Friday 25 May 2012

BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ CÔNG BỐ PHÚC TRÌNH NHÂN QUYỀN (Mạch Sống)




Mạch Sống
Thursday, May 24 @ 17:45:07 EDT

Báo Mạch Sống, ngày 24/05/2012

Ngày hôm nay, Bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton công bố bản phúc trình về tình trạng nhân quyền ở gần 200 quốc gia trên thế giới. Trong phần nói về Việt Nam, bản phúc trình cho thấy một toàn cảnh đen tối, tụt lùi:

“Các vấn đề nhân quyền đáng kể nhất ở quốc gia này là sự hạn chế trầm trọng của chính quyền đối với quyền chính trị của người dân, đặc biệt là quyền thay đổi chính quyền; các biện pháp gia tăng nhằm hạn chế quyền tự do công dân; và tình trạng lũng đoạn hệ thống tư pháp và công an.”

Bản phúc trình nhân quyền của Bộ Ngoại Giao năm nay thay đổi về hình thức so với những năm trước đây.
“Chúng tôi hoan nghênh sự thay đổi này vì bản phúc trình năm nay liệt kê các sự kiện tương đối rành mạch và đầy đủ theo thứ tự ngày tháng, và như vậy sẽ giúp cho chính Bộ Ngoại Giao theo dõi tiến triển về nhân quyền từ năm này sang năm khác”, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành của BPSOS, nhận xét.

Tuy nhiên, Ông cho biết rằng có nhiều điểm vẫn còn khiếm khuyết hay thiếu chính xác về nội dung.
“Chẳng hạn, bản phúc trình chỉ công nhận khoảng 100 tù chính trị, trong khi chúng tôi đã đưa cho họ danh sách của gần 600 người.”

Như một ví dụ khác, Ông cho biết rằng vấn đề đàn áp đẫm máu các đồng bào người Hmong ở Mường Nhé, Điện Biên đã chỉ được nhắc đến một cách lướt qua và bị lờ đi khía cạnh đàn áp tôn giáo và cướp đất. Phần nói về đồng bào thiểu số Tây Nguyên cũng vậy.

“Một điểm tích cực của bản phúc trình là thừa nhận rằng các cải thiện về tự do tôn giáo đã bị khựng lại,” Ts.Thắng nói.

Ông cho biết là một nhóm chuyên gia về nhân quyền được BPSOS thành lập đang nghiên cứu kỹ lưỡng hơn bản phúc trình này để góp ý với Bộ Ngoại Giao.

Hàng năm BPSOS đều đóng góp thông tin cho bản phúc trình nhân quyền, do Vụ Dân Chú, Nhân Quyền và Lao Động của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đảm nhận việc soạn thảo. Trong thời gian bản phúc trình đang được soạn thảo, tháng 4 và tháng 5 vừa qua, BPSOS đã hai lần gặp riêng các giới chức thuộc bộ phận này để đề nghị một số điểm cần nêu lên trong bản phúc trình.

“Có một số điểm chúng tôi đề nghị đã được thể hiện trong bản phúc trình năm nay, nhưng có nhiều điểm chúng tôi thấy rằng vẫn chưa thay đổi,” Ts. Thắng nhận định. “Tất cả những người tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam cần tiếp tục vận động để cải tiến bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.”

Gần đây, BPSOS phối hợp với Nghị Hội Người Việt Toàn Quốc Tại Hoa Kỳ (NCVA) để phát hành bản tin nhân quyền hàng tháng với mục đích cập nhật thông tin đều đặn hơn cho Bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Hoa Kỳ, các chính quyền trong thế giới tự do, và các tổ chức nhân quyền quốc tế.







No comments:

Post a Comment

View My Stats