Wednesday, 2 May 2012

NGUYỄN TÔN HIỆT: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4




01.05.2012

Bài phỏng vấn dưới đây do nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện. Một bản câu hỏi đã được gửi đến nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước. Tiền Vệ sẽ lần lượt đăng tải loạt bài này.
Tiền Vệ
_______

NGUYỄN TÔN HIỆT: NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4

Nguyễn Thị Thanh Bình: Tôi cố tình dành một khoảng trống cho tên gọi ngày 30-4. Bạn là một cây viết cừ khôi, xin bạn thử tìm một tên gọi khác cho ngày này, ngoài những chữ vẫn được gọi kêu thông thường như ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen, ngày Giải Phóng hay ngày Đại Thắng Mùa Xuân...? Và tại sao bạn lại muốn gọi như thế?
Nguyễn Tôn Hiệt: Thú thật, tôi chẳng dám làm một cây viết “cừ khôi”, chỉ dám viết theo kiểu ăn đong qua ngày, tới đâu hay tới đó. Tôi cũng chẳng muốn đặt thêm một tên gọi nào nữa cho cái ngày đau đớn này. Để bày tỏ cảm nghĩ về ngày 30/4, tôi chỉ xin gửi đến độc giả một bài thơ tôi đã viết năm 2005:

Đứa con của cơn hảo mộng
Một cơn ác mộng lặng lẽ thụ tinh bên trong một cơn hảo mộng. Với hình thù của một quái thai, nó lớn lên rất nhanh bằng máu của mẹ nó. Trong đêm tối người ta nghe tiếng sắt thép loảng xoảng từ bên trong chiếc bụng tròn và hớn hở treo lên những lá cờ đỏ rực chuẩn bị đón chào nó ra đời. Họ bảo nhau đó là tiếng động của những nhà máy công nghiệp nặng.
Cơn hảo mộng ăn gió và hát những hùng ca để ru bào thai. Tử cung thỉnh thoảng nhói đau vì những đợt cựa mình của sinh thể bên trong, và những cạnh bén sắt thép làm ứa những giọt máu qua cửa mình bà mẹ. Người ta tranh nhau đến thấm những giọt máu ấy đem về bôi lên trán của con cháu nhà mình. Họ bảo nhau những đứa trẻ có trán đỏ sẽ là những người suốt đời được bề trên che chở.
Pháo hoa bắn ngập trời lúc cơn hảo mộng đang giãy giụa trên bàn đẻ. Một chiếc đầu kim loại bê bết máu thò ra giữa hai chân bà mẹ, cười gằn thích thú khi nghe điệu kèn trống hùng tráng của cuộc diễu binh từ ngoài đường phố vọng qua khung cửa sổ. Cơn ác mộng đạp mạnh hai chân, vọt ra khỏi lòng mẹ. Ngoài kia, lũ trẻ trán đỏ đang bồng súng đứng thẳng tắp đón chào. Cơn ác mộng mở cửa bước ra, đầu ngẩng cao, bỏ lại phía sau thân xác trắng bệch của bà mẹ đang hấp hối trong cơn băng huyết.

Nguyễn Thị Thanh Bình: Nhà thơ Nguyễn Duy ở Việt Nam, với bài thơ “Nhìn từ xa... Tổ quốc” mà nhiều người vẫn tâm đắc, đã có lần viết câu thơ sau đây trong bài “Đá ơi”: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Không biết bạn đồng cảm như thế nào với thi sĩ về hai câu này, cũng như liệu bạn có thể cảm tác thêm một vài câu “lấy liền” cho dòng thơ tháng 4 không?
Nguyễn Tôn Hiệt: Theo tôi, câu thơ: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại” thoạt nghe thì thấy được tấm lòng yêu hoà bình của tác giả, nhưng ngẫm nghĩ thì thấy đó là một lối yêu hoà bình chung chung và khá ngây thơ, thậm chí có khi nó còn được các nhà độc tài rung đùi thưởng thức, vì họ có thể dùng nó để hỗ trợ cho cái chiêu bài “ổn định để phát triển” giả dối của họ.
Thử đưa ra một trường hợp cụ thể: Dưới một chế độ độc tài vô nhân đạo như chế độ của Gaddafi ở Libya, chẳng hạn, thì suốt bao nhiêu năm qua nhân dân đã nằm ở thế thảm bại tột cùng rồi. Nếu năm ngoái họ không vùng dậy liều chết gây chiến với Gaddafi, thì chắc chắc họ không thể nào giành lại được tự do và quyền làm người. Cũng vậy, suốt mấy thập niên qua, ở các nước Việt Nam, Trung quốc, Bắc Hàn, Cuba, Miến Điện..., chẳng có cuộc chiến tranh nào, nhưng nhân dân đều bại, càng ngày càng thảm bại. Vì vậy, thực tế hơn, có lẽ ta nên nói: “Nghĩ cho cùng dưới mọi chế độ độc tài / Nhân dân không đứng lên, thì nhân dân đều bại.”

Nguyễn Thị Thanh Bình: Cứ mỗi 365 ngày, vào thời điểm này, chúng ta lại có dịp nghe thấy hoặc chứng kiến “người anh em” trong nước tưng bừng giăng thêm khẩu hiệu, biểu ngữ, và cờ phướn tung bay ngập lối, cùng pháo hoa kèn trống diễn binh... như một thứ men say chiến thắng, trong khi đó ở hải ngoại thì những người lữ thứ kỷ niệm ngày 30/4 như một tưởng nhớ đau thương quốc hận. Như thế liệu tâm hồn bạn lúc này đang bay bổng ở đâu, khi gõ lại từng đường dây biến cố lịch sử mỏi mòn ấy? Bạn có nhớ tại sao lúc ấy bạn quyết định ở lại hay ra đi không?
Nguyễn Tôn Hiệt: Cách đây 18 năm, tôi có viết một bài thơ nhân ngày 30/4/1994. Hôm nay, đọc lại, tôi vẫn thấy tâm trạng y như vậy. Tôi xin dùng bài thơ ấy thay cho câu trả lời. [Mời các bạn bấm vào đây để đọc “Hai khúc bi ca và lời đồng vọng”]
Sau 30 tháng Tư 1975, tôi luôn luôn tìm cách thoát ra khỏi nước. Trước khi thoát được, tôi đã bị bắt giam nhiều lần và đã cùng nhà thơ Võ Quốc Linh, một người bạn chí thân của tôi, trải qua hơn 5 năm trong các nhà giam và “trại cải tạo” vì các tội “tổ chức vượt biển trốn ra nước ngoài, ôm chân đế quốc phản động”, vân vân. Sau 27 lần vượt biển thất bại, lần thứ 28 tôi đã thoát được trên một chiếc ghe nhỏ cùng với một nhóm bạn vào sáng sớm ngày 20/5/1983 từ bờ biển Nha Trang. Sau một tuần lênh đênh trên biển và thoát chết qua một cơn dông dữ dội, chúng tôi được tàu đánh cá của Philippines cứu vớt. Lý do tại sao tôi ra đi thì cũng giống như lý do của hàng triệu thuyền nhân tỵ nạn đã tìm được tự do hay đã bỏ xác trong lòng biển. Những năm ấy có người đã nói: “Nếu những cột đèn biết đi, thì chúng cũng ra đi.” Đó là một câu nói rất hay.
Ngày 30/4/2005 tôi có viết bài thơ “Tương lai đã quá cũ” để diễn tả cảm tưởng của tôi trong những ngày còn ở Việt Nam, những ngày phải sống như người bị bịt miệng và phải lắng nghe những lời hứa hẹn dối trá không ngừng từ những chiếc loa sắt trên một đoàn tàu sắt bít bùng đang chạy về một vực thẳm không có tương lai. [Mời các bạn bấm vào đây để đọc bài thơ “Tương lai đã quá cũ”]

Nguyễn Thị Thanh Bình: Vào những lúc cuối đời, thường thì trong lòng người ta vẫn dấy lên một chút lương tri đạo đức làm người gì đó, và những câu nói sau đây của ông Võ Văn Kiệt được xem như là những điển hình đáng ghi nhận: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Là một người dân Việt, mà lại là một người cầm bút tử tế, bạn nghĩ chúng ta phải làm thế nào để có thể băng bó vết thương chung của dân tộc, khi hiểm họa của người phương Bắc càng ngày càng phủ chụp đất nước sau 37 năm Việt Nam vỗ ngực xưng hòa bình thống nhất?
Nguyễn Tôn Hiệt: Tôi nghĩ, để “băng bó vết thương chung của dân tộc” thì, trước hết, ta không nên nhầm lẫn nó với những chiêu bài “hoà giải hoà hợp” giả hiệu. Không thể “băng bó vết thương chung của dân tộc” bằng cách tự đánh thuốc mê, tự chích thuốc tê, tự tẩy trắng mọi ký ức đau thương, khi vết thương thật sự vẫn còn nguyên trong tâm hồn và trên thể xác của biết bao người. Không thể “băng bó vết thương chung của dân tộc” khi những kẻ gây ra vết thương ấy không hề biết nhận lỗi, không hề biết sửa đổi, mà cứ tiếp tục dối trá, cứ tiếp tục tạo ra những tội ác mới, những sai lầm mới, cứ tiếp tục ca múa, giăng cờ, cụng ly trên chính vết thương ấy. Để “băng bó vết thương chung của dân tộc” thì trước hết những kẻ gây tội ác phải từ bỏ quyền lực, nhà cầm quyền gây tội ác phải được giải nhiệm; sau đó, một Uỷ ban Sự thật và Hoà giải (Truth and reconciliation commission) được thành lập để xác định và trình bày công khai những sự thật về các tội ác và các hành vi sai lầm của nhà cầm quyền trong quá khứ; kế đến là việc xử lý các tội ác và các hành vi sai lầm ấy ở những mức độ khác nhau, bằng pháp luật, bằng những lời xin lỗi chân thành và bằng sự bồi thường cho các nạn nhân.
Về chuyện “hoà giải hoà hợp” giả hiệu, tôi có viết một bài thơ nhan đề “Hoà giải” vào ngày 30/4 năm ngoái. [Mời các bạn bấm vào đây để đọc bài thơ “Hoà giải”]

Nguyễn Thị Thanh Bình: Nếu bảo “thất bại trong hòa bình” mới là điều đáng lên tiếng luận bàn cho một lộ trình tương lai đất nước khả quan hơn, thì thử hỏi bạn có dám nói, dám viết, dám kiến nghị để lương tâm và chức năng của một người cầm bút không bị kiến cắn, kiến bò không? Và cho dẫu bạn không hề là một trong 75 vạn người mẹ đớn đau của những người con được phong tước anh hùng liệt sĩ gì đó, hoặc bị xem là “có nợ máu với nhân dân”, thì liệu bạn có phải bịt tai, bịt mắt để khỏi phải nghe hay thấy những bài ca rỗng tuếch nhai đi nhai lại ngợi ca xương máu chiến thắng?
Nguyễn Tôn Hiệt: Lúc nãy, tôi đã nói: “Nghĩ cho cùng dưới mọi chế độ độc tài / Nhân dân không đứng lên, thì nhân dân đều bại.” Các chế độ độc tải đều thích trông thấy nhân dân mãi mãi “thất bại trong hòa bình”. Vì thế, tôi không tin vào cái gọi là “thất bại trong hòa bình”. Đấu tranh bất bạo động thì vẫn là một cuộc chiến không đổ máu, và đã đấu tranh thì phải thành công, chứ không thể “thất bại trong hòa bình”.
Một nhà thơ / nhà văn không có một tấc sắt trong tay, thì viết và nói lên sự thật là điều cần làm hàng ngày. Ngày nào còn sống, thì còn lắng nghe, còn quan sát, chứ “bịt tai, bịt mắt để khỏi phải nghe hay thấy” thì sống như một cục thịt chứ đâu phải sống như một con người.
Trong tình trạng hiện tại của đất nước thì tôi không đồng ý với chữ “kiến nghị”, vì đối với một nhà cầm quyền không chịu lắng nghe sự thật, thì mọi thứ kiến nghị đều vô ích, họ đã vất và sẽ vất mọi thứ kiến nghị vào sọt rác. Hơn thế nữa, không ai lại đi dâng “kiến nghị” lên một nhà cầm quyền mà mình không công nhận, không tin tưởng. Thay vì “kiến nghị”, hãy viết các kháng thư và truyền bá các kháng thư rộng rãi đên dư luận của thế giới.

Nguyễn Thị Thanh Bình: Ông Lê Duẩn đã từng biện bạch rằng “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải là của riêng ai”. Vậy thử hỏi nỗi đau của “triệu người buồn” kia, cũng hệt như nỗi đau của nước sắp mất, và (ngôi) nhà Việt Nam sắp tan, không lẽ không phải là niềm đau chung của dân tộc? Đất nước chắc chắn nào phải của riêng ai, vậy tại sao lại chỉ có thứ độc quyền yêu nước hay bán nước? Sự kiện tiếp tục bỏ tù những trí thức yêu nước độc lập có phải là thái độ sợ hãi của một nhà cầm quyền chỉ muốn củng cố quyền lực hay không? Liệu bạn có thấy phấn khởi khi giới trẻ cũng bắt đầu quan tâm và muốn gánh vác phần nào câu chuyện lịch sử 30/4/1975 của cha ông mình?
Nguyễn Tôn Hiệt: Những câu hỏi của chị đã tự trả lời rồi. Riêng đối với câu hỏi “Liệu bạn có thấy phấn khởi khi giới trẻ cũng bắt đầu quan tâm và muốn gánh vác phần nào câu chuyện lịch sử 30/4/1975 của cha ông mình?” thì tôi xin trả lời rằng, theo sự quan sát của tôi, những người trẻ “bắt đầu quan tâm và muốn gánh vác...” chiếm một tỷ lệ khá nhỏ trong giới trẻ ở Việt Nam hiện nay. Tôi thấy phần đông giới trẻ ở Việt Nam hiện nay biểu lộ một thái độ sống thực dụng, ích kỷ, cơ hội chủ nghĩa, và thậm chí vô cảm đối với nỗi đau của đồng bào. Ngay trong lúc này, trên các diễn đàn xã hội, tôi thấy phần đông giới trẻ biểu lộ sự thờ ơ đối với những sự kiện gần đây nhất như vụ Tiên Lãng và vụ Văn Giang, chẳng hạn. Thậm chí có nhiều người còn ra sức bênh vực cho những tội ác và những điều sai trái của nhà cầm quyền. Tuy nhiên, tôi hy vọng cái thiểu số có ý thức và có tấm lòng sẽ càng ngày càng vững mạnh hơn và tạo ảnh hưởng đến bạn bè cùng lứa tuổi của họ.

-------------

Đã đăng:

30.04.2012
30.04.2012
29.04.2012
28.04.2012

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats