, thì thử hỏi bạn có dám nói, dám viết, dám kiến nghị để lương tâm
và chức năng của một người cầm bút không bị kiến cắn, kiến bò không? Và cho dẫu
bạn không hề là một trong 75 vạn người mẹ đớn đau của những người con được
phong tước anh hùng liệt sĩ gì đó, hoặc bị xem là “có nợ máu với nhân dân”, thì
liệu bạn có phải bịt tai, bịt mắt để khỏi phải nghe hay thấy những bài ca rỗng
tuếch nhai đi nhai lại ngợi ca xương máu chiến thắng?
Nhã Thuyên: Một người cầm bút theo đuổi một sự thật
nào đó của riêng mình, ngay cả với hoài nghi có cái nào đó gọi là sự thật
không. Câu hỏi về “lương tâm và chức năng của một người cầm bút” là một câu hỏi
đầy nhiệt tâm, thống thiết, nhưng có thể quan trọng, và có thể lại vô nghĩa.
Đặt ra câu hỏi này, có lẽ bởi người cầm bút thường quan hoài về “trách nhiệm”
của văn chương. Nhưng với tôi, văn chương không có trách nhiệm gì cả. Trách
nhiệm của văn chương nằm ở sự tự do của nó mà mỗi người cầm bút đạt tới theo
cách riêng. Nó phải nói, phải viết, phải kiến nghị khi nó muốn thế, cần thế,
chứ không phải nó buộc phải làm thế để xoa dịu một thứ lương tâm siêu hình nào
đó.
Đôi khi nghe những bản anh hùng ca, nhìn những khẩu hiệu, băng rôn
tuyên truyền, tôi có cảm giác không chịu nổi vì mệt mỏi, vì sự xấu xí, và phần
nhiều tôi thấy trống rỗng. Tôi không bịt tai, bịt mắt, tôi nghe và nhìn, và tôi
cần xóa bỏ những định kiến của của đôi mắt, đôi tai mình. Tôi muốn nghe, nhìn
một cách bình tĩnh, rộng rãi, kiên nhẫn.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Ông Lê Duẩn đã từng biện bạch
rằng “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải là của riêng ai”. Vậy
thử hỏi nỗi đau của “triệu người buồn” kia, cũng hệt như nỗi đau của nước sắp
mất, và (ngôi) nhà Việt Nam sắp tan, không lẽ không phải là niềm đau chung của
dân tộc? Đất nước chắc chắn nào phải của riêng ai, vậy tại sao lại chỉ có thứ
độc quyền yêu nước hay bán nước? Sự kiện tiếp tục bỏ tù những trí thức yêu nước
độc lập có phải là thái độ sợ hãi của một nhà cầm quyền chỉ muốn củng cố quyền
lực hay không? Liệu bạn có thấy phấn khởi khi giới trẻ cũng bắt đầu quan tâm và
muốn gánh vác phần nào câu chuyện lịch sử 30/4/1975 của cha ông mình?
Nhã Thuyên: Tôi nhìn giới trẻ ở Việt Nam, trong đó có
tôi, ở khía cạnh nào đó như những nạn nhân cùng lúc là những tội nhân, những kẻ
đang tham dự vào một vận động đi xuống nhìn thấy được. Không ai xóa bỏ được quá
khứ. Lịch sử đã không diễn ra theo những suy diễn, không diễn ra theo những gì
làm người ta chờ đợi hay thất vọng. Tôi cũng nghĩ về sự thay đổi thể chế ở Việt
Nam trong tương lai, nhưng tôi không biết điều gì sẽ thay đổi sau khi thay đổi
thể chế. Và nữa, đâu là căn nguyên của những sự tụt dốc? Câu chuyện về Việt Nam
hôm nay có phải chỉ là kết quả của câu chuyện lịch sử 30/4/1975 không? Có người
bạn nói với tôi rằng bây giờ ở Việt Nam, đi hay ở cũng hoang mang. Và trong cảm
giác “đi hay ở” này, dường như lịch sử đang lặp lại? Có một câu hỏi đã được đặt
ra đâu đó: Tại sao thế hệ sau phải giải quyết những nợ nần của thế hệ trước?
Giới trẻ ở Việt Nam như những gì tôi quan sát, một bộ phận lớn
đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của xã hội tiêu dùng, trở nên thực dụng, ích kỉ,
nhạt nhẽo. Một phần rất nhỏ mà tôi cảm thấy được chia sẻ, là những kẻ, dẫu
hoang mang, dẫu họ làm việc hay không làm việc trong các cơ quan nhà nước đang
nỗ lực sống và suy nghĩ độc lập, không trở thành nô lệ của những tuyên truyền
giả tạo, không tôn sùng đồng tiền như là quyền lực cao nhất. Trong văn chương
nghệ thuật, tôi hiểu rằng, kiểm duyệt của xã hội tiêu dùng với văn chương Việt
Nam hôm nay cũng khắc nghiệt không kém kiểm duyệt chính trị. Tôi muốn tin vào
một số rất ít những người viết, người đọc, một số lẻ loi bạn bè văn chương vẫn
còn hi vọng viết được gì tử tế, và họ sống “sạch” bằng lao động của mình. Khi
người ta cảm thấy mình lơ lửng trên mảnh đất mình đang đứng, có lẽ vẫn phải tin
rằng mình là một phần tử trong vũ trụ này, và mình tồn tại bởi lực hút của nó.
-------------
Đã đăng:
04.05.2012
03.05.2012
Hoàng
Chính: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Hoàng
Chính / Nguyễn
Thị Thanh Bình
03.05.2012
02.05.2012
GS
Nguyễn Ngọc Bích: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Nguyễn
Ngọc Bích / Nguyễn
Thị Thanh Bình
02.05.2012
01.05.2012
30.04.2012
Bắc
Phong: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Bắc
Phong / Nguyễn
Thị Thanh Bình
30.04.2012
Uyên
Thao: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Uyên
Thao / Nguyễn
Thị Thanh Bình
29.04.2012
Liêu
Thái: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Liêu
Thái / Nguyễn
Thị Thanh Bình
28.04.2012
Nguyễn
Viện: Những suy nghĩ về ngày 30/4 (phỏng vấn) - Nguyễn
Viện / Nguyễn
Thị Thanh Bình
28.04.2012
Cảm
tưởng về ngày 30/4 (tiểu luận / nhận định) - Nguyễn
Thị Thanh Bình
.
.
.
No comments:
Post a Comment