Nguyễn Trần Sâm
Ở những quốc gia nơi có một người hoặc một nhóm người thao túng toàn bộ xã
hội và độc quyền về chân lý, số phận dành cho những trí thức chân chính bao giờ
cũng rất nghiệt ngã. Liên Bang Soviet, quốc gia mà hàng trăm triệu người
trên Trái Đất đã từng coi như thiên đường, cũng không phải là ngoại lệ. Biết
bao những người con ưu tú, những bộ óc lỗi lạc đã chịu số phận đầy cay đắng. Để
khỏi phải chịu tai họa, người trí thức nhiều khi buộc phải sống trái với lòng mình.
Cũng có những kẻ vì không thắng nổi sự đố kỵ mà đã lợi dụng sức mạnh của giới
cầm quyền để hãm hại những người bạn, thậm chí thầy của mình, để ngoi lên những
vị trí có ảnh hưởng trong giới khoa học.
Bài viết này nói về thân thế và sự nghiệp của Nikolay Nikolayevich LUZIN,
người sáng lập trường phái Toán Học Hiện Đại ở Moskva mà có giai đoạn đã bị đấu
tố bởi chính những học trò của mình vì những lý do không xứng đáng và mang màu
sắc chính trị. Cũng vì những lý do tầm thường như vậy mà người đã từng là thầy
của chính ông, giáo sư D. Yegorov, còn bị chết tại nơi lưu đày.
Nikolay Nikolayevich Luzin
Nikolay Nikolayevich Luzin sinh ngày 9 tháng 12 năm 1883 tạiIrkutsk(vùng
Đông Sibir của nước Nga). Khoảng năm 1894, gia đình ông chuyển đến Tomsk (Tây
Sibir) để cậu bé Kolya (tức N. N. Luzin) có điều kiện đi học. Ở trường, người
ta phát hiện ra rằng Kolya là một cậu bé nhút nhát và học kém môn Toán. Tuy
nhiên, khi gia đình nhờ đến một sinh viên kèm cặp Kolya thì cậu sinh viên này
lại phát hiện ra rằng Kolya rất thông minh và thường tìm ra những cách giải
toán độc đáo.
Khi N. N. Luzin tốt nghiệp phổ thông, gia đình lại chuyển chỗ ở, lần này
là về Moskva để Kolya có thể học đại học. Trong thời gian học đại học, N. N.
Luzin đã cưới Nadezhda Mikhaylovna Malygina, người chung sống với ông suốt cuộc
đời, cho đến khi ông tạ thế vào năm 1950.
Ở trường đại học,N. Luzin là sinh viên loại trung bình. Tuy nhiên, đối
với những vấn đề mà ông quan tâm thì ông đọc rất nhiều tài liệu và tự tìm cách
giải quyết. Năng lực của N. Luzinđã làm cho giáo sư D. Yegorov chú ý, và ông đã
tìm cách giữ được Luzin ở lại trường.
Từ năm 1911 đến 1914, N. Luzin được cử sang Göttingen (Đức), khi đó là
trung tâm khoa học hàng đầu của toàn thế giới, để tu nghiệp. Trở về Moskva được
chừng một năm thì ông hoàn thành bản luận văn bậc magister (có lẽ trung gian
giữa bậc thạc sĩ và tiến sĩ hiện nay) với tên gọi “Tích phân và chuỗi lượng
giác”. Bản luận văn là cả một cuốn sách dày, hầu như không có những kết quả
được chứng minh chi tiết. Tuy nhiên, nó đầy những kết quả mới lạ mà hầu hết
được N. Luzin chứng minh sơ sài hoặc chỉ được nêu kèm theo những nhận xét như
“tôi cảm thấy” hoặc “tôi tin rằng”. Khi đọc một bản luận văn như vậy, hầu như
bất kỳ chuyên gia nào cũng sẽ muốn quẳng nó đi. Người phản biện, V. Steklov,
bấy giờ là viện trưởng Viện Toán Học của Nga (Sa hoàng) đã chê bản luận văn hết
lời và gọi nó là “trò rác rưởi Göttingen”, đồng thời yêu cầu không cho tác giả
bảo vệ nó. Mặc dù vậy, giáo sư D. Yegorov đã nhận ra rằng bản luận văn đó đã
phác thảo cả một lĩnh vực nghiên cứu rất rộng lớn, và ông cũng dự cảm thấy rằng
những định lý mà N. Luzin chưa chứng minh được là đúng, và đến lúc nào đó sẽ có
người chứng minh chúng một cách chi tiết. Và tại Moskva, người ta chẳng những
đã cho N. Luzin bảo vệ, mà còn phong thẳng cho ông học vị tiến sĩ (ngang với
tiến sĩ khoa học ngày nay).
Trong những năm sau đó, quả thật hầu hết những định lý mà N. Luzinnêu ra
trong bản luận văn đã được chính ông hoặc các học trò chứng minh.
Vào những năm cuối thập niên 1910 bắt đầu hình thành “Luzitania” – trường
phái toán học do N. Luzin chỉ đạo. Những học trò đầu tiên tạo thành “hạt nhân”
của Luzitania gồm có những người mà hầu hết sau này trở thành những nhà toán
học nổi tiếng thế giới, những viện sĩ hoặc viện sĩ thông tấn của Viện Hàn Lâm
Khoa Học Liên Xô: P. Aleksandrov, M. Suslin, D. Menshov, A. Khinchin, P.
Urysson, A. Kolmogorov, L. Lyusternik, L. Shnirelman,… Luzitania nhanh chóng
trở thành một trung tâm có phát minh liên tục, cạnh tranh được với những trung
tâm toán học hàng đầu thế giới như Göttingen,Paris,…
Giai đoạn 1922 – 1926 là giai đoạn phát triển rực rỡ của Luzitania. Nhiều
hướng nghiên cứu của trường phái này xoay quanh các bài giảng của N. Luzin. Cần
nói rằng N. Luzin chuẩn bị bài giảng rất sơ sài, và nội dung cũng như phương
pháp truyền đạt chúng thì không theo một chuẩn mực nào. Ngoài ra, ông thường
xuyên đến lớp học muộn giờ, bắt học trò phải chờ. Tuy vậy, các học trò của ông
luôn đến đúng giờ, và trong khi chờ thầy, họ đứng ngoài hành lang chuyện trò,
chủ yếu về các vấn đề toán học.
Trong bài “Nikolay Nikolayevich Luzin” viết cho tạp chí “Uspekhi
matematicheskikh nauk” nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh N. Luzin, M. Lavrentyev
kể:
Có lần, trong ba buổi liền, N.
Luzin cố chứng minh một định lý mà ông vừa phát biểu. Trong khi ông chưa chứng minh
được thì mọi học trò đều tự thử sức để chứng minh. Sang đầu buổi thứ tư thì
chính Luzin xây dựng một ví dụ chứng tỏ rằng định lý đó sai. Với cách dạy như
vậy, ông có thể bị nhiều người quy kết là tùy tiện, làm phí thời gian của học
viên. Tuy nhiên, chính cách dạy đó đã huy động tối đa khả năng sáng tạo của tất
cả những người trong cuộc, nhanh chóng biến họ thành những nhà nghiên cứu thực
thụ. Cố nhiên, muốn dạy được theo cách đó thì chính người thầy phải đứng ở ngọn
nguồn của những phát minh mới và học trò cũng phải là những người khát khao
sáng tạo.
Những thành viên của Luzitania tôn thờ hai vị đứng đầu: “Chúa Cha”
Yegorov và “Chúa Con” Luzin. Những ai mới đến cũng đều nhanh chóng nhận ra rằng
vai trò chính thuộc về N. Luzin. Tuy nhiên, họ vẫn giữ lệ mỗi năm đến thăm nhà
D. Yegorov ba lần vào các ngày lễ. Thái độ của họ tại nhà Yegorov thường là tỏ
ra tôn kính. Với N. Luzin thì hoàn toàn thoải mái: bản thân Nikolay
Nikolayevich liên tục pha trò, đùa cợt với các học viên theo cách hoàn toàn
bình đẳng. Các trợ thủ đắc lực của N. Luzin gồm có V. V. Stepanov và hai người
có tên viết tắt P. S. là Pavel Sergeyevich Aleksandrov và Pavel Samuilovich
Urysohn, những người được gọi đùa là “PSy” (chó đực!).
Có lần, 20 học viên đến nghe N. Luzin giảng bài. Họ chờ một giờ liền, sau
đó bảo nhau đến tìm N. Luzin tại nhà. Đến nơi thì vợ ông nói ông vừa bị một cô
gái bắt cóc đến Maly Teatr (Nhà hát nhỏ). Cả nhóm nổi điên, đặc biệt là các nữ
học viên – họ đều thực sự mê thầy. Họ kéo nhau đến nhà hát, mua 2 chiếc vé rồi
dùng chiến thuật hai vào, một ra với cả hai vé, cuối cùng cả 20 người đều vào
được nhà hát. Đợi lúc giải lao, họ lôi Luzin ra và “trừng phạt” ông bằng cách
đồng thanh hát bài “Luzitania ca”, sau đó kéo nhau đến quảng trường Arbat nhảy
múa.
Không thể kể hết những trò vui nhộn, cách sống và xử sự thực sự tự do
cùng với phong cách làm việc hết mình và vô cùng hiệu quả ở Luzitania. Chỉ cần
điểm qua hàng chục tên tuổi những người đã từng qua Luzitania và trở nên nổi
tiếng thế giới thì cũng đã thấy vai trò của N. Luzin đối với Toán Học Nga và
Soviet to lớn đến mức nào. Ngay cả một số người sau này trở mặt với Luzin vì
những lý do này nọ cũng không phủ nhận được điều này. Bản thân N. Luzin thì năm
1927 được bầu làm viện sĩ thông tấn, và năm 1929 trở thành viện sĩ chính thức
kiêm trưởng ban Toán của Viện Hàn Lâm Khoa Học Toàn Nga.
Nikolay Nikolayevich Luzin mất ngày 28 tháng Giêng 1950 tại Moskva.
Vụ án chống Luzin
Vụ việc này diễn ra từ năm 1936, và nó đã làm cho 14 năm cuối của cuộc đời
nhà khoa học lỗi lạc, đã cống hiến toàn bộ khả năng sáng tạo của mình cho dân
tộc và cho nhân loại, trở nên u ám. Thế mà nó chỉ được phanh phui sau 63 năm kể
từ ngày xảy ra.
S. Kutateladze, tác giả bài “The Tragedy of Mathematics in Russia” (Bi kịch của nền Toán Học Nga) đăng trong Preprint số 188
của Viện Toán Học tại Novosibirsk, viết:
“Năm 1999, nước Nga bị chấn
động vì sự xuất hiện của cuốn sách “Vụ án viện sĩ Nikolay Nikolayevich Luzin”.
Lần đầu tiên toàn bộ văn bản lưu về các cuộc họp của Ủy Ban của Viện Hàn Lâm
Khoa Học Liên Xô về vụ việc này đã được công bố…
Ủy Ban đã được thành lập sau
khi xuất hiện bài viết “Về những kẻ thù khoác mặt nạ soviet” trên báo “Pravda”
ngày 3 tháng Bảy năm 1936. Trong bài viết này, Luzin bị buộc đủ mọi thứ tội
trạng mà người ta có thể nghĩ ra về một nhà khoa học. Ông được mô tả như một kẻ
vừa dơ bẩn về đạo đức và không trung thực trong khoa học, vừa giấu kín sự thù
địch đối với toàn bộ xã hội Soviet. “Ông ta cho in ấn những thứ giả khoa học,
lấy phát minh của học trò làm thành tựu của mình, có những ý đồ đen tối, háo
danh và cao ngạo, và có lẽ còn mang cả tư tưởng phát-xít nữa.”
… Về bài báo này và về việc đập tan “bọn Luzin”, tất cả các nhà khoa học
thế hệ trước đều biết rõ. Không ai nghi ngờ rằng việc khởi động chiến dịch thóa
mạ Luzin được thực hiện bởi bộ máy đàn áp của đảng CSLX. Tại hậu trường của
chiến dịch thấp thoáng bóng dáng của L. Mekhlis và E. Kolman, những đại diện
tiêu biểu của bộ máy đàn áp thời Soviet. Người thứ nhất thời đó là tổng biên
tập báo đảng “Pravda”, còn người thứ hai là trưởng phòng khoa học của đảng bộ
Đảng Cộng Sản Toàn Nga (Bolshevik) tại Moskva.
Vụ Luzin trong nhiều năm được coi là nằm trong bối cảnh chung của những
tội trạng thời toàn trị Stalinist. Việc công bố hồ sơ lưu đã làm lộ ra một tình
trạng đã bị che giấu: trong số những kẻ hăng hái trong việc khủng bố tư tưởng
đối với Luzin có những học trò của ông. Thủ vai chính trong số họ là P.
Aleksandrov, thủ lĩnh của trường phái Topologia Moskva.
S. Novikov từng viết:
“Việc điều tra được thực hiện
bởi đức cha (có lẽ cùng với cả Lyusternik và Lavrentyev, người biết rõ những
nhóm người trong đảng). Họ đã phát hiện ra rằng P. Aleksandrov từng viết một
bức thư cho một nhân vật có thế lực là Khvorostin để nói xấu Luzin. Khvorostin
làm việc ởSaratovvà có nhiều mối quan hệ với trung ương đảng. Ông ta ghét Luzin
– đây là điều rõ ràng. Ông ta, như những người điều tra cho biết, đã đưa hồ sơ
cho ban chấp hang trung ương và chủ trương viết bài báo. Pavel Sergeyevich
(Aleksandrov) thực sự là một tay kích có hạng!”
Luzin rất bất bình về việc P. Aleksandrov phủ nhận công lao của ông trong
lý thuyết các tập hợp giải tích. (…) Những tập hợp này thường được gắn với tên
tuổi Aleksandrov và Suslin và được gọi là A-tập-hợp hay tập hợp Suslin.
Tham gia tích cực vào các phiên họp của Ủy Ban luận tội Luzin có A.
Kolmogorov, L. Lyusternik, A. Khinchin, L. Shnirelman. Các thành viên Ủy Ban là
S. Sobolev, O. Schmidt cũng rất nhiệt thành ủng hộ việc tấn công Luzin. Lên
tiếng bảo vệ Luzin có A. Krylov và S. Bernstein.
Mục cuối cùng trong kết luận của Ủy Ban viết:
“Tất cả những điều trình bày ở
trên đã thâu tóm rất nhiều tư liệu có trong Viện Hàn Lâm và hoàn toàn khẳng
định tính cách của Luzin như trong bài viết trên báo “Pravda”.”
Tất cả những người tham gia
vào các biến cố năm 1936 đã rời bỏ thế giới này. Rõ ràng họ không biết rằng các
văn bản về những phiên họp này vẫn được lưu giữ. Ngày nay, chúng ta biết chính
xác về các chi tiết đã diễn ra trong Ủy Ban cũng như chung quanh nó. Giới Toán
Học hiện đang phải chịu đựng sự việc này một cách đau lòng và đang xem xét lại
vai trò của những người học trò của Luzin trong việc tổ chức hành hạ ông về
chính trị.”
Tuy nhiên, cũng có nhiều người phản đối việc trù dập N. Luzin. Trong số
đó có P. Novikov, M. Lavrentyev, V. Vernadsky, A. Krylov, S. Bernstein, nhà vật
lý P. Kapitsa, nhà toán học Ba Lan V. Sierpinski, các nhà toán học Pháp H.
Lebesque và A. Denjoy,…
S. Kutateladze viết tiếp:
“Nếu Luzin có lỗi thì lỗi đó
thuộc về mối quan hệ thầy-trò. Không có bằng chứng nào về việc ăn cắp công
trình. Việc buộc tội ông đã gán công trình của mình cho H. Lebesque hay của
Suslin cho chính mình chỉ là sự thêu dệt thô thiển.
… Dù sao thì cũng không thể
không nói đến xung đột thế hệ giữa Luzin và những học trò thành công nhất của
ông. Có thể đoán rằng Luzin đã không công bằng khi trích dẫn các công trình của
học trò và có thể ông cũng không giỏi trong việc khắc phục những khó khăn khi
giải quyết một số vấn đề toán học. Cũng có thể đoán rằng ông đã có thái độ hai
mặt trong việc bầu P. Aleksandrov vào Viện Hàn Lâm, mặc dù đã có thư của A.
Kolmogorov gửi cho ông đề nghị ủng hộ P. Aleksandrov. Nhưng chẳng lẽ việc này
lại gây ra thảm kịch hay sao? Và chẳng lẽ đây là bản chất của vụ án Luzin?”
Để khép tội N. Luzin, một số người luôn xoáy vào việc N. Luzin có thái độ
khó chịu đối với người học trò sắc sảo nhất là M. Suslin, để đến mức anh này
phải bỏ đi, rồi sống trong túng thiếu, bệnh tật và cuối cùng thì chết sớm.
Một việc khác cũng được họ tận dụng là N. Luzin thích công bố công trình
ở một vài nước phương Tây. Họ dựa vào đó để quy kết là N. Luzin có lập trường
tư sản, thậm chí phát-xít. Còn trong biên bản ghi chép chi tiết các ý kiến
trong những cuộc họp của Ủy Ban Viện Hàn Lâm về vụ việ cN. Luzi nthì chỉ thấy
rõ rằng người ta đã cố ép N. Luzin phải nhận những tội mà không hề có bằng
chứng, còn khi ông không chịu nhận thì người ta cứ kết luận theo một ý đồ đã
sắp sẵn từ trước.
Nhưng dù sao cũng phải thừa nhận rằng N. Luzin, vì một lý do gì đó, đã
gặp may: ông không phải chịu trách nhiệm hình sự, thậm chí không bị loại khỏi
Viện Hàn Lâm, mà chỉ mất chức trưởng ban Toán của Viện. Trong khi đó, chỉ vì lý
do không phải người vô thần mà người thầy cũ của ông, giáo sư D. Yegorov, đã bị
bắt và bị lưu đày đến chết.
Tuy vậy, N. Luzin cũng phải rời bỏ cương vị giáo sư tại Đại học tổng hợp
Moskva, và gần như bị “vô hiệu hóa” trong những sinh hoạt toán học của Viện Hàn
Lâm.
NGUYỄN TRẦN SÂM
No comments:
Post a Comment