Thursday, 28 July 2016

LỜI GIỚI THIỆU “ĐƯỜNG VỀ NÔ LỆ” (Phùng Anh Kiệt)





Phùng Anh Kiệt
29-7-2016

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà hiện nay, tầng lớp trí thức, đặc biệt là trí thức về lĩnh vực kinh tế quan tâm đến hệ thống lý thuyết trường phái Áo, đặc biệt ở hai cá nhân: Luwig von Mises và Friedrich August von Hayek; bởi hơn ai hết, họ hiểu rất rõ điều tồi tệ mà hệ thống toàn trị, kinh tế chỉ đạo và sự can thiệp thái quá của chính quyền vào kinh tế, đặc biệt là hệ thống kinh tế cộng sản và xã hội chủ nghĩa cũ. Họ, là vừa là nạn nhân cố gắng tìm lấy giải pháp để giải quyết những nan đề kinh tế lúc này; và vừa là, thân phận nô lệ được tiên đoán từ lý thuyết kinh tế tự do ngày trước đang nỗ lực tự giải phóng chính mình.

Đường về nô lệ (tái bản năm 2016)

Điều đáng buồn lúc này, khi độc giả cầm trên tay một tác phẩm kinh điển về kinh tế xã hội học thời cận đại, có sức ảnh hưởng lan toả ngay từ lúc nó vừa xuất hiện; thì đó cũng là lúc nó bước vào giai đoạn suy tàn của nó. Tiếng nói của Mises và Hayek đang bị lãng quên ở những nơi từng ca ngợi nó, ngay cả khi nó vẫn dự báo chính xác những gì kinh tế đang diễn ra. Thói thường của con người, đặc biệt là tầng lớp lãnh đạo, thường đi chậm hơn những phát kiến của thời đại mình. Trong kinh tế học lúc này, người ta có xu hướng quay trở về và phục hưng lý thuyết kinh tế của Keynes, người ta tin rằng sự can thiệp của chính phủ vào thời điểm nhất định sẽ vực dậy nền kinh tế vào giai đoạn suy trầm; hơn nữa, xu hướng tự do của thế giới đang vấp phải rào cản mà lĩnh vực lý thuyết kinh tế hồ hởi giai đoạn trước không ngờ đến, thời đại mà người ta rêu rao về chủ nghĩa toàn cầu hoá, ranh giới quốc gia ở Tây Âu dần xoá nhoà bằng chính sách liên kinh tế hình thành đồng bạc chung, người ta vui vẻ ngược xuôi khắp cõi Châu Âu và sự thịnh vượng tăng đến mức người ta hồ hởi rằng thế giới đã bước vào một kỷ nguyên mới, giai đoạn toàn cầu hoá; thực tế không như vậy, toàn cầu hoá đi kèm với kỹ nghệ điện toán, nơi mà dòng tiền lưu thông nhanh như vận tốc ánh sáng, luật lệ các quốc gia không thể theo kịp với đà phát triển lĩnh vực điện toán và kết quả, dòng tiền đó đã thất thoát cho đến khi gây cuộc khủng hoảng tài chính, làm sụp đổ tập đoàn Lehman Brothers 2008; cả thế giới bước vào suy giảm kinh tế nghiêm trọng.

Khi đó, vì quyền lợi của mình, các quốc gia dùng chính sách tiền tệ hoặc thuế quan để ngăn chặn hàng hoá lưu thông; riêng ở Mỹ, người dân bị đám chính khách mị dân cho họ niềm tin rằng chính những quốc gia đang phát triển đã làm họ thất nghiệp và, tự do lưu thông hàng hoá càng khiến người ta thất nghiệp nhiều hơn; ở Tây Âu, hệ thống kinh tế suy yếu ở Nam Âu gây áp lực lên kinh tế thịnh vượng Bắc Âu, nước Đức đứng mũi chịu sào, nguy cơ tan rã hệ thống kinh tế Châu Âu đang bước vào giai đoạn lâm sàng; ở Đông Á, với tư duy duy xuất khẩu của Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực, đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Người ta bắt đầu nói về sự tan rã của chủ nghĩa tư bản, đâu đó thấp thoáng những kẻ theo xã hội chủ nghĩa khác Marx lên tiếng bỉ bạc lối trọng thương của đám lãnh đạo, những quốc gia cộng sản hả hê nhắc lại lời tiên tri của Marx; và, cả thế giới dần bước vào quỹ đạo của một lý thuyết gia kinh tế vốn mất dần ảnh hưởng, Keynes.

Họ nào biết: Chính kỹ nghệ khoa học phát triển đã cướp đi việc làm của người Mỹ chứ không phải người Tầu hay những quốc gia chậm tiến khác; chính hệ thống luật pháp đi chậm hơn đà tiến của lĩnh vực điện toán và thói ăn bám của những kẻ sống trên khu vực địa chính trị quan trọng đã khiến Tây Âu bước vào bờ khủng hoảng; chính cái tư duy ngu xuẩn của những kẻ suốt ngày chỉ muốn xuất khẩu mà không cởi trói cho người dân thăng tiến đời sống đã gây ra cuộc khủng hoảng dài lâu từ kinh tế đến xã hội ở khu vực Á Châu.

Nhưng, giữa bối cảnh đó, chúng ta cần lắng nghe lại ý tưởng của những kinh tế gia tiền bối. Đặc biệt là những phán đoán của họ dựa trên cơ sở gì. Nhất là với Hayek. Người xuất sắc trong việc tiên đoán khá chính xác những gì mà chế độ toàn trị, cộng sản sẽ gây ra cho người dân.

Tác phẩm Đường về nô lệ (The Road to Serfdom) của Hayek không chỉ lý giải cho chúng ta, người Việt, thứ bi kịch mà chúng ta đang gánh chịu; mà xa hơn, nó vạch cho chúng ta một tia sáng giữa đêm tối tăm lịch sử lúc này, nó cho chúng ta hi vọng giữa lúc mọi niềm tin đang tắt lịm, nó gây nguồn cảm hứng cho ta đứng dậy giải quyết vấn đề mà quốc gia đang gặp phải.

Chúng ta hiểu thân phận nô lệ tôi đòi của chúng ta nằm ngoài ý chí lãnh đạo. Tôi tin chắc thế hệ cộng sản đầu tiên hoàn toàn không mong muốn nhìn thấy quốc gia như lúc này, họ đã hi sinh xương máu chính mình và xương máu nhân dân cả nước, suốt hàng chục năm nay để xây dựng nên một thể chế què quặt, một đất nước ươm mầm bệnh, một thế giới giả dối và đốn mạt, cùng những con người vô lương và vô liêm sỉ. Nhưng, tại sao, chúng ta đã hi sinh hàng triệu sinh mạng suốt ba thế kỷ mà người Việt vẫn chưa có những gì mà họ xứng đáng phải có? Khi cương giới quốc gia thu hẹp dần, hàng chục ngàn con tàu tan vỡ trên vùng biển thuộc chủ quyền ngàn đời mà tổ tiên giao phó, hàng trăm sinh mạng chết vô cớ trên biển mà không một người bảo vệ, hàng hàng gia đình suốt bốn tỉnh miền Trung đứng bên bờ vực tan rã trong đói khát khi ô nhiễm biển vẫn chưa có câu trả lời và những dự án do liên minh ma quỷ tạo ra kéo dọc đất nước có thể gây ra sự diệt tuyệt cả một quốc gia mà không ai ngăn chặn chúng lại?

Chúng ta đang sống trong thế giới nào? Chúng ta mất tương lai, mất thân phận, mất lòng tự trọng và niềm kiêu hãnh quốc gia. Chúng ta thí mạng vượt biên tìm tự do trong đói khát, chúng ta chấp nhận thân phận tôi đòi cho những quốc gia lân bang trong nhục nhằn tủi hổ. Chúng ta đánh cược tương lai của con em mình trong ván bài của những kẻ lên đồng chính trị. Chúng ta phó mặc quyền tự quyết của mình cho những kẻ loạn trí và tham lam.

Tại sao? Một chủng tộc tự tin và kiêu hãnh về trí thông minh và lòng kiêu dũng mà lại sống hèn, sống nhục trong câm lặng tủi hổ của loài giun dế chỉ biết cắm đầu xuống mặt đất?

Tôi không nghĩ người Việt chúng ta như vậy. Giữa dòng chảy điên rồ mà định mệnh đã vẽ cho dân tộc này, thì như sử gia Durant nói, hai bên bờ con sông đó người ta vẫn ca hát, vẫn làm nhà, vẫn kiến tạo nên văn minh của mình.

Thú thật, tôi không hi vọng Việt Nam có một cuộc cách mạng đánh đổi lần nữa xương máu con người, chúng ta cần cải cách và những giải pháp hoà bình. Giải pháp mà thế hệ đi trước đã sáng suốt nhìn ra, như Phan Chu Trinh quả quyết, Khai dân trí chấn dân khí hậu dân sinh. Nếu không hiểu những gì mà chúng ta đang gánh chịu là hậu quả của lựa chọn sai lầm từ thời điểm bắt đầu, có nguy cơ, chúng ta sẽ bước lại con đường nô lệ như định mệnh vạch sẵn cho kẻ ngu dốt. Nhưng lịch sử thường đi ra ngoài dự tính cá nhân, tôi vẫn nghĩ, cách mạng cũng như chiến tranh, nó nên là lựa chọn cuối cùng khi mọi lựa chọn đều không thể lựa chọn.

Đường về nô lệ (Nhà xuất bản Tri thức, 2009)

Quyển sách này được dịch giả Phạm Nguyên Trường chuyển ngữ với mức độ trung thành nguyên tác rất cao, trong lần in này, ông đã chỉnh sửa một vài điểm nhỏ để nó hoàn thiện hơn.

Tôi hi vọng quyển sách này sẽ mang lại nhiều lời giải cho mọi người, mang lại ý tưởng cho những giải pháp dù ở mức độ cá nhân hay dân tộc. Là một người đứng giữa dòng chảy lịch sử, tôi có thể nói với bất kỳ người nào cầm trên tay quyển sách này, tôi cố gắng đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho quyền căn bản nhất mà người Việt xứng đáng phải có: quyền của một con người như một con người.

Và, tôi thành thật xin lỗi thế hệ tương lai, thế hệ chúng tôi đã không làm được gì nhiều hơn cho các bạn, chúng tôi đã để lại một đất nước Việt Nam rách nát trong tâm hồn, tê liệt trong sức sống, tài nguyên bị huỷ hoại không biết khi nào hồi phục và lòng tự trọng dần biết khỏi tự điển người Việt.

Điều duy nhất tôi có thể làm cho thế hệ tương lai, cố gắng phục hồi và chữa lành phần nào vết thương từ căn bệnh cộng sản gây ra, một trong những điều làm được, là in cho bạn đọc trẻ quyển sách mà không một bàn tay ma quỷ nào có thể kiểm duyệt được nó.

Cảm ơn.

Phùng Anh Kiệt





No comments:

Post a Comment

View My Stats