11.07.2016
.
Ngoại
trưởng Mỹ John Kerry chúc mừng các sinh viên tốt nghiệp Chương trình Giảng dạy
Kinh tế Fulbright (FETP) ở TP.HCM ngày 14/12/2013. Ngoại trưởng Kerry và Bí thư
Đinh La Thăng đã chính thức tuyên bố thành lập Đại học Fulbright Việt Nam trong
khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama.
Như
mọi người đã biết, nhân chuyến thăm Việt Nam 3 ngày vào cuối tháng 5 vừa qua của
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) đã
chính thức được thành lập ngày 25-5-2016 như món quà giáo dục tặng cho Việt
Nam, không phải của chính phủ Hoa Kỳ mà của một tổ chức thiện nguyện tư nhân hoạt
động bằng tiền học phí và quỹ đầu tư phi lợi nhuận do Ông Bob Kerrey, một cựu
chiến binh trong chiến tranh Việt Nam đứng đầu và là người góp nhiều công sức
trong việc vận động, quyên góp tài chánh nhiều năm qua để hình thành được FUV
hôm nay.
Thế
nhưng, ngày 1-6-2016, bà Tôn Nữ Thị Ninh, một nhà trí thức từng là chủ nhiệm Ủy
ban đối ngoại trong Quốc hội và Chính phủ CSVN, đã phản bác một cách đầy hận
thù việc ông Bob Kerrey giữ chức Chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học
Fulbright Việt Nam. Ngày 2/6 một ngày sau khi bà Tôn Nữ Thị Ninh nổ phát súng
quan điểm hận thù trên mạng Zing News, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam
Lê Hải Bình trong cuộc họp báo ở Hà Nội đã tuyên bố rằng, sự kiện ông Bob
Kerrey, người từng chịu trách nhiệm trong một vụ thảm sát thời kỳ chiến tranh,
được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng tín thác Đại học Fulbright, cần được xem
xét phù hợp với xu thế quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Như
vậy là đã có sự phản đối mang tính cá nhân và nhà cầm quyền CSVN cũng đã gần
như chính thức bầy tỏ thái độ không muốn Ông Bob Kerrey là người đứng đầu Đại học
Fulbright Việt Nam. Lý do được đưa ra là vì trong cuộc chiến Việt Nam cựu chiến
binh này, vào năm 1969 đã chỉ huy một toán biệt kích tấn công vào làng Thạnh
Phong ở tỉnh Bến Tre, nơi đảng và nhà cầm quyền Cộng sản Bắc Việt khởi phát cuộc
chiến tranh thôn tính Miền Nam (Bến Tre đồng khởi tháng 12-1960). Vì trước đó
có tin mật báo về một phiên họp của các nhân vật quan trọng thuộc Mặt Trận Giải
Phóng Miền Nam, một công cụ phát động và thực hiện cái gọi là “cuộc chiến
tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam”. Trong cuộc tấn công này
đã gây ra cái chết cho 23 thường dân, ngoài ý muốn của lực lượng tấn công. Mặc
dầu không cố tình gây ra vụ thảm sát, nhưng sau này, nhiều lần trên báo chí Hoa
Kỳ, ông Bob Kerry tỏ ra ân hận và nói rằng sự việc xảy ra ám ảnh ông suốt đời.
Và ông tự nhủ mình sẽ làm mọi việc có thể, mà thực tế Ông đã làm được nhiều việc
đáng kể để giúp đỡ Việt Nam xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, mà việc thành lập
FUV là một điển hình.
Đúng
ra, cá nhân Bà Tôn Nữ Thị Ninh, một trí thức công cụ của chế độ đương quyền tại
Việt Nam, không có quyền lên tiếng phê phán về những tội ác do đối phương gây
ra trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng kéo dài hơn 20 năm (1954-1975). Bởi vì trong
quá khứ, đảng cầm quyền và chế độ đương quyền kế tục quyền bính quốc gia, chính
là thủ phạm đã gây ra cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn này, trong đó Hoa Kỳ
cũng như các quốc gia đồng minh khác tham gia cuộc chiến chỉ đóng vai trò đồng
minh trợ giúp cho một bên (Việt quốc) chống lại cuộc xâm lăng của bên kia (Việt
cộng), tương tự như vai trò của Liên Xô và Trung Quốc hỗ trợ Việt cộng phát động
cuộc chiến thôn tính Miền Nam, nhuộm đỏ cả nước.
Ai
cũng biết, sau Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước, Việt Nam có số phận
không may đã rơi vào thế gọng kìm của một cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu (cộng
sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa). Nếu đảng và nhà cầm quyền CSVN sau khi
thống trị được một nửa nước Miền Bắc, đã không tình nguyện làm tên lính xung
kích cho cộng sản quốc tế, phát động và tiến hành cuộc chiến tranh xâm lăng Miền
Nam thuộc chính quyền quốc gia, để mở mang bờ cõi cho các tân đế quốc Đỏ
Nga-Hoa…Nếu đảng CSVN biết khôn ngoan hơn, chỉ tìm cách tranh thủ viện trợ kinh
tế, tài chánh, khoa học kỹ thuật của Liên Xô, Trung Quốc và các nước “Xã hội
chủ nghĩa anh em” để xây dựng thành công chế độ “xã hội chủ nghĩa ưu việt”
của mình trên Miền Bắc, cạnh tranh hòa bình để giành thắng lợi sau cùng với
chính quyền quốc gia trong chế độ dân chủ pháp trị “Việt Nam Cộng Hòa” ở Miền
Nam; thay vì nhận viện trợ vũ khí, đạn dược và các phương tiện giết người của
ngoại bang, với quyết tâm củng cố và xây dựng Miền Bắc thành “hậu
phương lớn xã hội chủ nghĩa” để phát động và tiến hành cuộc chiến
tranh xâm chiếm Miền Nam, thì cuộc chiến tranh “nồi da xáo thịt” đã
không xẩy ra và đã không có thảm cảnh sát hại hàng triệu người Việt Nam trên cả
hai chiến tuyến; và tất nhiên cũng không có các cuộc thảm sát những người
dân vô tội, không có các tội ác trong chiến tranh do các bên tham chiến gây ra.
Nếu
xét tính chất các vụ thảm sát thì dù do bên nào trong cuộc chiến gây ra đều là
tội ác. Nhưng xét về trách nhiệm của kẻ gây ra thảm sát sẽ không bị kết án như
một tội ác chiến tranh, nếu chủ thể đã hành động ngay tình đúng theo thầm quyền,
trách nhiệm và tình thế chiến đấu, với hậu quả không thể tiên liệu được. Trường
hợp cựu chiến binh Bob Kerrey khi chỉ huy một đơn vị chiến đấu tấn công vào
làng Thạnh Phong ở Bến Tre để tiêu diệt một đầu não cũa đối phương là thuộc thẩm
quyền và trách nhiệm của một chỉ huy đơn vi quân đội, theo lệnh cấp trên đã thực
hiện nhiệm vụ tấn công một mục tiêu đối phương trà trộn trong dân vốn là một
trong những chiến thuật “dùng dân đỡ đạn” mà đối phương thường dùng để lẩn
tránh. Cuộc tấn công này đã gây ra cái chết cho hơn 20 thường dân là ngoài ý muốn
của toán biệt kích, Bob Kerrey chỉ huy không thể bị kết án, nhưng do lương tâm
của một con người chân chính tự cảm thấy hối tiếc, ray rứt do mặc cảm tội lỗi
vì đã vô tình gây ra những cái chết cho người dân vô tội.
Nếu
nhìn lại cuộc chiến hơn 20 năm (1954-1975) đã kết thúc hơn 40 năm qua
(1975-2016),đã có biết bao vụ thảm sát nhiều người dân vô tội do cả hai phía
gây ra. Nhưng điều đáng nói là nhiều vụ thảm sát do phía gây chiến (Việt cộng)
thực hiện còn khủng khiếp hơn nhiều so với vụ thảm sát do toán biệt kích dưới
quyền chỉ huy của Bob Kerrey gây ra tại làng Thạnh Phong, Bến Tre. Một trong những
vụ gây kinh hoàng là các cấp chỉ huy chính trị quân sự của cộng sản Bắc Việt,
trước khi rút chạy khỏi thành phố Huế đã ra lệnh tàn sát khoảng 5000 người ở Huế
trong cuộc tổng tấn công các đô thị Miền Nam vào Tết Mậu Thân 1968. Trong số
này, phần đông là những người dân vô tội bị giết chỉ vì tình nghi có liên hệ
gia đình với quân, cán chính chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam lúc bấy giờ.
Theo nhân chứng, vật chứng tồn tại đến nay, tất cả đã bị xử bắn và chôn chung
trong những ngôi mồ tập thể. Ngoài ra, Việt Cộng còn đêm đêm bắn hỏa tiễn vào
các thành thị đông dân cư hay đặt chất nỗ những chỗ đông người để khủng bố nhằm
gây hoang mang, rối loạn cho đối phương (VNCH) dù họ biết chắc là sẽ có nhiều
người dân vô tội phải chết oan. Nếu xét về tính chất các vụ thảm sát này thì ở
mức độ tàn ác cao hơn nhiều so với những vụ mà quân đội Hoa Kỳ và các đồng minh
tham chiến đã gây ra. Nếu xét về trách nhiệm của những kẻ bên gây chiến gây ra
các vụ tàn sát thì đã đủ yếu tố cấu thành tội ác chiến tranh. Vì những kẻ thủ
ác, dù nhận lệnh của cấp trên hay tự ý hành động đều là tri tình, chủ động, biết
rõ hậu quả nghiêm trọng của việc làm. Do đó, cả kẻ chủ mưu (đảng và nhà cầm quyền
CSVN) chánh phạm và tòng phạm (là những kẻ trực tiếp thủ ác) đều phải bị lên án
và kết tội. Nếu đưa ra xét xử trước công lý về tội ác chiến tranh, cả chủ mưu,
chánh phạm và tòng phạm còn bị gia trọng về hình phạt vì tội ác gây ra cho những
người cùng huyết thống (dân tộc Việt), khác với tội ác chiến tranh do ngoại chủng
gây ra. Vậy mà cho đến nay, việc những nạn nhân của các vụ thảm sát này chưa có
ai khởi động tố quyền đối với những kẻ thủ ác, trước một tòa án hình sự quốc tế
có thẩm quyền đã là dấu hiệu của sự tha thứ, hòa giải dân tộc.
Vậy
thì, cá nhân Bà Tôn nữ Thị Ninh, một trí thức công cụ của chế độ đương thời mà
trong quá khứ đã là thủ phạm gây ra cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt
Nam, không có tư cách và quyền lên tiếng kết án các hành vi tội ác trong chiến
tranh do bất cứ ai gây ra. Người có tư cách và quyền lên tiếng chỉ có thể là nhân
dân dân Việt Nam, những nạn nhân của cuộc nội chiến ý thức hệ do hai công cụ bản
xứ là đảng và nhà cầm quyền cộng sản Bắc Việt (đóng vai trò xung kích, phát
động chiến tranh) và chính quyền quốc gia Miền Nam (đóng vai trò ngăn chặn,
đẩy lùi). Vì cả hai công cụ bản xứ này đều đã nhận viện trợ nhân lực, tài lực,
vũ khí đạn dược và những phương tiện giết người của ngoại bang để sát hại anh
em, sát hại nhiều người dân vô tộ và làm tan hoang đất nước; có khác chăng một
bên là công cụ tri tình cho ngoại bang (Việt Cộng: tình nguyện, chủ động làm
công cụ…) bên kia là công cụ ngay tình (Việt Quốc: bị ép buộc làm
công cụ…). Vì vậy, cả hai công cụ tri tình hay ngay tình này đều không
có quyền lên tiếng về các tội ác của bất cứ ai gây ra trong chiến tranh do vô
tình hay cố ý.
Giờ
đây, cuộc nội chiến đã kết thúc hơn 40 năm qua (1975-2016) nhân dân Việt Nam,
người có tư cách và quyền lên tiếng về những tội ác do các bên tham chiến nội
thù (Việt Cộng-Việt Quốc) hay ngoại nhân (Hoa Kỳ và đồng minh – Liên Xô
và Trung Quốc), thì đã thể hiện qua thực tế sinh động theo chiều hướng “đẩy
lùi quá khứ đen tối, hướng đến tương lai tốt đẹp”. Nhân dân Việt Nam đã nồng
nhiệt đón tiếp Tổng thống Barack Obama như một cứu tinh, với tình cảm chân
thành, trong chuyến đi ba ngày tại Việt Nam vào cuối tháng 5 vừa qua. Quan hệ đối
tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã được thể hiện qua các hoạt động hợp
tác song phương nhiều mặt, hiệu quả trong hơn hai thập niên qua (1995-2016). Tất
cả đều đi theo chiều hướng chung phù hợp với ý nguyện của nhân dân Việt Nam, đối
với Hoa Kỳ, quá khứ hận thù chỉ nên ghi nhớ như một kinh nghiệp, để hiện tại
cùng hợp tác hành động hướng đến tương lai tốt đẹp cho cả đôi bên.
Thật
là nghịch lý và trái với thực tế khi trí thức công cụ của chế độ Tôn Nữ Thị
Ninh và người phát ngôn Bộ Ngoại Giao của chế độ Lê Hải Bình, lại chống lại việc
cựu chiến binh Bob Kerrey làm người đứng đầu Đại Học Fulbright ở Việt Nam, vì
cho rằng ở vị thế này “sẽ gợi lại những đau thương mất mát mà người dân Việt
Nam phải trải qua trong chiến tranh là rất to lớn và không gì có thể bù đắp được”,
chỉ vì Bob Kerrey là người có trách nhiệm về một vụ thảm sát trong chiến tranh.
Nghịch lý vì không lẽ trách nhiệm và ảnh hưởng hành vi thảm sát của một cá nhân
cựu chiến binh Bob Kerrey lại lớn hơn trách nhiệm và hành vi của pháp nhân “đế
quốc Mỹ” trong chiến tranh. Trái với thực tế vì giờ đây sau chiến tranh, từ vị
thế đối phương Hoa Kỳ đã trở thành đối tác với Việt Nam và sự xuất hiện của ba
vị Tổng thống Hoa Kỳ trong vòng 20 năm qua (1995-2016) đã được đảng và chính phủ
CSVN đón tiếp trang trọng và được nhân dân Việt Nam nồng nhiệt đón chào chân
tình, tuyệt nhiên không thấy “phản cảm” nào của quá khứ. Vậy không lẽ sự xuất
hiện của cá nhân cựu chiến binh Bob Kerrey lại gây “phản cảm” trong nhân dân Việt
Nam đến độ không thể giữ vị thế đứng đầu Đại học Fulbright, một quà tặng cho
nhân dân Việt Nam do một tổ chức phi chính phủ thực hiện mà Ông Kerrey là người
có công đầu.
Không
hiểu trí thức công cụ Tôn Nữ Thị Ninh và người phát ngôn Bộ Ngoại giao của chế
độ đương quyền nghi sao mà đã có lời nói, hành động nghịch lý, trái chiều như vậy.
----------------------
* Các
bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm
hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
-----------------------
BÀI VIẾT LIÊN QUAN ĐẾN TÔN NỮ THỊ NINH về BOB
KERREY
Quanh chuyện ngôi trường
đại học Fulbright Việt Nam (VHNA 3-7-16)
Sòng phẳng với Bob
Kerrey(TS
23-6-16) -- Ý kiến của Giáp Văn Dương
No comments:
Post a Comment