Saturday, 26 May 2012

HÀO KHÍ NHÂN VĂN GIAI PHẨM (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
Friday, May 25, 2012 8:01:40 PM

Chuyện chỉ có thể xảy ra tại Việt Nam. Một đám công an ở Nha Trang đánh đá, tra tấn một phụ nữ làm công. Chỉ vì bà này bị người chủ nhân giàu có nghi ngờ và tố cáo bà lấy trộm tiền.

Nạn nhân là bà Trần Thị Lan bị “đánh đá bằng cả tay chân, bằng dùi cui và cả bằng roi điện suốt ba ngày, mang thương tích khắp người,” phải điều trị hàng tuần lễ trong bệnh viện.

Trong thế giới văn minh cảnh sát công an không phải là những người quyết định ai có tội hay không có tội. Vì phán xét này thuộc thẩm quyền của tòa án, là ngành tư pháp. Trong thế giới văn minh nếu có một người bị kết tội ăn cắp thì cũng chỉ bị phạt tù hay phạt tiền; không ai “trừng phạt” một người ăn trộm món tiền trị giá “hơn một ngàn đô la” bằng dùi cui, roi điện. Mà nếu có ai bị tòa kết án thì việc trừng phạt không phải là nhiệm vụ của công an. Chỉ dựa vào lời tố của chủ nhân mà đánh đấm dã man một người lao động làm công, đám công an này chứng tỏ họ sẵn sàng làm tay sai cho những người giàu sang, và khinh rẻ người lao động nghèo khó, coi như súc vật. Ðánh đấm người ta đến bầm tím là hành động của côn đồ, du đãng, người có tư cách không ai làm. Năm thằng đàn ông xúm lại đánh đấm một phụ nữ tay không là hành vi hèn hạ đáng xấu hổ. Ðám công an Nha Trang này vừa vi phạm luật pháp, vừa làm trái với đạo lý sơ đẳng của loài người, vừa làm cho chính họ nhục nhã.

Với tất cả các thành tích như thế, đại úy công an Trần Bá Tuấn vừa được tòa phúc thẩm tha bổng, xóa bỏ bản án 9 tháng tù treo.

Chuyện này chỉ có thể xảy ra dưới chế độ cộng sản. Bởi vì chế độ cộng sản từ bản chất vẫn công nhiên chà đạp trên các nguyên tắc sơ đẳng của pháp luật, vẫn quen thói bất chấp đạo lý làm người. Chắc Ðại úy Trần Bá Tuấn và đám công an Nha Trang cũng không nghĩ là họ phạm pháp. Họ chỉ làm theo thói quen, như lối các lãnh tụ cộng sản vẫn làm kể từ khi cướp chính quyền ở nước ta. Thái độ và hành vi “bất chấp pháp luật” đã được Hồ Chí Minh, Trường Chinh đặt thành khuôn mẫu ngay từ thời họ phát động Cải cách Ruộng đất, dưới sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Cộng. Vụ cướp ruộng, cướp nhà “long trời lở đất” này đã giết oan hàng trăm ngàn người dân Việt Nam, trong đó có những người đã đóng góp rất nhiều cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

Sau thời gian xảy ra vụ này, những nhà trí thức Việt Nam đã cảnh cáo tình trạng bất chấp pháp luật của chế độ cộng sản. Sớm nhất, là trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm với các ông Phan Khôi, Nguyễn Hữu Ðang, và Giáo Sư Nguyễn Mạnh Tường. Ngày 30 tháng 10 năm 1956, sau khi Trường Chinh ra trước Mặt Trận Tổ Quốc thú nhận các lỗi lầm về chiến dịch Cải cách Ruộng đất, Luật gia Nguyễn Mạnh Tường đã dõng dạc nêu lên các nguyên tắc của luật pháp để cho ông tổng bí thư đảng cộng sản nghe một bài học. Trong bài thuyết trình lâu 6 tiếng đồng hồ, ông nói: “Khi thi hành chính sách này (Cải cách Ruộng đất) người ta đã vi phạm luật pháp.” Vì đảng cộng sản chủ trương “thà giết chết oan 10 người còn hơn bỏ sót một địa chủ,” trong khi nguyên tắc của pháp lý là “thà bỏ sót 10 người có tội còn hơn là kết tội oan một người”. Nguyễn Mạnh Tường đã dũng cảm phê phán các lãnh tụ đảng lúc đó: “Những người lãnh đạo có trách nhiệm vụ Cải cách Ruộng đất không thể chỉ đứng ra xin lỗi, nhận đảng đã sai lầm. Xin lỗi không phải là một hành động của luật pháp. Giết người rồi, không thể chỉ xin lỗi mà xí xóa được.” Với tư cách một luật gia (ông đã có hai bằng tiến sĩ, luật và văn chương ở Pháp từ năm 1932, lúc 22 tuổi) Nguyễn Mạnh Tường đề nghị phương pháp giải quyết: Quốc Hội phải lập một ủy ban điều tra vụ Cải cách Ruộng đất, rồi đưa ra tòa án; “(T)òa sẽ phân xử, kết án, tùy theo trách nhiệm nặng, nhẹ của mỗi người, từ lãnh đạo cao nhất trở xuống.”

Nhà nghiên cứu văn học Thụy Khuê, trong cuốn sách mới xuất bản về vụ Nhân Văn Giai Phẩm đã tinh tế nhận xét rằng các lời lẽ “Giết người rồi, không thể chỉ xin lỗi mà xí xóa được” và “từ lãnh đạo cao nhất trở xuống” đã tấn công thẳng vào Hồ Chí Minh cũng như toàn bộ lãnh đạo đảng cộng sản. Vì sau vụ Cải cách Ruộng đất, Hồ Chí Minh chỉ đứng ra xin lỗi. Hồ cất chức Trường Chinh để chính ông ta kiêm nhiệm chức tổng bí thư, còn Võ Nguyên Giáp thì đọc bản kiểm thảo các sai lầm. Không một lãnh tụ cộng sản nào chịu trách nhiệm pháp lý trong vụ Cải cách Ruộng đất cả! Họ đã tạo ra thói quen “ngồi lên trên pháp luật” làm gương cho các cán bộ, như đại úy công an Trần Bá Tuấn ở Nha Trang bây giờ!

Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm quy tụ những người trí thức can đảm nhất ở miền Bắc Việt Nam trong thời đại của họ. Sau bài thuyết trình của Nguyễn Mạnh Tường, trong hai số báo Nhân Văn vào tháng 11 năm 1956, Nguyễn Hữu Ðang đã hai lần nêu cao chủ trương phải thiết lập một chế độ pháp trị. Ông nêu ra những điều trong hiến pháp năm 1946 bảo đảm các công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do hội họp, tự do cư trú, tự do đi lại, vân vân. Ðiều 11 nói: “Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ giam cầm người công dân Việt Nam” nhưng ngay trong thời đó các nhà trí thức như Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Ðặng Ðình Hưng cũng bị đi “cải tạo” không thời hạn; các văn nghệ sĩ như Trần Dần, Tử Phác vô cớ bị bắt giam. Thật không khác gì bà Trần Thị Lan ở Nha Trang ngày nay. Họ còn cơ cực hơn bà Lan, vì sau đó họ bị tù đày, bị cô lập, cắt hết cả việc làm, nghề nghiệp, không thể nào kiếm cơm gạo nuôi vợ con hàng mấy chục năm trời, nhiều người khốn khổ cho đến lúc chết.

Trên báo Giai Phẩm Mùa Thu, Nguyễn Hữu Ðang đã mở cuộc phỏng vấn để các nhà trí thức khác có dịp lên tiếng: Trần Ðức Thảo đòi phải có tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu, tự do phê bình; Ðặng Văn Ngữ viết: “Dưới một chế độ độc tài không ai dám chỉ trích chính phủ thì còn đâu mà thấy khuyết điểm về tự do dân chủ?” Ðào Duy Anh kêu gọi giới trí thức phải “đấu tranh” cho tự do, quyết chống lại bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân; Phan Khôi viết “bàn về lãnh đạo văn nghệ” để phê bình toàn thể việc lãnh đạo xã hội.

Cũng can đảm như Nguyễn Mạnh Tường, trong bài trên Phan Khôi dám phơi bày sự thật là triều đình cộng sản cực kỳ phong kiến. Ông nêu thí dụ đám cầm đầu văn nghệ lúc đó đả kích thơ Trần Dần viết hoa chữ “Người” là phạm tội, vì chữ “Người” viết hoa chỉ được dùng để nói đến Hồ Chí Minh thôi. Phan Khôi mỉa mai so sánh cảnh tượng đó không khác gì cảnh một ông quan trong triều đình phong kiến đứng ra tố cáo một ông quan khác đã viết chữ theo kiểu “đài;” lối này chỉ được dùng khi viết đến ông vua mà lại dùng để khi viết về một thường dân!

Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm chứng tỏ giới trí thức Việt Nam không bao giờ lãng quên trách nhiệm với lịch sử. Ngay từ đầu thời Pháp thuộc các Nho sĩ như Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Ðình Phùng, Nguyễn Cao đã bảo vệ tiết tháo sáng ngời. Thế hệ sau có những Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh noi gương họ. Ðọc cuốn sách của Thụy Khuê viết về Nhân Văn Giai Phẩm chúng ta còn được nhắc nhở để không quên thế hệ tiếp nối với những Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Hoàng Ðạo, Phan Khôi. Tác phẩm vẽ ra hình ảnh sôi nổi của những Trần Dần, Lê Ðạt, Phùng Cung, các kẻ sĩ giữa thế kỷ 20.

Người trí thức Việt Nam không bao giờ quên nhiệm vụ của mình là tranh đấu cho tự do và cho sự thật. Trong báo Nhân Văn, Trần Ðức Thảo viết “Người trí thức hoạt động văn hóa cần tự do như khí trời để thở.” Người trí thức phải đỏi hỏi các quyền tự do được phát triển (mở rộng) vì đó là “nhiệm vụ số một của mình cũng như của toàn dân”.

Các thế hệ thanh niên Việt Nam, nhất là các nhà văn, nhà báo bây giờ và trong hàng trăm năm nữa vẫn có thể cảm thông với bầu máu nóng của Trần Dần khi ông viết: “Biểu hiệu cao nhất của trách nhiệm người viết là thái độ tôn trọng, trung thành với sự thực... Tôn trọng, trung thành với sự thực vừa là trách nhiệm, vừa là lập trường, vừa là phương pháp làm việc của người viết... Nếu như sự thực ngược lại chính sách, chỉ thị, thì phải viết sự thực chứ không phải là bóp gò sự thật vào (cho đúng) chính sách!” Trần Dần đã viết những hàng trên trong bản dự thảo để trình bày trước một hội nghị giới văn nghệ trong quân đội năm 1955. Tất nhiên bản dự thảo đó không bao giờ được công bố, nhưng nó cho thấy Trần Dần đúng là một chiến sĩ. Lê Ðạt đã dùng những câu thơ để lên án chế độ độc tài chuyên chế: “Ðem bục công an máy móc đặt giữa tim người - Bắt tình cảm ngược xuôi theo đúng luật đi đường nhà nước!” Ngày nay không thấy người cầm bút nào trong quân đội bầy tỏ được sĩ khí rực rỡ như vậy.

Ngày nay không phải chỉ trong giới viết văn làm báo mà ngay cả giới thanh niên ở Việt Nam đa số vẫn cúi đầu khúm núm đi “theo lề đường” do đảng cộng sản chỉ định. Người ta đăng những bản tin công an đánh người, công an giết người vô tội vạ, mà không gây nên một nỗi phẫn uất nào trong công chúng đô thị! Một vụ Ðoàn Văn Vươn đã đưa tới những vụ Văn Giang, Vụ Bản, dấy lên ở khắp các vùng nông thôn đau khổ. Nhưng thanh niên thành phố còn mê man đi ôm hôn ghế ngồi của các ca sĩ thần tượng ngoại quốc! Người thành thị chạy theo lôi sống xa hoa và sa đọa của bọn nhiều quyền và nhiều tiền, đã quên mất đồng bào nông dân cũng là bà con ruột thịt của mình đang khốn khổ! Cuộc sống đô thị đưa tới cảnh đồi trụy tinh thần! Nếu ở một quốc gia dân chủ tự do thì sau khi Ðại úy Trần Bá Tuấn và đám công an hành hung một chị làm công Trần Thị Lan tàn nhẫn như thế chỉ vì chị bị chủ nhân giàu có nghi ngờ, thì thanh niên, sinh viên, học sinh ở Nha Trang đã xuống đường phản đối nhiều lần rồi! Trí thức đâu cả rồi? Sĩ khí đâu mất rồi?

Thanh niên Việt Nam ngày nay cần đọc lại những vần thơ như Lê Ðạt viết. Ông diễn tả khát vọng của tuổi trẻ thời 1955, lời thơ nay đọc lại vẫn còn làm náo nức lòng người:

“Phải quét sạch mây đen cho khung trời rộng mở
Chặt hết gông xiềng cho những cánh bay lên
Ngày và đêm mộng bay đầy cuộc sống
Khát vọng theo khát vọng - Không gì ngăn cản được con người!”

Khi đọc lại câu chuyện cuộc tranh đấu “trứng chọi đá” của giới trí thức Việt Nam trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, chúng ta hãnh diện làm người Việt Nam. Nhìn lại những tấm gương của họ, chúng ta thấy còn hy vọng. Bầu máu nóng của các nhà tranh đấu dân chủ ngày nay đang sôi lên để tiếp nối chí khí bất khuất của Phan Khôi, Trần Dần, Nguyễn Hữu Ðang. Họ cho phép chúng ta hy vọng hào khí dân tộc sẽ còn sáng mãi.


No comments:

Post a Comment

View My Stats