Tuesday, 7 June 2016

SO SÁNH BOB KERREY & TÔN NỮ THỊ NINH (Thạch Đạt Lang)





Thạch Đạt Lang
Posted by adminbasam on 07/06/2016
.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, ông Bob Kerrey và bản tin thảm sát Tết Mậu Thân

Hơn một tuần lễ qua, lang thang ở California, Hoa Kỳ, tôi ít có dịp ngồi vào bàn với cái laptop, chỉ theo dõi tin tức ở Việt Nam qua cái smartphone cũ, thế hệ thứ 3 của cô con gái cho (mượn).

Đọc những bài báo nói về việc bổ nhiệm ông Bob Kerrey làm chủ tịch Hội Đồng Tín Thác (Board of Trustees – BOT) trường đại học Fulbright vừa được cấp giấy phép thành lập tại Việt Nam, gây ra nhiều tranh cãi, tôi đã muốn viết ra những điều suy nghĩ của mình, nhất là sau khi đọc lá thư ngỏ của bà Tôn Nữ Thị Ninh, nhưng không quen sử dụng bàn phím quá nhỏ như đám trẻ khi viết message, tôi đành chịu chết. Mãi tới hôm nay mới có dịp ngồi lại với cái laptop của mình, tôi viết vội vài dòng, nói lên nhận định của mình, so sánh 2 nhân vật nổi tiếng của Mỹ và Việt Nam trong cùng một vấn đề: Lương Tâm và Lòng Tự Trọng.
Bài viết sẽ không nói đến lịch sử thành lập, nguồn tài chánh hoạt động hay những chuyên khoa đào tạo của trường đại học Fullbright.

Xin được nói về Bob Kerrey trước.

Bob Kerrey là một sĩ quan của đơn vị SEAL (See Air Land – Đơn vị tác chiến đặc nhiệm Mỹ), sinh năm 1943. Ngày 25.02.1969, ông chỉ huy một toán quân, đột nhập vào làng Thạnh Phong, nơi theo tin tình báo có một số chỉ huy cao cấp của Việt Cộng đang có mặt trong làng Thạnh Phong, quận Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Làng Thạnh Phong là một địa điểm được đánh giá là vùng khai hỏa tự do (Free-Fire Zone).

Theo báo cáo của Kerrey, khi tiến vào làng, toán đặc nhiệm của Kerry bị du kíck núp trong nhà dân bắn ra nên họ khai hỏa xối xả vào làng. Sau khi ngưng tiếng súng, lục soát khắp làng, Kerry và toán quân chỉ thấy khoảng 14 xác của những thiếu niên trẻ chừng 18 tuổi và phụ nữ nằm rải rác trong làng.

Năm 1998 Kerrey đã nói: Thay vì thấy Việt Cộng với vũ khí, tôi chỉ thấy phụ nữ và trẻ em.
Một thành viên trong toán của Kerry, Gerhard Klann đã nói khác với những gì Kerry tuyên bố. Klann cho biết, toán của ông đã tập trung phụ nữ, trẻ em lại từ những căn nhà tranh rồi quyết định xả súng bắn họ, sau đó rời khỏi làng. Lời nói của Klann được xác nhận bởi một nhân chứng sống sót trong vụ tàn sát – bà Phạm Thị Lành.

Sau vụ Thạnh Phong, Kerrey được thưởng huy chương đồng vì đã tiêu diệt được một đơn vị VC, bắn hạ 21 địch quân, thu hai súng cá nhân.

Kerrey cũng bị thương, phải cắt mất một bàn chân trong một trận giao tranh ở gần Nha Trang năm 1969. Sau chiến tranh Việt Nam, năm 1982 Kerrey trở thành thống đốc tiểu bang Nebraska từ 1983 đến 1987.

Từ năm 1989 đến 2001 Bob Kerrey là thượng nghị sĩ của Nebraska trong quốc hội liên bang.
Bob Kerrey đã bày tỏ sự ân hận, sự đau đớn, dằn vặt của lương tâm về lỗi lầm của mình gây ra ở làng Thạnh Phong năm 1969. Ông đã nỗ lực tối đa trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh do mình gây ra bằng những hành động thúc đẩy, xây dựng quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt, xóa bỏ lệnh cấm vận…

Ông nói: “Bạn không bao giờ có thể quên được nó, nó sẽ ám ảnh bạn suốt đời cho đến khi chết. Tôi nghĩ rằng, đó là những ngày đen tối nhất của tối, chết cho đất nước của bạn là điều uổng phí vô cùng và điều đó có thể xẩy ra nhưng giết người cho đất nước của bạn còn tồi tệ hơn”.

Nhân vật thứ hai: Tôn Nữ Thị Ninh

Tôn Nữ Thị Ninh, sinh năm 1947, sinh trưởng và lớn lên ở miền Nam, dòng họ hoàng tộc Huế. Du học ở Pháp và Anh. Tóm lại là một trí thức của miền Nam. Bà theo cộng sản, tham gia Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam với vai trò chạy cờ cho hòa đàm Paris từ năm 1968 đến 1973 cũng như thông dịch tiếng Anh cho bà Nguyễn Thị Bình (đại diện MTGPMN) trong những cuộc gặp gỡ không chính thức với phái đoàn Mỹ.

Về nước năm 1972, làm phó khoa Anh Ngữ của Đại học Sư phạm Sàigòn. Không hiểu vì chính sách chiêu hồi, vì tình báo VNCH làm ăn hạch đụi hay chủ trương tôn trọng dân chủ, tự do mà chính phủ VNCH lại chấp thuận cho bà Ninh ở vào vị trí này.

Sau năm 1975, tình cờ gặp ông Xuân Thủy – Trưởng ban Đối ngoại của trung ương đảng CSVN, là người đã biết bà qua hòa đàm Paris – đưa về làm việc tại ban đối ngoại trung ương. Cuộc đời của bà Ninh lên hương từ đó.

Gạt bỏ qua một bên chính kiến của bà.

Khi phê phán, chỉ trích sự bổ nhiệm Bob Kerrey vào chức vụ chủ tịch Hội Đồng Tín Thác của đại học Fullbright, bà Ninh đã không thấy được sự thành tâm ăn năn, hối lỗi, dằn vặt, đau đớn của Bob Kerrey về cuộc thảm sát ở Thạnh Phong.

Kerrey và toán đặc nhiệm của ông đã giết 21 người dân Thạnh Phong, nhưng đó là thời điểm chiến tranh. Trong cơn hoảng loạn giết hoặc bị giết, để có một sự chọn lựa, dễ có những quyết định sai lầm.

Vấn đề chính là sau đó, hồi tưởng lại, người ta phải làm gì, hành động, cư xử ra sao với lỗi lầm của mình?

Cá nhân người viết tin rằng, Bob Kerrey thật sự thành tâm hối lỗi với hành động sát hại người dân Thạnh Phong. Những lời nói đầy cảm xúc khi hồi tưởng biến cố, những hành động thiết thực, vận động với cương vị của mình để nối lại quan hệ Việt-Mỹ, xóa bỏ cấm vận đã chứng tỏ điều này.

Còn bà Tôn Nữ Thị Ninh, sinh ra ở Huế, nơi có cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 1968 của Việt Cộng với hơn 4.000 người dân vô tội, từ trẻ em đến phụ nữ ở thôn Vĩ Dạ, Khe Đá Mài… với những chứng tích bị trói, cột vào nhau bằng dây kẽm gai. Bà Ninh đã có lời nói nào lên án những kẻ chủ trương cuộc thảm sát này? Hoàn toàn không.

Cuộc thảm sát đó, đến ngày hôm nay vẫn được bà Ninh và chế độ bà phục vụ tìm cách lấp liếm, chạy tội, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Từ anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngọc Phan đến Nguyễn Đắc Xuân, Cao Thị Quế Hương… vẫn tảng lờ, chối bay biến hay vô liêm sỉ hơn là đổ qua cho quân đội VNCH, Mỹ là thủ phạm.

Thú thật tôi phải bái phục sự trơ trẽn, gian dối, lì lợm của người CS mà điển hình là bà Tôn Nữ Thị Ninh.

Kerrey và toán đặc nhiệm giết 21 người Việt Nam, những người bị giết không phải là đồng bào của họ, tuy nhiên ông vẫn ân hận, hối lỗi bằng lời nói và bằng hành động thiết thực.

Chế độ cộng sản VN, những người đồng chí của bà Ninh, chế độ bà phục vụ không những chỉ giết hơn 4.000 người dân vô tội trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968 mà còn hơn hàng trăm ngàn người trong Cải Cách Ruộng Đất 1953-1956 ở miền Bắc, trong số đó có cả những người cùng chung chiến tuyến nhưng không cùng giai cấp với người cộng sản.

Những lãnh đạo, đồng chí của bà Tôn Nữ Thị Ninh, đứng đầu là Hồ Chí Minh, giết người một cách tỉnh táo, thản nhiên, không vì lòng căm thù, không phải vì hoảng loạn.

Ngày hôm nay, những kẻ gây ra tội ác với dân tộc, đất nước đó vẫn chưa có một lời ăn năn, hối hận. Đi xa hơn nữa, họ còn định tổ chức triển lãm thành tích tội ác của mình với viện bảo tàng Cải Cách Ruộng Đất, cũng may là người dân đã phản đối dữ dội nên phải dẹp tiệm sau vài ngày khai trương.

Không thấy bà Ninh lên tiếng chỉ trích, phê bình việc này. Một người trí thức thật sự, phải dùng sự hiểu biết, kiến thức, sở học của mình phục vụ dân tộc, đất nước, xã hội. Bà Tôn Nữ Thị Ninh đã làm ngược lại, bà chỉ phục vụ cho tội ác, cho tham vọng cá nhân. Con người trí thức, cái học, sự hiểu biết của bà thật đáng tởm, phỉ nhổ.

Viết đến đây, thú thật tôi thấy lợm giọng khi nhìn khuôn mặt kiêu ngạo, vô cảm của bà Tôn Nữ Thị Ninh trong những tấm hình trên tờ báo Infonet, trên các trang mạng đăng lá thư ngỏ của bà.

Xóa bỏ hận thù nhưng không được quyền xóa bỏ lịch sử. Đúng thế! Bob Kerrey đã thành tâm muốn xóa bỏ hận thù, ông không hề muốn xóa bỏ lịch sử.

Bẩy mươi mốt năm qua kể từ khi ĐCS VN cướp chính quyền đã chứng minh điều đó. Chỉ có bà Ninh, những người đồng chí của bà, đảng CSVN là không hề muốn xóa bỏ hận thù, chỉ muốn xóa bỏ lịch sử. Không xóa bỏ được lịch sử, bà Ninh, đảng và chế độ CSVN luôn luôn tìm cách bóp méo, xuyên tạc sự thật, biện hộ cho tội ác của mình.
____

BẢN CHẤT CUỘC CHIẾN
7-6-2016

“Tại sao ra đi từ Huế mà bà chưa từng một lần chất vấn chính quyền về cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế.” Việc nhiều Facebookers đặt câu hỏi này với bà Tôn Nữ Thị Ninh ngay sau khi bà lên tiếng phản đối quyết định bổ nhiệm cựu thượng nghị sỹ Bob Kerrey làm chủ tịch FUV cho thấy cuộc tranh luận vừa qua không còn nhắm vào cá nhân Bob Kerrey hay trường FUV nữa mà trở thành cuộc tranh luận về bản chất cuộc chiến tranh mà Bob Kerrey ở đó.

Không ai nói bà Ninh nói sai người ta chỉ đòi bà, nếu vẫn tự nhận là trí thức, thì cần phải công bằng.

Bà Ninh vốn vẫn từng ung dung nói những điều tương tự và bà vẫn được phần lớn công chúng “sinh ra và lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa” thần tượng. Nhưng người Việt Nam bây giờ không còn chỉ được bú mớm từ bầu sữa của hệ thống tuyên giáo. Không có gì bất ngờ khi vẫn còn có khá nhiều người ủng hộ bà và cũng càng không bất ngờ khi có rất nhiều người phản đối bà.

Cho dù ý kiến bạn thế nào cũng nên cám ơn Nguyen Thanh Tuan vì đã khơi mào cho cuộc tranh luận vô cùng hữu ích này.

PS: Tôi nghĩ là chúng ta không nên đặt vấn đề tha thứ cho những hành vi tội ác như Bob Kerrey đã làm nhưng nên đặt hành vi ấy trong hoàn cảnh chiến tranh. Điều quan trọng là đừng để chiến tranh xảy ra vì nó sẽ nhanh chóng biến những con người thành con thú.
___

Mời đọc thêm bài viết mới của bà Tôn Nữ Thị Ninh: Thư ngỏ của bà Tôn Nữ Thị Ninh gửi người Việt Nam và các bạn Mỹ (LĐ).

Mời đọc lại: Xin hỏi bà Ninh Tôn Nữ: Động cơ nào… (Blog RFA/ BS).





No comments:

Post a Comment

View My Stats