Sunday, 12 June 2016

VỀ CASE-STUDY MANG TÊN TÔN NỮ THỊ NINH (Dr. Nikonian)





Thứ Bảy, ngày 11 tháng 6 năm 2016

Như một người đàn ông, tôi có thiện cảm với bà Tôn Nữ Thị Ninh (TNTN).

Tuy không đẹp, nhưng dáng dấp bà ta thanh nhã, khác với những khuôn mặt u nần, nung núc thịt và mỡ mà ta vẫn thường thấy trên báo Nhân dân hay các chương trình thời sự.

Tuy là chính khách Việt Nam, bà ta lại có học vấn.

Tuy là chính khách, bà ta ăn mặc lịch lãm, khác với những bộ dạng xúng xính, áo đi đằng áo, người đi đằng người.

Lại tuy là chính khách, bà ta nói được nhiều ngoại ngữ, đi vẹt gót giày ở nhiều quốc gia Âu châu.

Tôi hiểu lý do của nhiều người trông cậy vào một chính khách biết nói tiếng Anh (tuy chưa chứng tỏ khả năng lội suối) như bà TNTN.

Mấy hôm nay bà TTNT bị mắc vạ về những lý lẽ cá nhân chung quanh ông Bob Kerrey làm chủ tịch Đại học Fullbright Việt Nam. Gọi là cá nhân, vì mặc dù bà xưng “chúng tôi”, nhưng không mấy ai đồng tình với bà ấy. Mà lại còn phản đối kịch liệt. Lý lẽ ra sao thì cộng đồng đã chỉ rõ là một sự hẹp hòi không đáng có, thậm chí đáng chê trách về sự thiển cận, hằn thù đằng sau lập luận của bà ta.

Như những người Việt Bolsa căm thù cộng sản thấu xương, thì ắt bà Ninh cũng hận người Mỹ đến như vậy sau cuộc chiến 30 năm tàn khốc kia. Ta nên đứng về phía bà ấy mà châm chước cho cái sự hẹp bụng này, nó hoàn toàn có thể hiểu được.

Vì khi người ta còn hận thù, người ta dễ sa vào sự u mê, cố chấp, cực đoan. Phe nào cũng thế!

Tôi thực lòng nghĩ vậy mà thờ ơ với lý lẽ của bà Ninh trong vụ Bob Kerrey. Ai chẳng biết người cộng sản thì hay thù vặt, và… thù rất dai!

Tuy nhiên, ký ức, nhất là ký ức thời Internet lại có tính dắt dây. Nó làm tôi nhớ lại cũng bà TNTN, nguyên đại sứ Ðặc Mệnh Toàn Quyền của VN tại Liên Hiệp Châu Âu (EU), phó chủ tịch Ủy Ban Ðối Ngoại của Quốc Hội, tại buổi họp báo tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia Hoa Kỳ hồi tháng 10 năm 2004, đã nói về tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam bằng một câu nói “bất hủ”:

“Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.”

Chính câu nói này, chứ không phải vụ ồn ào Fullbright mới làm tôi, một người dân nổi giận. Tôi không thể hiểu được một chính khách, một nhà ngoại giao, một giáo sư Đại học Văn khoa Sài Gòn lại có thể dùng một tương quan cha mẹ – con cháu để so sánh về nền pháp trị trong thế kỷ 21 được. Thời phong kiến hủ bại mà các đồng chí của bà ấy hô hào phản phong phản đế đã qua rồi. Nên quan chức, chính quyền không phải là bậc chi dân phụ mẫu; và nhân dân cũng không còn là “con đỏ” để qui thuận tuyệt đối, vô điều kiện như đạo hiếu hủ nho nữa. Thậm chí, khi cần diễn trò, người ta còn tôn nhân dân lên làm “bà mẹ Việt nam anh hùng”, người ta suýt khóc trước “mẹ”, người ta tự đặt mình làm con cái, đầy tớ nhân dân… cho nó đẹp và dễ bề lừa bịp.

Nói trắng ra như bà Ninh, tự đứng trên nhân dân mình, coi nhân dân như một đám con cháu hư hỏng cần được khiển trách, la mắng… thì quả là phản động và… mất dạy. Mà các bậc “con cháu” mang tên nhân dân được các đồng chí của bà Ninh “trừng trị” bằng cách nào. Chắc chắn không phải bằng động cơ “thương cho roi cho vọt”. Mà bằng những cách thế đê hèn, man rợ và tàn khốc:

Khủng bố vật chất và tinh thần. Hãm hại, vu cáo.

Tù đày, đưa một người tự do vào ngục tối, trong những điều kiện sống tồi tệ hơn một con vật.

Đánh đập, bạo hành đến sặc máu, quăng quật như một con vật giữa thanh thiên bạch nhật (ai không tin cứ thử đi biểu tình một bữa)
. …

Các cách man rợ như vậy mà so sánh với cha mẹ trừng trị con cái, thật thô bỉ và vô liêm sỉ.

Nhưng ta không nên tốn thời gian nhiều quá vào cá nhân bà Ninh. Bà ấy chỉ là một điển hình, trong muôn ngàn điển hình giữa những người đồng chí của mình. Qua bà ấy, ta thấy sự học có thể mang lại kiến thức, nhưng không trau giồi hiểu biết, không gieo mầm điều thiện. Qua bà Ninh, tôi mong mỏi những người trẻ, hãy nghi ngờ vào tính cách “có thể cải tạo”, có thể thay đổi trong não trạng và ý thức hệ của bà Ninh và những đồng chí của bà.

Không phải tự nhiên mà Cộng đồng Âu châu đã ra nghị quyết đặt chủ nghĩa mà bà Ninh theo đuổi (hay làm bộ theo đuổi) là “tội ác chống lại loài người”.

Không phải ngẫu nhiên mà Boris Yeltsin, một người cộng sản, đã xác định: “CNCS là không thể cải tạo, mà chỉ có thể tiêu diệt”.

Boris Yeltsin có cực đoan không? Cứ trông vào case study mang tên Tôn Nữ Thị Ninh thì rõ!

-----------------------

11:35:am 12/06/16 






No comments:

Post a Comment

View My Stats