Tuesday, 8 May 2012

CHUYỆN DÀI NGUYỄN NGỌC NGẠN (Nguyễn Tài Ngọc)





02  May  2012

Cho đến nay thì đã hơn hai tuần từ ngày bích chương quảng cáo buổi “Tình Ca Mùa Xuân” “Chương Trình Ca Nhạc Hài Đặc Biệt” , tổ chức vào ngày 30-4 ở Berlin, với sự góp mặt của các ca sĩ  Bằng Kiều, Minh Tuyết,  Ý Lan,  Đan Nguyên, Nguyễn Hồng Nhung, Thúy Nga, Lê Tín, ban nhạc Hoàng Thi Thi, với MC Nguyễn Ngọc Ngạn (NNN) đã bị dư luận phản đối kịch liệt, hăm dọa tẩy chay, và cuối cùng show phải hủy bỏ.
 
Dư luận phản đối, đặc biệt nhắm vào NNN, vì ngày 30-4 là ngày Việt Nam Cộng Hòa thua cuộc chiến, mất tự do, một ngày đau buồn của người Việt hải ngoại, thế mà một show “ca nhạc hài” lại trình diễn, với ông NNN làm MC.
 
Ông NNN mặc dù cho rằng “Internet là cái thùng rác, không dùng Internet”, nhưng đã dùng Internet để tung ra lá thư “Giá Đừng Có Tôi”, và một clip video phỏng vấn  để biện luận cho lý do tại sao ông đồng ý tham dự làm MC show này, nêu ra sai lầm của những người phản đối ông.
 
Tôi chưa bao giờ đọc văn NNN, hầu như chẳng bao giờ xem nhạc Việt Nam hay Paris By Night. Có xem thì thỉnh thoảng ngồi xuống vài phút khi vợ tôi và chị em xem, và có một lần tôi xem PBN 99 “Tôi là người Việt Nam” từ đầu đến cuối. Tôi không thích NNN một tí nào, chỉ vì lối xưng hô của ông ta: lúc nào NNN cũng xưng “tôi” với bất cứ ai, dù cho người ấy lớn tuổi hơn mình. Đây không phải là phong tục của người miền Bắc, vì người Việt Bắc, Trung, Nam, khi gặp người khác lớn tuổi hơn thì mình phải kính trọng xưng là “em”, là “cháu” với họ. Một người xưng “tôi” với người lớn tuổi hơn mình,  đối với tôi vừa là bất lịch sự, vừa là người hống hách, kiêu căng, xem thường người khác. Trong PBN 99 khi phỏng vấn với Giám Mục Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu ở Canada, nhỏ hơn NNN  21 tuổi, NNN lại gọi ông bằng "Cha", và xưng "con" thật ngon lành (tôi hiểu lễ nghi Công giáo con chiên gọi Linh Mục là “Cha”, xưng mình là "con"). Điều này chứng tỏ là đối với một người có quyền thế, dù rằng người ấy quá trẻ hơn mình, NNN bày tỏ sự khúm núm, nhưng đối với người khác lớn tuổi hơn, không biết họ nghề ngỗng như thế nào,  NNN xem thường họ,  xưng “tôi” tỉnh queo.
 
Tôi lại càng xem thường NNN khi xem PBN 99 chủ đề: "Tôi là người Việt Nam". DVD này nêu cao niềm hãnh diện của người Việt Nam, thế mà ở đoạn đầu DVD số 2, NNN quảng cáo bán sách của mình. Nếu là một hãng tư nào khác, thí dụ như  tiệm Nail Hoa-Tình-Thương-Kiếm-Lời-Không-Đóng-Thuế quảng cáo thì họ còn có thể nói phải quảng cáo để thu lợi tức trả chi phí. Đằng này NNN là người điều khiển chương trình "Tôi là người Việt Nam", chương trình nói lên những cá tính làm cho người Việt Nam được hãnh diện mình là người Việt Nam, rồi NNN lại tự đứng ra quảng cáo riêng cho sách của mình thì thật là… hết ý kiến! Có bao giờ chúng ta thấy xướng ngôn viên Brian Williams của NBC Nightly News hay Diane Sawyer của ABC World News quảng cáo cho ...dầu gió trị hôi nách của mình trong chương trình truyền hình tin tức do chính họ đọc không?
 
Khi bài viết cũng như cuộc phỏng vấn NNN với cô Hoàng Anh tung trên Internet thì “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Trường hợp này thì không phải hòn chì mà là bao nhiêu bom nguyên tử nổ trở lại. Người nào vào Internet tìm kiếm Nguyễn Ngọc Ngạn về vấn đề này, đánh máy tìm chữ “trả lời NNN” chẳng hạn, thì sẽ thấy cả chục websites, trang blogs dài hơn phim bộ Hàn Quốc viết phản biện ông Ngạn. Những người viết hồi đáp ông NNN trình bày rất tỏ tường, nêu ra điểm sai lầm trong bài viết cũng như bài phỏng vấn. Điều đáng ghi nhận ở đây là tất cả ý kiến đều là phản đối.

Phụng phịu chê Internet là cái thùng rác người khác dùng để phê bình kém xây dựng, NNN lại dùng Internet để phổ biến lá thư trần tình của mình. Chẳng lẽ NNN có ơn đặc biệt từ ông Đạo Dừa nên khi thơ  của NNN gửi vào Internet thì nó tự dưng trở nên  thơm hơn múi mít?  Thêm vào đó, khi lên video, thay vì chọn một người cùng lứa tuổi với mình, cùng gạo  cội như mình, cùng kiến thức như mình để thảo luận tay đôi thì NNN lại chọn một cô bé non choẹt đáng tuổi cháu, chú-nói-sao-cháu-nói-dạ,  để trình bày ý kiến của mình, để chê bai người khác mà không bị bắt bẻ.
 
Cá tính kiêu ngạo của ông Ngạn thể hiện ra trong bài viết và cuộc đàm thoại. Ngay cả tựa đề của bài viết, "Giá không có tôi", cũng đủ cho người đọc thấy NNN nghĩ ông là cái rốn của vũ trụ khi đụng việc.

Ông Ngạn bấy lâu nay có lẽ trong rừng U Minh, trốn ở nơi rừng thiêng nước độc như anh lính Nhật Bản Hiroo Onoda trốn ở trong rừng Phi-Luật-Tân, cứ ngỡ là đại đa số dân Việt Nam ngưỡng mộ tài năng viết lách, tài năng MC của mình nên ông ta viết: “Những người ngứa mắt vì tôi vốn không đông – bởi nếu đông thì tôi đã nằm nhà từ lâu rồi”. Năm 1944, Thiếu Úy Hiroo Onoda được quân đội Nhật Bản gửi đến hòn đảo Lubang Phi-Luật-Tân để đánh du kích. Xui cho Hiroo Onoda không bao giờ nhận được tin tức gì là cuộc chiến đã chấm dứt nên vẫn trốn trên đảo, vẫn giết người Phi, cho dù chiến tranh chấm dứt vào năm 1945, chỉ một năm sau khi Onoda vào rừng Phi-Luật-Tân. Onoda trốn ở trong rừng 29 năm nữa, ngỡ rằng cuộc chiến chưa tàn. Cho đến 30 năm sau khi Onoda 53 tuổi, nhờ một người Nhật tên Norio Suzuki vào rừng Phi-Luật-Tân quyết chí tìm ra Onoda, và thành công trong việc mang người sĩ quan cấp trên của Onoda từ Nhật Bản trở lại Phi-Luật-Tân vào năm 1974, ra lệnh cho Onoda là chiến tranh đã chấm dứt từ khuya, bây giờ phải giải ngũ, thì  Onoda mới đồng ý lộ diện trở ra thế giới bên ngoài.

Hiroo Onoda (ảnh Internet)

NNN nói đúng, mỗi lần Thúy Nga Paris By Night hay Asia tổ chức hát hò thì thiên hạ đi xem, số người khá đông. Thế nhưng con số đó là bao nhiêu, 5000 người? Theo thống kê US Census 2010 thì nước Mỹ có  1,548,449 người Việt Nam. Thay vì 5,000 người , tôi tăng gấp ba lên, cho là mỗi lần tổ chức 15,000 người đi xem. Chia cho 1,5 triệu thì tỷ lệ người đi xem là 1%. Bây giờ cho là chỉ có 1 triệu người lớn thay vì 1,5 triệu thì tỷ lệ vẫn chỉ là một con số thật nhỏ, 1.5%. NNN chỉ là cậu lính Hiroo Onoda một mình không biết nhưng cả thế giới đã biết là chiến tranh chấm dứt. Chỉ một mình NNN nghĩ người ngứa mắt ông "vốn không đông", nhưng số người phản đối ông lần này chắc chắn sẽ làm ông tỉnh ngủ.

Trong phần đàm thoại với cô Hoàng Anh, NNN nói:
Cháu có đọc cuốn Kỷ Niệm Sân Khấu của chú phải không? Chú có viết một câu mà chú tưởng người ta phải… có nhiều ông phải… nhảy dựng lên mà phản đối chú, nhưng chú không thấy ai phản đối. Chú viết rằng là: “Văn hóa Mỹ nặng về khuyến khích, văn hóa Việt nặng về đả kích”. Con em chúng ta làm được 100 điều hay, chúng ta không dám khen vì sợ nó kiêu căng, nhưng nếu nó làm một điều lầm lỗi thì chúng ta đay nghiến mãi không thôi… Đó là văn hóa, mà văn hóa thì phải một ngàn năm mới gột rửa được…”

Để độc giả hiểu tại sao NNN nói câu này, tôi copy lại câu hỏi mớm của cô Hoàng Anh sau đây để rồi NNN trả lời câu trên:
Suốt 20 năm chú phục vụ trên lãnh vực văn nghệ, như trong gia đình của cháu từ lớn tới nhỏ cũng đã học được rất nhiều về văn hóa của Việt Nam của mình qua những bài nói chuyện của chú trên Paris by Night. Nhưng cháu rất thắc mắc là tại sao qua 20 năm chú phục vụ như vậy, chú làm được rất nhiều điều cho cộng đồng thì cháu lại không thấy ai bàn tán trên mạng, cám ơn những cái tâm sức đó, mà chỉ có một cái show 30 tháng 4 thì lại có rất nhiều lời bàn tán xôn xao và những lời rất là khó nghe…

Khi cô Hoàng Anh nói  "mà chỉ có cái show 30 tháng 4 thì lại có rất nhiều lời bàn tán xôn xao và những lời rất là khó nghe…tôi ngạc nhiên là NNN không ngắt lời, hỏi cô ta "khó nghe""khó nghe" cái gì? Để hiểu cái kinh nghiệm đau thương của ngày 30-4, theo tôi một người phải vào khoảng ít nhất là 8 tuổi vào thời gian này để thấy sự kinh hoàng và nguyên nhân đưa đến ngày đó. Có nghĩa là người đó bây giờ phải ít nhất là 45 tuổi. Tôi đoán cô Hoàng Anh vào khoảng ba mươi, quá trẻ để hiểu rõ vấn đề. Tôi đã có dịp nói chuyện với nhiều cô cậu sinh viên Việt Nam ngoài 20 tuổi sang đây du học. Tất cả đều nghĩ Mỹ xâm lăng Việt Nam. Tại sao? Lý do đơn giản là những cô cậu này chỉ biết như vẹt những gì được dậy trong lớp ở SàiGòn. Những cô cậu này không như tôi, không như NNN, đã trải qua kinh nghiệm đau thương 30-4 bằng xác thịt, nên có thể giải thích cho các em ấy biết đâu là đúng, đâu là sai. Ấy thế mà một người như NNN, từng là giáo sư dậy Việt Văn, có nghĩa là phải biết lịch sử hơn ai hết, lại không biết sửa sai một cô trẻ tuổi: "Cháu nói "khó nghe" là "khó nghe" cái gì?"  

Đọc câu: "Cháu có đọc cuốn Kỷ Niệm Sân Khấu của chú phải không?", tôi nhớ lại vài năm trước đây vợ chồng tôi đi thăm một cô bạn ở một thành phố xa. Buổi tối ăn cơm, cô bạn tôi mời một cô khác đến. Cô này kiêu căng, viết  thơ văn lai rai chỉ có tôi và cô bạn tôi biết, vợ tôi không hề biết. Gặp vợ tôi lần đầu tiên, cô này hỏi: "Chị có bao giờ đọc thơ văn của tôi viết chưa?", một câu hỏi đầy sự tự tôn và khoe mình như NNN hỏi cô Hoàng Anh ở đây.  

Câu kế tiếp của NNN “Văn hóa Mỹ nặng về khuyến khích, văn hóa Việt nặng về đả kích”  làm tôi sững sờ và ngạc nhiên.

Văn hóa là gì? Theo Wikipedia, Văn hóa là văn học, nghệ thuật, cách sống, cách ăn mặc, trí thức của một người, của một xã hội, của một quốc gia. Theo định nghĩa văn hóa là văn học, nếu tôi không lầm thì tôi chưa bao giờ đọc hay nghe thấy ai chê bai văn NNN hết. Họ khen nữa là đằng khác. Bằng chứng là NNN phát hành một lô sách và một lô audio tape, CD để bán. Đây không phải là văn hóa Việt khuyến khích đó sao? Không một ai chê bai văn mình viết thì làm sao NNN lại lên án văn hóa Việt Nam thiên về đả kích?

Lý do người Việt ở hải ngoại đả kích là vì họ nghĩ lập trường và hành động sống của NNN không phản ảnh thái độ của người đã chạy nạn Cộng Sản, là vì ông đã chọn một cái đứng mà người Việt tỵ nạn Công Sản không thể nào chấp nhận được: đó là làm trò hề trong ngày 30-4. Sự đả kích này không khác gì ở nước Mỹ dân chúng đả kích nhau vì lý do chính trị, không phải vì lý do văn hóa. Đảng Dân Chủ Democratic Party  và Đảng Cộng Hòa Republican Party ở Mỹ đánh nhau hơn chó với mèo, hai bên lúc nào cũng muốn ăn tươi nuốt sống nhau, thế thì NNN nói văn hóa Mỹ khuyến khích ở chỗ nào? Hay là có thể ông dùng nhầm chữ? Có thể nào NNN có tấm lòng quá nhỏ hẹp, người ta khen văn của mình  thì không sao, nhưng chê hành động mình làm thì ông chụp mũ là văn hóa Việt Nam đả kích?

Tôi đọc câu này NNN viết để sửa lưng những người đã dại dột phê bình kém xây dựng về ông: Thánh nhân xưa có câu: “Lòng ganh tị thường làm cho người ta trở nên nhỏ nhen và độc ác”! Điều này ai cũng thấy rõ trên những lá thư, những bài viết nặc danh. Họ dùng những lời lẽ thô tục, cọc cằn, quên cả tuổi tác và địa vị của mình, quên rằng mình đã có con cháu và hằng ngày vẫn nghiêm khắc dạy con cháu bài học ngay thẳng và đạo đức!"   
và xin phân tích:

-  Thứ nhất, khi nêu ra một danh ngôn, người viết thường dùng nó để khuyến khích đối tượng và chính cả mình nên noi theo làm gương. Tôi đưa ra thí dụ câu danh ngôn của Tổng Thống Kennedy trong ngày lễ tân phong Tổng Thống vào tháng Giêng năm 1961:
“Đừng hỏi Tổ Quốc làm gì cho anh mà hãy hỏi anh làm gì cho Tổ Quốc” (Ask not what your country can do for you - ask what you can do for your country” ).

và câu nói nổi tiếng của Tổng Thống  Theodore Roosevelt tại Đại Học Paris Sorbonne, Pháp,  vào ngày 23-4-1910 :
“Người chỉ trích là người không đáng kể. Người nêu ra sự vấp ngã của người khoẻ mạnh, hoặc chỉ điểm những sơ hở mà người khác lăn mình ra làm cũng không đáng kể. Sự đáng kể dành cho người thật sự tham gia trong chiến đấu trường, mặt họ thẹo sần sì vì bụi, mồ hôi và máu,  họ phấn đấu dũng cảm, họ thất bại liên tục vì không nỗ lực nào mà không có sai lầm hay thiếu sót. Họ rất nhiệt tình, tận tâm, chiến đấu cho một chính nghĩa, nếu may mắn, họ biết rằng sẽ gặt hái thành công lúc kết cục, nếu không may mắn bị thất bại thì ít ra họ cũng biết là thất bại trong khi táo bạo làm hết mình để sử sách không bao giờ liệt kê họ cùng chung với những kẻ tâm dạ nhát gan không bao giờ biết đến chiến thắng hay bại trận”.
("It is not the critic who counts: not the man who points out how the strong man stumbles or where the doer of deeds could have done better. The credit belongs to the man who is actually in the arena, whose face is marred by dust and sweat and blood, who strives valiantly, who errs and comes up short again and again, because there is no effort without error or shortcoming, but who knows the great enthusiasms, the great devotions, who spends himself for a worthy cause; who, at the best, knows, in the end, the triumph of high achievement, and who, at the worst, if he fails, at least he fails while daring greatly, so that his place shall never be with those cold and timid souls who knew neither victory nor defeat." )

Trong cả hai câu danh ngôn này, dù rằng dụng ý dùng để khuyên răn mọi người, người nghe sẽ cảm thấy được là nó cũng áp dụng cho chính cả người phát biểu: chúng ta hãy cùng nhau áp dụng lý thuyết đó vào đời sống. Trái lại câu “ranh ngôn” của ông NNN đưa ra chỉ với mục đích là triệt hạ đối phương, người đọc sẽ có cảm tưởng ông ta là thánh, còn mọi người khác là quỷ sứ cần học lại công dân giáo dục.

-  Thứ hai, khi nêu ra một danh ngôn, nếu muốn có uy tín, người viết  phải viết rõ tên người phát biểu. Nếu không phải là danh ngôn, thì phải viết rõ là ca dao, tục ngữ… để người đọc, nếu muốn thì  còn biết đường mà lần, tra khảo để kiểm chứng. Trong câu nói ở đây, ông Ngạn viết :  Thánh nhân xưa có câu: “Lòng ganh tị thường làm cho người ta trở nên nhỏ nhen và độc ác”! Khi đọc đến cái nguồn ông Ngạn đề cập là "thánh nhân" thì tôi  chắc chắn 1000% là bịa đặt rồi. Làm gì mà có thánh nhân? Ông Đạo Dừa thì có. Ông Bẩy Thầy Chùa cũng có. Chứ "Thánh nhân" thì hoàn toàn không. Vả lại, thánh nhân nào mà nói một câu tầm thường, quá trùng hợp vào trường hợp của NNN để ông ta lấy dùng, giảng moral cho người đả kích ông ấy như thế? Thánh nhân phải nói những danh ngôn cầu kỳ hơn như là: "Thà ít tiền uống bia hơi còn hơn là không tiền uống bia lon".

Trong câu viết sau đây, NNN khoe khoang là bầu show VN trả rất nhiều tiền nhưng ông không thèm về : 
"Từ 3 năm nay, các bầu show trong nước mời tôi về liên tục. Mà không cần nói, bạn đọc cũng biết hiện nay thù lao trong nước trả rất cao, nhất là đối với tôi. Một khi tôi đã dám từ chối những quyền lợi lớn lao ấy, chẳng lẽ lại bay sang hát có một show cho sứ quán bên Đức hay sao?”

Nếu tôi làm nghề MC, xưa tôi đi vượt biên tìm tự do, vợ con tôi chết trên biển cả mà bây giờ bầu show ở Việt Nam gửi thư mời tôi về VN làm việc thì cho dù tiền trả có cao bằng núi Bảo Long ở Biên Hòa (OK, núi này thấp quá, thay nó bằng núi Hoàng Liên Sơn ở Lào Cai-Lai Châu), tôi sẽ vất nó vào sọt rác trong tích tắc, không bao giờ đề cập đến một ai vì nó nhắc lại nỗi đau thương, mất mát, hận thù của ngày tôi đi vượt biên, tiền rừng bạc bể cũng không mua chuộc được. Đằng này, không cảm thấy sự đau thương tủi nhục thì chớ, NNN lại khoe khắp thiên hạ như là một hãnh diện vô biên là đây này, xem họ trả tôi khối tiền về Việt Nam đi làm! Đây là một sự khoe khoang với bàng quan thiên hạ là ta đây có thể làm rất nhiều tiền, nhưng không thèm ấy thôi!

Ở Canada, Mỹ,  NNN làm đủ mọi cách để kiếm tiền, bán sách, bán video, bán CD audio, làm MC , quảng cáo cho dịch vụ telephone, quảng cáo phone card, quảng cáo cho ghế massage, cho máy massage đầu, với ảnh của NNN và Kỳ Duyên to tướng in hẳn lên hộp giấy bên ngoài (một lỗi lầm to lớn, tôi nghĩ chẳng ai dám mua vì nhìn hình họ sẽ sợ ma). Tôi nói đúng chứ không sai, máy massage đầu (!), mà theo lời quảng cáo là "rất cần thiết cho đời sống" (tôi không biết “rất cần thiết” cái nỗi gì không biết, hay là một câu nói vô bổ chiêu dụ khách hàng?). Làm đủ nghề như thế chứng tỏ là NNN một là mê tiền nếu những nghề này mang đến cho NNN nhiều tiền, hai là làm không đủ ra tiền vì họ trả ít quá nên phải làm nhiều "job". Cho dù là lý do nào đi nữa, nếu bầu Việt Nam trả quá nhiều tiền thì tại sao không nhận một cái rụp mà từ chối?  Có phải là nếu nhận làm ở Việt Nam thì 100% là ở Canada/Mỹ người Việt họ sẽ tẩy chay, không còn tìm được một đồng xu, rồi nhỡ trục trặc ở Việt Nam, phải đi trở lại về Canada/Mỹ kiếm tiền thì có phải là thả mồi bắt bóng hay không? 

NNN than phiền người khác dùng “lời lẽ thô tục, cọc cằn, quên cả tuổi tác và địa vị của mình”, thế nhưng chính NNN trong video phỏng vấn dùng chữ cọc cằn “Nó’” để ám chỉ đối phương:“Nó vẫn nhắm vào chú….Nó vẫn lôi chú ra….” .

Theo NNN, người chỉ trích đã “…quên rằng mình đã có con cháu và hằng ngày vẫn nghiêm khắc dạy con cháu bài học ngay thẳng và đạo đức.” NNN cũng dùng lời lẽ cọc cằn, như thế thì đó là văn hóa Việt Nam đả kích hay chỉ chính cá nhân NNN đả kích?

Tôi viết bài này để cho ông Ngạn biết tôi nằm trong số người mà ông nghĩ là “vốn không đông”, không đồng quan điểm với ông ta. Tôi viết bài này để cho ông Ngạn biết tôi không phải nằm trong số người nặc danh phê bình: Tên tôi là Nguyễn Tài Ngọc, tôi cũng viết văn (dù rằng văn tôi không rùng rợn bằng chuyện ma NNN), và tôi cũng không dùng bút hiệu. Tôi viết bài này cũng muốn cho ông Ngạn biết là tôi bắt chước cách xưng hô của ông ta. Dù rằng tôi nhỏ hơn NNN mười mấy tuổi, tôi xưng là “tôi” thay vì là “em” để cho ông Ngạn thấy nó chướng đến chừng nào. Tôi viết bài này để phân tích thái độ của NNN, để cho ông thấy văn hóa Việt Nam không phải là văn hóa đả kích, nhưng thái độ và lập trường sai lầm của  NNN cần có người chỉ trích, phê bình, sửa sai, để ông sớm tỉnh thức trong cơn mê hão huyền là ông được đa số người Việt ở hải ngoại ưa chuộng.

Nguyễn Tài Ngọc
02 May 2012

-------------------------------------------






CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ CON TÀU MANG SỐ MT065 (Con tàu đưa NNN vượt biên)


.
.
.


No comments:

Post a Comment

View My Stats