Saturday, 30 July 2016

VIỆT NAM : TRUYỀN THÔNG NHÀ NƯỚC KHÔNG CÒN ĐỘC QUYỀN 'MÚA GẬY VƯỜN HOANG' (Điếu Cày/Người Việt)





Điếu Cày/Người Việt
July 29, 2016
.
Trước sự lớn mạnh của mạng xã hội, những tờ báo do đảng trực tiếp chỉ huy nay không còn mấy tờ được độc giả quan tâm. (Hình: Getty Images)

Thế giới thay đổi, sự xuất hiện và phát triển nhanh của mạng xã hội, công nghệ thông tin, blog, Facebook tại Việt Nam khiến truyền thông nhà nước không thể “múa gậy vườn hoang.” Đó là thực tế của những “trận đấu truyền thông Việt” trong vài năm qua.

Một vài ví dụ

Ngày 14 tháng Năm, 2016, Báo Tuổi Trẻ có bài viết, rằng Công An Thành Phố Hồ Chí Minh khẳng định “Việt Tân tổ chức gây rối,” đồng thời nêu đích danh công dân Huỳnh Thành Phát cùng địa chỉ cư trú với nhân thân “có hai tiền án.”

Ngay sau đó, Huỳnh Thành Phát dùng điện thoại gọi trực tiếp đến máy của phóng viên viết bài, chất vấn thông tin tiền án. Câu hỏi anh Phát đặt ra: Thông tin tiền án lấy từ đâu? Và cuộc gọi này được ghi lại bằng video.

Vài giờ sau khi đăng tải đoạn video trên Facebook Huỳnh Thành Phát, cuộc đối thoại giữa Huỳnh Thành Phát và phóng viên báo Tuổi Trẻ được chia sẻ nhanh chóng trên internet. Trong video này, phóng viên Viễn Sự (báo Tuổi Trẻ) cho biết bài viết do Công An Thành Phố gửi đăng và báo Tuổi Trẻ chưa hề kiểm chứng thông tin về Huỳnh Thành Phát. Báo Tuổi Trẻ sau đó đã phải gỡ tên Huỳnh Thành Phát ra khỏi bài viết, và tiếp theo gỡ luôn bài viết khỏi trang web của mình.

Một trường hợp khác. Trong bài phóng sự tối 14 tháng Năm, 2016, đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV2) đưa tin về một nhân vật khác, là chị Hoàng Mỹ Uyên (Facebook Ubee Crazee), liên quan đến việc Hoàng Mỹ Uyên và con gái đi biểu tình tại Sài Gòn.

Trong cuộc biểu tình vì môi trường sáng ngày 8 tháng Năm, Hoàng Mỹ Uyên và con gái bị công an và Thanh Niên Xung Phong đánh đập gây thương tích.

Sau khi đoạn video được HTV2 loan tải, Hoàng Mỹ Uyên lập tức phản ứng bằng bài viết “HTV2 Dựa Vào Đâu Để Nói Tôi Là “… mang con theo để phục vụ mục đích chính trị?”
Bài viết của Hoàng Mỹ Uyên ngay lập tức gây sốt trên mạng, được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi.

Các ví dụ trên cho thấy, hai cơ quan truyền thông lớn hàng đầu ở Sài Gòn đã theo thông tin của công an, không kiểm chứng nguồn tin, đăng tải thông tin có tính vu khống và bôi nhọ danh dự công dân.

Đó là chuyện miền Nam. Miền Bắc cũng xảy ra tương tự.

Cuối tháng Năm, 2016, MC Phan Anh, người dẫn chương trình trên truyền hình ở Hà Nội, bị đấu tố trong buổi tọa đàm bởi một nhóm người, được dẫn dắt bởi bà Tạ Bích Loan. Cuộc đấu tố kéo dài 2 giờ, truy vấn Phan Anh “mục đích nào, động cơ nào…” trong việc chia sẻ thông tin về vụ cá chết mà anh đưa lên facebook của mình.

Khi VTV đăng tải video đấu tố Phan Anh trên Youtube, một cơn bão truyền thông đã phẫn nộ nhắm vào VTV, chỉ trích cuộc đấu tố mang hơi hướng của thời “Cải Cách Ruộng Đất.” Nhóm đấu tố được ví như “Hồng Vệ Binh” thời Cách Mạng Văn Hóa Trung Cộng. Trong vòng vài giờ đồng hồ, VTV đã phải gỡ toàn bộ video đấu tố ra khỏi Youtube.

Một âm mưu được dàn dựng, cắt ghép, với bầy đàn đấu tố nhằm hạ uy tín MC Phan Anh, khi đưa ra công khai trên internet đã hoàn toàn thất bại. Không những không hạ được uy tín MC Phan Anh, mà thông điệp của người này còn lan tỏa khắp nơi: “Đừng im lặng!”

Trong bài viết “Chia Sẻ Trên Mạng Để Làm Gì?” Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận định: “Từ câu chuyện của em Huỳnh Thành Phát đến anh Phan Anh, cho thấy tư duy và hành động của phía một phía vẫn không đổi, nhưng nhận thức và ý thức của phía nhân dân đã vùn vụt đổi thay. Chuyện của em Huỳnh Thành Phát chỉ có hàng trăm lượt share, hàng ngàn like nhưng đến chuyện của Phan Anh đã là hàng ngàn lượt share, hàng chục ngàn like. Vấn đề không phải là Phan Anh nổi tiếng hơn, mà vấn đề ở chỗ cấp số nhân của thái độ đó, cùng một ý nghĩa là phẫn nộ cho sự thật…”

Chống lại hệ thống truyền thông độc tài

Đây không phải là lần đầu tiên các tờ báo và đài truyền hình nằm trong tay Đảng Cộng Sản bị các Blogger phản đối và công khai thách đấu.

Đầu năm 2007 (thời còn Yahoo 360), báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh (CATP) có bài viết “Vụ án hy hữu 160 nghìn đồng” với nội dung bôi nhọ tôi (Blogger Điếu Cày). Ngay lập tức, tôi đã đến báo CATP yêu cầu phải có bài đính chính và xin lỗi công khai. Mặc dù đã được cung cấp thông tin, bằng chứng đầy đủ, tờ báo này vẫn ngoan cố không chịu đính chính.

Cùng với các bạn bè trong nhóm Blogger, tôi công bố thông tin phản biện và yêu cầu báo CATP phải đính chính và xin lỗi. Tất cả những nội dung liên quan đến vụ việc đều được hàng chục Blogger chia sẻ và nhân rộng trên các trang Blog, tạo thành một mạng lưới thông tin với hàng trăm ngàn lượt truy cập cả trong và ngoài nước.

Trận đấu giữa Blog và báo CATP đang diễn ra, chưa phân thắng bại.

Lần thứ 5, khi tôi đến yêu cầu đính chính thì những người có trách nhiệm giải quyết ở báo CATP yêu cầu tôi chấm dứt đưa tin trên internet!

Chính cái yêu cầu quái gở này của báo CATP đã gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng. Nhiều comment, bài viết bày tỏ quan tâm đến thân phận người dân trong xã hội độc tài truyền thông. Những vụ hàng chục tờ báo xúm vào đánh hội đồng Hòa Thượng Quảng Độ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý trong khi họ còn đang bị giam cầm, không có phương tiện phản biện, được nhắc lại như những bằng chứng về sự khốn nạn của một hệ thống truyền thông trong tay Đảng.

Thử hỏi, truyền thông do nhà nước chỉ đạo, viết nội dung sai sự thật, xúc phạm danh dự công dân, không chịu đính chính, xin lỗi, thì người dân biết lấy phương tiện nào để tự bào chữa, bảo vệ danh dự mình?

May thay, công nghệ thông tin ra đời, cung cấp cho người dân công cụ tuyệt vời để chia sẻ, để cất lên tiếng nói của mình, để liên kết với nhau tạo ra sức mạnh chống lại hệ thống truyền thông độc tài. Đó là Blog và Facebook!

Trong khi tôi và các bạn Blogger của mình đang liên thủ đấu với báo CATP thì đài BBC đã kịp thời  đăng bài “Blog Đấu Với Báo,” dẫn cả hai đường link của Blog Điếu Cày và báo CATP để bạn đọc phân biệt đâu là sự thật! Với tầm vóc và lượng truy cập của BBC, tương quan lực lượng đã thay đổi. Báo CATP đã phải gỡ bài khỏi website như một sự đầu hàng!

Đây thực sự là hiện tượng trong lịch sử truyền thông Việt. Bởi lần đầu tiên một người dân dùng một trang Blog nhỏ bé của mình để “đấu” với một tờ báo của nhà cầm quyền, lại ở trong một xã hội độc tài về truyền thông, và đã thắng.

Tôi cùng bạn bè nhận ra rằng, một trang Blog, dù nhỏ bé nhưng nếu liên kết với nhiều trang Blog khác, sẽ tạo sức mạnh, nhất là khi nó được các tờ báo lớn trên thế giới tiếp sức.

Hiện tượng này khích lệ các blogger liên kết thành nhóm, công khai thực hiện quyền tự do ngôn luận mạnh mẽ hơn. Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do được thành lập tháng Chín, 2007, phát động phong trào Dân Báo tại Việt Nam từ đầu năm 2008, trong tinh thần đó.

Sau sự lớn mạnh của các blog liên kết, cái kết của các trận đấu truyền thông đến nhanh hơn, chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ!

Từ năm 2007 đến nay, số lượng người dùng internet tăng gần gấp đôi, số lượng người sử dụng mạng xã hội tăng gấp 5 lần. Các blogger liên kết, giúp thành hình những nhóm hoạt động nhanh nhạy, chuyên nghiệp, lượng truy cập và chia sẻ chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt những kỷ lục mà các tờ báo nhà nước không bao giờ có được!

Rõ ràng, mạng xã hội đóng vai trò rất lớn trong tiến trình dân chủ và thể hiện quyền biểu đạt; đặc biệt, góp phần thức tỉnh nhiều người, khi mà báo chí “chính thống” vẫn bị quản lý, định hướng và giúp bưng bít thông tin.

Thế giới thay đổi, xã hội thông tin ở Việt Nam đang thay đổi, không còn là nơi cho các phương tiện truyền thông trong tay Đảng “múa gậy vườn hoang” nữa.

Nếu không biết hành xử trong “thế giới phẳng,” các tờ báo Đảng sẽ còn nhận được nhiều quả đắng. Và điều quan trọng nhất đối với một tờ báo: Mất niềm tin của độc giả là mất tất cả. Bài học này không chỉ cho truyền thông, mà còn cho cả nhà cầm quyền Cộng Sản!



No comments:

Post a Comment

View My Stats