Tuesday, 8 May 2012

VỤ THU HỒI ĐẤT Ở VĂN GIANG - HƯNG YÊN (báo PLTP)




Đoan Trang  (báo PLTP)
07/05/2012 - 02:20

LTS: Hơn 10 ngày trôi qua, câu chuyện về vụ cưỡng chế thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án Ecopark ở Văn Giang (Hưng Yên) vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận.

Người ta không hiểu được vì sao có sự “đối đầu” gay gắt giữa một bộ phận nông dân có đất ở đây với chủ đầu tư và chính quyền trong việc này. Họ kiên trì bám trụ, thậm chí dùng xẻng, cuốc, gạch, đá… để giữ đất.
Từ vụ việc này, phải chăng chính sách, luật pháp hiện hành liên quan việc quy hoạch, phê duyệt dự án, đền bù - bồi thường thu hồi đất… đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần sớm xem xét, hoàn thiện.
PV Pháp Luật TP.HCM đã về Văn Giang tìm hiểu thực tế, trao đổi với các chuyên gia pháp luật, quy hoạch… góp phần lý giải căn nguyên của vấn đề.

Ngay chiều 24-4, đại diện chính quyền huyện Văn Giang đã thông báo với báo chí là việc cưỡng chế thu hồi đất và hỗ trợ thi công dự án ở xã Xuân Quan đã hoàn tất, chính quyền địa phương đã bàn giao mặt bằng 72 ha ở đây cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, đối với chính quyền và những người dân liên quan, sự việc dường như chưa khép lại. Còn nhiều vấn đề phải giải quyết sau cưỡng chế.

Sống nhờ đất, khá giả nhờ đất
Đêm 23 và ngày 24-4 vừa qua có lẽ sẽ trở thành một ký ức khó quên được đối với nhiều người dân ở xã Xuân Quan. Họ đã phải bấm bụng để bị thu mất phần đất canh tác ít ỏi - nguồn sống duy nhất suốt bao nhiêu năm qua của gia đình mình.
Buổi chiều sau cưỡng chế, trỏ tay ra bãi đất trước mặt còn tanh bành những cây bật gốc, đổ rạp, mẹ vợ anh Truyền (xóm 3, xã Xuân Quan) chép miệng: “Cây cối nhà tôi đây. Chỗ cây cảnh này tới gần tết trị giá phải cả tỉ đồng. Vợ chồng nó (anh Truyền) đêm qua tranh thủ dời đi được ba xe, còn lại coi như mất sạch!...”.
Anh Truyền bần thần, không nói năng gì. Mãi tới lúc nghỉ tay dọn dẹp, vào nhà uống chén nước, anh mới nghèn nghẹn: “Thế là mất hết. Nhà tôi hai bên nội ngoại mất khoảng 5-6 sào”.
Sau vụ cưỡng chế đất vừa qua, nhiều nhà cứ tiếc cho số cây cảnh bị cày ủi, hư hại. “Con nhà bà Nghiêm hôm qua khóc, kêu là mất nhiều hải đường quá, phải tới mấy trăm triệu đồng”. “Anh Thơm bên kia mất tầm trên 200 triệu đồng, toàn cây cảnh giá trị”. “Cả cái vườn lộc vừng 1.000 gốc, mỗi gốc mấy trăm ngàn đồng”…
Nhưng đó là thiệt hại trước mắt. Còn về lâu dài, chuyện người dân mất đất canh tác mới là nỗi lo lớn.
Theo nhiều lão nông cho biết ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao (Văn Giang) là đất thuần nông với hơn 3.900 hộ nông dân sống nhờ vào đất. Vùng này từ xưa đã có tiếng là đất “bờ xôi ruộng mật”. Với chủ trương dồn điền đổi thửa của Nhà nước, người dân ở đây đã chuyển đổi thành công từ thóc lúa sang vườn cây, ao cá. Dịp giáp tết, lộc vừng, quất, hải đường Văn Giang sáng rực các chợ hoa Hà Nội.
Một lão nông kể: “Người thì trồng cây cảnh, cây thế, người thì cây bóng mát, cây công trình. Đi khắp cái làng Xuân Quan này mới thấy sao nhà gác, nhà tầng nhiều, đầy đủ tiện nghi thế, có gia đình vài ba xe máy. Đó là người ta đi lên từ đồng ruộng. Trung bình mỗi sào ở đây ít cũng phải mang lại cho dân dăm bảy chục triệu mỗi năm”.

Mất đất vì dự án
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên, dự án khu đô thị Văn Giang (còn được gọi là Ecopark) được thực hiện theo phương thức “đổi đất lấy hạ tầng”. Chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng - Vihajico) sẽ thi công một con đường giao thông liên tỉnh, nối từ cầu Thanh Trì đi thị xã Hưng Yên. Bù lại tỉnh sẽ góp vốn bằng 500 ha đất nông nghiệp để Vihajico đầu tư xây dựng một khu đô thị sinh thái, có chức năng thương mại, dịch vụ và nhà ở.
Vihajico thuyết trình: “Nếu dự án được thực hiện, cơ cấu sản xuất của các xã Cửu Cao, Xuân Quan, Phụng Công từ sản xuất nông nghiệp sẽ chuyển sang đô thị thương mại, dịch vụ. Dự án là tiền đề tạo ra thế mạnh sử dụng có hiệu quả quỹ đất hiện có, tạo ra động lực phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội, thương mại, vui chơi giải trí…”.
Chính quyền và chủ đầu tư dự án có thừa luận cứ để thuyết minh về tính hợp lý và sự cần thiết khi biến 500 ha đất nông nghiệp thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ. Thế nhưng đối với người dân có truyền thống làm nông lâu đời, việc tách họ khỏi mảnh ruộng, vườn cây, ao cá gắn bó lâu đời với họ, là nguồn sống bao đời nay của gia đình họ là điều không đơn giản.
Thực tế, chủ đầu tư và chính quyền hầu như chưa có động thái cụ thể nào chuẩn bị cho việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở đây. Lẽ ra chính quyền phải có phương án dạy nghề, đào tạo nghề để giúp người dân chuyển đổi từ lâu, chứ không phải đùng một cái lấy đất của người dân với lời giải thích sẽ chuyển sang làm thương mại, dịch vụ...

Họ sẽ sống bằng gì?
Điều đáng ngại hiện nay là sau cưỡng chế, nhiều hộ dân ở xã Xuân Quan đã không còn đất canh tác và hoàn toàn không có phương án nghề phụ thay thế.
Thông tin từ chính quyền cho rằng “số hộ bị cưỡng chế vẫn còn diện tích đất canh tác chứ không phải thu hồi toàn bộ” nhưng có thông tin khẳng định với PV, qua đợt cưỡng chế hôm 24-4 vừa qua, không ai còn ruộng nữa.
Cũng thông tin từ chính quyền cho biết dự án “có đất dịch vụ liền kề để giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi” nhưng cụ thể ra sao không ai rõ.
Ông Dũng, người xã Xuân Quan, than thở: “Xuân Quan có 8.000 nhân khẩu, tôi cứ cho là người già yếu chiếm 4.000 thì 4.000 còn lại làm cái gì ra tiền bây giờ? Nói thực là bây giờ dân làng chơi nhiều rồi. Ban ngày người đi lại trên đường làng đông nghịt đấy. Có việc gì mà làm đâu”.
Trước mắt, đã có những gia đình phải đi mò cua bắt ốc, nhặt nhạnh cho đủ tiền mua gạo. Trong tương lai, sẽ ra sao nếu hàng ngàn người trong độ tuổi lao động phải chơi suốt ngày?
ĐOAN TRANG
*
*
*
HOÀNG THƯ  (báo PLTP)
08/05/2012 - 01:20

Lý giải đến tận cùng nguyên nhân xung đột giữa một số người dân có đất bị thu hồi trong dự án với chủ đầu tư và chính quyền ở Văn Giang không thể không bàn đến vấn đề lợi ích của các bên liên quan.
Được và mất không chỉ là bài toán của chủ đầu tư, mà lớn hơn và bao trùm hơn là bài toán của chính quyền, những người hơn ai hết có thể bảo đảm sự hài hòa về quyền lợi của các bên khi thực hiện dự án.
Như đã nêu trong bài trước, việc thu hồi đất ở xã Xuân Quan - Văn Giang đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của một số người dân nhưng cuối cùng, ngày 24-4 vừa qua, chính quyền cũng đã thực hiện xong việc cưỡng chế và đã bàn giao 72 ha cho chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng -Vihajico).

Chỉ chủ đầu tư được lợi?
Căn cứ giá đền bù, có thể thấy cán cân lệch hẳn về phía chủ đầu tư, nếu không muốn nói là gần như chỉ có họ được lợi. Người được lợi ít hơn, không đáng kể là Nhà nước và người chịu thiệt là nông dân.
Để thực hiện dự án khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (gọi tắt là khu đô thị sinh thái Ecopark), 3.900 hộ dân của ba xã Cửu Cao, Xuân Quan và Phụng Công sẽ gần như không còn đất sản xuất nông nghiệp - vốn là sinh kế duy nhất của họ từ nhiều thế hệ qua.
Với mức giá đền bù chỉ 135.000 đồng/m2, mỗi hộ dân có năm nhân khẩu và 2,5 sào ruộng ở đây có thể nhận về số tiền hơn 120 triệu đồng. Số tiền này đủ để duy trì cuộc sống của năm con người trong vòng một năm. Trong khi đó, các giải pháp hỗ trợ, giúp người dân chuyển đổi nghề, chuyển sang làm dịch vụ… không thấy gì. Từ đó, có thể nói thu hồi đất đồng nghĩa với việc cắt đứt nguồn sống của họ.
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết có một phép so sánh đơn giản: “Đền bù cho người ta chỉ hơn 100.000 đồng/m2, nghĩa là gì? Nghĩa là mua được vài lít xăng hoặc ba bát phở. 1 m2 đất nông nghiệp, kết quả tích tụ của hàng bao nhiêu năm, lại là cái người nông dân phải đổ ra bao nhiêu mồ hôi mới có được, chưa tính đến chuyện trong đó có cả thành quả cách mạng chia cho người ta nữa, mà giờ trả quá rẻ mạt. Làm sao người ta sống được?”.
Trong khi đó, theo khảo sát của Pháp Luật TP.HCM, giá căn hộ tại khu chung cư Rừng Cọ thuộc Ecopark được mở bán từ tháng 3-2011 đã ở mức 21-27 triệu đồng/m2. Con số này trừ chi phí đầu tư hạ tầng, xây dựng… vẫn còn lại khoản lợi nhuận lớn rơi vào túi nhà đầu tư và sau đấy có thể là giới đầu cơ nhà đất.
Về khoản đóng góp cho cho ngân sách Nhà nước từ dự án này, ông Thuyết đặt vấn đề: “Ecopark có làm đường, làm cầu cho Nhà nước, gọi là “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng”. Thực ra số tiền ấy cũng có thể tính bằng ngàn tỉ đồng nhưng không phải là lớn lắm cho ngân sách Nhà nước. Cái chính là theo tôi, ở những trường hợp như thế này thì chúng ta phải đánh giá xem có nên phát triển kinh tế theo kiểu Nhà nước bán quyền sử dụng đất như thế hay không”.
Đó là chưa kể Ecopark cũng tỏ ra là một dự án gây ra sự lãng phí lớn về tài nguyên đất nông nghiệp, trong bối cảnh Việt Nam đang phải cố gắng duy trì tối thiểu 3,8 triệu ha đất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
“Có thể chúng ta sẽ có được một khu đô thị sinh thái rất đẹp nhưng rõ ràng chúng ta đã lãng phí một tài nguyên rất lớn. Đó là đất nông nghiệp, nhất là đất ở Văn Giang, vốn được đánh giá là đất hai lúa, bờ xôi ruộng mật. Xét về mặt chính sách, phải tính toán để các tỉnh đồng bằng có thế mạnh về đất nông nghiệp, đất lúa phát triển đô thị một cách phù hợp” - ông Thuyết nói.
Liệu lợi ích mà khu đô thị mang lại, theo như chủ đầu tư hứa hẹn: Sẽ hình thành một khu đô thị mới, xanh, sạch, đẹp, đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu đô thị du lịch, giải trí và thương mại đặc thù Việt Nam phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước; sẽ hình thành một trung tâm buôn bán, giao dịch thương mại phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân - trung tâm kinh tế khu vực của tỉnh, trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí… có bù đắp được những thiệt hại, mất mát của người dân nơi đây?

Không được để mất lòng dân!
Ở góc độ khác, ông Thuyết bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng, khi qua vụ cưỡng chế vừa qua, “chỉ thu được mấy hecta mà hình ảnh chính quyền trở nên rất xấu” trong mắt người dân.
Ông lý giải: “Họ đã khiếu kiện rất nhiều nhưng chính quyền không lắng nghe, không giải quyết hợp tình hợp lý, cuối cùng tổ chức cưỡng chế, ắt không tránh khỏi việc họ có hành động phản kháng để bảo vệ đất…”.
Thực tế ở Xuân Quan, “di chứng” còn lại của vụ cưỡng chế là nỗi kinh sợ trong tâm lý người dân khiến họ cảnh giác với tất cả người lạ. Tối tối người già họp nhau lại than thở về mất mát, còn thanh niên cầm gậy gộc, giáo mác tự chế “đi tuần” bên ngoài…
Xung quanh chuyện được mất, người dân Xuân Quan vẫn nhắc lại chuyện năm 1955, bà con đã từng tự nguyện hiến 90 mẫu đất, năm 1958 hiến gần 200 mẫu để đào sông, phục vụ cho việc bơm nước xây dựng công trình thủy lợi nổi tiếng Bắc Hưng Hải. Cũng năm ấy, chỉ trong vòng hơn một tuần lễ, gần 150 hộ gia đình ở Bát Tràng đã tự nguyện dỡ nhà, ra đi để nhường chỗ cho con kênh đào dẫn nước vào cống Xuân Quan.
Ông Bàn, xóm 4, xã Xuân Quan khẳng định: “Người dân chúng tôi không hề muốn chống đối chính quyền. Nếu thấy đúng đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thì chúng tôi có thể hiến tất cả đất ruộng và ngay cả đất thổ cư để phục vụ cho công cuộc kiến quốc”.
Đó cũng là điều đáng suy ngẫm.

HOÀNG THƯ
*
*
*
Đoan Trang -  Thanh Ngọc  (báo PLTP)
09/05/2012 - 03:00

70% khiếu nại của công dân có liên quan đến đất đai mà nhiều nhất là khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Gần 30 năm qua, Luật Đất đai cùng hàng loạt nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành… đã qua nhiều lần chỉnh sửa với nỗ lực tiếp cận thực tế, giải quyết các rắc rối, xung đột phát sinh trong lĩnh vực bồi thường giải tỏa, thu hồi đất. Thế nhưng khiếu kiện liên quan vẫn không giảm và có xu hướng ngày càng gay gắt…
Khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất làm dự án, giá đền bù-bồi thường thấp, bất hợp lý không phải đến giờ mới xảy ra. Và cũng không phải chỉ ở một, hai địa phương… Nhưng việc giải quyết của chính quyền còn lúng túng, nơi thế này, nơi thế khác.

Nhà nước thu hồi hay doanh nghiệp phải mua?
“Chúng tôi muốn thỏa thuận với chủ đầu tư để đạt được mức giá đền bù hợp lý, hoàn toàn dựa trên quy định pháp luật mà Nhà nước đã ban hành. Đúng ra Nhà nước chỉ làm trung gian giúp hai bên thỏa thuận chứ sao lại cưỡng chế chúng tôi phải chấp nhận mức giá 135.000 đồng/m2 này?”. Đó là nguyện vọng chung của người dân ở Văn Giang.
Về chuyện này, cũng có một số ý kiến đồng tình: Đối với những công trình an ninh quốc phòng hoặc phúc lợi chung thì rõ là chính quyền được giao quyền đứng ra thu hồi đất với phương án bồi thường phù hợp, còn đối với các công trình kinh tế thì nhà đầu tư phải trực tiếp thương lượng với dân theo giá thị trường chứ hà cớ gì chính quyền lại đứng ra thay mặt cho nhà đầu tư thu hồi, áp giá đền bù rẻ mạt, ép dân như vậy?
Thế nhưng chính quyền tỉnh Hưng Yên thì lại có cách lý giải khác: Đây là dự án đổi đất lấy hạ tầng chứ không phải là dự án phát triển kinh tế của chủ đầu tư. Chủ đầu tư đã đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng để làm đường bộ liên tỉnh từ cầu Thanh Trì (Hà Nội) đi TP Hưng Yên, hơn 3.000 tỉ đồng để xây dựng hạ tầng khu đô thị và hạ tầng thuộc huyện Văn Giang, vì vậy tỉnh phải có trách nhiệm giao đất thuộc dự án cho chủ đầu tư như cam kết.
Từ thực tế, có thể thấy có đến ba, bốn cách hiểu, cách vận dụng luật khác nhau trong thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế:
1. Nhà nước đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp chủ đầu tư trong việc ra quyết định thu hồi đất, phê duyệt bồi thường và khi cần thiết sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất giao cho chủ đầu tư dự án.
2. Để có đất thực hiện dự án, doanh nghiệp chủ đầu tư phải thương lượng, thỏa thuận giá bồi thường giống như là mua lại giá trị đất từ người đang sử dụng.
3. Nhà nước tạo quỹ đất để giao cho doanh nghiệp chủ đầu tư thực hiện đổi đất lấy hạ tầng hoặc cho thuê...
4. Trong các dự án, doanh nghiệp chủ đầu tư tạo điều kiện cho người có đất góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc tham gia các dự án thành phần để cùng đầu tư sinh lợi, cùng phát triển.
Thực tế triển khai các dự án thời gian qua cho thấy việc thực hiện phương thức 1 thường bộc lộ bất cập, phát sinh khiếu kiện. Đa phần người có đất bị thu hồi thường kêu giá đền bù thấp, không hợp lý do bị áp đặt từ giá đất do Nhà nước quy định.
Người ta kỳ vọng cơ chế thỏa thuận về giá giữa chủ đầu tư và người có đất sẽ giải quyết hợp lý quyền lợi của các bên, giảm khiếu kiện. Thế nhưng Luật Đất đai 2003 và Nghị định 181 cũng chỉ mở hé cánh cửa hẹp cho cơ chế này. Bởi theo quy định, các dự án thuộc diện thực hiện cơ chế thỏa thuận rất ít và thuộc loại nhỏ lẻ. Qua thực tế cho thấy cơ chế này cũng không phát huy được hiệu quả như mong muốn. Nhiều dự án lại bị tắc do chính cơ chế thỏa thuận giá đền bù khi bên có đất cố tình dây dưa với những yêu sách khó có thể đáp ứng.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển đã từng lưu ý: Quy định về cơ chế tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế cũng bộc lộ những hạn chế do giá thỏa thuận thường cao hơn giá bồi thường, gây khó khăn trong công tác thu hồi đất. Một số dự án đã thỏa thuận được trên 90% diện tích đất nhưng diện tích còn lại không đạt được thỏa thuận mà chưa có cơ chế xử lý...

Giá nào là phù hợp?
Ở dự án Khu đô thị Vân Giang, xuất phát điểm để định giá đền bù chính là bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh ban hành từ ngày 30-12-2005. Dù xác định đất ở ba xã Phụng Công, Cửu Cao, Xuân Quan thuộc khu vực 1, có giá đất cao nhất tỉnh tại thời điểm đó nhưng mức giá đền bù chỉ 100.000 đồng/m2.
Đến năm 2008, UBND tỉnh chốt lại: Cộng các khoản hỗ trợ từ nhà đầu tư, các hộ dân chấp hành giao đất đúng tiến độ được nhận 135.000 đồng/m2. Mức giá ấy như đã phân tích là quá thấp, không phù hợp giá trị đất thực tế.
Luật sư Lê Đức Tiết - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật của MTTQ VN phân tích: Các địa phương thường dựa trên khung giá đất quy định để lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án. Không ít nơi, khung giá đất do Nhà nước quy định không theo sát giá thị trường, giá đền bù không đúng với giá mà người dân bán đất. Đây chính là mấu chốt vấn đề, làm nảy sinh khiếu kiện, tiêu cực và tham nhũng…
Giải bài toán về giá đền bù-bồi thường quả thật không đơn giản. Nhưng nguyên tắc cốt lõi ở đây phải được khẳng định: Quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất phải được bảo đảm. Không vì nhân danh quyền lợi chung, sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mà hy sinh quyền lợi của người dân, đẩy họ vào chỗ không còn nguồn sống.
Nhiều chuyên gia cho rằng ngay cả trong các dự án thực hiện theo phương thức thu hồi đất, quyền lợi của người bị thu hồi đất vẫn có thể giải quyết ổn thỏa, hài hòa nếu chính quyền và chủ đầu tư chịu ngồi lại với người dân, bàn bạc dân chủ, công khai với tinh thần hợp tác. Điều tối kỵ là dùng quyền lực, dựa vào quyền lực để ép dân, tước đoạt quyền lợi của dân.

ĐOAN TRANG - THANH NGỌC




.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats