Saturday, 26 May 2012

HIỂU THẾ NÀO VỀ NỘI DUNG CỦA BẢN TUYÊN BỐ ỦNG HỘ PHILIPPINES TRONG TRANH CHẤP TRUNG - PHI TẠI BÃI CẠN SCARBOROUGH ? (Trương Nhân Tuấn)




Trương Nhân Tuấn
Thứ Bảy, 26/05/2012

Tin liên quan:




Sau khi một số trí thức Việt Nam viết tuyên bố ủng hộ Phi Luật Tân trong tranh chấp Trung-Phi tại bãi cạn Scarborough, đăng trên trang Bô-Xít ngày 25-5-2012, tôi có viết bài "Về bản lên tiếng ủng hộ Phi Luật Tân trong vấn đề tranh chấp bãi cạn Scarborough" đăng trên Dân Luận nhằm phê bình bản lên tiếng này. Ý kiến của tôi trong bài là:
1/ Thái độ của các trí thức qua bản tuyên bố là một "nghĩa cử đẹp".
2/ Tiếc là trong bản tuyên bố các tác giả không đưa được tranh chấp Hoàng Sa vào chung với tranh chấp tại bãi cạn Scarborough, đưa hai tranh chấp này vào tranh chấp biển Đông, dưới ảnh hưởng ASEAN.
3/ Đặt vấn đề về việc "ủng hộ hoàn toàn - fully support" "các hành động bảo vệ quyền chủ quyền của nước Cộng hòa Philippines trong khu vực Panatag Shoal" của các nhà trí thức này.

Hôm nay tôi đọc được bài của tác giả Dương Danh Huy "Gửi thư ủng hộ Philippines: nên hay không?" đăng trên trang Bô-Xít. Tựa đề bài viết như muốn trả lời một câu hỏi. Nhưng thực ra việc "nên hay không" chỉ là cái cớ để tác giả nói lại cho rõ lại thế nào là "quyền chủ quyền của Phi trong khu vực Panatag Shoal".

Theo tác giả Dương Danh Huy, ý nghĩa của câu "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyền chủ quyền và các hành động bảo vệ quyền chủ quyền của nước Cộng hòa Philippines trong khu vực Panatag Shoal" trong bản tuyên bố được giải thích:
... “quyền chủ quyền trong khu vực bãi cạn Scarborough” (một cụm thuật ngữ ám chỉ về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) là khác với “chủ quyền tại bãi cạn Scarborough” (ám chỉ về các mỏm đá cao hơn mặt nước và lãnh hải 12 hải lý của chúng)… nó không ủng hộ chủ quyền của bên nào đối với các mỏm đá cao hơn mặt nước và lãnh hải 12 hải lý của chúng, nhưng nó ủng hộ quyền chủ quyền của Phi trong khu vực, tức là cho rằng vùng đặc quyền kinh tế trong khu vực đó thuộc về Philippines.
Trên phương diện pháp lý, có thể giải thích… với lập luận vùng đặc quyền kinh tế trong khu vực đó thuộc về đảo Luzon của Philippines thay vì thuộc về các mỏm đá cao hơn mặt nước tại bãi cạn Scarborough, bất kể nước nào có chủ quyền đối với các mỏm đá đó."

Tức việc: "hoàn toàn ủng hộ quyền chủ quyền của Phi trong khu vực bãi cạn Scarborough" là ủng hộ "vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa" của Phi tại đảo Luzon. Không có việc ủng hộ chủ quyền của Phi tại bãi cạn Scarborough.

Tôi thấy lối giải thích này hết sức tùy tiện.
Ta phải biết Phi đã có quan niệm thế nào về tình trạng pháp lý của bãi cạn Scarborough?
Theo bộ luật SB 2699 về đường cơ sở của Phi, được Thượng viện thông qua ngày 28-1-2009, theo đó bãi cạn Scarbourough được hưởng qui chế "regime of islands", tức có hiệu lực như là "đảo" theo Luật biển 1982.

Hình: sơ đồ đường cơ bản của Phi theo luật SB 2299. Theo đó bãi cạn Scarborough và các đảo TS có qui chế đảo “regime of islands” theo luật Biển 1982.

Nếu ta có ý muốn nói khác, tức chỉ ủng hộ vùng ZEE của Phi từ đảo Luzon, thì trong văn bản phải cần ghi cho rõ. Khi nói "ủng hộ quyền chủ quyền của Phi trong khu vực bãi cạn Scarborough" mà không bảo lưu ý kiến nào khác là ủng hộ tình trạng pháp lý của bãi này theo quan niệm của Phi. Tức bãi này thuộc chủ quyền của Phi, được xem là đảo, có lãnh hải 12 hải lý (và có thể có ZEE đến 200 hải lý).

Mặt khác, về định nghĩa thuật ngữ "vùng – area". Trong văn bản thì viết: “Quyền chủ quyền trong khu vực (area) bãi cạn Scarborough”, trong bài này thì viết: "vùng (zone) đặc quyền kinh tế và thềm lục địa". Khu vực hay vùng? Area hay zone?

Nguyên bản tiếng Anh: We fully support the sovereign rights of the Philippines in the Panatag Shoal area and the Philippines’ actions to defend her sovereign rights. Tiếng Việt: Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyền chủ quyền và các hành động bảo vệ quyền chủ quyền của nước Cộng hòa Philippines trong khu vực Panatag Shoal.
Chữ "khu vực" trong tiếng Việt như thế tương ứng với chữ "area" trong tiếng Anh.

Trong bộ Luật biển 1982, thuật ngữ "area" được định nghĩa như sau:
"Area" means the seabed and ocean floor and subsoil thereof, beyond the limits of national jurisdiction;. Được dịch ra tiếng Việt là: “Vùng” là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia;
“Vùng - area” ở đây không dính dáng gì đến “ZEE và thềm lục địa”, đơn giản vì nó “nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia”.

Trong khi "vùng đặc quyền kinh tế - exclusive economic zone", "vùng" ở đây là "zone" (gồm cột nước biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển).

Người ta nói “vùng – zone” để chỉ "vùng kinh tế độc quyền" chứ không dùng “vùng - area”. Do đó nói “khu vực (area) bãi cạn Scarborough” là nói “vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” tính từ đảo Luzon thì hoàn toàn không thuyết phục.

Thử xem thí dụ: "quyền chủ quyền của Việt Nam tại vùng đảo Phú Quốc". Ta nói ở đây là nói về "vùng đặc quyền kinh tế về thềm lục địa" của bờ biển Việt Nam hay là nói về "quyền chủ quyền" của Việt Nam tại đảo Phú Quốc?
"Quyền chủ quyền - sovereign rights" ở đây trước hết là quyền thuộc chủ quyền về lãnh thổ. Từ quyền chủ quyền lãnh thổ, ta có các quyền chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế... đúng như định nghĩa của Luật biển 1982 (điều 55, vùng ZEE).

Vì thế ta không thể nhập nhằng, diễn giải tùy hứng, "Quyền chủ quyền - sovereign rights – của Phi trong khu vực Scarborough" thành ra “quyền chủ quyền vùng ZEE của đảo Luzon” được.

Trong một văn bản quan trọng, các tác giả là những "éminences grises" của Việt Nam, ta có thể giải thích nội dung một cách tùy tiện hay không?

Các trí thức ký tên vào bản tuyên bố có đồng ý với lối giải thích này của ông Dương Danh Huy hay không?

Trong khi đó, nếu ta ủng hộ chủ quyền của Phi tại Scarborough thì đã sao? Dựa trên thực tiễn, không phải Phi đã chứng minh chủ quyền của họ tại đây rõ rệt hơn phía Trung Quốc hay sao? Điều cần bàn, tôi đã viết trong bài phê bình, là việc “ủng hộ hoàn toàn các hành vi bảo vệ chủ quyền của Phi”. Trong tiếng Pháp, động từ “supporter” sử dụng trong trường hợp này, không chỉ đơn thuần là “ủng hộ” như trong tiếng Việt, mà còn có nghĩa là “prendre en charge”. Nhưng nói cho cùng, nếu Phi và Trung Quốc có xung đột, quí vị trí thức ký tên trong bản tuyên bố có thể vận động quyên góp giúp phương tiện cho Phi chống Trung Quốc. Đó cũng là một hình thức ủng hộ vậy.

Theo tôi, cách giải thích của ông Dương Danh Huy không thể làm thay đổi nội dung của bản tuyên bố. Ngược lại, nếu cách giải thích này được dịch ra tiếng Anh, đến tai người Phi, thì mọi ấn tượng đẹp đẻ của người Phi đối với thành phần trí thức Việt Nam, vừa đem lại do bản tuyên bố, có thể bị mất đi. Trường hợp xấu, uy tín của những người ký tên không còn, mà còn ảnh hưởng sang đại đa số thành phần trí thức Việt không ký tên khác.

Trương Nhân Tuấn
_________________

Phụ Lục:

Gửi thư ủng hộ Philippines: nên hay không?
25/05/2012
Dương Danh Huy (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)

Ngày 21/5/2012 66 người Việt gửi một bức thư đến đại sứ Philippines ở Việt Nam để bày tỏ sự ủng hộ cho Philippines trong cuộc đối đầu với Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough. Bức thư này đưa ra những điểm chính:
Ủng hộ “quyền chủ quyền” của Philippines trong khu vực bãi cạn Scarborough.
Phản đối việc Trung Quốc dùng đường 9 đoạn nhằm chiếm đoạt vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines, Việt Nam và một số nước ASEAN khác.
Phản đối “các hành động bất hợp pháp, đe dọa dùng vũ lực” của Trung Quốc.
Ủng hộ đề nghị của Philippines đưa tranh chấp bãi cạn Scarborough ra Tòa án Luật Biển Quốc tế.
Kêu gọi chính phủ và nhân dân các nước ASEAN “đoàn kết với và giúp đỡ Philippines bảo vệ quyền chủ quyền trong khu vực [bãi cạn Scarborough] cũng như quyền chủ quyền của mỗi nước và của cả khối ASEAN theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”.
Ngày 22/5/2012 báo Manila Times đăng bài trên trang đầu về bức thư này, với toàn bộ danh sách những người ký tên. Như vậy sự ủng hộ đó đã được đưa đến toàn bộ nước Philippines, từ người dân đến tổng thống, và khả năng là đến cả các đại sứ quán các nước ASEAN tại Philippines.
Điều đặc biệt nhất về bức thư này là đây là lần đầu tiên mà người dân một nước ASEAN viết thư ngỏ ủng hộ một nước khác trong các tranh chấp tại Biển Đông.
Trên phương diện nội bộ Việt Nam, bức thư này cũng đặc biệt vì có thể cho rằng đó là một hiện thực của ý tưởng “ngoại giao nhân dân” và nằm trong việc “phát huy sức mạnh toàn dân tộc” mà báo chí Việt Nam đã từng đề cao như là những yếu tố cần thiết trong tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.
Tuy nhiên, vẫn cần phải hỏi các câu hỏi như “Có nên ủng hộ Philippines hay không?” và “Nếu nên thì ủng hộ như thế có vấn đề gì không?”.
Ở đây cần khẳng định rằng bãi cạn Scarborough là hoàn toàn tách biệt với quần đảo Trường Sa, và Việt Nam không có tranh chấp chủ quyền hay vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa với Philippines hay Trung Quốc trong khu vực đó.
Trong bối cảnh rộng hơn, người Việt quan tâm đến tranh chấp biển đảo biết rõ Philippines là một trong những đối thủ của Việt Nam trong tranh chấp Trường Sa, trong quá khứ Philippines đã có hành vi gây thiệt hai cho Việt Nam, bất lợi cho chính họ, và không ai có thể chắc chắn trong tương lai Philippines sẽ hành xử thế nào.
Vì vậy, về câu hỏi “Có nên ủng hộ Philippines hay không?”, có những ý kiến cho rằng Philippines là đối thủ, đã gây phương hại cho Việt Nam trong quá khứ, có thể gây phương hại trong tương lai, bãi cạn Scarborough lại không dính dáng gì đến mình, hãy để mặc cho họ “chết”.
Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng nếu Trung Quốc áp đặt được đường chữ U tại khu vực bãi cạn Scarborough thì điều đó sẽ bất lợi cho Việt Nam trong những khu vực liên quan đến Việt Nam. Ngoài ra, có thể cho rằng nếu đối thủ Philippines đó hợp tác với Việt Nam trong việc chống đường chữ U thì vẫn có lợi cho Việt Nam, và giảm phần nào rủi ro từ họ cho Việt Nam, hơn là nếu họ là đối thủ và không hợp tác. Hiện nay và trong tương lai có thể thấy được nguy cơ cho Việt Nam là từ Trung Quốc hơn là từ Philippines, cho nên việc hợp tác với Philippines để đối phó với nguy cơ từ Trung Quốc là hợp lý.
Để có được sự hợp tác đó, Việt Nam và Philippines phải có một quá trình ngoại giao không ít khó khăn, và không bảo đảm là sẽ thành công. Việc gửi thư ủng hộ Philippines góp phần tạo điều kiện cho quá trình đó bằng hai cách: (1) nhắc nhở các nhà hoạch định chính sách Việt, Phi là Việt Nam và Philippines cần hợp tác để chống đường chữ U, và (2) gây thiện cảm với người dân, giới báo chí và chính khách Philippines.
Không những thế, sự ủng hộ cho Philippines từ các cá nhân người Việt không ràng buộc nước Việt Nam vào bất cứ nghĩa vụ nào. Trung Quốc cũng không nói được đó là chính phủ Việt Nam chống Trung Quốc. Giả sử như cuối cùng Philippines không bao giờ cộng tác với Việt Nam đi nữa, thì việc gửi bức thư đó cũng là một động thái cao quý, góp phần chống lại đường chữ U, và không có giá phải trả cho Việt Nam.
Vì vậy, xét trên phương diện lợi ích cho Việt Nam, nếu đi xa hơn tâm lý “Phillipnes xấu với mình, cho nó chết, nó không ủng hộ mình, dại gì hủng hộ nó” thì việc gửi thư ủng hộ Philippines này là thực tiễn vì nó trực tiếp chống đường chữ U, góp phần tạo điều kiện cho việc hợp tác chống đường chữ U và cho việc giảm rủi ro từ Philippines cho Việt Nam (những điều đó không có nghĩa không còn tranh chấp giữa Việt Nam và Philippines), mà không đòi hỏi Việt Nam phải trả cho Philippines giá gì.
Xét về mặt nội dung của bức thư, tức là về câu hỏi “Ủng hộ như thế có vấn đề gì không?”, những người soạn thư có một số lựa chọn chính.
Lựa chọn thứ nhất: Những người soạn thư có thể ủng hộ chủ quyền Philippines tại bãi cạn Scarborough, nhưng họ đã lựa chọn không làm điều đó. Hiện nay chưa rõ chủ quyền tại bãi cạn Scarborough, tức là chủ quyền đối với các mỏm đá cao hơn mặt nước và lãnh hải 12 hải lý của chúng, thuộc về nước nào. Nếu ủng hộ một bên trong vấn đề chủ quyền thì có khả năng là ủng độ điều sai, cho nên tránh ủng hộ một bên là chính đáng. Bên cạnh đó, nếu ủng hộ một bên trong vấn đề chủ quyền trong khi chưa biết bên nào là đúng thì có thể bị cho là làm điều không công bằng vì vụ lợi cho Việt Nam, chứ không phải hành động vì công lý, và như vậy có thể phản tác dụng. Vì vậy, việc bức thư không ủng hộ bên nào trong vấn đề chủ quyền là chuẩn xác.
Lựa chọn thứ nhì: Những người soạn thư có thể ủng hộ Philippines trên cơ sở chống các hành động lấn lướt hay đe dọa bạo lực từ phía Trung Quốc, phê phán Trung Quốc gây căng thẳng và bất ổn định cho khu vực, ủng hộ việc Philippines đề nghị đưa tranh chấp ra Tòa án Luật Biển Quốc tế, nhưng không nghiêng về bên nào trong các vấn đề đá hay biển là thuộc về nước nào. Những người soạn thư có thể thêm vào đó sự lên án việc Trung Quốc dùng đường chữ U để tạo yêu sách chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước hữu quan. Lựa chon thứ nhì là hợp lý, cẩn trọng và bao hàm được mục đích chính: chống đường chữ U.
Lựa chọn thứ ba: Có thể đi xa hơn nữa và thêm vào lựa chọn thứ nhì sự ủng hộ cho quyền chủ quyền của Philippines trong khu vực bãi cạn Scarborough. Điểm tế nhị ở đây là “quyền chủ quyền trong khu vực bãi cạn Scarborough” (một cụm thuật ngữ ám chỉ về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) là khác với “chủ quyền tại bãi cạn Scarborough” (ám chỉ về các mỏm đá cao hơn mặt nước và lãnh hải 12 hải lý của chúng). Lựa chọn này không đi xa bằng lựa chọn thứ nhất: nó không ủng hộ chủ quyền của bên nào đối với các mỏm đá cao hơn mặt nước và lãnh hải 12 hải lý của chúng, nhưng nó ủng hộ quyền chủ quyền của Phi trong khu vực, tức là cho rằng vùng đặc quyền kinh tế trong khu vực đó thuộc về Philippines.
Trên phươngdiện pháp lý, có thể giải thích sự ủng hộ trong lựa chọn thứ ba với lập luận vùng đặc quyền kinh tế trong khu vực đó thuộc về đảo Luzon của Philippines thay vì thuộc về các mỏm đá cao hơn mặt nước tại bãi cạn Scarborough, bất kể nước nào có chủ quyền đối với các mỏm đá đó.
Nội dung của bức thư là sự lựa chọn thứ ba. Tác giả bài viết này cho rằng đó là sự ủng hộ tối đa có thể dành cho Philippines mà vẫn nằm trong sự công bằng, và nó hoàn toàn phù hợp với pháp lý.Việc ủng hộ Philippines trong vấn đề vùng đặc quyền kinh tế trong khu vực bãi cạn Scarborough cũng là cụ thể hóa việc chống đường chữ U.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại câu hỏi là đi xa đến mức thứ ba đó có phương hại gì cho Việt Nam hay không. Theo ý kiến của tác giả, nó không gây ra phương hại gì.
Thứ nhất, Việt Nam không có yêu sách biển đảo gì trong khu vực bãi cạn Scarborough cho nên bức thư không có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi gì của Việt Nam.
Thứ nhì, bức thư không nói gì về chủ quyền (tức là đối với đảo, đá và lãnh hải 12 hải lý) mà chỉ nói về quyền chủ quyền (thông thường được hiểu là đối với vùng biển cách đảo đá hơn 12 hải lý), cho nên không thể suy diễn gián tiếp gì về, hay gây phương hại cho, vấn đề chủ quyền, thí dụ như đối với các đảo, đá ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Vậy bức thư đó có ý nghĩa gián tiếp gì cho vấn đề vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa hay không?
Có thể nói rằng nếu những người ký tên cho rằng các mỏm đá tại bãi cạn Scarborough không giành được phần nào của vùng đặc quyền kinh tế từ đảo Luzon, mà sau này lại cho rằng những mỏm đá giống chúng hoặc nhỏ hơn ở Hoàng Sa, Trường Sa lại giành được từ đảo Hải Nam, Palawan, Borneo, thì sẽ thiếu nhất quán.Nhưng điều đó không quan trọng vì (a) Trước sau gì thì cũng thiếu hợp lý, thiếu hợp pháp, nếu dùng những mỏm đá cao hơn mặt nước nhỏ như cái chiếu để đòi giành vùng đặc quyền kinh tế từ những vùng lãnh thổ có bờ biển dài hàng trăm km, (b) Nếu chúng ta đòi như thế thì người khác cũng có thể đòi ngược lại nhằm xâm lấn vào vùng đặc quyền kinh tế từ bờ biển đất liền nước ta, (c) Nếu họ muốn, những người ký tên vẫn có thể dùng nhiều đảo, đá khác, thí dụ như lớn hơn các mỏm đá tại bãi cạn Scarborough, trong hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, để đòi giành vùng đặc quyền kinh tế, (d) Một bức thư của 66 người dân không có tính cách ràng buộc pháp lý hay chính trị cho nước Việt Nam, và Việt Nam vẫn hoàn toàn có tự do để lựa chọn lập trường của mình trong tuyên bố cũng như trong đàm phán.
Vì vậy, việc gửi bức thư đó là một hành động độc đáo góp phần vào những viên gạch tạo điều kiện cho việc xây dựng một sự hợp tác giữa Việt Nam và Philippines nhằm chống đường chữ U mà không gây phương hại gì cho Việt Nam. Hiện nay còn quá sớm để biết có thể xây dựng được sự hợp tác đó hay không. Nhưng góp phần đặt những viên gạch tạo điều kiện như thế vẫn là hay hơn hẳn không làm gì. Câu hỏi kế tiếp là người dân và chính phủ Việt Nam và Philippines có thể làm gì để xây lên trên những viên gạch đó.
D.D.H.
Nguồn: BauxiteVN






No comments:

Post a Comment

View My Stats