Saturday, 30 July 2016

TẬP ĐOÀN HOA VI - HUAWEI (FB Mạnh Kim)






Sự phát triển và biến thành tập đoàn siêu quốc gia của Hoa Vi không giúp công ty viễn thông khổng lồ này trở thành một thương hiệu được tín nhiệm. Cho đến nay, nhiều nước vẫn rất thận trọng với Hoa Vi. Telecomstechnews (19-5-2016) cho biết Lãnh sự quán Canada tại Hong Kong mới đây đã khước từ visa đối với một cặp vợ chồng làm việc cho tập đoàn Hoa Vi bởi những tình nghi liên quan gián điệp.

Thử điểm lại những vụ việc liên quan Hoa Vi.

Sau một năm điều tra, ngày 8-10-2012, Ủy ban tình báo Hạ viện Hoa Kỳ công bố báo cáo cho biết, có bằng chứng rằng hai tập đoàn viễn thông Trung Quốc – Hoa Vi (Huawei) và Trung Hưng Thông Tấn (ZTE Corp) – là hiểm họa an ninh đối với Mỹ. Chủ tịch ủy ban trên, dân biểu Cộng hòa Mike Rogers, thậm chí kêu gọi các công ty Mỹ ngưng làm ăn với Hoa Vi.
Ủy ban điều tra Hạ viện tin rằng, Hoa Vi lẫn Trung Hưng Thông Tấn “đều không đáng tin cậy để có thể hoạt động tự do mà không bị ảnh hưởng từ nhà nước nước ngoài (ám chỉ Bắc Kinh) và do đó trở thành một hiểm họa đối với an ninh Mỹ cũng như các hệ thống của chúng ta”. Ủy ban tình báo Hạ viện Hoa Kỳ yêu cầu Ủy ban xem xét đầu tư nước ngoài Hoa Kỳ (CFIUS – một hội đồng liên bộ phụ trách giám định các thương vụ đầu tư nước ngoài vào Mỹ) phải chặn đứng mọi vụ sáp nhập tại Mỹ mà Hoa Vi hoặc Trung Hưng Thông Tấn đứng sau.

Năm 2011, CFIUS đã chặn đứng vụ Hoa Vi mua hãng máy tính 3Leaf Systems tại California. Cơ quan điều tra liên bang Hoa Kỳ (FBI) cũng xem xét cáo buộc việc Trung Hưng Thông Tấn bán thiết bị máy tính cho Iran (vi phạm luật cấm vận của Mỹ), trong khi Hoa Vi lại có khả năng bị điều tra tội tham nhũng, hối lộ và vi phạm bản quyền. Năm 2010, Motorola từng kiện Hoa Vi tội đánh cắp kỹ thuật. Motorola cho rằng một công nhân gốc Hoa của họ, Phan Thiệu Vĩ (Shaowei Pan), đã bí mật tuồn nhiều tài liệu mật cho đích thân Nhậm Chính Phi (người sáng lập Hoa Vi) trong nhiều năm ròng. Sau khi nghỉ Motorola, Phan Thiệu Vĩ lập công ty Lemko Corp và có quan hệ làm ăn trực tiếp với Hoa Vi… Năm 2003, Hoa Vi cũng bị Cisco Systems cáo buộc tội “sao chép bất hợp pháp” một phần mềm…

Vài năm gần đây, nhiều nước, đặc biệt Mỹ, bắt đầu cảnh giác sự có mặt các tập đoàn viễn thông Trung Quốc. Dù chiếm đáng kể thị phần viễn thông toàn cầu với vô số hợp đồng béo bở tại nhiều nước nhưng đến nay Hoa Vi vẫn không thể ký được hợp đồng nào, dù đơn lẻ, với các hãng viễn thông khổng lồ của Mỹ, từ AT&T, Sprint, T-Mobile đến Verizon. Với giới chính trị Mỹ, Hoa Vi là một cái tên gây dị ứng. Nguyên Bộ trưởng thương mại Gary Locke (cựu đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh) là một trong những người vận động quyết liệt chống lại sự thâm nhập của Hoa Vi vào Mỹ. Giới chính trị gia Mỹ tin rằng Hoa Vi là công cụ của Bắc Kinh trong cuộc chiến tình báo, đặc biệt khi người ta nhận ra rằng người sáng lập Hoa Vi là một cựu sĩ quan kỹ thuật từng có mặt trong quân đội Trung Quốc 10 năm (Nhậm Chính Phi)...

Thêm một ví dụ. SingleRAN của Hoa Vi là một thiết bị thuộc dòng sản phẩm giúp tiết kiệm. Với thiết bị này (có thể xử lý cùng lúc nhiều loại tín hiệu - 2G, 3G, WiMax, CDMA, GSM; nằm gọn trong một chiếc hộp), nhà mạng sẽ không còn bận tâm thiết lập các hệ thống kết nối đơn lẻ khác nhau (cho từng loại tín hiệu). Mùa thu 2010, khi nghe tin Sprint Nextel chuẩn bị đấu thầu nâng cấp hệ thống, Hoa Vi xuất hiện, với đề nghị giúp nhà mạng này tiết kiệm được ít nhất 800 triệu USD chỉ trong năm hoạt động đầu tiên (sau khi sử dụng SingleRAN). Tuy nhiên, thượng nghị sĩ Cộng hòa Jon Kyl kiên quyết ngăn chặn. Ông thực hiện chiến dịch viết thư yêu cầu Sprint Nextel loại Hoa Vi khỏi cuộc đấu thầu. Bộ trưởng thương mại (lúc đó) Gary Locke (vốn là người Mỹ gốc Hoa với tên tiếng Hoa là Lạc Gia Huy) đích thân điện cho CEO Dan Hesse (Sprint Nextel), bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc” liên quan an ninh quốc gia có thể nảy sinh từ thương vụ. Gói thầu 5 tỉ USD cuối cùng được chia cho Ericsson, Alcatel-Lucent và Samsung...

Đầu năm 2012, cũng xuất phát từ mối lo ngại an ninh quốc gia mà Chính phủ Úc đã ngăn Hoa Vi tham gia thương vụ đấu thầu liên quan mạng băng thông rộng trị giá 37 tỉ USD của nước mình. Năm 2011, doanh số Hoa Vi lẫn Trung Hưng Thông Tấn tại Ấn Độ đều tụt giảm khi Chính phủ Ấn lập ra nhiều hàng rào khống chế. Cũng trong năm 2011, Ủy ban châu Âu đưa ra báo cáo cho biết Hoa Vi và Trung Hưng Thông Tấn đã được Bắc Kinh bí mật hậu thuẫn để có ưu thế cạnh tranh. Nhiều công ty viễn thông thế giới đang tỏ ra thận trọng khi làm ăn với Hoa Vi. Stephane Richard, CEO của France Telecom-Orange (một nhà mạng hoạt động tại 33 nước) với trụ sở tại Paris, cho biết công ty mình không dùng thiết bị Hoa Vi cho hệ thống mạng tại (nước nhà) Pháp (dù có sử dụng thiết bị Hoa Vi cho các hệ thống mạng tại thị trường Bỉ, Anh, Tây Ban Nha và một số nước châu Phi). Tháng 6-2016, Hoa Vi tiếp tục bị Mỹ điều tra bởi các cáo buộc xuất khẩu đến Syria, Iran, Bắc Triều Tiên, Sudan và Cuba…

Trong khi đó, Hoa Vi lại rất thành công tại thị trường Việt Nam. Cách đây ba năm, trong số đề ngày 29-4-2013, tờ Nhịp Cầu Đầu Tư cho biết, Hoa Vi đã đánh bại các hãng sừng sỏ Ericsson, Alcatel, Nokia-Siemens, Orange-France Telecom, Motorola… để giành thầu cung cấp hệ thống tổng đài, mạng lõi, trạm thu phát sóng cho Viettel, Vinaphone, Vietnamobile, MobiFone, SFone và G-Tel. Chiến lược của họ “đơn giản chỉ về giá…, tạo ra mức giá rẻ chưa từng có”. Báo Thanh Niên, số 3-2-2015, viết rõ hơn, cho thấy vấn đề không chỉ về giá mà còn là chiến lược và chiến thuật. Cụ thể, Hoa Vi “tìm cách đưa thiết bị hỗ trợ các dự án viễn thông ở các vùng sâu, vùng xa”. Các dự án luôn được kèm với “quà”. Thanh Niên nói thêm, “theo báo cáo của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam công bố tháng 4-2013, có tới 6/7 hãng viễn thông ở Việt Nam đang sử dụng thiết bị công nghệ của Huawei và ZTE. Đặc biệt, hiện có hơn 30.000 trạm thu phát sóng (BTS) của các nhà mạng Việt Nam sử dụng thiết bị của hai tập đoàn Trung Quốc này”. Ông Trịnh Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội an toàn thông tin (VNISA), cho rằng đây là “mối lo về an ninh, an toàn cho viễn thông trong nước” (nđd).

Cho đến nay, dù nhiều lần báo chí trong nước đề cập yếu tố an ninh quốc gia liên quan sử dụng các thiết bị Hoa Vi nhưng chưa từng có động thái cụ thể gì từ giới chức trách trong việc giám sát các thương vụ làm ăn cũng như hệ thống kỹ thuật mà Hoa Vi cung cấp. Chưa hề có một tổ chức liên bộ nào được thành lập để kiểm soát Hoa Vi, và Quốc hội chưa một lần đề cập Hoa Vi như một nghị trình an ninh quốc gia cần được xem xét với sự cẩn thận đặc biệt và nghiêm túc đặc biệt. Có thành viên Quốc hội nào, dù một lần, tự hỏi rằng hệ thống mạng Quốc hội là an toàn hay không và rằng liệu có khả năng hệ thống mạng chính phủ bị cài “virus thành Troy” hay không. Nếu các hệ thống mạng cấp quốc gia, từ mạng an ninh nội bộ, hệ thống điện lưới quốc gia, đến hệ thống điện tử quốc phòng, bị tấn công thì sẽ phản ứng như thế nào...

Chủ quyền không chỉ liên quan biển đảo. Chủ quyền là các vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia nói chung trong đó có an ninh mạng. Chủ quyền, dĩ nhiên, cũng “không phải cứ hô hào, kích động thật to, là có được…” (như lời một bà nào đó). Chủ quyền đang bị thách thức, từ nhiều phía và nhiều mặt. Nó chỉ còn là một khái niệm mơ hồ, nếu những người có chức trách bảo vệ nó, tiếp tục “hô hào, kích động thật to” mà không mảy may hành động.




No comments:

Post a Comment

View My Stats