Saturday, 25 June 2016

TỪ BREXIT ĐẾN . . . REGREXIT : HÀNG TRIỆU NGƯỜI ANH MUỐN BỎ PHIẾU LẠI (tin tổng hợp)





Người Việt Online
Saturday, June 25, 2016 3:47:20 PM 

Bài liên quan

---------------------------
 LONDON, Anh (NV) - Hơn hai triệu người dân Anh hôm Thứ Bảy hốt hoảng ký tên vào một thỉnh nguyện thư đòi bầu lại lần nhì, sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua đồng ý rút khỏi EU và tạo chấn động thị trường quốc tế, gây chia rẽ nước Anh, khiến thủ tướng phải tuyên bố từ chức và tạo thêm mối đe dọa là vương quốc Anh sẽ vỡ ra thành từng mảnh.

Người Anh nay bắt đầu hối tiếc về kết quả bỏ phiếu rời EU. Hình minh họa. (Hình: Odd Andersen/AFP/Getty Images)

Bản tin của hãng thông tấn AFP cho hay, ngay sau khi có kết quả cuộc bỏ phiếu hôm 23 Tháng Sáu, hơn 1.2 triệu người đã ký vào bản thỉnh nguyện thư trên trang web của chính phủ Anh, tính đến sáng Thứ Bảy, kêu gọi có cuộc bỏ phiếu lần thứ nhì - nhiều gấp 12 lần so với 100,000 chữ ký đòi hỏi cho một đề nghị khác đưa ra thảo luận tại Hạ Viện Anh. Vài giờ sau đó, số người kêu gọi lên đến trên 2 triệu.

Do có quá nhiều người vào để ký nên có lúc trang web này bị kẹt cứng, theo lời một phát ngôn viên quốc hội Anh.

Một ủy ban quốc hội, vốn có quyền đưa các đề nghị của dân chúng ra để các dân biểu tranh luận, sẽ khởi sự xem xét đề nghị có cuộc trưng cầu dân ý thứ nhì vào ngày Thứ Ba tới đây.

Nhiều người dân Anh, do lo ngại về tình trạng di dân kéo vào quốc gia này và bất ổn tài chánh, đã bỏ ngoài tai các cảnh cáo của thủ tướng David Cameron về thảm họa bị cô lập và suy thoái kinh tế để bỏ phiếu 52% thuận và 48% chống trong việc có nên rút khỏi EU, được gọi là “Brexit,” hôm Thứ Năm tuần trước.

Quyết định này đã khiến thị trường chứng khoán thế giới và đồng bảng Anh bị tụt dốc thảm hại. Tổ chức tài chánh Moody's cắt giảm giá trị tài chánh của quốc gia này xuống mức “âm” và cảnh cáo về đe dọa kinh tế cho nước Anh.

Ông Cameron loan báo hôm Thứ Sáu rằng sẽ từ chức vào Tháng Mười tới đây và để người kế vị thương thảo việc rút khỏi EU theo điều khoản 50 của Hiến Chương Lisbon, theo đó sẽ khởi sự giai đoạn 2 năm để rời khỏi tổ chức này.

Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo Âu Châu kêu gọi phải đẩy Anh ra khỏi khối càng sớm càng tốt.

Ủy Viên EU, ông Pierre Moscovici, hôm Thứ Bảy nói với đài phát thanh Radio 4 của Anh rằng cuộc thương thảo về “Brexit” phải diễn ra “sớm và nhanh chóng.”

“Tôi không hiểu tại sao chính phủ Anh cần tới Tháng Mười để quyết định là có gửi thư ly dị tới Brussels,” theo lời chủ tịch Ủy Ban Âu Châu (EC), ông Jean-Claude Juncker tuyên bố với đài ARD của Đức tối ngày Thứ Sáu. “Tôi muốn điều này xảy ra ngay lập tức,” ông nói thêm.

Ngoại trưởng sáu quốc gia thành viên sáng lập EU-gồm Đức, Pháp, Ý, Hòa Lan, Bỉ và Lục Xâm Bảo, sẽ họp với nhau tuần tới ở Berlin để thảo luận các biện pháp khẩn cấp nhằm đối phó với việc Anh rút ra.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho báo chí hay là sáu quốc gia này đồng ý rằng việc Anh rút khỏi EU phải khởi sự càng sớm càng tốt để tránh tình trạng lủng củng kéo dài và để EU có thể tập trung chú ý vào tương lai của Âu Châu.

Nước Anh cũng gặp nguy cơ bị rạn nứt vì Tô Cách Lan chống lại việc rút khỏi EU, với hơn 60% cử tri nơi này bỏ phiếu đòi ở lại. Tô Cách Lan nói rằng sẽ có cuộc thảo luận ngay lập tức với EU để giữ vị trí của mình trong khối. (V.Giang)

--------------------------


Bối rối sau khi quyết định rời EU, hơn 2 triệu người Anh muốn bỏ phiếu lại
VTC 26/06/2016 08:38 GMT+7 14 liên quan

Nhiều người Anh tỏ ra hối hận vì lá phiếu của mình và muốn tổ chức bỏ phiếu lại sau khi kết quả trưng cầu cho tháy 52% người dân nước này muốn rời EU.

Theo Telegraph, một lời kêu gọi bỏ phiếu lại của người dân Anh về vấn đề đi hay ở lại EU đã nhận được 2,3 triệu chữ ký, đây là con số lớn nhất về một kiến nghị từng được gửi lên website của Quốc hội Anh.
Tác giả của bản kiến nghị, William Oliver Healey cho biết Chính phủ cần tổ chức trưng cầu lại vì số người lựa chọn rời Eu dưới 60% và tổng số phiếu bầu dưới 75% dân số Anh.
Tuy nhiên, Giáo sư Vernon Bogdanor, một trong những chuyên gia hàng đầu về Hiến pháp Anh cho rằng việc bầu cử lại 'rất khó' xảy ra. Ông nói: "Tôi cho rằng, EU không muốn thương lượng thêm nữa, lần bỏ phiếu này là lần cuối cùng".
Ngoài ra, vị giáo sư từng là thầy của Thủ tướng Cameron tại Đại học Oxford cho rằng chính phủ sẽ phải 'rất cẩn thận' về việc kêu gọi trưng cầu dân ý trong tương lai.
Theo ủy ban bầu cử của Anh, số phiếu rời EU là 17,4 triệu, chiếm 51,9% và số phiếu ở lại là 16,1 triệu, chiếm 48,1%, lượng cử tri đi bầu là 72,2%. Thế nhưng, chỉ sau 24h, hàng triệu người đã đồng ý ký vào bản kiến nghị Chính phủ tổ chức trưng cầu lại.
Con số này đã vượt qua rất nhiều so với mốc 100.000 người đồng ý với một kiến nghị thì sẽ được đem ra xem xét tại Quốc hội.

Hối hận
Trong số những người bỏ phiếu Anh rời EU có không ít người không biết về ý nghĩa và hệ quả hành động của mình, thậm chí có người còn cho rằng lá phiếu của mình không ảnh hưởng đến đại cục.
Theo Google, vài giờ sau khi kết quả được công bố, người dân Anh mới vào trang tìm kiếm lớn nhất thế giới để tìm hiểu về vấn đề này. Các câu hỏi liên quan đến tác động của cuộc trưng cầu được tìm kiếm tăng vọt, ví dụ như cụm từ: "Việc gì sẽ xảy ra nếu Anh rời EU".
Ngoài ra, nhiều người Anh cũng chưa hiểu EU là gì khi câu hỏi "Liên minh châu Âu là gì" cũng được tìm kiếm tăng vọt sau sự kiện Brexit.

Video điều gì sẽ xảy ra với Anh sau khi quyết định rời EU
Có người vô tư bỏ phiếu rời châu Âu với suy nghĩ lá phiếu của mình không có ý nghĩa gì, họ cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến thời kỳ bất ổn sẽ diễn ra trong vài tháng tới và không ít người tỏ ra hối hận với lựa chọn của mình.
Để rời khỏi EU, nước Anh sẽ phải tham gia vào rất nhiều cuộc đàm phán, thương thuyết trong thời gian chưa xác định.
Anh và EU phải ngồi với nhau để soạn ra những thỏa thuận mới, trước mắt là thương mại, nếu Anh không muốn rời khỏi thị trường chung, họ vẫn phải đóng góp cho EU và thực hiện các quy định của liên minh.
Bên cạnh đó, việc tự do di chuyển giữa các công dân Anh và EU cũng được đưa lên 'bàn cân', giải quyết các vấn đề về người Anh đang ở EU và các công dân thuộc EU đang ở Anh.

Tùng Đinh (Nguồn: Telegraph)

-----------------------------

Thu An  -  VnEconomy
09:03 - Chủ Nhật, 26/6/2016

Đã có hơn 2,7 triệu người Anh ký tên vào đơn thỉnh nguyện gửi Quốc hội, đề nghị tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý...

Tính đến thời điểm sáng 26/6 theo giờ Việt Nam, hơn 2,7 triệu người Anh đã ký tên vào đơn thỉnh nguyện gửi Quốc hội, đề nghị tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý, chỉ hai ngày sau khi cuộc trưng cầu này kết thúc.

Một trong những từ khóa nóng nhất trên mạng xã hội tại Anh hiện tại có lẽ là Regrexit - chỉ sự hối hận của cử tri nước này sau khi đã bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (EU).

400 nghìn, 1 triệu, 1 triệu rưỡi, 2 triệu, rồi 2,3 triệu. Còn tính đến thời điểm hiện tại, tức là 9h sáng 26/6 theo giờ Việt Nam, đã có hơn 2,7 triệu người Anh ký tên vào đơn thỉnh nguyện gửi Quốc hội, đề nghị tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý, chỉ hai ngày sau khi cuộc trưng cầu này kết thúc. Tăng rất nhanh, con số này chưa có vẻ gì sẽ ngừng lại.

Trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, 48% cử tri Anh bỏ phiếu chọn ở lại EU, 52% chọn rời khỏi EU, tính trên tỷ lệ người đi bỏ phiếu đạt 72% so với số lượng đăng ký ban đầu.

Mới được lập cách đây 3 ngày, lời kêu gọi trên website ký đơn thỉnh nguyện có đoạn viết: “Chúng tôi đồng lòng ký tên dưới đây để kêu gọi Chính phủ áp dụng quy định chặt chẽ hơn cho cuộc trưng cầu dân ý lần tới, theo đó, bất kỳ lựa chọn “Ở lại” hay “Rời đi” nào nếu nhận được tỷ lệ ủng hộ thấp hơn 60% và có dưới 75% số cử tri đăng ký đi bầu thực sự thì cuộc trưng cầu dân ý phải được tổ chức lại”.

Phần lớn người ký đơn sống tại London, Brighton, Oxford, Cambridge và Manchester - những khu vực có đa số phiếu chọn ở lại EU.

Với số lượng người ký đơn lớn nhất từ trước đến nay, chắc chắn Quốc hội Anh sẽ phải xem xét đề nghị này. Website của Quốc hội Anh có thời điểm đã "sập" do lượng truy cập tăng vọt dẫn đến quá tải.

Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố và thực sự chứng kiến hậu quả sau đó, không ít người dân Anh đang tỏ ra nuối tiếc về những lá phiếu “Rời đi” của mình.

Theo nhân viên một số điểm bỏ phiếu, họ đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại hỏi xem người dân có thể đến bỏ phiếu lại để thay đổi kết quả được không, thậm chí một số cử tri còn thừa nhận đã bỏ phiếu lấy lệ, chứ vẫn tin tưởng Anh sẽ ở lại EU.

Thống kê từ Google cho thấy, tỷ lệ tìm kiếm từ khóa “EU là gì?” (What is the EU?) của người dân Anh đã tăng đột biến từ tối thứ Năm, ngay sau khi đa số cử tri nước này đã chọn rời EU.

Lượng tìm kiếm theo từ khóa “Điều gì xảy ra nếu chúng ta rời EU?” (What happens if we leave the EU?) cũng tăng tới 250%, sau khi cuộc trưng cầu dân ý đã kết thúc. Nhiều tờ báo của Anh ngay lập tức đáp ứng nhu cầu hiểu biết cơ bản của độc giả bằng cách đăng hàng loạt bài viết giải thích nếu Anh rời EU thì mọi chuyện sẽ ra sao.

Không ít ý kiến trên mạng xã hội bình luận, dường như có một tỷ lệ không nhỏ người Anh đi bỏ phiếu mà không hiểu rõ mình đang bỏ phiếu cho điều gì và nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ ra sao.




No comments:

Post a Comment

View My Stats