Monday, 25 July 2016

MA QUÁI (FB Luân Lê)





FB Luân Lê  (LS Lê Luân) 

Đất nước tôi bây giờ lại trở nên như thế này nữa các bạn ạ. Một sự thừa nhận nghe mà xót xa, nhưng thực may là vẫn còn hơn cứ mãi dối trá và huyễn hoặc để rồi một ngày đứng trên bờ vực thẳm mới biết là đường cùng hay cận kề với cái chết trước mặt.

Từ thời bà phó chủ tịch nước đã văng ra: ăn không từ thứ gì của dân. Giờ đến đại biểu quốc hội khác lại viết tiếp vào vế sau của nó: bán không từ thứ gì.

Đúng là vậy, đã ăn không từ thứ gì thì để có cái mà ăn đương nhiên phải bán tất những gì có thể mới có cái đút vào mồm hoặc vô tình mất cắp ở cơ quan hàng trăm triệu đồng, hàng chục lượng vàng, đấy là còn chưa kể đến những cơ ngơi hàng ngàn tỷ bằng gỗ quý được xây cất lên trong khi những cánh rừng ngày càng trọc.

Cá chết, gỗ hết, thực phẩm bẩn, không khí độc hại, nguồn nước cạn kiệt và cũng không tránh được cảnh bị ô nhiễm nặng nề. Con người thì tha hoá, đạo đức xuống cấp trầm trọng. Không chỉ bề nổi như vài tên quan nhỏ là thanh tra giao thông bảo kê ăn hối lộ gần 4 tỷ đồng, mà còn nhiều kiểu bảo kê quyền lực khác để chặt phá rừng, đục khoét ngân sách, rồi cả kiểu bảo kê như Võ Kim Cự đã rước Formosa vào Việt Nam bằng cách phê duyệt cho thuê đất 70 năm rồi mới trình lên Chính phủ xin chấp thuận theo kiểu "trảm trước tấu sau" cho một sự đã rồi.

Đến khi không bán được tài nguyên thiên nhiên nữa, người ta còn tính bán sức lao động con người, nhưng những người vùng biển có nguy cơ nhiễm độc thì cũng không thể bước ra khỏi đất nước mà đi làm thuê được. Còn những người khác thì cũng không đi được hoặc vì không có tiền, hoặc vì không đủ hiểu biết, trình độ mà đi.

Nếu không xác định được bạn - thù, nếu không dám nhìn vào sự thật hiển hiện trước mắt mà làm kẻ đui mù câm điếc, rồi thì cứ loanh quanh và lừa mị nhau, đặc biệt là người dân, thì chẳng thể nào đất nước khổ đau này vùng thoát ra được những hậu hoạ mà chúng ta đang phải gánh chịu, và còn chưa có dấu hiệu dừng lại phía tiếp về sau.

Hôm nay đi mua sách, tôi lướt qua một giá sách có cuốn tiểu thuyết với tựa đề Vỡ Tổ. Tôi thấy nó đang thực sự đúng với thực tại xã hội nước ta hiện thời, đang từng ngày vỡ ra quá nhiều những mảnh tối khủng khiếp mà trước đây được che đậy bởi những thủ đoạn quyền lực chính trị ma quái.

-------------

‘Bán không từ thứ gì, ăn không từ thứ gì’
Trọng Phú – Việt Hoa
25-7-2016
.
Đại biểu Bùi Việt Phương đặt vấn đề: Tại sao vẫn để xảy ra những chuyện làm người dân ai oán? Ảnh: PLTP

Phương (Ninh Bình) đã thốt lên như vậy khi nói về bộ máy công chức hiện nay trong buổi thảo luận cho ý kiến về chương trình giám sát năm 2017 của Quốc hội (QH) vào sáng nay (25-7).
“Chúng ta để người dân ăn bẩn ảnh hưởng sức khỏe và để môi trường ô nhiễm. Bộ máy chúng ta không làm tròn trách nhiệm. Chúng ta rất buồn khi báo chí nói “ăn không từ thứ gì” giờ thêm cụm từ “bán không từ thứ gì”. Bán từ giấy chứng nhận VietGAP, bán giấy chứng nhận sản phẩm lưu hành, bán chứng nhận con dấu…” – ĐB Bùi Việt Phương dẫn chứng.
Góp ý về dự kiến chương trình giám sát năm 2017 của QH, ĐB Phương cho rằng nên tập trung vào “những vấn đề bức thiết nhất, cử tri quan tâm nhất”. Theo đó, ông Phương đề nghị QH thực hiện chương trình giám sát chính sách pháp luật về cải cách nhà nước giai đoạn 2011-2016, vì đây là nội dung mang tính chất bao trùm.
“Nếu chúng ta có một bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, liêm chính thì chắc chắn không để xảy ra sai sót” – ông Phương nói và đặt vấn đề: “Hiện nay bộ máy tổ chức của chúng ta kín từ thôn xóm, tổ dân phố đến trung ương rất đầy đủ. Các cụ nói “đất có thổ công, sông có hà bá”, tức là có đủ hết nhưng tại sao vẫn xảy ra rất nhiều chuyện để người dân ai oán?”.
Lý giải tại sao có tình trạng trên, ông Phương cho rằng không phải do năng lực đội ngũ công chức, cán bộ kém mà do phẩm chất đạo đức kém.
“Những việc trên họ đều biết cả nhưng vì đằng sau đó có lợi ích chi phối nên người ta mới làm ngơ đi để cho xả thải chất độc ra môi trường một cách thoải mái, làm ngơ để cho hàng gian, hàng giả. Đấy là gì, đấy là phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức” – ông Phương nhấn mạnh.
Theo đó, vị ĐB này đề nghị: “Chúng ta phải tập trung làm rõ thực trạng bộ máy, cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2016 để làm rõ, chỉ ra xem cái gì dẫn đến sự yếu kém của chúng ta khiến dân ai oán. Chúng ta khắc phục được cái này sẽ không có chuyện bán không từ thứ gì, ăn không từ thứ gì”.
Bên cạnh đó, ông Phương cũng cho rằng cần xem lại việc quy trách nhiệm cá nhân. Không thể cứ để bộ máy làm sai xong trách nhiệm lại cứ đổ loanh quanh, dưới đổ cho trên, trên đổ cho dưới.
“70% nhân dân bỏ tiền đóng thuế để nuôi bộ máy và nếu bộ máy nhà nước không làm tròn trách nhiệm mới để ra hậu quả thế này. Vì vậy cần tập trung ưu tiên cho chuyên đề giám sát này để bộ máy thật sự trong sạch bởi Chính phủ khóa mới cũng đã có tuyên ngôn là “kiến tạo, hành động và liêm chính” -ông Phương nhấn mạnh.

Điều phân vân của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương
Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Bình) cho rằng “bộ máy nhà nước tự thân không làm nên được điều gì mà được tạo nên từ hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.
Theo ông Cương, nếu đội ngũ công chức, viên chức biết đến trách nhiệm và bổn phận của mình thì sẽ không có một nền hành chính nhiều ách tắc phiền hà, không có đầu tư dàn trải, hàng triệu đôla lãng phí mỗi năm, không có việc xả thải làm ô nhiễm môi trường ở một số tỉnh miền Trung vừa qua, việc cấp khống giấy chứng nhận chất lượng thủy sản, thức ăn chăn nuôi làm nông dân khốn đốn…
Nếu có bộ máy chính quyền địa phương vững mạnh thì không có tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, không có hàng chục vạn hộ dân nghèo khốn đốn về đa cấp…
“Mới đây, khi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đích thân đi kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm ở một địa phương, khi đoàn kiểm tra đến chỉ kiểm tra một cơ sở thôi thì tất cả cơ sở khác được mật báo, đóng cửa hết, án binh bất động chờ đoàn kiểm tra đi qua. Tôi cứ phân vân tự hỏi vai trò của địa phương ở đây là gì, chính quyền ở đâu cũng có bộ máy đầy đủ, cán bộ, công chức đông đảo nhưng hễ có việc gì xảy ra thì không biết, không thấy rõ khuyết điểm chính thuộc về ai, cái gì cũng đúng quy trình” – ông Cương nói.
Theo đó, ĐB Cương đề nghị việc giám sát cải cách hành chính phải đi vào cụ thể là làm rõ các quy định của pháp luật về trách nhiệm các cơ quan tổ chức hành chính các cấp, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Điều này sẽ giúp củng cố niềm tin của cử tri, nhân dân vào bộ máy nhà nước.




No comments:

Post a Comment

View My Stats