Wednesday, 8 June 2016

GS. Chu Hảo: BOB KERREY NÊN Ở HAY NÊN ĐI? (Nguyễn Xuân Diện-Blog)





Thứ Hai, ngày 06 tháng 6 năm 2016

Tôi chưa một lần gặp măt Bob Kerrey, chỉ tìm hiểu về ông khi theo dõi những việc xẩy ra sau Lễ công bố Quyết định thành lập ĐH Fulbright Việt Nam (FUV). Qua hồ sơ vụ thảm sát thường dân ở Bến Tre năm 1969, qua các bài phát biểu và trả lời phỏng vấn của ông về các vấn đề có liên quan, qua một vài người bạn thân hữu của ông, và những ý kiến trái chiều trên các phương tiện truyến thông trong và ngoài nước.

Sự việc không đơn giản chỉ là sự lựa chọn người thích hợp vào một chức vụ cụ thể, mà nó phản ảnh một cách sâu sắc cách chúng ta hiểu về cuộc chiến tranh đã qua, cách chúng ta nhìn nhận quá khứ và hướng tới tương lai. Nhưng đó là một câu chuyện rất dài và rất phức tạp. Phức tạp đến nỗi sau 50 năm mà ít, rất ít người có lương tri, hiểu biết và nghiêm túc ở cả hai phía, dám tự nhận là mình có thể trả lời một cách rõ ràng và đầy đủ các câu hỏi : Cuộc chiến tranh tàn khốc và đau đớn ấy thực chất là cuộc chiến tranh gì? Là “Ý thức hệ ủy nhiệm”? “ Xâm lược”? hay “ Giải phóng”? Trách nhiệm của từng người trong cuộc ( người dân, người lính đến các tướng lĩnh và các nhà lãnh đạo Quốc gia ) đến đâu? Còn hệ lụy thì nhiều, nhưng được cô đọng lại trong lời thơ bất hủ của Nguyễn Duy ghi trên tường thành Angkor Wat, vào ngày cuối cùng quân đội Việt Nam rút khổi Campuchia, tháng 8 năm 1989: “ Suy cho cùng mọi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng thì nhân dân cũng bại”. Đối với Việt Nam và Hoa Kỳ thì cái thất bại nhất mà nhân dân cả hai phía đều gánh chịu phải chăng là nỗi ám ảnh của cuộc chiến tranh: nó quằn quại và không rứt ra được! Xin các bạn hãy đọc lại tác phẩm để đời “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh…

Ủng hộ hay phản đối việc bổ nhiệm Bob Kerey làm Chủ tịch Hội đồng tín thác của FUV nằm trong bối cảnh kể trên. Tùy vào cách đối xử với nỗi ám ảnh ấy mà mỗi người lựa chọn thái độ của mình. Lý lẽ của bên phản đối là rất rõ ràng : Đã là đao phủ thì không bao giờ trở thành thánh thiện, “tôn vinh” một kẻ đã giết hại thường dân trong chiến tranh là xúc phạm đến anh linh của những người đã mất và tình cảm thiêng liêng của nhân dân.

Nhưng những người đã mất thì không phát biểu được nữa, còn nhân dân thì bao gồm cả những người có trách nhiệm bổ nhiệm Bob Kerey và những người ủng hộ ( có vẻ như ngày càng đông ). Họ nói rằng : Sát nhân mà biết hối cải chân thành, không chỉ bằng lời nói ( vốn đã rất đáng quý ) mà còn bằng việc làm ( trong trường hợp cụ thể của Bob Kerey là rất có sức thuyết phục ) vẫn có thể trở thành Bồ tát. Họ còn nói thêm rằng: Sự bổ nhiệm Bob Keryey vào cương vị mới không những là lựa chọn thích hợp vì tính hiệu quả mà còn mang tinh thần nhân bản giúp chúng ta vượt qua nỗi ám ảnh của chiến tranh. Lý lẽ này đã thuyết phục tôi. Nhưng điều thuyết phục tôi nhất lại là thái độ đàng hoàng, đúng đắn ( chứ không phải chỉ là đứng đắn!) của ông. Ông đã nói khá nhiều và nhất quán quan điểm của mình về vấn đề đang được thảo luận, và lời trần tình sau đây có lẽ là tiêu biểu: “Tôi đã làm những điều tồi tệ và sẽ sống với nó suốt đời mình. Nhưng tôi không sống trong quá khứ. Tôi sống ở hiện tại và đang cố gắng làm mọi việc có thể để giúp Việt Nam xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”. Không nên đòi hỏi gì hơn ở một con người đàng hoàng, tử tế, khiêm cung và trí tuệ như vậy!

Với tinh thần cẩn trọng Bob Kerrey đã tuyên bố sẵn sang rút lui nếu sự tham gia của ông ảnh hưởng tới cơ hội thành công của FUV. Riêng tôi nghĩ rằng: ông tuyệt đối không nên rút lui vào lúc này, không phải chỉ vì lợi ích riêng của FUV mà những người quyết định lựa chọn ông đã cân nhắc, mà còn vì một điều gì đó cao cả hơn trong quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta.

Chu Hảo 
Hội An, ngày 2 tháng 6 năm 2016 




No comments:

Post a Comment

View My Stats